Bản tin thời sự sáng 10/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là máy bay Vietnam Airlines quay đầu để cấp cứu hành khách; cấp căn cước gắn chip cho toàn bộ người dân trước ngày 30/9; sẽ tái đấu giá 4 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm; kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2023…

Máy bay Vietnam Airlines quay đầu để cấp cứu hành khách

Máy bay của Vietnam Airlines rời Hà Nội đi Tokyo phải quay lại sân bay Nội Bài để cấp cứu một bé gái gặp vấn đề sức khỏe.

Chuyến bay Vietnam Airlines hạ cánh cứu em bé người Nhật

Chuyến bay Vietnam Airlines hạ cánh cứu em bé người Nhật

Máy bay Boeing 787 thực hiện chuyến bay VN384 với 145 hành khách khởi hành đúng lịch trình từ sân bay Nội Bài, sáng 8/8. Sau hơn một giờ 45 phút bay, khi đến Nam Ninh (Trung Quốc), hành khách 10 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, bị chảy máu cam. Bé gái đi cùng mẹ và chị gái.

Tổ tiếp viên hỗ trợ cấp cứu cháu bé và thông báo tìm bác sĩ trên máy bay. Tuy nhiên, hành khách chảy máu không ngừng nên tổ bay quyết định cho máy bay quay trở lại Nội Bài để nhận sự trợ giúp y tế từ mặt đất.

Sau khi máy bay hạ cánh, cháu bé được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ở Hà Nội. Hiện sức khỏe của cháu đã ổn định.

Máy bay tiếp tục khởi hành, chậm hơn 4 giờ so với kế hoạch ban đầu. Hãng đã triển khai các phương án phục vụ khách nhỡ nối chuyến, đặt lại chuyến bay mới.

Tiếp viên trưởng Đoàn Thị Kim Thơ cho biết, do tình trạng bé gái không an toàn, trên máy bay không có bác sĩ, trong khi đó hành trình đến Nhật còn 3,5 giờ, nhiều hơn 2 giờ so với quay về Nội Bài, nên tổ bay quyết định quay lại.

Theo đại diện Vietnam Airlines, máy bay phải quay đầu để cấp cứu hành khách ít xảy ra. Phụ thuộc vào tình huống nguy hiểm với hành khách, tổ bay được quyết định cho máy bay trở lại hoặc hạ cánh tại sân bay trên hành trình.

Cấp căn cước gắn chip cho toàn bộ người dân trước ngày 30/9

Bộ Công an đặt mục tiêu cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện cấp trong tháng 9.

Chip điện tử ở mặt sau của CCCD sẽ tích hợp nhiều loại giấy tờ

Chip điện tử ở mặt sau của CCCD sẽ tích hợp nhiều loại giấy tờ

Nội dung liên quan đến căn cước công dân (CCCD) gắn chip là một trong những vấn đề được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đề cập trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/8.

Bộ trưởng nhấn mạnh, sau khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hồi tháng 2/2021, Bộ Công an đã triển khai gắn số định danh và thông báo 100% số định danh cá nhân cho công dân toàn quốc (mã số định danh cá nhân được cấp ngay khi công dân mới sinh ra và chính là số căn cước sau khi công dân đến tuổi làm căn cước).

Đồng thời, Bộ Công an đã triển khai chiến dịch thu nhận và cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử cho công dân toàn quốc để người dân sớm được hưởng những tiện ích do thẻ căn cước mới mang lại. Tính đến ngày 5/8, Bộ Công an đã cấp gần 68 triệu CCCD gắn chip.

Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng phấn đấu hoàn thành việc cấp CCCD cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9, riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ) dự kiến hoàn thành trong tháng 8.

Ngoài ra, ngày 18/7, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử hoạt động chính thức. Bộ Công an đánh giá đây là bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.

Sẽ tái đấu giá 4 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay các sở, ngành đang báo cáo UBND Thành phố để phê duyệt kế hoạch, sau đó sẽ công khai tiến độ và đưa ra tái đấu giá với 4 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm.

Sẽ tái đấu giá 4 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm

Sẽ tái đấu giá 4 lô đất bị bỏ cọc tại Thủ Thiêm

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, sau đợt đấu giá đất Thủ Thiêm, TP.HCM đã chỉ đạo rà soát để xây dựng một kế hoạch, có phương án cụ thể và lộ trình đấu giá cũng như kiểm tra trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ. Điều này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ đưa các khu đất trúng đấu giá vào sử dụng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Trước đó, vào ngày 10/12/2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm với số tiền đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng, trong đó Lô 3.12 có mỗi mét vuông trúng đấu giá đạt kỷ lục 2,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi đấu giá, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đều bỏ cọc. Hiện các lô đất chưa có chủ mới và TP.HCM đang nghiên cứu để tiếp tục tái đấu giá.

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết, sau thời điểm 2 doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm quá hạn 180 ngày, địa phương đã giao các sở, ngành chuyên môn tham mưu về việc hủy kết quả trúng đấu giá.

Sau khi rà soát, UBND TP.HCM sẽ trình Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố để cho ý kiến. Thường vụ cho ý kiến đến đâu sẽ làm đến đó. Tinh thần là cái nào có thể đấu giá thì tiến hành đấu giá.

Kiến nghị giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2023

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ đối với doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành này đang gặp nhiều khó khăn.

Khách tìm hiểu mua tour tại Ngày hội du lịch TP.HCM

Khách tìm hiểu mua tour tại Ngày hội du lịch TP.HCM

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 14, ngày 10/8.

Liên quan đến nhóm vấn đề về phục hồi, phát triển du lịch sau Covid-19, ông Hùng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép kéo dài chính sách đã có đến hết năm 2023. Trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thuộc lĩnh vực du lịch; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân năm 2022 và 2023 đối với lĩnh vực vận tải, lưu trú, ăn uống và dịch vụ hỗ trợ liên quan.

Ngoài ra, ông Hùng cũng kiến nghị tiếp tục giảm giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất đến hết năm 2022 và ngang bằng giá điện sản xuất từ năm 2023 trở đi; lùi thời điểm đóng phí công đoàn 6 tháng với các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ 15% trở lên, kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2023.

Về phía các địa phương, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị xem xét chính sách miễn phí tham quan tại điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá tour, kích cầu du lịch.

7 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp du lịch đã đón tiếp và phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 325.000 tỷ đồng.

Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, khách nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 60% so với năm 2019. Năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020; tổng thu từ khách du lịch đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ.

Đề xuất sớm đầu tư 16 nút giao lớn ở TP.HCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị thành phố sớm bố trí vốn đầu tư 16 nút giao lớn trong ba năm tới để đồng bộ mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc các khu vực.

Xe trên Quốc lộ 1, đoạn qua giao lộ Nguyễn Văn Quá, Quận 12

Xe trên Quốc lộ 1, đoạn qua giao lộ Nguyễn Văn Quá, Quận 12

Đây là các dự án trong danh mục ưu tiên, theo lộ trình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Thành phố. Trong đó, Dự án cầu vượt ở khu vực Ngã tư Đình (Quốc lộ 1 - Nguyễn Văn Quá, Quận 12) đã được duyệt với tổng vốn khoảng 480 tỷ đồng.

5 dự án nút giao khác đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương, với tổng kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng, gồm: Linh Xuân (Quốc lộ 1 - 1K), Nguyễn Thị Định - Nguyễn Duy Trinh (TP. Thủ Đức); ngã tư Bốn Xã (Thoại Ngọc Hầu - Hương Lộ 2 - Lê Văn Quới, quận Tân Phú, Bình Tân); ngã bảy Điện Biên Phủ - Ngô Gia Tự - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong và ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh (Quận 10).

10 nút giao còn lại chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Ngành giao thông kiến nghị được bố trí 5 tỷ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị như lập, thẩm định, quyết định chủ trương... Trong đó, nhiều nút giao thường xuyên ùn tắc như ngã năm Đài Liệt sỹ (quận Bình Thạnh), Lạc Long Quân - Âu Cơ (Tân Phú), Nguyễn Kiệm - Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận), Quốc lộ 1 - đường Vườn Lài (Quận 12)...

Hiện, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng tại TP.HCM chỉ đạt gần 13%, kém 10% so với quy chuẩn; tổng chiều dài các đường trên địa bàn hơn 4.700 km, mật độ 2,26 km trên một km2, chỉ bằng 1/5 quy chuẩn...