Theo Nghị định 97/2018/NĐ-CP, riêng TP. Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA là 100%. Ảnh: Quốc Phú |
Nghị định quy định rõ tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh. Theo đó, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 40%. Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50%. Địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ TP. Hà Nội, TP.HCM), tỷ lệ cho vay lại là 70%. Riêng TP. Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ cho vay lại là 100%.
Đáng chú ý, đối với doanh nghiệp, Nghị định quy định doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lãi suất cho vay lại được quy định tại Khoản 5 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018 thay thế Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14/7/2010 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và Nghị định số 52/2017/NĐ-CP ngày 28/4/2017 về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.