Bản tin thời sự sáng 12/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD tự do tăng mạnh; hơn 500km đường cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác trong năm 2023; 4 ngân hàng lớn đưa lãi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục; vỡ đập dẫn nước thủy điện ở Gia Lai; trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần…

Giá USD tự do tăng mạnh

Giá USD chợ đen tăng mạnh 120 - 180 đồng lên 24.700 đồng, mức cao nhất từ đầu năm tới nay.

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Giao dịch USD tại một ngân hàng thương mại

Chiều 11/10, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do nâng mạnh giá USD lên 24.630 - 24.720 đồng, mức cao nhất 9 tháng qua. Tuy nhiên, nếu so với mức giá kỷ lục vào tháng 10 năm ngoái, giá USD chợ đen vẫn đang thấp hơn khoảng 600 đồng một USD.

Sáng 11/10, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.065 đồng một USD, tăng 2 đồng so với công bố phiên ngày trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 22.862 - 25.268 đồng.

Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá mua 23.400 đồng và tăng nhẹ 2 đồng chiều bán lên 25.218 đồng.

Trên cơ sở này, Vietcombank chiều 11/10 cũng nâng nhẹ giá mua bán thêm 5 đồng so với cuối phiên ngày 10/10, lên 24.220 - 24.590 đồng. BIDV tăng 15 đồng cả hai chiều lên 24.275 - 24.575 đồng. Eximbank tăng 20 đồng chiều mua và 30 đồng chiều bán, lên tương ứng 24.190 - 24.590 đồng.

Như vậy, tỷ giá trên thị trường ngân hàng đang niêm yết mức mua thấp hơn khoảng 400 đồng, còn bán ra thấp hơn 130 đồng một USD so với các điểm thu đổi ngoại tệ.

Hơn 500 km đường cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác trong năm 2023

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong 9 tháng của năm 2023 đã có hơn 500 km đường cao tốc Bắc - Nam được đưa vào khai thác. Cùng đó, Bộ GTVT cũng tiến hành khởi động của 13 dự án giao thông lớn.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe ngày 29/4

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe ngày 29/4

Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023 của Bộ GTVT sáng 11/10, ông Uông Việt Dũng - Chánh văn phòng Bộ GTVT cho biết, trong 9 tháng đầu năm, ngành GTVT đã khởi công 13 dự án giao thông lớn; đặc biệt, đưa vào khai thác đạt hơn 500 km đường cao tốc Bắc - Nam.

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ có 10 công trình hoàn thành, gồm dự án cao tốc Bắc - Nam các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến Quốc lộ 32C đoạn qua TP Việt Trì (Phú Thọ).

Cùng đó là Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3B đoạn Xuất Hóa - cửa khẩu Pò Mã (Km0 - Km 66+600) - giai đoạn 2; Dự án mở rộng một số cầu trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Tiền Giang; Dự án thành phần I (GĐ 2) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã khởi công 13 dự án giao thông lớn; trong đó lĩnh vực đường bộ khởi công 6 dự án gồm: cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn Km15+270-Km89+700, tỉnh Quảng Nam; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 địa bàn tỉnh Gia Lai và cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.

Lĩnh vực đường sắt có 3 dự án gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Dự án cải tạo các ga trên tuyến đường sắt phía Bắc.

Lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa khởi công 3 dự án đó là Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hoá); Dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép; Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

4 ngân hàng lớn đưa lãi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục

4 ngân hàng có vốn Nhà nước đều đã giảm lãi suất huy động xuống mức thấp hơn giai đoạn dịch Covid-19. Kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng lớn ở mức 5,3%/năm.

Agribank, VietinBank, BIDV tiếp tục giảm lãi suất huy động, toàn bộ big 4 ngân hàng đưa mức cao nhất về còn 5,3%

Agribank, VietinBank, BIDV tiếp tục giảm lãi suất huy động, toàn bộ big 4 ngân hàng đưa mức cao nhất về còn 5,3%

Sau Vietcombank, 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank cũng đồng loạt giảm lãi tiết kiệm ở mức 0,2 điểm phần trăm mỗi kỳ hạn, đưa lãi suất cao nhất xuống còn 5,3%/năm.

Big 4 ngân hàng đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Giai đoạn từ tháng 7/2021 - 7/2022, mức lãi huy động thấp nhất ở 4 đơn vị này là 5,5%/năm.

Lãi suất của 4 ngân hàng gần như tương đương nhau, có một số khác biệt ở hình thức gửi tiết kiệm online song không quá lớn.

Với việc chiếm gần một nửa thị phần huy động tiền gửi toàn hệ thống, động thái của nhóm ngân hàng này được cho là sẽ mang tính tiên phong để các ngân hàng tư nhân giảm thêm lãi suất huy động trong thời gian tới.

Hiện, 20 nhà băng còn lại đưa lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng về dưới 6%/năm. Mức lãi suất 6 - 6,5% có xuất hiện tại một số đơn vị nhưng ở các kỳ hạn dài từ 18 tháng trở đi.

Động thái hạ lãi suất xuống "đáy" phần nào giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó có thể kéo giảm lãi suất cho vay với khách hàng. Xu hướng này được cho là phù hợp với mục tiêu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ. Cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm từng neo tới 11 - 12%/năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn.

Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua cũng trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thừa tiền vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, có sự phục hồi so với các tháng trước đó song vẫn thấp chỉ bằng một nửa nếu so với cùng kỳ năm trước và chưa bằng 1/2 mục tiêu định hướng cả năm nay là 14 - 15%.

Vỡ đập dẫn nước thủy điện ở Gia Lai

Mưa lớn và lũ quét gây sập tường bêtông của Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 ở huyện Chư Prông, ảnh hưởng nhiều diện tích hoa màu, đời sống người dân.

Mưa lớn và lũ quét gây sập tường bêtông của Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 ở huyện Chư Prông

Mưa lớn và lũ quét gây sập tường bêtông của Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 ở huyện Chư Prông

Sáng 11/10, đại diện Công ty CP Thủy điện Khải Hoàng (chủ đầu tư dự án) cho biết, mưa lớn nhiều ngày khiến lũ ở khu vực dâng cao, cuốn trôi đoạn bêtông dài khoảng 50 m, cao gần 2 m của đập tràn Nhà máy Ia Glae 2 đóng tại xã la Ga và la Vê.

Theo ông Đoàn Đức Ninh, cán bộ kỹ thuật của dự án, đoạn bêtông bị vỡ là tường dài 90 m tạm ngăn nước giúp xây dựng đập tràn chính. Đập này sẽ ngăn dòng giúp dẫn nước về nhà máy thủy điện cách đó khoảng 3 km. Hiện hồ chưa tích nước nên phần móng, thân đập và các công trình liên quan không bị ảnh hưởng. Nhà thầu đang bố trí nhân lực và phương tiện khắc phục sự cố.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ga Trần Văn Đạo cho biết, sự cố vỡ đập dẫn nước không gây thiệt hại về người, nhưng làm hư hại nhiều diện tích hoa màu. Thống kê ban đầu có gần 20 hộ (ở ba xã xung quanh thủy điện) thiệt hại tài sản, hơn 20 ha cây trồng, hoa màu ngập úng. Chủ đầu tư thông báo sẽ hỗ trợ người dân.

Nhà máy Thủy điện Ia Glae 2 tổng công suất 12 MW, nằm ở xã la Ga và la Vê, huyện Chư Prông, vốn đầu tư trên 423 tỷ đồng; triển khai từ năm 2020.

Trình Quốc hội hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Chính phủ trình cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vì đánh giá vấn đề nhạy cảm, tác động lâu dài đến lưới an sinh.

Lao động chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại TP.HCM

Lao động chờ làm hồ sơ rút BHXH một lần tại TP.HCM

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa ký tờ trình gửi Quốc hội Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Chính phủ trình hai phương án rút BHXH một lần, nêu rõ ưu - nhược.

Phương án một, rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động. Nhóm một là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút BHXH một lần. Nhóm hai là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án này không thay đổi so với dự thảo trước đây, song Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tính toán, từ năm 2030 số người rút sẽ giảm một nửa so với giai đoạn qua, tiếp cận dần thông lệ quốc tế để lao động thụ hưởng tối đa quyền lợi khi đến tuổi nghỉ hưu.

Cơ quan soạn thảo đánh giá phương án một có thể nhận được sự đồng thuận của lao động vì 17,5 triệu người tham gia hệ thống trước tháng 7/2025 vẫn có thể rút một lần. Nhược điểm là chậm mở rộng diện bao phủ và dễ làm dấy lên sự so sánh giữa người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực.

Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần.

Phương án này đáp ứng nhu cầu tài chính trước mắt của người lao động và giữ họ ở lại hệ thống an sinh để hưởng lương hưu. Song cơ quan soạn thảo không lý giải cơ sở của việc giải quyết 50% quyền lợi, dù trước đó Ủy ban Xã hội - cơ quan thẩm tra dự luật, đã hai lần đề nghị làm rõ.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Vaccine tiêm chủng mở rộng TP.HCM chỉ đủ dùng 2 tuần

Các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại TP.HCM đang cạn dần, chỉ đủ tiêm miễn phí cho trẻ trong khoảng hai tuần tới, khả năng tháng 12 mới được cung ứng trở lại.

Vaccine tiêm chủng mở rộng TP.HCM chỉ đủ dùng 2 tuần. Ảnh minh họa

Vaccine tiêm chủng mở rộng TP.HCM chỉ đủ dùng 2 tuần. Ảnh minh họa

Chiều 11/10, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, vaccine DPT-VGB-HiB (vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) chỉ còn gần 3.000 liều. Vaccine này của Thành phố được Bộ Y tế phân bổ 12.400 liều từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 15/8, được triển khai tiêm cho trẻ gần hai tháng qua.

Các loại khác như vaccine ngừa sởi - rubell chỉ còn 2.300 liều, vaccine ngừa sởi còn 660 liều, vaccine ngừa uốn ván còn 600 liều, vaccine ngừa viêm gan siêu vi B còn 89 liều... Dự kiến, Thành phố sẽ không còn vaccine tiêm cho trẻ sau hai tuần nữa.

Sở tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế đẩy nhanh lộ trình cung ứng vaccine. Trong khi chờ đợi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục điều phối hợp lý nguồn vaccine còn lại giữa các quận, huyện. Trạm y tế rà soát và quản lý chặt danh sách trẻ đến lượt tiêm mới, tiêm nhắc lại để kịp thời nhắc và triển khai tiêm sớm nhất khi có vaccine trở lại.

Ngành y tế khuyến cáo nguồn vaccine 5 trong 1 dịch vụ (có trả phí) vẫn có ở nhiều cơ sở trên địa bàn. Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh có thể cân nhắc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vaccine theo nhu cầu.

Nhiều năm qua, việc cung ứng vaccine do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đảm trách. Từ năm 2022 đến nay, việc cung ứng bị gián đoạn do thay đổi về cơ chế mua sắm, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua, các địa phương phải tự mua sắm, song các tỉnh thành đều gặp khó. Để tháo gỡ vướng mắc, hồi tháng 7, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế mua vaccine.

Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nỗ lực thực hiện quy trình mua sắm vaccine trở lại. Ngày 6/10, Viện yêu cầu các địa phương rà soát số lượng vaccine. Dự kiến nhanh nhất phải đến cuối tháng 12, Viện mới có nguồn cung ứng trở lại các vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trình Thủ tướng quyết việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước

Bộ Tài chính dự kiến năm nay sẽ giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất. Để được hưởng chính sách này, người dân, doanh nghiệp cần nộp giấy đề nghị giảm tiền thuê đất và quyết định cho thuê đất.

Bộ Tài chính dự kiến, năm 2023 sẽ giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính dự kiến, năm 2023 sẽ giảm 3.500 tỷ đồng tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Đây cũng là năm thứ 4 Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ quyết về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy, sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối tượng được giảm tiền thuê đất là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo quyết định, hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023, có hiệu lực từ ngày 20/11/2023. Theo đó, người thuê đất được giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023, không giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp.

Quảng Ngãi thu hồi khu đất dự án bệnh viện nghìn tỷ đồng

Sau nhiều năm lùng nhùng, dở dang và bế tắc, tỉnh Quảng Ngãi quyết định thu hồi khu đất dự án bệnh viện nghìn tỷ đồng xây dựng dang dở rồi bỏ hoang 6 năm qua, để tổ chức đấu giá.

Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi sau gần 6 năm triển khai, chỉ làm xong phần móng rồi bỏ hoang cho đến nay

Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi sau gần 6 năm triển khai, chỉ làm xong phần móng rồi bỏ hoang cho đến nay

Ngày 11/10, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND Tỉnh đã ký quyết định thu hồi đất của Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh để quản lý, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Việc thu hồi lại khu đất này theo UBND tỉnh Quảng Ngãi là do Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi tự nguyện trả lại đất.

Dự án nằm trên đường Lê Hữu Trác, phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Diện tích đất sử dụng 11.006 m2. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Quốc tế tỉnh Quảng Ngãi.

Khu đất này được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thuê tại Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 22/5/2017 với nội dung là bổ sung quy hoạch xã hội hóa, thu hồi đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang sử dụng và cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa quốc tế tỉnh Quảng Ngãi thuê đất để thực hiện Dự án Khu dịch vụ chất lượng cao - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tại phường Nghĩa Lộ, TP. Quảng Ngãi.