Nhà thầu thi công trên công trường Dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu). Ảnh: Như Nguyệt |
Tại Dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu), các nhà thầu đều rất sốt ruột vì tiến độ 5 gói thầu xây lắp tiến triển chậm. Cuối tháng 4/2024, các gói thầu xây lắp đạt khoảng 13% giá trị so với hợp đồng đã ký kết, đến nay sau gần 4 tháng, con số này cũng chỉ đạt chưa đến 17%.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình giao thông tỉnh Đồng Nai (Chủ đầu tư) đánh giá, tiến độ tại dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng này đang chậm hơn so với kế hoạch. Theo Chủ đầu tư, đây là dự án lớn, quá trình lập và duyệt dự án đầu tư phải lấy ý kiến các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải nên thời gian lập dự án kéo dài. Cùng với đó, quá trình triển khai thi công gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) nên tiến độ bị ảnh hưởng.
“Tại Gói thầu số 11, đến thời điểm này, nhà thầu chỉ có thể thi công hạng mục cầu Thống Nhất. Đối với phần đường dẫn 2 đầu cầu, sản lượng đạt được rất ít do thiếu mặt bằng. Phần mặt bằng thi công đường dẫn 2 đầu cầu bàn giao còn ít, lại đứt quãng, không liên tục nên không thể triển khai thi công đồng loạt”, ông Trần Hoàng Nam, Giám đốc Ban Điều hành dự án, Công ty CP Đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông cho biết.
Với Dự án Đầu tư xây dựng Hương lộ 2 (TP. Biên Hòa), theo kế hoạch ban đầu, Dự án hoàn thành vào cuối năm 2022. Nhưng do gặp nhiều vướng mắc, Dự án được gia hạn thời gian thi công đến ngày 4/2023, rồi gia hạn tiếp đến cuối năm 2023 và tiếp tục được gia hạn đến cuối năm 2024. Khó khăn trong GPMB khiến tuyến đường gần 2 km này vẫn chưa hoàn thành kể từ thời điểm khởi công cuối năm 2020 đến nay. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 782,927 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng 180,923 tỷ đồng; đảm đương thi công là Liên danh Công ty CP Cường Hùng - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.
Tại Dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, theo ông Ngô Đông Chí, đại diện Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6), Dự án hiện đã hoàn thành xây dựng phần cầu chính, nhưng về tổng thể chưa hoàn thành do phần đường dẫn phía mố cầu M2 thuộc phường Tam Phước đang trong thời gian chờ lún. Theo kế hoạch ban đầu, đây là khu vực sẽ được thi công trước và chờ lún, sau đó các hạng mục tiếp theo mới được thi công. “Tuy nhiên, do nhà thầu chậm được bàn giao mặt bằng, hạng mục này phải thi công sau cùng nên toàn Dự án phải chờ lún và chưa thể nghiệm thu hoàn thành”, ông Ngô Đông Chí cho biết.
Theo tìm hiểu, 5 gói thầu xây lắp tại Dự án Đầu tư xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 2 đầu cầu) gồm: Gói thầu số 7 (118,629 tỷ đồng) do Liên danh Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Quản Trung thi công; Gói thầu số 9 (211,085 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII - Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương đảm nhiệm; Gói thầu số 11 (479,770 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông - Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII - Công ty CP VINADELTA - Công ty CP SHC thi công; Gói thầu số 13 (179,109 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP 471 - Công ty CP Cầu đường 10 đảm nhiệm; Gói thầu số 15 (117,913 tỷ đồng) do Công ty CP Cường Hùng thi công.
Được biết, Tiểu dự án bồi thường, GPMB Hương lộ 2 do Trung tâm Phát triển quỹ đất Biên Hòa thực hiện. Theo đó, cơ quan này đang tập trung thực hiện để có thể hoàn tất bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư trong tháng 7/2024. Tuy nhiên, ông Nguyễn Linh, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD giao thông tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu hoàn tất khâu bàn giao mặt bằng trong tháng 7 thì Dự án Hương lộ 2 cũng không thể hoàn thành theo mốc thời gian trong năm 2024 bởi Chủ đầu tư và nhà thầu cần thời gian thực hiện các thủ tục nghiệm thu, hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn công trình cầu Vàm Cái Sứt dự kiến cuối tháng 12/2024 kết thúc chờ lún, nhà thầu sẽ thi công hoàn thiện và sau đó hoàn tất công tác nghiệm thu, bàn giao trong quý I/2025. Đáng chú ý là không thể hoàn thành Dự án đường trục trung tâm TP. Biên Hòa trong năm 2024.
Do vậy, đại diện Chủ đầu tư cho rằng, cả 3 dự án trên buộc phải tiếp tục thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, gia hạn thời gian thực hiện. Ban QLDA ĐTXD giao thông tỉnh Đồng Nai nhận định, việc phải điều chỉnh tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện các dự án là bất khả kháng và sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Đối với các nhà thầu thi công, việc phải kéo dài thời gian thi công có thể phát sinh rủi ro nếu giá vật liệu xây dựng biến động mạnh vì các gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói.
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Cường Hùng cho biết, việc gia hạn hợp đồng xây lắp vì thiếu mặt bằng ảnh hưởng nhiều đến nhà thầu. Khi trúng thầu, các nhà thầu đã có phương án huy động nhân lực, máy móc để thi công theo đúng tiến độ đã lập trong hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, khó khăn về GPMB kéo dài, không chỉ ảnh hưởng tiến độ mà đặt nhà thầu trước nhiều rủi ro khi vỡ phương án tổ chức thi công đã định. Nhà thầu mong muốn sớm hoàn tất bàn giao mặt bằng để được thi công khối lượng còn lại, kết thúc dự án.