Ngân hàng đua trả cổ tức bằng tiền mặt
Năm nay có ít nhất 7 ngân hàng tính trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3 - 15%, tương đương mức lợi tức 1,5 - 6% một năm, xấp xỉ lãi tiết kiệm.
Năm nay có ít nhất 7 ngân hàng tính trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3 - 15% |
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) là ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024. Theo đó, Ngân hàng quyết định tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 12,5% (tương đương 1.500 đồng mỗi cổ phiếu)
Ngoài ra, VPBank, Techcombank, ACB... cũng cho biết sẽ chi cổ tức tiền mặt trong năm 2024 với mức từ 3 - 15%.
Tính tới giữa tháng 4, có 6 ngân hàng công bố chính sách trả cổ tức bằng tiền trong năm nay với mức lợi tức ước tính khoảng 1,5 - 6%, tương đương lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng hiện nay.
Thay đổi lớn nhất trong chính sách cổ tức năm nay là Techcombank. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận, Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu. Theo lãnh đạo ngân hàng này, điều này sẽ bảo đảm dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.
Ngân hàng này hiện trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% (tính theo mệnh giá) và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 100%. Có nghĩa là cổ đông sở hữu một cổ phiếu TCB tại ngày chốt danh sách, dự kiến được nhận tiền mặt 1.500 đồng và thêm một cổ phiếu mới.
Việc chia cổ tức, bằng cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu, cũng được nhiều nhà băng khác áp dụng trong năm nay, như tại VIB, ACB, HDBank, MB, Eximbank.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như MSB, NamABank, OCB, SeABank tuy không chia bằng tiền mặt, cũng dự kiến chia cổ tức bằng hình thức phát hành cổ phiếu, với tỷ lệ từ 13 - 30%.
Đến hết tháng 3/2024 đã có gần 7,7 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đã tăng 163.839 tài khoản trong tháng 3, qua đó nâng tổng số tài khoản chứng khoán trên toàn thị trường lên 7,69 triệu tài khoản.
Đã có gần 7,7 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tại thị trường Việt Nam |
Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), tổng số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư mở tại thị trường Việt Nam tính đến hết tháng 3 đã đạt gần 7,7 triệu tài khoản, tăng 163.839 tài khoản so với tháng trước đó.
Trong tháng, đã có 163.524 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Hiện nhóm nhà đầu tư cá nhân này chiếm hơn 99% lượng tài khoản giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, trong tháng vừa qua, các nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng mở thêm 97 tài khoản, qua đó nâng tổng số lên 16.531 tài khoản.
Đối với nhóm nhà đầu tư nước ngoài, các cá nhân đã mở mới 212 tài khoản trong tháng vừa qua, nâng tổng số lượng lên 41.343 tài khoản; nhóm tổ chức nước ngoài cũng mở thêm 6 tài khoản, qua đó nâng lên 4.552 tài khoản.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Yuanta, dù chỉ chiếm 0,6% số lượng tài khoản của cả thị trường, khối ngoại vẫn đóng góp trên 8% giá trị giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Các nhà đầu tư đẩy mạnh mở tài khoản giao dịch diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong xu hướng phục hồi tích cực. Bất chấp diễn biến rung lắc vào nửa cuối tháng 3, chỉ số VN-Index vẫn tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/phiên với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.495 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 20% về khối lượng và 28% về giá trị so với tháng trước đó.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 107.837 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HoSE đạt hơn 5,22 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với tháng 2 và hơn 23% so với cuối năm 2023. Đồng thời chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,1% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).
Việt Nam thu gần 1,4 tỷ USD từ xuất khẩu gạo
Ba tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cửa hàng gạo trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) |
Đây là số liệu mới nhất vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dẫn từ Hải quan Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu gạo hiện lọt top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm.
Nguyên nhân là nhờ các thị trường chính như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore đều tăng mua hàng Việt. Trong đó, các cuộc đấu giá gạo của Philippines quý I luôn có hàng Việt chiếm áp đảo.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, các quốc gia tăng mua hàng nhưng họ cũng lo ngại phụ thuộc vào Việt Nam nên đã lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung. Trong đó, Philippines, Indonesia đang nỗ lực tăng năng suất và diện tích sản xuất lúa trong nước năm nay. Các quốc gia này ngoài đưa ra các chương trình hỗ trợ phân bón, giống chất lượng cao, họ còn bổ sung thêm tài chính để nông dân trong nước tăng tốc trồng trọt.
Chính phủ Indonesia vừa quyết định tăng phân bổ ngân sách năm nay cho chương trình trợ cấp phân bón thêm 1,77 tỷ USD lên khoảng 3,41 tỷ USD như một phần trong nỗ lực tăng năng suất sản xuất nông nghiệp ở nước này.
Tại thị trường châu Phi - khu vực nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam - cũng đang được hỗ trợ sản xuất lúa gạo thông qua dự án đến từ các quốc gia khác để họ có thể tự cung tự cấp lương thực.
Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Doanh thu phí bảo hiểm giảm 4 quý liên tiếp
Doanh thu phí bảo hiểm ba tháng đầu năm đạt 53.300 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ.
Doanh thu phí bảo hiểm ba tháng đầu năm đạt 53.300 tỷ đồng |
Khủng hoảng niềm tin khiến doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường giảm lần đầu tiên vào quý II/2023 và đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 3 tháng đầu năm nay, khi giảm 5,2% so với cùng kỳ. So với quý cuối năm ngoái, tốc độ giảm doanh thu phí bảo hiểm chậm hơn, nhưng vẫn là quý thứ 4 liên tiếp đi lùi.
Doanh thu sụt giảm, nhưng tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tính tới cuối tháng 3 vẫn tăng 11%, ước đạt hơn 930.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 777.000 tỷ đồng, tăng gần 9%.
Hiện, cả nước có 82 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ và 31 đơn vị bảo hiểm phi nhân thọ.
Năm ngoái, doanh thu phí thị trường bảo hiểm cũng giảm hơn 8,3%, lần đầu tiên đi lùi sau 10 năm. Trong đó, thu từ bảo hiểm nhân thọ giảm gần 13%, bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 3%.
Năm nay, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có hai đơn vị bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư với ngân hàng. Cùng với thanh tra, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm trường hợp phát hiện các đại lý bảo hiểm sai phạm.
Trước đó, 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bán sản phẩm liên kết đầu tư đã bị thanh tra trong hai năm qua. Sau thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 21.000 tỷ đồng, xử phạt hành chính hai doanh nghiệp 310 triệu đồng.
Lâm Đồng kiên quyết dừng dự án du lịch tại Dinh I Đà Lạt
Tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu các sở ngành làm việc với Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt để xác định thời gian chấm dứt Dự án King Palace sau khi đã có quyết định thu hồi.
Dinh I (Đà Lạt) được xây dựng từ những năm 1940 bởi một triệu phú người Pháp. |
Dự án King Palace nằm tại số 1 Trần Quang Diệu, Phường 10, Đà Lạt. Theo đó, Lâm Đồng cũng yêu cầu xác định giá trị đầu tư thực tế để bồi thường sau khi chấm dứt và thu hồi Dự án. Nếu không thống nhất được với chủ đầu tư, cơ quan kiểm toán độc lập sẽ tham gia xác định giá trị đầu tư theo quy định, báo cáo Tỉnh trước ngày 15/4.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lâm Đồng về việc xử lý dứt điểm Dự án King Palace của Hoàn Cầu Đà Lạt.
Năm 2015, Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt được tỉnh Lâm Đồng giao khu đồi thông rộng 18 ha gồm một số biệt thự cùng Dinh I để thực hiện dự án du lịch, thời gian hoạt động 50 năm.
Giữa năm 2020, sau quá trình thanh kiểm tra, Thanh tra Chính phủ kết luận tỉnh Lâm Đồng cho Hoàn Cầu Đà Lạt thuê nhà, đất Dinh I là vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư nên đề nghị chấm dứt Dự án. Trường hợp doanh nghiệp muốn sử dụng phải xác định lại giá, cho thuê tài sản theo quy định, tránh làm thất thu ngân sách.
Một năm sau, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra văn bản chấm dứt hoạt động Dự án King Palace - Dinh I. Về việc hoàn trả kinh phí đầu tư, UBND Tỉnh đã thống nhất với Sở Tài chính hoàn trả cho chủ đầu tư hơn 58,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu Đà Lạt cho biết, tính toán của Sở chưa đầy đủ bởi số tiền thực tế doanh nghiệp đầu tư vào Dự án hơn 141 tỷ đồng. Công ty nhiều lần kiến nghị xử lý lại và yêu cầu số tiền bồi thường lớn hơn.
Sau nhiều lần không thu hồi được đất, UBND TP. Đà Lạt kiến nghị cưỡng chế, thu hồi đất, rừng, tài sản, công trình kiến trúc tại dự án du lịch Dinh I, đồng thời truy thu tiền thuê đất và hoàn trả cho chủ đầu tư.
Hồ nước ngọt lớn nhất Cà Mau hoàn thành vào tháng 5
Sau nhiều lần chậm trễ, công trình hồ chứa nước rộng 102 ha sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5 giúp cung cấp nước sạch cho hơn 11.000 hộ dân ở huyện U Minh.
Công nhân đang thi công thành hồ |
Thông tin được ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết ngày 9/4.
Hồ có sức chứa 3,85 triệu m3 nước, khởi công đầu năm 2022 tại xã Khánh An, đến nay hoàn thành 82% khối lượng hợp đồng. Công trình thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.
Theo kế hoạch, hồ được hoàn thành giữa năm 2023, song trễ hẹn do nền địa chất yếu, công trình phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp vận hành, khai thác sau này. Sau 4 lần điều chỉnh, giá trị hợp đồng dự án khoảng 248 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, giảm khai thác nước ngầm, tránh lún sụt đất và phục vụ phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Hồ còn dẫn nước ngọt từ sông Hậu về phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho khu vực huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và khu công nghiệp Khánh An... Đây là những địa bàn xảy ra hạn hán ở mùa khô năm nay.
VNPT muốn doanh thu cao kỷ lục hơn 59.000 tỷ đồng
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng năm 2024, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023 và là mức cao kỷ lục.
VNPT muốn thu về hơn 59.000 tỷ đồng |
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) mới đây đã công bố mục tiêu, kế hoạch kinh doanh trong năm 2024.
Theo đó, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn năm nay đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu công ty mẹ được kỳ vọng đạt 41.973 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đặt mục tiêu lãi trước và sau thuế của công ty mẹ đạt lần lượt 4.417 tỷ đồng và 3.534 tỷ đồng. Nộp ngân sách công ty mẹ đạt 3.888 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư của công ty mẹ tối đa không quá 9.650 tỷ đồng.
Theo báo cáo của VNPT trong năm 2023, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102% cùng kỳ và đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, VNPT nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.849 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 6%.
Tháng 3 vừa qua, VNPT cho biết đã trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700 - 3.800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng. Khối băng tần này sẽ cho phép VNPT nhiều lựa chọn thiết bị mạng và chi phí triển khai mạng 5G thời gian tới.
Đại diện tập đoàn cho biết, hoạt động đấu giá băng tần là bước đầu theo quy định của Nhà nước về việc triển khai 5G tại Việt Nam. Sau khi trúng đấu giá băng tần 3.700 - 3.800 MHz, VNPT sẽ chuẩn bị để có thể sớm triển khai thương mại hóa 5G.
Tập đoàn cũng sẽ hợp tác chia sẻ hạ tầng với nhà mạng trúng băng tần 3.800 - 3.900 MHz trong lần đấu giá lại sắp tới để tăng hiệu quả triển khai 5G.
Một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở khu vực phía Nam bị cưỡng chế thuế vì nợ hơn 220 tỷ đồng
Công ty CP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt, doanh nghiệp xăng dầu lớn ở khu vực phía Nam, vừa bị tạm dừng làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa do nợ thuế hơn 220 tỷ đồng.
Công ty CP thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt là một trong số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu của cả nước |
Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM vừa ban hành quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt (quận Tân Phú, TP.HCM). Quyết định có hiệu lực 1 năm kể từ ngày 3/4.
Cơ quan quản lý cho biết, doanh nghiệp bị cưỡng chế do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền hơn 220 tỷ đồng. Quyết định cưỡng chế sẽ hết hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.
Công ty CP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt thành lập từ năm 2007. Người đại diện theo pháp luật kiêm Giám đốc là ông Trần Trác Việt Đức. Sau nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình dân dụng và kinh doanh bất động sản, đến năm 2014 - 2015 doanh nghiệp này từng bước tham gia kinh doanh xăng dầu.
Cuối năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công Thương, Công ty CP Thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt.
Đồng thời, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can với ông Trần Trác Việt Đức, Giám đốc công ty và bà Đỗ Thị Tuyết Nga, Kế toán trưởng Công ty CP thương mại Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bách Khoa Việt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đề xuất thuê tàu chở nước ngọt ra đảo Hải Tặc
UBND TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đề xuất thuê tàu chở 20.000 m3 nước ngọt cung cấp cho người dân tại xã đảo Tiên Hải, thường gọi là đảo Hải Tặc.
Toàn cảnh xã đảo Tiên Hải |
Quần đảo Hải Tặc rộng 283 ha, nằm cách đất liền 20 km, có hơn 2.000 dân. Người dân sử dụng nước mưa, suối và thường thiếu nước vào mùa khô. Theo người dân, tình trạng thiếu nước xảy ra hơn một tháng qua. Họ phải mua nước với giá 80.000 - 90.000 đồng một m3, cao gấp 10 lần so với ngày thường.
Chính quyền TP. Hà Tiên cho biết, qua khảo sát ghi nhận hồ nước ngọt trên đảo không đủ cấp nước suốt mùa khô, kiến nghị thuê sà lan chở nước bổ sung. Kinh phí vận chuyển 20.000 m3 nước hết khoảng 2 tỷ đồng.
Hơn một tháng qua, khô hạn khiến người dân miền Tây thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau... Nhiều diện tích lúa, cây trồng không có nước tưới.
Vừa qua Quân khu 9 dùng ba tàu tải trọng 60 - 200 tấn mang hơn 1.600 m3 nước sạch mỗi lần cấp miễn phí cho người dân vùng thiếu nước. Một số tỉnh thuê sà lan chở nước cung cấp cho người dân. Bến Tre cũng giảm 10% tiền nước cho người dân sử dụng trong tháng 3, 4/2024.
Truy tố cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 50 bị can khác
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 51 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến Công ty CP Tập đoàn FLC.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết |
Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị can Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) cùng hai em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế về các tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng hai tội trên, Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 41 bị can là nhân viên của FLC, các đơn vị thẩm định giá, kiểm toán...
Riêng 3 bị can thuộc Vụ Giám sát công ty đại chúng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị truy tố tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị can trong vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty liên quan thuộc hệ sinh thái của Công ty CP Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Đối với hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Cáo trạng cho rằng, các bị can đã sử dụng 190 tài khoản để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán bằng cách liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu sau đó hủy lệnh.
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Tổng cộng, thông qua việc thao túng 5 mã chứng khoán, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Ngoài hành vi thao túng 5 mã chứng khoán, cáo trạng xác định, Trịnh Văn Quyết, có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, thu tiền của các nhà đầu tư.