Ảnh Internet |
Đây là áp lực lớn cho các nhà bán lẻ nội, trong khi việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối có vốn FDI chưa hiệu quả.
Bùng phát kênh bán lẻ hiện đại
Theo dự báo, đến năm 2020, kênh bán lẻ hiện đại (kênh MT) sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, số trung tâm thương mại cũng tăng lên trên 300 điểm và cửa hàng tiện lợi lên đến hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn.
Giới chuyên gia dự đoán, kênh MT sẽ tiếp tục phát triển, từng bước định hình thị trường bán lẻ, dù hiện nay chỉ mới chiếm 25% tổng số doanh số bán lẻ trong nước. Xu hướng mở rộng đô thị hoá sẽ thúc đẩy kênh MT phát triển nhanh và mạnh hơn trong vài năm tới.
Dự kiến, tốc độ tăng trưởng bán lẻ đạt trung bình 11,9%, quy mô thị trường khoảng 180 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45% tổng giá trị. Dấu hiệu xuất hiện các mô hình kinh doanh ngầm dưới mặt đất như công viên 23/9 ở TP.HCM và sắp tới là hàng loạt công viên khác sẽ được ngầm hoá hệ thống cửa hàng bán lẻ (chưa kể đường ngầm metro tương lai) sẽ ngày càng rõ hơn.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) FDI đã chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị; khoảng 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 15% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua Internet, qua truyền hình, qua điện thoại...).
Thị trường bán lẻ sẽ gia tăng cạnh tranh cả chiều rộng và chiều sâu, tạo áp lực lên các nhà bán lẻ trong nước. Thị phần của các đơn vị bán lẻ quốc tế dự báo tiếp tục mở rộng hơn nữa, tạo thuận lợi cho sản phẩm nhập khẩu, tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp đối với các nhà sản xuất hàng hoá Việt Nam.
Kiểm soát bằng “rào chắn” ENT
Trước bối cảnh như vậy, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo một số bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ việc phát triển mạng lưới bán lẻ của DN FDI theo quy định pháp luật, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Bởi việc thực hiện ENT ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng.
ENT được coi như một “rào chắn” quan trọng của Việt Nam trong kiểm soát các nhà phân phối nước ngoài tại thị trường của mình, bảo hộ hợp lý và hợp pháp các nhà bán lẻ trong nước. Bởi vì, ENT thực chất là một loại “rào cản kỹ thuật” trong lĩnh vực bán lẻ mà các nước WTO đã chấp thuận để đổi lấy việc Việt Nam mở rộng cửa thị trường bán lẻ. ENT được thiết kế như một công cụ cho phép Việt Nam kiểm soát được số lượng cơ sở bán lẻ của một nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam và giới hạn số lượng này tuỳ thuộc vào nhu cầu kinh tế trong những bối cảnh cụ thể.
Như đề xuất của ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cơ quan quản lý cần thúc đẩy công cụ ENT và đặc biệt quan tâm đến chiến lược cổ phần hoá các DN thương mại, ưu tiên chọn và hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược Việt Nam tham gia; cũng như xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử, gây sức ép, lợi dụng ưu thế thị phần lớn trên thị trường bán lẻ.