Ba kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023: 5,64%, 5,72% hay 6,46%?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Trong kịch bản tích cực nhất, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,46% trong năm 2023.
Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023"

Toàn cảnh Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023"

Sáng 10/7, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023".

Tại Hội thảo, các chuyên gia đánh giá, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Tư duy về cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực và cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương được cân nhắc tích cực hơn. Chính phủ cũng tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án không hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém... Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định.

Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Chỉ số CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). Đây là thành công quan trọng trong điều hành chính sách kinh tế - xã hội trong các tháng đầu năm.

Nửa đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm 30/6/2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%). Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện tăng 0,5%.

Hoạt động xuất khẩu của cả nước gặp nhiều khó khăn. Tổng giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì thặng dư thương mại (ước đạt hơn 12,2 tỷ USD).

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2023, GIZ đưa ra 3 kịch bản. Trong đó, với kịch bản thiếu tích cực nhất, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,34%, xuất khẩu giảm 5,64%, chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%, cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD. Ở hai kịch bản còn lại, GIZ dự báo GDP có thể đạt 5,72% và 6,46%.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, đánh giá những yếu tố gây khó khăn, bất định cho phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm 2023 và các kiến nghị định hướng, giải pháp chính sách liên quan. Các nội dung quan trọng xoay quanh "công thức" điều hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) trong nhiều năm qua. Các chuyên gia cũng thống nhất với yêu cầu phải có động lực mới, nhanh và thực chất hơn nữa cho cải cách và điều hành kinh tế trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục