Bản tin thời sự sáng 11/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM sẽ xây 2 tượng đài tại công viên 23/9 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm; giá xăng tăng vọt gần 1.300 đồng lên 21.060 đồng/lít; Phú Yên chủ động khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ; Hà Nội tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/11…

TP.HCM sẽ xây 2 tượng đài tại công viên 23/9 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, tượng đài Thống Nhất dự kiến đặt tại Thủ Thiêm còn tượng đài Nam Bộ kháng chiến dự kiến đặt tại công viên 23/9.

Dự kiến tượng đài Thống Nhất được triển khai tại Thủ Thiêm

Dự kiến tượng đài Thống Nhất được triển khai tại Thủ Thiêm

Ngày 10/10, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM thông tin về việc triển khai tượng đài Nam Bộ kháng chiến và tượng Thống Nhất. Trong đó, tượng đài Thống Nhất dự kiến đặt tại Thủ Thiêm, còn tượng đài Nam Bộ kháng chiến dự kiến đặt tại công viên 23/9.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, các phương án xây dựng tượng đài sẽ phải bảo đảm tiêu chí về không gian, trang trọng, hài hòa và tương xứng với cảnh quan khu vực, mỹ quan đô thị.

Cả hai tượng đài được kỳ vọng tạo điểm nhấn về giá trị lịch sử, văn hóa đối với thành phố và cả nước. Nơi đặt các tượng đài sẽ là điểm đến thu hút du khách thành phố và các vùng lân cận.

Cũng theo Sở Văn hóa và Thể thao, để triển khai các tượng đài này, TP.HCM chuẩn bị tổ chức thi tuyển phương án, ý tưởng xây dựng hai tượng đài.

Tượng đài Nam Bộ kháng chiến được Thành phố xác định xây dựng tại khu A, công viên 23/9 (Quận 1). Các tác giả dự thi phải thiết kế cảnh quan khu vực và quy mô, kích thước tượng đài phù hợp với không gian cảnh quan của công viên 23/9, bảo đảm mật độ xây dựng toàn khu vực và cảnh quan phía trước chợ Bến Thành, tuyến metro.

Còn tượng đài Thống Nhất dự kiến được quy hoạch xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức), trong không gian khu vực Quảng trường Thủ Thiêm, công viên hồ trung tâm, phía đường Tố Hữu.

Giá xăng tăng vọt gần 1.300 đồng lên 21.060 đồng/lít

Giá xăng E5 RON 92 tăng 990 đồng/lít, còn xăng RON 95 tăng 1.260 đồng/lít. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần.

Giá xăng tăng vọt gần 1.300 đồng lên 21.060 đồng/lít

Giá xăng tăng vọt gần 1.300 đồng lên 21.060 đồng/lít

Chiều 10/10, Liên bộ Công Thương - Tài chính thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h cùng ngày.

Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng 990 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và tăng 1.260 đồng trên mỗi lít xăng RON 95. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 19.840 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.060 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong kỳ điều hành hôm nay. Cụ thể, giá dầu diesel tăng 1.100 đồng/lít, lên 18.500 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 1.140 đồng/lít, lên mức 18.790 đồng/lít; dầu mazut tăng lên 15.910 đồng/kg. Tại kỳ điều hành, liên Bộ vẫn duy trì không trích hay chi Quỹ bình ổn giá.

Như vậy, giá xăng trong nước đã bật tăng chỉ sau một phiên giảm, hiện giá nhiên liệu này ở mức thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương thời điểm cuối tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, giá xăng tăng 20 lần, giảm 21 lần; dầu diesel có 18 lần tăng và 21 lần giảm.

Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ. Số dư quỹ tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.

Trong đó, số dư quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp nắm một nửa thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước - chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức cao như Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) là 328 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) là gần 300 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp 460 tỷ đồng, số dư Quỹ của Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ là hơn 390 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là gần 165 tỷ đồng…

Phú Yên chủ động khắc phục các sai phạm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ

UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, trong quá trình Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, kịp thời tổ chức khắc phục ngay một số nội dung có sai sót.

Một khu đất ở thành phố Tuy Hòa

Một khu đất ở thành phố Tuy Hòa

Chiều 10/10, UBND tỉnh Phú Yên ra thông cáo báo chí việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra trách nhiệm đối với UBND Tỉnh trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động khai thác cát, đất, đá, sỏi và quản lý đầu tư xây dựng.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 518/QĐ-TTCP về thanh tra trách nhiệm của UBND Tỉnh trong các lĩnh vực nêu trên.

Thời kỳ thanh tra nhiệm kỳ trước (từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2020). Riêng thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2020.

Do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và một số nguyên nhân khác nên đến nay, Thanh tra Chính phủ mới chính thức ban hành kết luận và tổ chức công bố công khai kết luận thanh tra này tại UBND tỉnh Phú Yên.

UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, trong quá trình Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, kịp thời tổ chức khắc phục ngay một số nội dung có sai sót; không chờ đến khi có kết luận thanh tra.

Cụ thể như việc sớm xử lý, khắc phục, thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền tạm ứng vốn đầu tư, tiền sử dụng đất...

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên đã làm việc với các nhà đầu tư để thống nhất giải pháp xử lý thiếu sót bảo đảm triển khai các dự án đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh Phú Yên cương quyết thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với một số dự án thực hiện không đúng quy định. Do đó, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ không có trường hợp nào phải kiến nghị chuyển cơ quan điều tra mà chỉ khắc phục về mặt tài chính và xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan.

Hà Nội tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/11

Từ ngày 1/11, giá vé của 132 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng mỗi lượt, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên.

Từ ngày 1/11, giá vé của 132 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng mỗi lượt

Từ ngày 1/11, giá vé của 132 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng mỗi lượt

Giá vé lượt cự ly dưới 15 km có mức tăng thấp nhất từ 7.000 lên 8.000 đồng. Mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40 km, từ 9.000 lên 20.000 đồng.

Giá vé tháng xe buýt sẽ tăng trung bình 40%. Học sinh, sinh viên, công nhân sẽ phải trả thêm 15.000 đồng mỗi tháng cho vé một tuyến và 40.000 đồng mỗi tháng cho vé liên tuyến. Hà Nội sẽ miễn tiền vé cho người có công, cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.

Sở Giao thông vận tải lý giải, cơ cấu vé và giá vé xe buýt được áp dụng từ năm 2014 đến nay không còn phù hợp với sự phát triển của mạng lưới tuyến. Thời điểm điều chỉnh giá vé năm 2014, mạng lưới buýt có 72 tuyến và nhánh tuyến, trong đó tuyến dài nhất là 49,9 km.

Sau 10 năm, mạng lưới buýt đã có 132 tuyến, phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, trong đó tuyến có cự ly dài nhất lên tới 61,05 km. Các tuyến cự ly 30 - 60 km có mức giá như nhau là chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, mức lương cơ bản đã tăng 7 lần (từ 1.150.000 đồng lên 2.340.000 đồng, tăng 103%). Chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014.

Vì vậy, duy trì mức giá vé xe buýt từ năm 2014 đến nay đã không còn phù hợp. Việc điều chỉnh giá vé là giải pháp cấp thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực vận tải công cộng; tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo chi phí trợ giá cho xe buýt ở mức hợp lý. Tăng giá vé sẽ giúp Thành phố thu thêm 300 tỷ đồng mỗi năm, giảm mức trợ giá nhà nước.

Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó 132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến city tour, phủ đến tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã và 512/579 xã phường, thị trấn. Toàn Thành phố có hơn 2.000 xe buýt, trong đó trăm xe sử dụng năng lượng sạch. Hỗ trợ tài chính cho xe buýt từ ngân sách Thành phố tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ mức trung bình 1.370 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2015 - 2019 lên đến 2.750 tỷ đồng vào năm 2023.

Doanh thu Hòa Phát vượt 4 tỷ USD

Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng trong quý III, qua đó nâng tổng doanh thu lũy kế từ đầu năm vượt 105.000 tỷ đồng (tương đương hơn 4 tỷ USD).

Doanh thu lũy kế 9 tháng của Hòa Phát đã đạt 105.000 tỷ đồng

Doanh thu lũy kế 9 tháng của Hòa Phát đã đạt 105.000 tỷ đồng

Theo số liệu tự công bố, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) ghi nhận doanh thu hơn 34.000 tỷ đồng trong quý III năm nay, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu Hòa Phát vượt 105.000 tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), tăng 23% và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.

Đánh giá về tình hình kinh doanh, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cho biết, thị trường thép nhìn chung còn nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước, giá bán có xu hướng giảm.

Quý vừa rồi, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép của Hòa Phát đạt trên 2 triệu tấn, giảm 7% so với quý II.

Lũy kế 9 tháng, Tập đoàn sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%.

Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn.

Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, sản lượng ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3%. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn, tăng 43% và vượt số cả năm 2023.

Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 93.000 tấn thép dự ứng lực các loại. Mảng container liên tục nhận được nhiều đơn hàng từ những đối tác lớn như Hapag-Lloyd, SeaCube, Hải An…

Tập đoàn đang dồn lực triển khai xây dựng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với quy mô 5,6 triệu tấn thép HRC/năm. Hiện tại, Dự án đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2.

Theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng lò cán đầu tiên vào cuối năm 2024.

Đề xuất mở tour Cam Lâm - Cam Ranh đón khách tàu biển

Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất tổ chức tour du lịch trong 7 giờ cho khách tàu biển quốc tế, tham quan 5 điểm du lịch tại Cam Lâm và Cam Ranh.

Du thuyền chở khách quốc tế vào vịnh Nha Trang

Du thuyền chở khách quốc tế vào vịnh Nha Trang

Đề xuất nằm trong báo cáo kết quả khảo sát, xây dựng chương trình tham quan phục vụ khách du lịch tàu biển đến Cảng quốc tế Cam Ranh, được Sở Du lịch gửi UBND Tỉnh.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, các ngành đã khảo sát 5 điểm du lịch gồm Khu du lịch Đồng Cừu Suối Tiên, Natural Paradise, chùa Từ Vân tại thành phố Cam Ranh và vườn xoài cổ thụ, cửa hàng trưng bày sản phẩm về xoài huyện Cam Lâm. Các điểm đến tại hai địa phương đều có cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm đặc thù, có kết nối các hạ tầng giao thông, dịch vụ ăn uống, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây còn có các khu lưu trú, điểm vui chơi được đầu tư đầy đủ vật chất để phục vụ khách.

Ngành du lịch tỉnh nhận định tour sẽ góp phần nâng cao chất lượng điểm đến phục vụ du khách, trong đó có khách du lịch tàu biển khi đến Nha Trang - Khánh Hòa; góp phần đa dạng thị trường khách và sản phẩm du lịch.

Tuy nhiên, các điểm được đề xuất trong tour vẫn còn một số hạn chế như một vài nơi nằm ở vùng trũng, có nguy cơ ngập lụt vào mùa mưa lũ; công tác quảng bá chưa mạnh; một số còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo đề xuất, dự kiến thời gian tham quan hai điểm trong vòng 7 giờ, số lượng khách đi tour khoảng 30 - 450 người, trang phục yêu cầu không mang quần đùi, áo hở vì có đi thăm chùa.

Lộ trình xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh, khởi hành thăm chùa Từ Vân, sau đó đến khu du lịch Đồng cừu Suối Tiên hoặc Natural Paradise thăm đồng cừu, tìm hiểu về nghề trồng lúa nước, xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tham gia chế biến và thưởng thức các món ăn truyền thống. Tiếp đến, du khách sẽ thăm vườn xoài Cam Lâm, uống trà và thưởng thức các sản phẩm từ xoài.

Năm 2023, Khánh Hòa đón 25 chuyến tàu biển với gần 46.000 lượt khách. 6 tháng đầu năm, tỉnh đón 27 chuyến với hơn 55.500 lượt khách. Dự kiến 3 tháng cuối năm, tỉnh sẽ đón 17 chuyến tàu biển quốc tế.

Hiện, cảng Nha Trang đang trong quá trình đầu tư nâng cấp, các hãng tàu biển quốc tế bắt đầu lựa chọn Cảng quốc tế Cam Ranh là điểm đón khách tàu biển lên bờ tham quan.

TP.HCM rà soát gấp vị trí làm mạng lưới sạc xe điện

TP.HCM tính toán xây dựng hạ tầng trạm sạc trên địa bàn để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

Xe buýt điện D4 là tuyến đầu tiên của TP.HCM được thí điểm hoạt động

Xe buýt điện D4 là tuyến đầu tiên của TP.HCM được thí điểm hoạt động

UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Sở Giao thông vận tải (GTVT) và các đơn vị liên quan, đề nghị rà soát vị trí xây dựng hệ thống trạm sạc (cấp điện/năng lượng xanh), hạ tầng trạm sạc phục vụ cho các loại xe điện trên địa bàn khi Thành phố bước vào giai đoạn chuyển đổi xe xanh thời gian tới.

Sở GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Công an TP.HCM và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát mạng lưới đường bộ, cảng biển, cảng thủy nội địa lẫn bến xe, nhà ga...

Sau đó, các đơn vị lập danh sách những vị trí đủ điều kiện xây dựng, lắp đặt hệ thống trạm sạc cho xe điện và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể. Vị trí lắp trạm sạc phải đáp ứng tiêu chí có bãi đỗ xe, đấu nối giao thông phù hợp.

Sở GTVT và những cơ quan kể trên cũng được giao triển khai lắp đặt các trạm sạc trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy định và lên phương án tổ chức quản lý, khai thác hệ thống trạm sạc này.

Từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải hoàn thành việc tổng hợp, rà soát khó khăn, vướng mắc trong việc thúc đẩy chuyển đổi từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe sử dụng năng lượng điện để tham mưu, báo cáo cho UBND Thành phố.

Dự kiến, TP.HCM thực hiện lộ trình chuyển đổi giao thông xanh theo hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 trong năm 2024 sẽ hoàn thành cơ chế chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng sang xe sử dụng năng lượng điện hoặc CNG; giai đoạn 2 (sau năm 2025), các đơn vị chuyển đổi tất cả xe (công lẫn tư nhân), cả xe máy, ô tô sang xe điện.

TP.HCM đang tính toán chuyển đổi theo vùng, khu vực, nhóm đối tượng cụ thể với quy trình kiểm soát, tiêu chuẩn rõ ràng. Cũng trong giai đoạn 2, các đơn vị tính tới phương án xử lý pin thải và quản lý sử dụng.

FLC xin nghiên cứu lại các dự án du lịch, giải trí cao cấp

Năm 2022, FLC đề xuất dừng nghiên cứu một số dự án, đến nay có văn bản xin nghiên cứu lại các dự án du lịch, giải trí cao cấp ở huyện Gio Linh.

Dọc biển tỉnh Quảng Trị có cảnh quan đẹp, nên Tập đoàn FLC cũng như nhiều nhà đầu tư khác đã quan tâm việc thực hiện dự án du lịch

Dọc biển tỉnh Quảng Trị có cảnh quan đẹp, nên Tập đoàn FLC cũng như nhiều nhà đầu tư khác đã quan tâm việc thực hiện dự án du lịch

Ngày 10/10, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã nhận được văn bản đề nghị cho phép nghiên cứu các dự án trên địa bàn của Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt FLC).

“Căn cứ trên đề nghị của FLC, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ giao các ngành tham mưu, trình UBND Tỉnh xem xét, quyết định”, ông Hoàng Nam cho biết.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, FLC đề xuất nghiên cứu ý tưởng quy hoạch và đầu tư quần thể sân golf, trung tâm hội nghị, du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp quy mô khoảng 700 ha tại xã ven biển Trung Giang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) với tổng mức đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.

Được biết, trước đây, FLC là nhà đầu tư được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép nghiên cứu các dự án thuộc Tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển Gio Linh; Dự án Khu dịch vụ thể thao tại huyện Gio Linh và Dự án Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - Quảng Trị.

Vào ngày 25/8/2022, FLC có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị, đề xuất dừng nghiên cứu 2 dự án du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ thể thao tại huyện Gio Linh.

FLC đưa ra lý do xin dừng nghiên cứu 2 dự án trên, bởi quá trình triển khai nghiên cứu gặp một số vướng mắc khách quan, cần nhiều thời gian giải quyết như việc chồng lấn mỏ khoáng sản cát, mỏ khoáng sản titan… Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, FLC nhận thấy sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương đối với các dự án chưa cao, sẽ ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ thực hiện dự án sau này…

Tàu gây sự cố trên sông Đồng Nai, 38.000 hộ mất điện

Tàu hàng chạy qua lưới điện không giữ đúng khoảng cách 6 m gây sự cố ở trạm biến áp, hàng chục nghìn hộ dân ở TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) mất điện.

Tàu hàng gây ra sự cố khiến hàng chục nghìn hộ dân mất điện

Tàu hàng gây ra sự cố khiến hàng chục nghìn hộ dân mất điện

Hơn 9h ngày 10/10, tàu chở hàng số hiệu HD 86-85 đi trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) qua khoảng trụ 14-15 thuộc Đường dây 110kV 173 Long Bình - 172 Tân Mai - Nhánh rẽ Vicasa. Do tàu không giữ đúng khoảng cách an toàn đã gây phóng điện ở đường dây, một máy của trạm biến áp bị ngắt.

Sự cố làm hai cột ăng ten VHF của tàu hàng hư hỏng. Hơn 38.000 hộ dân thuộc các phường Quyết Thắng, Thống Nhất, Trung Dũng, Quang Vinh, Bửu Long, Hòa Bình, Thanh Bình, Tân Phong thuộc TP. Biên Hòa mất điện.

Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã cô lập đường dây xảy ra sự cố, tiến hành chuyển tải điện qua Đường dây 110kV Biên Hòa - Tân Mai cấp cho Trạm biến áp 110kV Tân Mai. Sau hơn nửa giờ, sự cố được khắc phục.

Theo quy định, khoảng cách an toàn dưới đường điện 110kV phải từ 6 m trở lên, nếu quá gần gây ra hiện tượng phóng điện.

Tin cùng chuyên mục