Bản tin thời sự sáng 10/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất Quảng Nam thực hiện 'nâng đời' cảng hàng không Chu Lai vốn 11.000 tỷ đồng; đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT hết năm 2026; mỗi lượng vàng tăng gần 2 triệu đồng; ra mắt nền tảng về sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam…

Đề xuất Quảng Nam thực hiện 'nâng đời' cảng hàng không Chu Lai vốn 11.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao UBND tỉnh Quảng Nam làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Cảng hàng không Chu Lai theo phương thức PPP.

Sân bay Chu Lai

Sân bay Chu Lai

Theo Bộ Xây dựng, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng còn khó khăn, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án huy động nguồn lực để đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai theo phương thức PPP.

“Trong giai đoạn trước mắt, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thiện Quy hoạch Cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu phương án đầu tư cho phù hợp”, Bộ Xây dựng nêu.

Bộ Xây dựng nêu quan điểm, thẩm quyền xem xét, giao UBND tỉnh Quảng Nam là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư Cảng hàng không Chu Lai theo phương thức PPP là của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào trung tuần tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao UBND tỉnh Quảng Nam khẩn trương triển khai thực hiện việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu địa phương kêu gọi đầu tư khai thác cảng theo quy hoạch và định hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay; phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành việc xây dựng cảng trong thời gian 2 năm.

Cuối tháng 11/2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.

Theo đề án, sân bay Chu Lai được nâng đời đồng bộ 1 đường cất hạ cánh mới kích thước 3.048 x 45 m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32 - 40 vị trí đỗ); nhà ga hành khách đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và 1 nhà ga hàng hóa có công suất khoảng 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư “nâng đời” Cảng hàng không Chu Lai là khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó, đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng theo quy định).

Đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT hết năm 2026

Tại tờ trình Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục kéo dài việc giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2026.

Đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT hết năm 2026

Đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT hết năm 2026

Bộ Tư pháp đang thẩm định hồ sơ Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT.

Trong tờ trình Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT nêu rõ, giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến giảm thuế GTGT.

Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT.

Tại tờ trình Dự án Nghị quyết quy định giảm 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ sau: viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Việc giảm thuế GTGT lần này, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng.

Mỗi lượng vàng tăng gần 2 triệu đồng

Giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng, lên sát 102 triệu đồng một lượng.

Vàng nhẫn trơn bán tại trụ sở SJC ở quận 3

Vàng nhẫn trơn bán tại trụ sở SJC ở quận 3

Chiều 9/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng miếng lên 99,7 - 101,9 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng ở chiều mua vào và 1,7 triệu đồng bán ra so với cuối ngày 8/4.

Các thương hiệu khác cũng tăng giá vàng miếng lên tương ứng. Chênh lệch giá mua và bán quanh 2,2 triệu đồng một lượng.

Cùng thời điểm, SJC niêm yết giá giao dịch nhẫn trơn 99,5 - 101,7 triệu đồng, tăng 1,9 triệu chiều mua và 1,6 triệu đồng bán ra.

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng nâng giá nhẫn trơn lên 99,2 - 101,5 triệu đồng. Tại Bảo Tín Minh Châu, nhẫn trơn ở mức 99,9 - 102 triệu đồng mỗi lượng.

Trên thị trường quốc tế, kim loại quý tăng lên 3.049 USD một ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 96,2 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá trong nước và thế giới nới rộng lên 5,7 triệu đồng mỗi lượng.

Ra mắt nền tảng về sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam

Bộ Khoa học và Công nghệ ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận và công bố các sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, sáng 9/4.

Cổng thông tin tiếp nhận và công bố các sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Cổng thông tin tiếp nhận và công bố các sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Cổng thông tin là kênh chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ để tiếp nhận, đánh giá, lựa chọn và công khai những sản phẩm, giải pháp công nghệ, chuyển đổi số đã được triển khai, ứng dụng thành công trong thực tế tại Việt Nam. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có thể đăng ký, gửi đề xuất, sau đó theo dõi kết quả phản hồi trực tuyến, không cần thủ tục giấy tờ.

Quá trình xét duyệt được Bộ công khai, tạo điều kiện để cộng đồng tiếp cận, tìm hiểu về các sản phẩm, giải pháp Make in Viet Nam có giá trị.

Cổng thông tin hiện công bố 71 sản phẩm và giải pháp công nghệ số, thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, bưu chính, logistics, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, tài chính, ngân hàng, thương mại, dịch vụ...

Theo ông Đỗ Công Anh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Khoa học và Công nghệ, đơn vị phát triển và vận hành nền tảng, những sản phẩm Make in Viet Nam này đều có tính ứng dụng cao, có thể triển khai thực tế.

"Khi đưa lên Cổng, ngoài phần mô tả, doanh nghiệp có thể chia sẻ mong muốn tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư, khách hàng, hoặc đề xuất cơ chế riêng để được Nhà nước hỗ trợ về chuyên gia, truyền thông, kết nối", ông Công Anh nói.

Sau 24 giờ kể từ khi mở cổng, đã có 100 sản phẩm, giải pháp Make in Viet Nam đề xuất đăng ký. Sau khi xem xét tính hợp lệ, Bộ đang tiếp nhận 60 sản phẩm, giải pháp để tiếp tục xử lý trước khi công bố.

TP.HCM thu hồi đất của hơn 2.100 trường hợp để làm cao tốc đi Mộc Bài

Số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi 2.177 trường hợp, với 254 trường hợp đủ điều kiện bố trí nền tái định cư, 178 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

Các công nhân cắm mốc, giao ranh để triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Các công nhân cắm mốc, giao ranh để triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa phê duyệt Dự án thành phần 3 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP.HCM thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).

Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM. Dự án thành phần 3 có mục tiêu hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công Dự án thành phần 1 (xây dựng đường cao tốc) và Dự án thành phần 2 (xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc).

Với tổng chiều dài khoảng 25 km, Dự án thành phần 3 sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng một lần toàn tuyến theo quy mô 6 làn xe cao tốc, đường gom dân sinh, nút giao vành đai 3, nút giao Tỉnh lộ 8 và các cầu vượt ngang đường cao tốc. Diện tích ảnh hưởng khoảng 2,2 triệu m2; trong đó, diện tích đất ở dự kiến 61.614 m2, đất nông nghiệp hơn 1,9 triệu m2...

Số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi 2.177 trường hợp, với 254 trường hợp đủ điều kiện bố trí nền tái định cư, 178 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.

Tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 khoảng 5.052 tỷ đồng từ vốn ngân sách; trong đó, hơn 4.333 tỷ đồng cho chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật khoảng 272 tỷ đồng; phần còn lại dành cho các chi phí khác.

Quỹ nền đất, căn hộ tái định cư của Dự án thành phần 3 được bố trí từ Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư phục vụ Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc bài và các dự án công ích khác tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.

Dự kiến, UBND huyện Củ Chi tiến hành bàn giao mặt bằng phần đất công, không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ công tác khởi công hạng mục rà phá bom mìn vào ngày 30/4/2025. Việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện trong quý II/2025. Công tác chi trả bồi thường, bàn giao mặt bằng đối với phần còn lại tiến hành từ quý III - IV/2025.

Việc di dời công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện từ quý II/2025 đồng bộ theo tiến độ của dự án thành phần 1 và thành phần 2, hoàn tất công tác di dời đến quý II/2027.

Đề xuất 91.000 tỷ đồng phổ cập mầm non cho trẻ 3 tuổi

Bộ Giáo dục đề xuất chi 91.000 tỷ đồng để huy động trẻ 3 tuổi đến trường, gồm hỗ trợ học phí cho con em công nhân, trợ cấp 12 tháng lương cơ sở để thu hút giáo viên.

Con công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM

Con công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi, để lấy ý kiến nhân dân.

Trong đó, Bộ đề xuất việc này áp dụng trên toàn quốc, mục tiêu là 100% tỉnh, thành đạt được vào năm 2030.

Có ba nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu này. Nhóm thứ nhất là các chính sách hỗ trợ cho trẻ. Bộ đề xuất hỗ trợ chi phí học tập với trẻ 3 - 5 tuổi, là con công nhân (có hợp đồng lao động) ở các khu công nghiệp.

Nhóm thứ hai là các chính sách dành cho nhà giáo. Theo đó, giáo viên mầm non công lập được tuyển dụng từ năm học 2025 - 2026 được hưởng trợ cấp thu hút, chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở (hiện khoảng 28 triệu đồng). Người được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất 5 năm.

Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không gồm cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập.

Nhóm giải pháp thứ ba là đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, hải đảo.

Theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện là hơn 91.000 tỷ đồng, từ năm 2026 đến năm 2035. Số này gồm ngân sách nhà nước, xã hội hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự thảo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 7 năm nay.

Hiện, bậc mầm non phổ cập với trẻ 5 tuổi. Từ năm 2017, tất cả địa phương đã hoàn thành và duy trì đến nay, huy động được trên 99% trẻ 5 tuổi đến trường; đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên để thực hiện chương trình do Bộ ban hành.

Hồi tháng 8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ trong độ tuổi 3 - 4; 4 - 5 tại 15 địa phương. Bộ sau đó đề xuất Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Nghị quyết về việc này, tạo hành lang pháp lý triển khai đại trà.

Thu hồi đất 1.146 hộ dân ở Hà Đông mở đường huyết mạch rộng 60m

Quận Hà Đông (TP. Hà Nội) dự kiến thu hồi đất của 1.146 hộ dân để thi công mở rộng 6 km Quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn.

1.146 hộ dân ở Hà Đông (Hà Nội) sẽ bị thu hồi đất để mở rộng Quốc lộ 6

1.146 hộ dân ở Hà Đông (Hà Nội) sẽ bị thu hồi đất để mở rộng Quốc lộ 6

Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 6 (đoạn Ba La - Xuân Mai) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 969/QĐ-UBND ngày 18/3/2022.

Công trình được khởi công vào cuối năm 2022 với tổng chiều dài khoảng 21,7 km (đoạn qua quận Hà Đông dài 5,92 km; đoạn qua huyện Chương Mỹ dài 15,87 km).

Theo thiết kế, đoạn tuyến rộng 50 - 60 m, tốc độ thiết kế 80 km/h. Trên tuyến có một cống hộp (cống Tuân) và 7 cầu gồm: Mai Lĩnh, Đồng Trữ, Tân Trượng, Quán Lát, Xuân Mai, Sông Bùi và Năm Lu.

Dự án có 4 nút giao chính, trong đó các nút giao khác mức (nơi có hai hoặc nhiều đường giao nhau nằm ở cao độ khác nhau) với Quốc lộ 21A, đường trục Bắc Nam và Vành đai 4.

UBND quận Hà Đông là chủ đầu tư Dự án thành phần 1.1 về công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng của dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.886 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách Thành phố và ngân sách trung ương hỗ trợ.

Tổng diện tích đất phải thu hồi của Dự án khoảng 26,46 ha, liên quan 1.146 hộ gia đình, cá nhân. Số lượng hộ gia đình dự kiến bố trí tái định cư khoảng 317 hộ.

Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, đến nay Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông đã phối hợp với UBND các phường có đất thu hồi hoàn thiện công tác đo đạc ngoài thực địa.

Theo đó, địa bàn phường Biên Giang có 360 thửa đất; phường Yên Nghĩa 378 thửa đất; phường Đồng Mai 266 thửa đất; phường Phú Lãm 56 thửa đất và phường Phú La có 6 thửa đất nằm trong ranh giới, chỉ giới thu hồi đất.

Còn tại huyện Chương Mỹ, tính đến cuối năm 2024, địa phương này đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu diện tích khoảng 57,58ha, đạt 67,45% (đất công và đất nông nghiệp) để triển khai thi công dự án.

Với phần diện tích còn lại, huyện Chương Mỹ phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào quý I/2026.

Dự án mở rộng Quốc lộ 6 dự kiến hoàn thành năm 2027, kỳ vọng khắc phục tình trạng ùn tắc, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Dây cáp điện Việt Thái bị đình chỉ hoạt động và buộc di dời ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Không có giấy phép môi trường, một công ty ở Đồng Nai bị đình chỉ hoạt động và buộc di dời ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Một góc Khu Công nghiệp Biên Hòa 1

Một góc Khu Công nghiệp Biên Hòa 1

Ngày 9/4, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa.

Đơn vị bị xử phạt là Công ty CP Dây cáp điện Việt Thái. Doanh nghiệp này không có giấy phép môi trường theo quy định.

Theo đó, Công ty CP Dây cáp điện Việt Thái đang hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp huyện nhưng không có giấy phép môi trường theo quy định.

Công ty CP Dây cáp điện Việt Thái bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 65 triệu đồng. Thời hạn chấp hành xử phạt nội dung này là 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Thời hạn chấp hành nội dung xử phạt này là kể từ khi nhận được quyết định xử phạt.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Thời gian thực hiện trước ngày 1/12/2025.

UBND tỉnh Đồng Nai đang thực hiện Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường. Theo lộ trình cuối năm nay, tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp này phải di dời đi nơi khác.

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang bị phong tỏa loạt tài khoản ngân hàng

Tài khoản ngân hàng của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự địa phương.

Angimex bị phong tỏa loạt tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa

Angimex bị phong tỏa loạt tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa

Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) vừa công bố thông tin bất thường liên quan đến tình hình tài chính và hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Theo đó, các tài khoản ngân hàng của Angimex tại 3 chi nhánh ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh An Giang, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh An Giang và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh An Giang, đã bị phong tỏa theo yêu cầu từ cơ quan thi hành án dân sự thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Thông báo trên được đưa ra sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông tin về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu AGM của Angimex.

Ngày 28/3, HoSE nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Angimex, ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 425,7 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ thực góp 182 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Angimex cũng âm gần 243,8 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, HoSE quyết định thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AGM theo quy định hiện hành.

Angimex có trụ sở tại số 1 Ngô Gia Tự, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngành nghề kinh doanh chính của Angimex là sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo (xuất khẩu trực tiếp, tiêu thụ nội địa và cung ứng xuất khẩu); kinh doanh xe gắn máy và phụ tùng xe gắn máy.

Đây là doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, doanh thu đạt trên 2.000 tỷ đồng/năm vào giai đoạn 2017 - 2021, đỉnh điểm vượt 3.900 tỷ đồng vào năm 2021. Tuy nhiên, từ năm 2022, việc sản xuất kinh doanh bắt đầu xuống dốc.

Tin cùng chuyên mục