Bibica, DN từng được kỳ vọng tạo dấu ấn thương hiệu Việt nhưng đang chùng lại, dù có thương hiệu, có nhà máy, có nguồn lực tài chính |
Đến thời điểm hiện nay, bên cạnh mối lo về 2 vấn đề mà Bibica đã gặp phải trong mấy năm vừa qua, cổ đông Bibica còn thêm nỗi băn khoăn mới xuất hiện tại báo cáo tài chính quý IV/2015 của Công ty.
Chi phí bán hàng tăng NHANH
Quý IV/2015, doanh thu bán hàng của Bibica tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Từ chỗ doanh thu thuần đạt 410,783 tỷ đồng quý IV/2014, trong quý IV/2015, Công ty đã tăng doanh thu lên mức 463,445 tỷ đồng, tương đương mức độ tăng trưởng 13%.
Tăng doanh số, Bibica lại làm được điều tuyệt vời là giảm mạnh giá vốn hàng bán, dẫn đến tỷ lệ giá vốn hàng bán trên doanh thu chỉ còn 59% thay vì mức 63% như cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, lãi gộp quý IV/2015 của Bibica tăng tới 24% chỉ sau một năm.
Thế nhưng, con số lợi nhuận thực tế mà cổ đông Bibica nhận được trong quý IV/2015 lại không cải thiện tương ứng với chỉ tiêu doanh thu hiển thị. Lợi nhuận ròng cổ đông công ty mẹ trong quý IV/2015 là 21,8 tỷ đồng, thấp hơn con số của năm 2014 là 23,655 tỷ đồng.
Vì sao lại có sự sụt giảm này? Câu trả lời là chi phí bán hàng tăng trở lại. Chỉ trong quý IV/2015, chi phí bán hàng của Bibica đã lên tới con số 114,75 tỷ đồng, đưa tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần lên mức xấp xỉ 24,76%, trong khi con số này của quý IV/2014 là 18,83%, quý IV/2013 là 23,13% và năm 2013 là 21,78%.
Do vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu thuần cả năm 2015 của Bibica đã lên mức 23,348%, thay vì con số 21,034% năm 2014, tương ứng làm lợi nhuận trước thuế của Công ty sụt giảm 38,6 tỷ đồng (nếu Công ty giữ được tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu như năm 2014). Trong khi đó, cả năm 2015, Công ty mẹ chỉ lãi hơn 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhìn vào con số thu nhập trên mỗi cổ phiếu 5.557 đồng, Bibica có thể được coi là có hiệu quả sinh lời vượt trội so với mặt bằng chung thị trường. Thế nhưng, nếu nhìn vào tương quan vốn chủ sở hữu bình quân trong năm lên tới 672 tỷ đồng, thì tỷ suất ROE 7,78% chỉ lớn hơn mức lãi gửi tiết kiệm dài hạn tại các ngân hàng nhóm 2 một chút (khoảng 7%/năm).
Vẫn treo khoản phải thu gần 73 tỷ đồng
Theo thuyết minh BCTC hợp nhất quý IV/2015 của Bibica, tại thời điểm 31/12/2015, trong tổng số 132,89 tỷ đồng số dư khoản phải thu khác của Bibibca, Công ty có 126,588 tỷ đồng giá trị tổn thất và chi phí khôi phục dây chuyền sản xuất bánh Lotte Pie bị hỏa hoạn chờ PVI bồi thường.
Ngày 15/5/2011, dây chuyền sản xuất bánh Lotte Pie của Bibica bị cháy. Bibica cho rằng, Công ty tin tưởng sẽ được bồi thường toàn bộ bởi Công ty Bảo hiểm Dầu khí PVI theo các điều khoản hợp đồng trong Hợp đồng bảo hiểm số 10/15/TSKT/PC0087 ký ngày 15/6/2010 và dựa vào báo cáo thẩm định được cung cấp bởi Crowford ngày 1/12/2013.
Thế nhưng, câu chuyện dù đã xảy ra đến gần 5 năm, Bibica vẫn chỉ nhận được số tiền ứng trước tiền bồi thường trị giá 53,878 triệu đồng từ PVI trên tổng số tiền Công ty đang hạch toán là 126,588 tỷ đồng. Phần còn lại trị giá gần 73 tỷ đồng, tương đương hơn 10% vốn chủ sở hữu của Bibica tại ngày 31/12/2015 (trị giá 704,221 tỷ đồng) chưa biết khi nào sẽ được thu hồi.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2015, ông Trương Phú Chiến, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty tin tưởng rằng, chắc chắn sẽ thắng kiện đòi bồi thường PVI. Nhưng trao đổi với ĐTCK, đại diện PVI lại cho rằng, họ không hiểu con số 126 tỷ đồng Bibica lấy ra từ đâu, số tiền PVI chấp nhận đền bù là 108 tỷ đồng, và “tòa đã xử phiên sơ thẩm - tuyên số tiền phải trả theo số liệu tính toán của bảo hiểm PVI”.
Và cán cân quyền lực chưa ngã ngũ
3 năm về trước, thị trường nói nhiều đến câu chuyện cuộc chiến quyền lực tại Bibica giữa nhóm cổ đông trong nước và cổ đông lớn nước ngoài Lotte Confectionery Co.Ltd. Đến thời điểm hiện nay, cuộc chiến quyền lực này dường như vẫn chưa có hồi kết, khi tương quan sở hữu giữa cổ đông ngoại và nhóm cổ đông nội (PAN foods và Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre) ngang bằng nhau.
Trong thời gian gần đây, Bibica có một số sự thay đổi về mặt nhân sự, trong đó, có nhân sự về kế toán - tài chính, tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường, không phải là vấn đề dự báo thay đổi liên quan đến cán cân quyền lực tại đây.
Và như vậy, cuộc chiến quyền lực tại Bibica dường như vẫn chưa có lối thoát. Bibica, một DN từng được kỳ vọng tạo dấu ấn thương hiệu Việt, đã khá “lặng lẽ” trong 4 năm qua, dù có thương hiệu, có nhà máy, có cả nguồn lực tài chính dồi dào với số dư tiền gửi ngân hàng lên tới 1/2 quy mô vốn chủ.