Bắc Giang đưa dự án BT chuyển tiếp vào danh mục dự án trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - UBND tỉnh Bắc Giang đã đưa các dự án BT (chuyển tiếp theo Luật PPP) vào danh mục các dự án trọng điểm, được kiểm tra tình hình thực hiện hàng quý. Trên cơ sở đó, hàng quý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh ban hành các thông báo kết luận để kịp thời chỉ đạo thực hiện dự án bảo đảm yêu cầu tiến độ, chất lượng.
Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai thực hiện 9 dự án BT, trong đó có 8 dự án giao thông và 1 dự án xây dựng dân dụng. Ảnh: Giang Sơn Đông
Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai thực hiện 9 dự án BT, trong đó có 8 dự án giao thông và 1 dự án xây dựng dân dụng. Ảnh: Giang Sơn Đông

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Giang, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn Tỉnh đã và đang triển khai thực hiện tổng số 9 dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BT, trong đó có 8 dự án giao thông và 1 dự án xây dựng dân dụng. Hiện tại đã có 4 dự án bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó có 3 dự án hoàn thành quyết toán, 1 dự án đang thực hiện thủ tục quyết toán, 5 dự án đang triển khai thực hiện theo hợp đồng. Về cơ bản, các dự án BT chủ yếu thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, có vai trò quan trọng đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án hoàn thành đã bước đầu phát huy tốt hiệu quả đầu tư, những dự án đang thực hiện được Tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Cụ thể, thông qua việc triển khai đầu tư 9 dự án BT, Bắc Giang đã thu hút được trên 3.401 tỷ đồng từ khu vực tư nhân để góp phần hình thành kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ngoài việc thu hút đầu tư các dự án BT, Tỉnh cũng thu hút đầu tư được 9 dự án khác tại các khu đất đối ứng dự án BT với tổng vốn đầu tư trên 4.200 tỷ đồng. Cùng với dự án BT, các dự án đối ứng góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị cho địa phương, góp phần gia tăng tốc độ phát triển đô thị tại các khu vực trung tâm của TP. Bắc Giang và một số huyện phụ cận.

Theo tìm hiểu, trong số các dự án chuyển tiếp có Dự án Xây dựng ĐT289 kéo dài (đoạn từ thị trấn Chũ đi Đồng Đỉnh, nối Quốc lộ 31 với ĐT293), đường Nguyễn Thị Minh Khai kéo dài, hệ thống tiêu thoát nước và giao thông khu A, B thuộc Khu đô thị phía Nam TP. Bắc Giang; Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến ĐT292 huyện Lạng Giang; Dự án Xây dựng đường vành đai thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn; Dự án Xây dựng một số trục đường giao thông trên địa bàn huyện Yên Dũng.

Theo Sở KH&ĐT Bắc Giang, nhìn chung tiến độ các dự án chuyển tiếp còn chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, tiến độ hoàn thành GPMB và giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chậm. Do vậy, nhà đầu tư không thể triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng, phải thực hiện điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, thời gian để hoàn thành dự án kéo dài, trong khi hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực PPP nhiều lần thay đổi, chưa kể tới sự thay đổi của các quy định về đất đai, tài sản công sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT, đã tác động rất lớn đến quá trình quản lý, thực hiện dự án để phù hợp với các quy định mới.

Năm 2023, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì việc đưa các dự án BT đang thực hiện chuyển tiếp vào Danh mục dự án trọng điểm và thực hiện cơ chế giao ban, kiểm tra hàng tháng, quý để theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện dự án, ban hành các chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các ban quản lý dự án được phân công nhiệm vụ thực thi vai trò quản lý, giám sát hợp đồng dự án để hoàn thành đúng nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết.

Sở KH&ĐT Bắc Giang cho rằng, việc kéo dài thời gian thực hiện dự án so với hợp đồng đã ký kết có thể làm phát sinh chi phí đầu tư và gia tăng khoản lãi vay, làm tăng giá trị các dự án BT. Đến thời điểm hiện tại, Luật PPP đã không còn quy định loại hợp đồng BT, việc thực hiện các dự án dở dang theo quy định chuyển tiếp tại Điều 101 Luật PPP. Trong khi đó, quá trình thực hiện dự án kéo dài do công tác GPMB chậm, thị trường vật tư, vật liệu xây dựng có biến động lớn có thể dẫn tới việc phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc điều chỉnh có thể dẫn đến những hệ lụy khó xử lý do Luật PPP không quy định cụ thể cho trường hợp này.

Tin cùng chuyên mục