Hiện nay, điện phần lớn được sản xuất từ những nguồn tài nguyên không tái tạo và đang có nguy cơ cạn kiệt, vì thế buộc phải tạo áp lực về giá để tiết kiệm điện. Ảnh: Tiên Giang |
Dự thảo đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bậc thang hiện hành và bổ sung phương án giá bán lẻ điện một giá. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, tại thời điểm này, áp dụng phương án giá bán lẻ điện một giá chưa hợp lý.
Thêm phương án lựa chọn
Theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Việt Nam gồm 6 bậc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, biểu giá này đã bộc lộ tồn tại cần thiết sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện hiện nay.
Tại Dự thảo Quyết định, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án lựa chọn đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt.
Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc, giảm 1 bậc so với hiện hành. Cụ thể, ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0 - 100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101 - 200 kWh. Ghép các bậc từ 201 - 300 kWh với 301 - 400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá (khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng). Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
“Hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt, Dự thảo cũng đề xuất 2 phương án để lấy ý kiến. Phương án 1 bao gồm 3 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó, nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phương án 2 là gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt.
Chưa đủ điều kiện áp dụng phương án điện một giá?
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho biết, câu chuyện giá điện 1 bậc thống nhất cho cả nước trước sau gì cũng phải thực hiện. Bởi, theo lộ trình xây dựng thị trường điện lực, đến giai đoạn phát triển cao nhất là thị trường bán lẻ cạnh tranh sẽ là điện một giá và áp chung cho tất cả mức tiêu thụ khác nhau. Vì vậy, lúc đó sẽ không còn câu chuyện giá bậc thang mà phải là giá thống nhất. “Vấn đề này nên được thảo luận, bàn bạc một cách kỹ lưỡng để có được lộ trình phù hợp nhất”, ông Long bày tỏ.
Ở góc độ người tiêu dùng, ông Long cho rằng, giá điện bậc thang khuyến khích người tiêu dùng không sử dụng điện lãng phí, bởi nếu dùng điện quá nhiều thì chi phí phải trả sẽ cao hơn là dùng ít. Phương án này cũng đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn.
“Theo đó, trước mắt có thể sử dụng phương án biểu giá điện 5 bậc nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống. Ví dụ, năm nay dùng 5 bậc, nhưng 1 - 2 năm sau đó giảm xuống 3 bậc”, ông Long gợi ý. Phương án 3 bậc theo ông Long sẽ bao gồm: bậc trung bình từ 101 - 499 kWh (bậc 2) tính theo giá điện Chính phủ quy định; những người dùng ở mức 0 - 100 kWh (bậc 1) thì mức giá thấp hơn, còn những người dùng từ sau mức 499 kWh thì mức giá cao hơn (bậc 3) để lấy phần chênh lệch này hỗ trợ cho những người dùng ít điện. “Như vậy, trong tương lai, biểu giá 3 bậc sẽ là hợp lý trước khi giảm hẳn xuống 1 bậc”, ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, chuyên gia tài chính cho rằng, so với biểu giá bậc thang, khi áp dụng một giá điện, khách hàng dùng ít sẽ tăng tiền điện, dùng nhiều sẽ giảm tiền phải trả. Hiện Việt Nam chưa đủ điều kiện áp dụng phương án một mức giá điện. Trước tiên là chi phí sản xuất điện, khi phụ tải tăng cao, hệ thống điện phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao mới có thể đảm bảo điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Hơn nữa, điện phần lớn được sản xuất từ những nguồn tài nguyên không tái tạo và đang có nguy cơ cạn kiệt, vì thế buộc phải tạo áp lực về giá để tiết kiệm điện.
Trước đó, tại hội nghị công bố Dự thảo Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt và lấy ý kiến rộng rãi hồi tháng 5/2020, đại diện cơ quan điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương đánh giá, phương án giá bán lẻ điện một giá có ưu điểm là đơn giản, dễ theo dõi, dễ áp dụng. Tuy nhiên, phương án này còn có nhiều nhược điểm như: không khuyến khích người dân tiết kiệm điện; đa phần khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh (phần lớn là người lao động, hộ nghèo, đối tượng chính sách...) sẽ phải trả tiền điện cao hơn…