Bản tin thời sự sáng 10/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất thay đổi hình thức đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam; giá xăng ngày 10/11 sẽ tăng lần thứ năm liên tiếp; đề xuất nâng cấp sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế; Metro số 1 TP.HCM lắp đoạn ray ngầm cuối cùng; tuyến cáp quang biển quốc tế AAG dự kiến được sửa xong vào ngày 10/12…

Đề xuất thay đổi hình thức đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất đầu tư 4 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) và 8 dự án vốn ngân sách trước năm 2025 để nối thông tuyến cao tốc Bắc Nam.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được thi công

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được thi công

Đại diện Bộ GTVT cho biết đã kiến nghị Chính phủ thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025. Bộ đề nghị đầu tư 729 km cao tốc thành 12 dự án thành phần, hình thức thay đổi theo hướng tăng đầu tư công, còn lại huy động vốn xã hội hóa theo hình thức PPP.

8 dự án được đề xuất đầu tư công gồm: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

4 dự án còn lại sẽ được huy động vốn xã hội hóa theo hình thức PPP gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang.

Các dự án đều được giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.

Theo đề xuất mới, tổng đầu tư các Dự án hơn 148.490 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước 131.210 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 17.275 tỷ đồng. Do nguồn vốn lớn nên một phần vốn nhà nước 39.365 tỷ đồng dự kiến bố trí giai đoạn 2026 - 2030. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Để đảm bảo tính khả thi với dự án PPP, Bộ GTVT kiến nghị cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia chiếm 54 - 65% tổng mức đầu tư Dự án và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư trong trường hợp Dự án triển khai theo PPP không thành công. Trước khi triển khai, các dự án sẽ phải trình Quốc hội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư.

Giá xăng ngày 10/11 sẽ tăng lần thứ năm liên tiếp

Với việc giá thế giới vẫn đi lên, doanh nghiệp đầu mối dự báo, giá xăng trong nước ngày 10/11 sẽ tăng tiếp nhưng không mạnh như kỳ điều hành trước.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, giá xăng ngày 10/11 sẽ tăng lần thứ năm liên tiếp

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, giá xăng ngày 10/11 sẽ tăng lần thứ năm liên tiếp

Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore tính đến ngày 2/11 của RON 92 là 100,66 USD một thùng, xăng RON 95 là 104,16 USD một thùng, tăng 3 - 4% so với kỳ trước. Giá dầu ít biến động hơn, quanh 95 USD một thùng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM, nếu nhà quản lý không trích Quỹ bình ổn, kỳ điều hành ngày 10/11, giá xăng có thể tăng 400 - 600 đồng một lít còn giá dầu có thể đứng yên. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần điều chỉnh tăng thứ năm liên tiếp trong vòng 2 tháng qua.

Còn nếu cơ quan quản lý trích và sử dụng Quỹ bình ổn theo tỷ lệ 50/50 (tức 50% sử dụng quỹ, 50% giảm), giá xăng sẽ điều chỉnh quanh 200 - 300 đồng một lít.

Ngày 26/10, mỗi lít xăng tăng 1.430 - 1.460 đồng và dầu tăng 120 - 1.010 đồng. Ở kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi 1.100 đồng từ Quỹ bình ổn để bù 400 đồng cho mỗi lít xăng E5 RON 92; RON 95. Dầu diesel và dầu hoả có mức chi quỹ lần lượt là 150 đồng và 100 đồng mỗi lít. Riêng dầu madut không chi quỹ, và mà trích quỹ bình ổn 100 đồng một kg.

Đề xuất nâng cấp sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ GTVT đề xuất nâng cấp cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) thành cảng hàng không quốc tế.

Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam

Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo tờ trình của Bộ GTVT, Cảng hàng không Chu Lai sẽ nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế.

Cụ thể, Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn nêu rõ, trong quá trình xây dựng quy hoạch của ngành hàng không, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương… và Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Do đó, ngành hàng không sẽ có 28 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc và 14 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, để chuẩn bị cho xây dựng cơ sở hạ tầng của cảng hàng không Chu Lai, địa phương đã đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai kế hoạch đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế, đạt tiêu chuẩn cấp 4E vào giai đoạn 2021 - 2030 và đến năm 2050 thành Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ với quy mô sân bay cấp 4F, công suất phục vụ 40 triệu hành khách/năm.

Cảng hàng không Chu Lai có diện tích hiện nay là 2.300 ha nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam.

Thêm 3 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna về Việt Nam trong 2 ngày 8 - 9/11

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 2 ngày 8 - 9/11 có gần 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer, Moderna về Việt Nam thông qua cơ chế Covax. Cụ thể, 1.557.270 liều vaccine Pfizer/BioNTech đã về đến TP.HCM ngày 7 - 8/11. Trong ngày 9/11, thêm 1.319.600 liều vaccine Moderna tới Hà Nội.

Gần 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer, Moderna về Việt Nam thông qua cơ chế Covax.

Gần 3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer, Moderna về Việt Nam thông qua cơ chế Covax.

Đây là đợt hỗ trợ vaccine Pfizer lần thứ 7 và 8 từ Covax phân bổ cho Việt Nam do Chính phủ Hoa Kỳ viện trợ. Vắc xin Moderna viện trợ cho Việt Nam là từ Thỏa thuận mua trước (APA) của Covax với nhà sản xuất.

Thống kê số thực trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy cập nhật đến ngày 9/11, cả nước đã tiêm được hơn 92,3 triệu mũi. Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 83,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 40,6% dân số từ 18 tuổi trở lên.

15/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Cà Mau và Hậu Giang.

Có 12/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai, Lạng Sơn, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình và Đồng Tháp... 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên thấp nhất là Sơn La, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Nam Định và Cao Bằng.

Cục Đường sắt Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài với 6 dự án mới

Cục Đường sắt Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài 6 dự án theo hình thức là tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần; cung cấp thị trường...

6 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đường sắt theo hình thức là tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần

6 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực đường sắt theo hình thức là tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa trình Bộ GTVT văn bản đề xuất danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt.

Có 6 dự án được đề xuất gồm Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng; Dự án Tuyến đường sắt vành đai phía Đông thuộc đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội; Dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án Đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, hình thức kêu gọi đầu tư nước ngoài các dự án này là tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật; liên doanh, góp vốn mua cổ phần; cung cấp thị trường…

Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, các dự án đường sắt kết nối vào cảng Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng), cảng hàng không Long Thành (tỉnh Đồng Nai), kết nối quốc tế với Lào tại Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình), kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vành đai Hà Nội đều đã được quy hoạch tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài 84km, khổ 1.435mm; tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ dài 103km, khổ 1.435mm; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành dài 38km, khổ 1.435mm và tuyến vành đai phía Đông Hà Nội dài 59km, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm. Các dự án này có lộ trình đầu tư ở cả 2 giai đoạn trước và sau năm 2030.

Metro số 1 TP.HCM lắp đoạn ray ngầm cuối cùng

Hai đoạn ray ngầm cuối cùng của Metro số 1 (TP.HCM), tổng chiều dài hơn 1,3 km từ ga Nhà hát Thành phố qua Bến Thành bắt đầu được lắp đặt, dự kiến xong sau 2 tháng.

Công nhân thi công lắp đặt đoạn ray cuối cùng của Metro Số 1, ngày 9/11

Công nhân thi công lắp đặt đoạn ray cuối cùng của Metro Số 1, ngày 9/11

Chiều 9/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, đoạn ray ngầm này vừa được đơn vị phối hợp nhà thầu Gói CP3 (thiết bị cơ điện, toa xe, đường ray...) của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thi công. Hai đoạn ray chạy song song giữa ga Nhà hát Thành phố và Bến Thành, mỗi bên dài 660 m, khổ rộng 1.435 mm.

Nhà thầu hiện huy động 56 kỹ sư, công nhân thi công hạng mục này. Việc lắp đặt đoạn ray được MAUR dự kiến hoàn thành đầu năm 2022, giúp kết nối toàn hệ thống đường ray của tuyến metro từ Bến Thành đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), tổng chiều dài gần 20 km.

Đoạn ngầm Metro số 1 dài khoảng 2,6 km, với 3 nhà ga nằm ở trung tâm TP.HCM gồm ga Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành. Hiện, hai ga Nhà hát Thành phố và Ba Son đã thi công hoàn thiện các hạng mục như sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động...

Là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, Metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Ngoài 3 ga ngầm nói trên, Dự án còn 14 ga trên cao.

Tuyến cáp quang biển quốc tế AAG dự kiến được sửa xong vào ngày 10/12

Sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG xảy ra vào tối 22/10 trên nhánh S1I kết nối Việt Nam - Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến được sửa xong vào ngày 10/12.

Tuyến cáp biển AAG gặp sự cố 3 lần trong năm 2021. Ảnh minh họa

Tuyến cáp biển AAG gặp sự cố 3 lần trong năm 2021. Ảnh minh họa

Theo các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam, đơn vị quản lý dịch vụ vừa thông báo lịch khắc phục sự cố trên các tuyến cáp Asia America Gateway (AAG) và Asia Africa Europe 1 (AAE-1) (2 trong 5 tuyến cáp biển chính kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế).

Cụ thể, lỗi rò nguồn trên nhánh S1I kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc) sẽ được khắc phục xong vào ngày 10/12. Tuy nhiên, ngay cả khi việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh S1I được thực hiện theo đúng kế hoạch dự kiến nêu trên, tuyến cáp AAG vẫn chưa thể khôi phục được hoàn toàn, do lỗi cáp trên hướng kết nối Việt Nam - Singapore xảy ra cuối tháng 10 vẫn chưa có lịch sửa chữa.

Trong năm nay, cáp AAG đã 3 lần gặp sự cố vào các tháng 6, 7 và 10. Trong lần gặp sự cố thứ ba của năm nay, AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I vào tối 22/10 và nhánh cáp hướng kết nối Việt Nam - Singapore cũng bị lỗi từ cuối tháng 10. Do vậy, toàn bộ dung lượng kết nối trên tuyến cáp AAG đang bị gián đoạn.

Cùng lúc, 1 tuyến cáp biển khác là AAE-1 cũng bị lỗi, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ internet Việt Nam đi quốc tế. Song, việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAE-1 sẽ được hoàn tất vào ngày 10/11, khôi phục hoàn toàn các kênh truyền trên tuyến, sớm hơn 5 ngày so với lịch cũ.

Đề xuất mở thêm 2 tuyến buýt sông ở TP.HCM tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng

Ngoài hai tuyến buýt sông từ Quận 1 đi Thủ Đức và Quận 8, hai tuyến khác từ trung tâm TP.HCM qua Quận 7 được đề xuất đầu tư nhằm phục hồi kinh tế.

Buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đang khai thác ở TP.HCM

Buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đang khai thác ở TP.HCM

Nội dung vừa được UBND Quận 7 báo cáo UBND TP.HCM, sau khi một doanh nghiệp đề xuất đầu tư hai tuyến buýt sông từ Quận 1 đi Quận 7, gồm: số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng). Đơn vị này đề xuất thí điểm 5 năm, tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự huy động vốn để đầu tư, khai thác và vận hành.

Theo đề xuất, buýt sông số 3 dài 13 km, từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đến Mũi Đèn Đỏ, thời gian chạy khoảng 56 phút. Ngoài hai bến đầu và cuối, trên tuyến xây 9 bến cho khách lên xuống, trong đó 2 bến thuộc Quận 7.

Tuyến số 4 dài hơn 13 km, từ trung tâm thành phố theo sông Sài Gòn qua các kênh Tẻ, rạch Ông Lớn, Rạch Đỉa đến Phú Mỹ Hưng, thời gian tàu chạy khoảng một giờ. Tuyến này dự kiến làm 9 bến trên hành trình cùng 2 bến đầu và cuối, bao gồm 4 bến đi qua Quận 7. Nhà đầu tư bố trí tàu 30 chỗ khi khai thác tuyến số 4 và 50 chỗ cho tuyến số 3 để phù hợp địa hình các tuyến sông, kênh, rạch.

UBND Quận 7 hiện thống nhất đề xuất thí điểm hai tuyến buýt nêu trên. Trước đó, hai tuyến buýt đường sông nêu trên được UBND TP.HCM duyệt bổ sung vào hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục