Bản tin thời sự sáng 11/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là miền Bắc có thể thiếu gần 1.800 MW điện trong mùa khô 2024; sân bay Tân Sơn Nhất nâng cấp loạt bến đỗ với hơn 182 tỷ đồng; bất động sản chiếm 80% trái phiếu tới kỳ đáo hạn; xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục; Vũng Tàu duyệt quy hoạch đô thị Kim Long rộng hơn 2.200 ha…

Miền Bắc có thể thiếu gần 1.800 MW điện trong mùa khô 2024

Trường hợp cực đoan, nước về các hồ thủy điện thấp, công suất điện miền Bắc có thể thiếu 1.770 MW (khoảng một phần mười nhu cầu) trong cao điểm nắng nóng năm sau.

Miền Bắc có thể thiếu gần 1.800 MW điện trong mùa khô 2024

Miền Bắc có thể thiếu gần 1.800 MW điện trong mùa khô 2024

Đây là dự báo được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về tình hình cung ứng điện năm 2024.

Theo đó, hai kịch bản cung ứng năm sau được đưa ra trên cơ sở tính toán cân đối cung - cầu và nhu cầu tăng trưởng điện có thể đạt 8,96% năm nay.

Kịch bản 1, nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường, hệ thống cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng điện cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, công suất dự phòng tại miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu sử dụng tại khu vực này cao, nên vẫn phải đối mặt tình trạng căng thẳng, thiếu điện ở một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

Kịch bản 2, nước về các hồ thủy điện thấp, tương tự tình hình xảy ra trong mùa nắng nóng 2023. Lúc này, việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Bắc, theo EVN, sẽ khó khăn hơn và có thể thiếu công suất 420 - 1.770 MW trong một số giờ cao điểm tháng 6 và 7. Con số thiếu điện này bằng khoảng 1/3 mức thiếu năm nay.

Thực tế, theo dự báo của các chuyên gia, miền Bắc vẫn đối diện thiếu điện ít nhất trong hai năm tới, khi chưa có nguồn điện mới nào được bổ sung, vận hành tại khu vực này, trong khi nhu cầu sử dụng điện tăng khoảng 10% mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn này chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.

"Nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới vẫn rất căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024 - 2025", ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin.

Hiện có 6 dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ hoặc không đầu tư tiếp như An Khánh, Na Dương 2, Cẩm Phả... với tổng công suất hơn 4.200 MW. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện trong mùa nắng nóng, bởi cốt lõi chúng ta thiếu nguồn điện trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mỗi năm", ông Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.

Sân bay Tân Sơn Nhất nâng cấp loạt bến đỗ với hơn 182 tỷ đồng

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất đã phê duyệt 2 dự án cải tạo bến đỗ tàu bay với tổng giá trị dự toán hơn 182 tỷ đồng. Cả 2 dự án đều được phân loại là công trình giao thông cấp đặc biệt.

Kết cấu lớp bê tông xi măng lưới thép siêu chịu tải của đường lăn, đường thoát nhanh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Kết cấu lớp bê tông xi măng lưới thép siêu chịu tải của đường lăn, đường thoát nhanh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất

Cụ thể, Dự án Cải tạo bến đỗ số 15, bến đỗ số 14, bến đỗ số 13 sẽ thay thế kết cấu bê tông xi măng hư hỏng bằng kết cấu bê tông xi măng lưới thép, có tổng diện tích khoảng 18.382 m2. Đơn vị thi công phải hoàn trả và cải tạo hệ thống thoát nước, hệ thống băng cáp, đèn lề và sơn kẻ tín hiệu khu vực cải tạo sửa chữa. Dự án này được chia nhỏ thành 12 gói thầu với giá trị dự toán 77 tỷ đồng.

Ngoài 3 bến đỗ trên, Giám đốc Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đã phê duyệt Dự án Cải tạo bến đỗ số 11; phần còn lại của bến đỗ số 10 và phần còn lại của bến đỗ số 9 với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng. Tại dự án này, khoảng 25.000 m2 kết cấu bê tông xi măng cũ sẽ được thay thế bằng kết cấu bê tông xi măng lưới thép.

Quá trình sửa chữa cải tạo và nâng cấp 6 bến đỗ nói trên sẽ diễn ra từ quý III/2023 đến hết năm 2024. Cả 2 dự án triển khai nhằm đảm bảo tiếp nhận an toàn các loại máy bay đang hoạt động trên sân đỗ hiện tại và tương lai, tăng cường sức chịu tải của mặt đường, đồng bộ với kết cấu các khu vực sân đỗ vừa xây dựng, đảm bảo khai thác an toàn ổn định và lâu dài.

Trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị thi công phải đào phá kết cấu hiện hữu để bóc lớp bê tông cũ và đưa chất thải rắn đi xử lý.

Bất động sản chiếm 80% trái phiếu tới kỳ đáo hạn

Quý cuối của năm 2023 được xác định là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô giãn hoãn); trong đó, gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản.

Bất động sản chiếm 80% trái phiếu tới kỳ đáo hạn

Bất động sản chiếm 80% trái phiếu tới kỳ đáo hạn

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), riêng tháng 9 sẽ là một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023 với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Khối phân tích của VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 173.680 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.

Cũng trong tháng 8, có 7 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị lên tới 22.905 tỷ đồng. Con số này gần bằng với tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 (khoảng 62.512 tỷ đồng).

Lãi suất cao nhất thuộc về Công ty TNHH Đầu tư nhà ở xã hội Thuận Thành (Công ty Thuận Thành) với lãi suất cho trái phiếu TTHCH2328001 kỳ đầu tiên tối thiểu 14%/năm. Lãi suất trái phiếu cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chỉnh 3 tháng một lần và được xác định theo nguyên tắc lãi suất cơ sở tại thời điểm điều chỉnh cộng biên độ tối thiểu 3,5%/năm.

Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã huy động thành công lô trái phiếu có giá trị 800 tỷ đồng - giá trị này cao gấp 4 lần vốn điều lệ của Công ty Thuận Thành hiện vào thời điểm hiện tại. Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục

8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 20% so cùng kỳ và hoàn thành 89% kế hoạch năm.

Xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục

Xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục

Đây là dữ liệu thống kê mới nhất từ Hải quan. Với mức xuất khẩu này đưa kim ngạch xuất khẩu gạo 8 tháng lên gần 3,2 tỷ USD, tăng hơn 34% về giá trị.

Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất với mức tăng trưởng 3% đến gần 1.500% so với cùng kỳ năm ngoái.

4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung không đủ để đáp ứng.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, quý IV, nguồn cung lúa gạo trên thị trường Việt không có nhiều thay đổi. Trong khi năm nay, nhu cầu ở nhiều nước tăng đột biến. Nếu năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu đạt 7,2 triệu tấn gạo, trong đó, có thêm nguồn nhập bù từ Ấn Độ 500.000 - 700.000 tấn, 300.000 tấn từ Campuchia. Còn năm nay, nguồn nhập từ các quốc gia này bị cắt giảm do lệnh cấm của Ấn Độ. Vụ lúa Thu Đông dù thời tiết bình thường, sản lượng lúa gạo cũng chỉ tương đương năm 2022.

Vũng Tàu duyệt quy hoạch đô thị Kim Long rộng hơn 2.200 ha

Đô thị Kim Long vừa được phê duyệt rộng 2.200 ha, với 4 phân khu và quy mô dân số đến 2030 vào khoảng 20.000 người.

Vũng Tàu duyệt quy hoạch đô thị Kim Long tại huyện Châu Đức. Ảnh minh họa

Vũng Tàu duyệt quy hoạch đô thị Kim Long tại huyện Châu Đức. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa duyệt Đồ án Quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 đô thị Kim Long, huyện Châu Đức đến năm 2030. Ranh giới phía Bắc giáp xã Xà Bang, phía Nam giáp xã Bàu Chinh, phía Đông giáp xã Quảng Thành, phía Tây giáp xã Láng Lớn và xã Xà Bang.

Đô thị có quy mô hơn 2.200 ha sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ nông lâm nghiệp và du lịch cấp tiểu vùng liên xã phía Bắc của huyện Châu Đức. Dân số đến năm 2025 đạt khoảng 16.500 - 17.000 người và đến năm 2030 đạt khoảng 19.500 - 20.000 người.

Đô thị Kim Long gồm 4 phân khu. Phân khu số 1 (khoảng 600 ha) nằm dọc hai bên đường Trung tâm Kim Long và Quốc lộ 56. Đây là khu trung tâm của đô thị, bao gồm khu phát triển hỗn hợp, nhà ở mật độ cao kết hợp khu dân cư - tái định cư, các công trình hành chính, thương mại dịch vụ, khu du lịch hồ Tầm Bó và khu vực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên (núi Hậu Cần, núi Gà Bươi).

Nằm ở phía Bắc đô thị, phân khu số 2 (hơn 220 ha) là cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu dọc theo Quốc lộ 56, định hướng phát triển du lịch tâm linh gắn với Khu di tích địa đạo Kim Long.

Phân khu số 3 (khoảng 470 ha) là khu vực chính giữa đô thị, nằm dọc theo đường Kim Long - Láng Lớn và đường Ngãi Giao - Cù Bị. Phân khu này chủ yếu là dân cư hiện hữu kết hợp sản xuất nông nghiệp, gắn với các công trình giáo dục, thể dục thể thao, khu du lịch.

Phân khu số 4 (khoảng 916,18 ha) chủ yếu là không gian phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với việc bảo vệ lưu vực và lòng hồ Kim Long - hồ cấp nước cho toàn bộ đô thị.

Khánh Hòa dừng các thủ tục liên quan đến "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo cơ quan, đơn vị dừng các thủ tục liên quan hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở", cho đến khi được điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai.

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) có nhiều dự án "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm) có nhiều dự án "đất ở không hình thành đơn vị ở"

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đã có văn bản chỉ đạo khẩn trương xử lý nội dung "đất ở không hình thành đơn vị ở" trên địa bàn tỉnh này.

Văn bản chỉ đạo thông tin, đối với các dự án có đất ở không hình thành đơn vị ở trên địa bàn Tỉnh, UBND Tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành tham mưu thực hiện điều chỉnh và loại bỏ hình thức "đất ở không hình thành đơn vị ở" được thể hiện tại các văn bản pháp lý của dự án.

"Để tránh các giao dịch phát sinh liên quan đến đất ở không hình thành đơn vị ở trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngoài các nội dung đã chỉ đạo có liên quan, yêu cầu các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục thông báo cho các đơn vị trực thuộc, tổ chức, cá nhân liên quan dừng các thủ tục liên quan đến hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở", văn bản chỉ đạo nêu.

Cũng theo nội dung văn bản do chủ tịch tỉnh Khánh Hòa ký, hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở sẽ được điều chỉnh theo đúng quy định của Luật Đất đai, không còn từ "đất ở không hình thành đơn vị ở".

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, toàn Tỉnh có 17 dự án "đất ở không hình thành đơn vị ở", chủ yếu tại địa bàn TP. Nha Trang và bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm).

Khởi tố thêm một chủ tịch phường và thuộc cấp tại Cao bằng vụ sập bờ kè làm 3 người chết

Theo cảnh sát, bà Nông Thị Nghiệp, Chủ tịch UBND phường Duyệt Trung và bà Mã Thúy Huyền, là người trực tiếp đến kiểm tra công trình, đã thực hiện không hết trách nhiệm, để bỏ lọt vi phạm.

Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố bị can với bà Nông Thị Nghiệp, Chủ tịch UBND phường Duyệt Trung

Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố bị can với bà Nông Thị Nghiệp, Chủ tịch UBND phường Duyệt Trung

Liên quan tới vụ kè đá chắn đất tại Tổ 4, phường Duyệt Trung bị sạt lở gây sập nhà dân lúc rạng sáng ngày 30/4, khiến 3 người tử vong và 2 người bị thương, ngày 10/9, Công an TP. Cao Bằng đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nông Thị Nghiệp, Chủ tịch UBND phường Duyệt Trung (TP. Cao Bằng) và bà Mã Thúy Huyền, công chức địa chính xây dựng của UBND phường Duyệt Trung.

Theo cảnh sát, đây là diễn biến tiếp theo liên quan đến vụ án hình sự Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổ 4, phường Duyệt Trung, TP. Cao Bằng, khiến 3 người tử vong.

Kết quả điều tra cho thấy, bà Nông Thị Nghiệp và bà Mã Thúy Huyền là người trực tiếp đến kiểm tra công trình bờ kè tại Tổ 4, phường Duyệt Trung, nhưng thực hiện không hết trách nhiệm, để bỏ lọt vi phạm của công trình.

Hành vi của 2 người trên đã cấu thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục