Lũy kế đến 31/8/2023, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 ước giải ngân được 32.702 tỷ đồng, đạt 59,7% tổng kế hoạch được giao. Ảnh: Song Lê |
Bứt tốc chặng nước rút
Trước đó, tính tới hết tháng 7, giá trị giải ngân cả nước là 253.354 tỷ đồng, đạt 33,46% kế hoạch (35,83% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đối sánh số liệu này cho thấy, tiến độ thanh toán NSNN trong tháng 8 cải thiện rõ nét với giá trị giải ngân khoảng 46.093 tỷ đồng, bằng 6,14% kế hoạch vốn năm 2023.
Ước thanh toán đến hết tháng 8, giá trị giải ngân nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 đạt 20.538 tỷ đồng, tương đương 37,53%. Tính tới hết tháng 7, giá trị giải ngân nguồn vốn này là 14.452 tỷ đồng, đạt 26,41% kế hoạch. Tốc độ giải ngân nguồn vốn kéo dài sang năm 2023 trong tháng 8 được cải thiện từ hiệu quả các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho dự án đầu tư công.
Mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023 trông chờ rất lớn đối với nhóm bộ, địa phương có kế hoạch vốn lớn, song để hoàn thành mục tiêu là một thách thức lớn. Đơn cử, với tổng kế hoạch vốn năm 2023 lên tới 95.223 tỷ đồng, ước tới 31/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giải ngân được 46.466 tỷ đồng, đạt 48,8% tổng kế hoạch. Tại Bộ này, tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài mới đạt 0,33% sau 8 tháng.
TP. Hà Nội và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hưng Yên, Đồng Nai là những địa phương có tốc độ giải ngân trong tháng 8 tích cực nhất trong nhóm. Cụ thể, sau 8 tháng đầu năm, Hà Nội giải ngân 22.522 tỷ đồng, đạt 44,06% kế hoạch (7 tháng đạt 19.128 tỷ đồng); Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 7.273 tỷ đồng, tương đương 46,45% (7 tháng đạt 5.796 tỷ đồng); Hưng Yên đạt 5.476 tỷ đồng, tương đương 38,75% kế hoạch (7 tháng đạt 4.438 tỷ đồng); Đồng Nai đạt 5.319 tỷ đồng, tương đương 33,78% (7 tháng đạt 2.934 tỷ đồng).
Trong khi đó, một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai trong tháng 8 không giữ được đà tăng tốc giải ngân như các tháng trước, nên tỷ lệ giải ngân so với tổng kế hoạch vốn chỉ nhích nhẹ trên bảng thống kê. Cụ thể, TP.HCM đạt 36,61% (tháng 7 đạt 34,06%); Hải Phòng đạt 41,86% (tháng 7 đạt 38,40%); Quảng Ninh đạt 32,70% (tháng 7 đạt 27,63%); Bình Dương đạt 36,61% (tháng 7 đạt 34,06%).
Ước thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm tới hết tháng 8 là 319.985 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê |
Cần bảo đảm chất lượng
Tính tới hết tháng 8/2023, giải ngân các dự án trọng điểm tiếp tục cải thiện đáng kể, duy trì tốc độ tăng mạnh so với kỳ báo cáo trước. Cụ thể, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giải ngân được 57.276 tỷ đồng, đạt 87,1% tổng kế hoạch vốn được giao, trong đó thuộc kế hoạch vốn năm 2023 là 9.800 tỷ đồng, đạt 57,1% kế hoạch năm 2023.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 giải ngân được 32.702 tỷ đồng, đạt 59,7% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2023 là 27.925 tỷ đồng, đạt 61,7%. Đối với 3 dự án xây dựng đường cao tốc gồm Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ước giải ngân được 7.000 tỷ đồng trên tổng số 14.892 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023, đạt 47% kế hoạch.
Bên cạnh các con số tích cực trên, áp lực giải ngân những tháng cuối năm 2023 đang rất lớn và đối mặt nhiều vướng mắc. Đó là, một số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư vì vậy chưa thể giải ngân vốn kế hoạch năm. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không thực hiện việc phân bổ và giải ngân. Một số địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân. Đặc biệt, các vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, khan hiếm vật liệu đắp nền; chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh dự toán giá hợp đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án… vẫn tồn tại.
Bộ Tài chính đánh giá tỷ lệ giải ngân 8 tháng kế hoạch năm 2023 tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40% trở lên. Trong đó, một số bộ, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Tiền Giang (62,12%), Long An (66,18%), Đồng Tháp (66,94%).
Cùng với quyết tâm của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương lớn phía Nam như TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đang rất quyết liệt trong điều hành nhằm đẩy nhanh nguồn vốn NSNN vào các dự án, đồng thời lưu ý khía cạnh phải bảo đảm hiệu quả đầu tư thông qua chất lượng từng dự án xây dựng. Sự lưu ý này từ lãnh đạo các địa phương không phải không có lý do, bởi trên thực tế, nhiều dự án hạ tầng giao thông khi đưa vào sử dụng đã phát sinh những sự cố đáng tiếc. Đơn cử như sự cố ngập nước tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, sạt lở cao tốc La Sơn - Túy Loan…
Chia sẻ nhanh với Báo Đấu thầu qua điện thoại, lãnh đạo một số ban quản lý dự án (QLDA) đóng vai trò chủ đầu tư các công trình cao tốc lớn vừa khởi công như : Ban QLDA công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, Ban QLDA các công trình giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban QLDA giao thông TP.HCM, Ban QLDA số 2 (Sóc Trăng), Ban QLDA công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp đều chung nhận định, áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn với nhiều vướng mắc cần tháo gỡ như giải phóng mặt bằng, thủ tục giao mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù, biến động giá vật liệu, nhân công… Bên cạnh đó, việc phải tăng tốc giải ngân đồng thời đảm bảo chất lượng công trình là bài toán khó mà người trong cuộc phải tìm ra lời giải.