Hiện trường ngổn ngang, ô nhiễm, mất mỹ quan tại khu vực Dự án cầu Nam Lý. Ảnh: Như Nguyệt |
Dự án cầu Nam Lý có tổng mức đầu tư khoảng 857 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 454,2 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng (GPMB) là 130,8 tỷ đồng, di dời hạ tầng kỹ thuật là 5 tỷ đồng… Dự án được Sở Giao thông vận tải TP.HCM phê duyệt vào tháng 9/2008 (Quyết định số 755/QĐ-SGTVT) và Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 (cũ) phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 731/QĐ-KQL2-KTCL ngày 10/7/2010. Cầu Nam Lý được khởi công vào tháng 10/2016 với mục tiêu thay thế cầu Cống đập Rạch Chiếc nhằm tăng khả năng kết nối xa lộ Hà Nội với cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, góp phần giảm tắc nghẽn tuyến đường Đỗ Xuân Hợp vào giờ cao điểm. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng sau 1 năm 6 tháng kể từ khi khởi công.
Dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai bắc qua rạch Trau Trảu có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, được khởi công năm 2017. Mục tiêu của Dự án là nâng cao năng lực giao thông từ ngã tư Thủ Đức (xa lộ Hà Nội), Khu công nghệ cao TP.HCM qua các tuyến đường Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh tới cảng Cát Lái, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo kế hoạch, cầu Tăng Long sẽ hoàn thành cuối năm 2019. Sau đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến tháng 12/2020 (Quyết định số 574/QĐ-SGTVT ngày 28/1/2019).
Tuy nhiên, 2 cây cầu này đang trong tình trạng “đắp chiếu” với trụ cầu, dầm cầu trơ cốt thép rỉ sét, đường dẫn đầu cầu thi công dang dở, hoang phế và hình thành bãi tập kết rác, phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Đáng ngại, việc thu hẹp đường hiện hữu phục vụ thi công gây kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm tại các tuyến đường huyết mạch Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai. Tính tới thời điểm ngưng trệ thi công, khối lượng xây lắp 2 dự án trên dừng lại ở những con số rất khiêm tốn là 30% (cầu Tăng Long) và 39% (cầu Nam Lý).
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, nút thắt chính khiến các dự án đình trệ là không có mặt bằng cho nhà thầu thi công. Người dân có đất bị thu hồi không thống nhất với mức giá đền bù nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp vướng mắc. Mặt bằng cầu Nam Lý đã được kiểm kê từ năm 2012, song tới tháng 3/2020, Thành phố mới duyệt đơn giá T1. Trong khi tiến độ bồi thường GPMB chậm thì giá đất tăng chóng mặt (có khu vực lên hơn 400 triệu đồng/m2) khiến chênh lệch giữa giá đền bù với giá thị trường tới hàng chục lần, rất khó để người dân đồng thuận. Với Dự án cầu Tăng Long, đơn giá bồi thường được trình Hội đồng bồi thường thẩm định nhiều lần (từ tháng 5/2018 đến 2/2020) nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ dân tại phường Trường Thạnh chưa đồng ý giá đền bù.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu thầu, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP,HCM cho biết, vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, tăng tổng mức đầu tư của 2 dự án để thực hiện công tác đền bù, GPMB; điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn 2021 - 2025.
Một chuyên gia xây dựng tại TP.HCM đánh giá, thời gian triển khai các khâu thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án quá dài khiến các căn cứ, điều kiện thực tế thay đổi rất nhiều so với khi lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Do vậy, giai đoạn thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc do phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư. Đơn cử như Dự án cầu Nam Lý được phê duyệt từ năm 2008 nhưng tới năm 2016 mới khởi công, các yếu tố giá vật liệu xây dựng, giá đền bù, GPMB thay đổi rất nhiều.
Đặc biệt, nguyên nhân cố hữu là GPMB chậm chạp bởi thủ tục rườm rà. Công tác phối hợp giữa Chủ đầu tư, các sở: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Thủ Đức (Quận 9 cũ) và Hội đồng Thẩm định giá đất Thành phố chưa thông suốt dẫn tới việc thông qua đơn giá bồi thường làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, chi trả cho các hộ dân kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, thị trường bất động sản biến động nhanh chóng khiến giá trị xây lắp và chi phí đền bù, GPMB tăng gấp bội. Hệ quả là phá vỡ phương án tài chính của các dự án và buộc phải xin điều chỉnh chủ trương, phê duyệt lại quyết định đầu tư. Việc triển khai dự án đi vào vòng luẩn quẩn.
Ghi nhận từ hiện trường khu vực 2 dự án, không ít người dân bày tỏ nghi ngại về việc quản lý dự án của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan.
TP.HCM đang rốt ráo chuẩn bị triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn có tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng như: Đường Vành đai 3 TP.HCM, đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, nút giao An Phú… Câu chuyện thi công đình trệ tại 2 dự án xây dựng cầu nói trên là những bài học đáng lưu tâm cho công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức triển khai, quản lý dự án, GPMB…