![]() |
Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, dự kiến thông xe kỹ thuật cuối năm 2025, sẽ góp phần đánh thức tiềm năng phát triển của vùng đất Tây Nguyên giàu có. Ảnh: Hải Sơn |
Mở toang mặt tiền biển…
Hành trình khám phá cung đường ven biển khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung để “mục sở thị” những tiềm năng đang mở ra từ những cánh cửa rộng lớn giao hòa với đại dương là điều cực kỳ thú vị với bất cứ ai. Từ Nghi Sơn (Thanh Hóa), gần 60 km, hơn một tiếng đồng hồ di chuyển bằng ô tô đã đến Cửa Lò (Nghệ An). Tuyến đường ven biển này được khởi công xây dựng tháng 2/2022, tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, thời hạn hợp đồng đến tháng 2/2026, một số phân đoạn của tuyến đã hoàn thành. Đường lớn thênh thang, xuyên qua những làng quê xưa cũ đang thấp thoáng ẩn hiện những đổi thay tích cực từ những tiềm năng to lớn. “Là gạch nối giữa Thanh Hóa - Nghệ An, dự án đồng thời kết nối khu Cảng biển quốc tế Vissai, cảng Cửa Lò, cảng DKC và các khu du lịch trọng điểm nằm ven biển. Đồng thời, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Nghệ An, đáp ứng và giải quyết trực tiếp nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng”, ông Hoàng Phú Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá.
Tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài 120 km tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành từ cuối năm 2022, đã liên kết Nghệ An ở phía Bắc và Quảng Bình ở phía Nam, phát huy vai trò khai thác cộng hưởng, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển. Trong đó, được hưởng lợi nhiều nhất là Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (Hà Tĩnh), KTT Hòn La (Quảng Bình), các địa danh, thắng cảnh du lịch của 3 địa phương.
Quảng Bình, địa danh “gió Lào cắt trắng” cũng đang tăng tốc hoàn thành 2 dự án ven biển, bao gồm Dự án thành phần 2 Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; Dự án thành phần 1 Đường ven biển dài hơn 80 km có tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng. “Chiến lược đầu tư hai dự án trọng điểm này nhằm mở ra cơ hội thu hút đầu tư, đánh thức tiềm năng kinh tế biển từ bán đảo Bảo Ninh đến vùng Lệ Thủy, đặc biệt là Bảo Ninh, vị trí được ví như “hòn ngọc” của Tỉnh”, ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Trên đường đua khai thác tiềm năng từ tài nguyên biển, tỉnh Quảng Trị cũng dành 2.060 tỷ đồng cho Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây dài 48 km đi qua Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và TP. Đông Hà. Ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá, đường bờ biển dài 75 km, nhiều bãi tắm đẹp, hệ sinh thái biển phong phú là lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói của Quảng Trị.
Liền kề Quảng Trị, tuyến đường bộ ven biển của TP. Huế và cầu vượt cửa Thuận An có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, sau gần 3 năm thi công đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP. Huế đánh giá, tuyến đường ven biển này sẽ tạo đột phá cho cực tăng trưởng phía Nam của Huế bao gồm cảng Chân Mây - Lăng Cô gắn với KKT Chân Mây - Lăng Cô; phát triển du lịch sinh thái vùng đầm phá ven biển Tam Giang - Cầu Hai.
Từ Lăng Cô của Huế, qua hầm Hải Vân (Đà Nẵng) nhập vào tuyến ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, hay tuyến Nguyễn Tất Thành kết nối với Quảng Nam thông qua cầu Cửa Đại theo đường Võ Chí Công (Đường 129). Từ đó dọc theo đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) khớp tuyến ven biển Hoài Nhơn - Quy Nhơn - Sông Cầu (Bình Định), tiếp tục trên đường bộ ven biển Tuy An - Tuy Hòa - Đông Hòa dài 115 km vào xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) - thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và cung đường ven biển nối Khánh Hòa - Ninh Thuận dài khoảng 120 km... Dọc cung đường này là cả một dải ven biển bùng nổ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đắt giá, những khu kinh tế ven biển như Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Phú Yên, Vân Phong (Khánh Hòa) với các dự án công nghiệp cơ khí ô tô, lọc hóa dầu và luyện cán thép kéo theo loạt cảng biển sầm uất, nhộn nhịp tàu vào ra “ăn” hàng: Tiên Sa, Tam Hiệp, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn, Vũng Rô, Vân Phong…
… đưa Tây Nguyên về gần với biển
Theo đăng ký tiến độ, cuối năm nay, Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) sẽ thông xe kỹ thuật và tiếp theo sẽ là các dự án thành phần 2, thành phần 3. Với chiều dài 117,5 km băng qua những sườn núi, đỉnh đồi, xuyên qua lòng núi, tuyến cao tốc mở ra không gian rộng lớn, đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái và kéo gần đô thị biển Khánh Hòa và xứ sở voi Đắk Lắk. Chạy song song tuyến cao tốc này, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành, nối thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định) và phố núi mờ sương Pleiku (Gia Lai).
Tây Nguyên - một vùng đất giàu có đang đứng trước cơ hội phát triển ngoạn mục khi loạt tuyến cao tốc mới đang được tiến hành các thủ tục đầu tư. Đó là cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) dài 80,8 km do Tập đoàn Sơn Hải lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đề xuất chủ trương đầu tư với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136 km, tổng mức đầu tư dự kiến 35.395 tỷ đồng đang được gấp rút triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, dự án này sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum, từng bước khép kín mạng lưới cao tốc ngang trục Đông - Tây kết nối với cao tốc trục Bắc - Nam, kết nối hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung với khu vực ngã ba Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước Thái Lan, Myanmar.
Góp phần kéo Tây Nguyên gần về phía biển, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku dài 123 km, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 38.917 tỷ đồng dự kiến được khởi công trong năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029. Tuyến cao tốc bắt đầu từ Quốc lộ 19B (Km39+200) thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), TP. Pleiku. “Đây là tiền đề, động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây Nguyên, mở rộng không gian phát triển, phát huy và tận dụng được lợi thế của hệ thống cảng biển Bình Định nói riêng và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung”, ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đánh giá.