Nhiều báo cáo đánh giá tác động của thông tư trước khi ban hành còn mang tính hình thức, chưa hiểu rõ hoặc không đánh giá đầy đủ tác động đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh. Ảnh: Nhã Chi |
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chất lượng, quy trình ban hành các thông tư, công văn hướng dẫn đang có nhiều vấn đề.
Theo ông Tuấn, hiện có tình trạng luật ban hành rồi nhưng vẫn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thì các quy định thực sự mới được thực thi; thông tư vẫn ban hành điều kiện kinh doanh; thông tư quy định về thủ tục hành chính dù không được luật, pháp lệnh giao; thông tư không thống nhất với nghị định; thông tư quy định thiếu rõ ràng tạo cách hiểu không nhất quán…
Đơn cử như các luật về thuế, hầu như trong quá trình thực hiện, DN chủ yếu xem quy định tại thông tư để áp dụng. Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT quy định về việc lắp camera trên xe khách phải theo dõi được khoang hành khách nhưng Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu về vấn đề này. Hay Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, trong đó có sử dụng khái niệm “người bản ngữ”, nhưng không giải thích về khái niệm này khiến DN không biết thực hiện thế nào...
Ở cấp độ công văn hướng dẫn, nhiều văn bản vẫn chứa các nội dung có tính chất như quy định pháp luật, thậm chí còn đưa thêm quy định hoặc thủ tục vào, trong khi công văn không phải là căn cứ pháp luật.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), một số thông tư phải đình chỉ thi hành (Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ, Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng…) vì chưa đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực và chưa tính đến yếu tố thực tiễn. Nhiều báo cáo đánh giá tác động của thông tư trước khi ban hành còn mang tính hình thức, chưa hiểu rõ hoặc không đánh giá đầy đủ tác động đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh. Một số thông tư, công văn hướng dẫn được ban hành nhưng không xét đến tính phù hợp với bối cảnh. Đơn cử như Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lẽ ra nên khuyến khích thương mại điện tử phát triển thì ngành thuế lại có xu hướng muốn quản, muốn thu nhiều hơn thay vì tạo sân chơi tốt hơn, hiệu quả hơn cho cả người dân và DN.
Một điểm bất hợp lý nữa là tình trạng chậm sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập đã được DN phản ánh. Chẳng hạn quy định kiểm tra an toàn mặt hàng thang máy, thang cuốn trước thông quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải mất tới 3 năm mới chỉnh sửa thành kiểm tra sau thông quan (từ năm 2018 đến tháng 4/2021). Cá biệt, theo VCCI, có DN gửi yêu cầu suốt 10 năm ròng nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Sở dĩ để xảy ra tình trạng bất cập nêu trên, theo bà Nguyễn Minh Thảo, là do thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ quy trình ban hành văn bản của các bộ, ngành. Hiện chỉ có Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ giám sát là không đủ, bởi gần như mới chỉ kiểm soát tính hợp pháp, hay thiên về thủ tục hành chính. Cho nên, thời gian tới cần chú trọng nhiều hơn về cách thức giám sát quy trình ban hành văn bản; tăng cường trách nhiệm giải trình của các bên liên quan; tham vấn thực chất DN và người dân.
Gắn trách nhiệm cá nhân với việc ban hành thông tư có sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây thiệt hại cho DN và nền kinh tế cũng là một giải pháp được nhiều chuyên gia đề xuất. Theo bà Thảo, nên khuyến khích cơ chế khởi kiện hành chính đối với cơ quan quản lý nhà nước, thay vì chỉ dừng lại ở khởi kiện tranh chấp giữa các DN với nhau. Việc khởi kiện bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, sẽ tác động tích cực, tránh tình trạng cơ quan làm luật “lách luật”, vượt qua thẩm quyền để ban hành quy định.
Về lâu dài, đa số ý kiến đều thống nhất rằng, các quy định trong luật và nghị định phải cụ thể hóa để hạn chế dần việc ban hành các văn bản như thông tư, công văn hướng dẫn. Thông tư, công văn hướng dẫn chỉ được mở hơn và rộng hơn, chứ không được trói lại và quy định cao hơn luật, nghị định.