Ba lý do để không quá lo ngại về lạm phát

Trong bộ số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cuối quí 1 vừa qua, lạm phát là một trong những chỉ số kinh tế vĩ mô được quan tâm nhiều nhất. 
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quí 1 năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2015 tăng 0,74%; năm 2016 tăng 1,25%). Ảnh: TL
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quí 1 năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2015 tăng 0,74%; năm 2016 tăng 1,25%). Ảnh: TL

Được quan tâm vì xu hướng tăng nhanh của chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước đã xuất hiện kể từ cuối năm 2016 và có xu hướng tiếp diễn trong ba tháng đầu năm nay. Thêm vào đó, mức tăng nhanh của chỉ số này cũng có thể ảnh hưởng tới các quyết sách về chính sách tiền tệ và tài khóa trong thời gian còn lại của năm 2017.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quí 1 năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm gần đây (năm 2015 tăng 0,74%; năm 2016 tăng 1,25%). Về cơ bản có một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên như: các địa phương tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình (riêng trong tháng 3, giá nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,5% so với tháng trước; giá nhóm hàng giáo dục tăng 0,75% so với tháng trước); quí đầu năm trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng lên (bình quân quí 1-2017, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,36% vào mức tăng CPI chung); giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong ba tháng đầu năm tăng mạnh, khiến cho giá xăng dầu bình quân quí 1 tăng 34,92% so với cùng kỳ, đóng góp 1,45% vào mức tăng CPI chung.

Cả chỉ số lạm phát toàn phần lẫn lạm phát cơ bản nhiều khả năng sẽ không chịu quá nhiều áp lực tăng trong các tháng tới.
Mặc dù chỉ số lạm phát toàn phần có mức tăng khá nhanh ngay từ thời điểm đầu năm nhưng về bản chất, chỉ số này đang chịu ảnh hưởng lớn bởi các nhóm hàng có biến động giá mang tính tạm thời, ngắn hạn (lương thực, thực phẩm và năng lượng) và các nhóm hàng được điều chỉnh giá do các quyết định mang tính hành chính của Nhà nước (y tế, giáo dục). Tuy vậy, ngay cả khi căn cứ trên mức lạm phát toàn phần thì rủi ro gây áp lực tăng mạnh lên chỉ số này trong các tháng còn lại của năm 2017 cũng được đánh giá là không quá lớn. Có một số lý do như sau:

Thứ nhất, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế về cơ bản đã hoàn thành xong bước 2. Ước tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn năm tỉnh, thành chưa thực hiện điều chỉnh xong. Do vậy, mức độ ảnh hưởng còn lại của lộ trình tăng giá dịch vụ y tế trong các tháng tới sẽ không lớn. Đối với nhóm hàng giáo dục, theo ước tính, lộ trình tăng giá nhóm hàng này (bao gồm học phí các cấp học từ mầm non đến đại học) theo Nghị định 86 sẽ khiến chỉ số CPI chung mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 0,3% từ nay đến năm 2021. Đây là mức tăng nhỏ, khó gây đột biến đến chỉ số lạm phát chung.

Thứ hai, giá dầu thế giới sau giai đoạn hồi phục khá mạnh kể từ cuối năm 2016 đang cho dấu hiệu điều chỉnh và có thể sẽ ổn định quanh mức 50 đô la Mỹ/thùng trong thời gian tới. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC dường như không còn nhiều hỗ trợ cho giá mặt hàng này trong ngắn hạn. Đó là chưa kể thỏa thuận này sẽ kết thúc vào tháng 6-2017. Trong trường hợp các nước không tìm được tiếng nói chung về việc gia hạn thỏa thuận, nhiều khả năng giá dầu sẽ còn điều chỉnh về những mức giá thấp hơn. Ngoài ra, việc các giàn khoan dầu (trong đó bao gồm cả các giàn khoan dầu khí đá phiến) liên tục tăng trở lại ở khu vực Bắc Mỹ kể từ đầu năm 2017 đến nay cũng là tín hiệu rất đáng chú ý. Theo báo cáo của Baker Hughes thì tổng số giàn khoan tại khu vực này tại thời điểm 7-4-2017 là 971 giàn khoan, tăng khoảng hai lần so với mức 484 giàn khoan của một năm trước đó. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, cung dầu thô sẽ được bổ sung và gây tác động giảm đến giá dầu thế giới. Với những diễn biến này, áp lực tăng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm bớt, qua đó, giá nhóm hàng giao thông sẽ tránh được mức tăng đột biến.

Thứ ba, tình hình thời tiết trong năm 2017 có thể sẽ bớt cực đoan hơn năm 2016, giúp nguồn cung lương thực thực phẩm được đảm bảo. Trên thực tế, khu vực nông nghiệp đã lấy lại mức tăng trưởng dương trong quí 1 năm nay (tăng 1,38% thay cho mức giảm sâu 2,69% của quí 1-2016). Điều này sẽ giúp ổn định mặt bằng giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.

Với những phân tích ở trên, cả chỉ số lạm phát toàn phần lẫn lạm phát cơ bản nhiều khả năng sẽ không chịu quá nhiều áp lực tăng trong các tháng tới. 

Tin cùng chuyên mục