Bà Rịa - Vũng Tàu: Liệu có hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nên kết quả giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay vẫn đạt khá thấp, trong khi thời gian còn lại của năm 2022 chỉ còn hơn hai tháng.
Kết quả giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay vẫn đạt khá thấp. Ảnh minh họa: Internet
Kết quả giải ngân vốn các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến nay vẫn đạt khá thấp. Ảnh minh họa: Internet

9 tháng mới giải ngân chưa đến 40%

Tổng số nguồn vốn đầu tư công được giao trong năm 2022 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bao gồm cả vốn Trung ương và cấp huyện xã là 14.436,604 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch năm 2021 được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 là 946,476 tỷ đồng; vốn kế hoạch năm 2022 là 13.490,133 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 30/9/2022, kết quả giải ngân đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn Tỉnh là 5.556,387 tỷ đồng, đạt 38,48% so với kế hoạch giao, thấp hơn 9 tháng của năm 2021 (41,26%).

Các chủ đầu tư giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của Tỉnh có thể kể đến là: Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (27,47%), Ban QLDA chuyên ngành giao thông (18,45%), Ban QLDA chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (14,49%), Công an Tỉnh (7,14%). Riêng UBND TP. Bà Rịa, UBND huyện Đất Đỏ và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu chưa giải ngân được đồng nào.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân chưa cao là do các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đang trong thời gian thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình, kiểm toán, lập và trình thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án; sau khi dự án được UBND Tỉnh phê duyệt quyết toán, chủ đầu tư mới thanh toán nốt 10% giá trị hợp đồng còn lại cho nhà thầu.

Ngoài ra, một số dự án đang triển khai thi công nhưng còn bị vướng mặt bằng nên không thể tiếp tục thi công theo tiến độ. Một số dự án có phát sinh tăng do điều chỉnh vị trí, quy mô đầu tư, điều chỉnh giá hợp đồng, tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng nên chủ đầu tư phải thực hiện xong thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mới đủ căn cứ pháp lý để thực hiện các công việc tiếp theo nên chậm giải ngân.

Đáng lo ngại nhất là năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu thi công còn hạn chế, dẫn đến việc thi công kéo dài không theo đúng tiến độ chi tiết đã ký kết với chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa đề xuất các biện pháp xử lý đối với nhà thầu.

Trong khi đó, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng không đáp ứng nhu cầu dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng (nhất là đối với các hợp đồng trọn gói), chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chủ đầu tư cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất phức tạp do các quy định thuộc lĩnh vực đất đai còn một số tồn tại, hạn chế như: xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật không thống nhất; xác định giá đất; thời gian thông báo thu hồi đất.

Cùng với đó, một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, do có sự chênh lệch giữa giá đất Nhà nước thu hồi với giá đất các khu đất xung quanh, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Một số dự án khi trình thẩm định chủ trương đầu tư chưa đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; quy mô đầu tư, suất đầu tư chưa phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn do các bộ, ngành trung ương ban hành, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Khẩn trương chạy nước rút

Vậy, trong những tháng còn lại, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đưa ra giải pháp gì để triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022?

Trước mắt, về điều chỉnh vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cho biết đã nhận được đề xuất điều chỉnh giảm vốn kế hoạch năm 2022 của 1 chương trình và 51 dự án của 19 chủ đầu tư với tổng số vốn đề nghị giảm là 1.042,662 tỷ đồng. Hiện, Sở đang rà soát với các chủ đầu tư, trình phê duyệt điều chỉnh vốn kế hoạch năm 2022 của các dự án trong nội bộ chủ đầu tư và giữa các chủ đầu tư với nhau.

Sở yêu cầu chủ đầu tư dự án khẩn trương thực hiện các thủ tục nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng; đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình đã có đủ mặt bằng thi công. Nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu, không để dồn khối lượng hoàn thành vào cuối năm mới làm nghiệm thu thanh toán.

Đối với các công trình đang triển khai thi công do còn vướng mặt bằng, Sở đề nghị chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân bàn 15 giao mặt bằng và kịp thời xử lý tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại có liên quan đến các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.

Đối với giải pháp chung, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Người đứng đầu cấp ủy địa phương và các chủ đầu tư phải cam kết hoàn thành giải ngân 100% theo số vốn đã đề xuất và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công.

Chỉ còn đúng một quý cho việc hoàn thành giải ngân hơn 60% vốn đầu tư công còn lại là một áp lực khá nặng nề đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguyên nhân đã được chỉ ra, giải pháp cũng đã có, vấn đề còn lại vẫn tùy thuộc vào sự thực hiện của các bên liên quan.