Băn khoăn quy định chọn nhà đầu tư nhà công vụ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thống nhất với Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và pháp luật về đầu tư. Trong đó, quy định về lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ vẫn còn ý kiến khác nhau.
Theo ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xây dựng nhà ở công vụ không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Tiên Giang
Theo ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xây dựng nhà ở công vụ không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: Tiên Giang

Thông tư mới sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở (gọi tắt là Thông tư 19) và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Cơ quan soạn thảo cho biết, để phù hợp và thống nhất với Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, Dự thảo Thông tư bãi bỏ một số điều khoản và phụ lục liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư tại Thông tư 19 (Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8, Phụ lục số 02 đến 06) và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.

Theo Dự thảo Thông tư, hồ sơ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đăng ký làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ thực hiện theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ như: Văn bản đăng ký làm chủ đầu tư dự án của nhà đầu tư (tên, địa chỉ nhà đầu tư, các đề xuất của nhà đầu tư, dự kiến tiến độ thực hiện dự án); bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giấy tờ chứng minh năng lực tài chính của chủ đầu tư để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai và pháp luật liên quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, khi Thông tư được ban hành, thủ tục hành chính liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ được bãi bỏ, giảm bớt thủ tục hành chính trong lĩnh vực nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thống nhất theo pháp luật về đầu tư.

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần xem xét lại quy định này.

Bởi vì “xây dựng nhà ở công vụ” không thuộc lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP được quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật PPP và Điều 2 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP.

Theo đó, lĩnh vực đầu tư PPP được xác định là: dự án giao thông vận tải (có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên); dự án lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực (có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải (có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên); y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin (có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên).

Do vậy, theo VCCI, quy định tại Dự thảo Thông tư dường như chưa phù hợp với pháp luật về đầu tư PPP.

Trong trường hợp giải trình được cơ sở pháp lý cho quy định trên, thì việc Dự thảo Thông tư quy định thêm các tài liệu trong hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư vừa không cần thiết, vừa chưa thống nhất vì hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP đã được quy định cụ thể, chi tiết tại pháp luật về đầu tư PPP.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định tại Điều 11 Thông tư 19 theo hướng lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các pháp luật khác có liên quan.

Tin cùng chuyên mục