Bản tin thời sự sáng 13/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đường Vành đai phía Tây Cần Thơ đội vốn gần 2.800 tỷ đồng; cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạoThái Bình bị cách tất cả chức vụ trong Đảng; đề nghị bàn giao hơn 860 ha đất để xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai; Vietnam Airlines dự kiến thuê 4 tàu bay dịp Tết Ất Tỵ…

Đường Vành đai phía Tây Cần Thơ đội vốn gần 2.800 tỷ đồng

Chậm giải phóng mặt bằng, tiến độ đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ chậm trễ, cùng phát sinh nhiều hạng mục khiến vốn đầu tư tăng từ 3.837 tỷ đồng lên 6.601 tỷ đồng.

Điểm kết nối giữa Quốc lộ 61C và đường Vành đai phía Tây Cần Thơ đang thi công

Điểm kết nối giữa Quốc lộ 61C và đường Vành đai phía Tây Cần Thơ đang thi công

Quyết định tăng vốn Dự án được HĐND TP. Cần Thơ thông qua tại kỳ họp chuyên đề ngày 12/11. Trong tổng số vốn mới, ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, còn lại kinh phí của địa phương 4.601 tỷ đồng.

Dự án đường vành đai dài 19 km, rộng 80 m, đi qua các quận Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền, nối quốc lộ 91 và 61C, tổng mức đầu tư ban đầu là 3.837 tỷ đồng. Công trình khởi công giữa tháng 11/2022, dự kiến hoàn thành sau 4 năm. Tuy nhiên, đến nay Dự án mới triển khai 4/7 gói thầu xây lắp với tổng trị giá hơn 2.175 tỷ đồng. Bình quân khối lượng 4 gói thầu này đạt trên 25% (hơn 547 tỷ đồng).

Một trong những lý do Dự án chậm trễ, đội vốn là thiếu mặt bằng. Ban đầu, Dự án có chi phí giải phóng mặt bằng là từ 829 tỷ đồng. Đến nay, nguồn tiền này đã chi trả hết và vượt thêm 146 tỷ đồng, nhưng mặt bằng mới được giải phóng, bàn giao khoảng 50%. Theo Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, giá đất đền bù thực tế chênh lệch rất lớn so với giá đất được ban hành tại Quyết định 19/2019 của UBND Thành phố để triển khai Dự án trước đây.

Ngoài ra, Dự án phát sinh nhiều hạng mục so với trước như di dời hạ tầng kỹ thuật chi phí gần 110 tỷ đồng; tăng khối lượng cầu cống từ 20 vị trí lên 25 vị trí. Các chi phí như tư vấn đầu tư xây dựng tăng từ 50 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; dự phòng từ 445 tỷ đồng lên 584 tỷ đồng; chi phí khác từ 27 tỷ đồng lên gần 90 tỷ đồng. Vật liệu chính của công trình tăng giá so với thời điểm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (tháng 12/2020).

Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Ông Nguyễn Viết Hiển, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình bị Ban Bí thư cách tất cả chức vụ trong đảng do liên quan sai phạm tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển

Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển

Ngày 12/11, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy, ông Hiển trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kỳ thi.

Ông Hiển cũng bị xác định thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tổ chức kỳ thi; để một số tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục tỉnh Thái Bình vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tại kỳ thi, dẫn đến công bố sai điểm chuẩn, sai kết quả tuyển sinh của rất nhiều thí sinh.

Ban Bí thư đánh giá, ông Hiển đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước và ngành giáo dục địa phương.

Sau khi cách tất cả chức vụ trong Đảng với ông Hiển, Ban Bí thư đề nghị các cơ quan kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.

Cuối tháng 9, ông Hiển bị UBND tỉnh Thái Bình cách chức cùng 3 Phó giám đốc bị khiển trách và kiểm điểm sau sự cố nhầm phách, làm sai lệch điểm của gần 1.600 học sinh thi vào lớp 10.

Đề nghị bàn giao hơn 860 ha đất để xã hội hóa đầu tư sân bay Chu Lai

Tỉnh Quảng Nam đề nghị bàn giao hơn 860 ha đất để sớm triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Sân đỗ máy bay ở sân bay Chu Lai

Sân đỗ máy bay ở sân bay Chu Lai

Ngày 12/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai.

Sân bay Chu Lai có diện tích gần 2.150 ha, hiện nay do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng. Trong đó, khu vực phía Tây đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 1.281 ha, bao gồm các công trình hiện hữu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng và các công trình kỹ thuật do quân đội quản lý.

Khu vực phía Đông của đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 868 ha, hiện trạng là đất trống, không có các công trình hạ tầng trên đất.

Theo quy hoạch, khu vực phía Đông sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư phát triển mới hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác như một sân bay độc lập.

Để thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, đất quân sự dùng chung (dùng chung dân dụng và quân sự) và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị trước mắt bàn giao khu vực phía đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai (868 ha) để sớm triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Vietnam Airlines dự kiến thuê 4 tàu bay dịp Tết Ất Tỵ

Nếu thuê được 4 tàu bay, Vietnam Airlines sẽ có thêm gần 130.000 chỗ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Ất Tỵ.

Ngành hàng không ráo riết thuê thêm tàu bay trước cao điểm Tết

Ngành hàng không ráo riết thuê thêm tàu bay trước cao điểm Tết

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa lên kế hoạch tăng cường chuyến bay cho nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán. Hãng dự kiến thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, trong đó có 2 tàu thuê ướt (bao gồm tổ bay).

Các máy bay này có sức chứa 180 hành khách và sẽ được phục vụ bởi tiếp viên của Vietnam Airlines và nước ngoài theo tiêu chuẩn dịch vụ của hãng, trừ hệ thống giải trí.

Theo đại diện Vietnam Airlines, mỗi tàu bay dự kiến khai thác 180 chuyến trong dịp cao điểm Tết 2025, nếu thuê 2 tàu sẽ có thêm 64.800 chỗ, còn thuê 4 tàu sẽ thêm 129.600 chỗ cho thị trường. Hãng kỳ vọng sớm hợp tác với các đối tác cung cấp dịch vụ.

Trong Tết Nguyên đán năm nay, Vietnam Airlines dự định cung cấp khoảng hơn 2,5 triệu vé. Đến nay, Hãng đã bán ra 1,5 triệu vé, đạt hai phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 11/11, Hãng vừa tăng thêm chuyến bay nội địa cho các chặng bay ngách như TP.HCM - Chu Lai, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Gia Lai...

Ngoài Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng đã mở bán sớm 2,6 triệu vé Tết cho giai đoạn 15/1 - 12/2/2025. Tương tự, Bamboo Airways cũng đã mở bán vé trong giai đoạn này. Vé máy bay Tết năm nay có giá cao hơn so với cùng kỳ 2023 do số lượng tàu bay hạn chế, chi phí đầu vào leo thang.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ theo dõi tình hình đặt chỗ, giá vé trên các đường bay nội địa để kịp thời chỉ đạo các hãng bổ sung tải, đáp ứng nhu cầu cao điểm Tết Ất Tỵ 2025.

Hơn 96.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An

Nghệ An sẽ xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu công nghiệp trọng điểm, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả các cảng biển.

Hơn 96.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Ảnh minh họa

Hơn 96.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Ảnh minh họa

Nhằm xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực động lực tăng trưởng, đột phá phát triển theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghệ An đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040.

Theo đó, Nghệ An sẽ xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là khu công nghiệp trọng điểm, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp cơ bản gắn liền với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, cảng biển Đông Hồi.

Đây cũng là trung tâm kinh tế giao thương quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ, cửa ngõ quan trọng của vùng Trung, Thượng Lào, Đông Bắc Thái Lan vào miền Trung và Việt Nam; là cực tăng trưởng đối trọng, liên kết chặt chẽ và toàn diện với sự phát triển chung của thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và vùng phụ cận; là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Dự kiến, nhu cầu nguồn vốn cho lập quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023 - 2028 khoảng 60,326 tỷ đồng. Nhu cầu vốn xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung trong khu kinh tế khoảng 96.426,638 tỷ đồng.

Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An là 1 trong 18 khu kinh tế ven biển được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất của Chính phủ. Trong khu kinh tế hiện có 5 khu công nghiệp là VSIP I, II; WHA và Hoàng Mai I, II đã và đang được đầu tư hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, theo mô hình tăng trưởng xanh với quy mô sử dụng đất lên đến 2.000ha.

Hiện Khu kinh tế Đông Nam có 138 doanh nghiệp đi vào hoạt động, sử dụng 30.128 lao động, thu nhập bình quân khoảng gần 8 triệu đồng/người/tháng.

Bình Dương điều chỉnh vốn 16 dự án, tăng tốc giải ngân

Tỉnh Bình Dương quyết định điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 ở 16 dự án. Đồng thời, đốc thúc các chủ đầu tư, đơn vị tăng tốc giải ngân vốn.

Tỉnh Bình Dương điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công ở 16 dự án

Tỉnh Bình Dương điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn đầu tư công ở 16 dự án

Cổng thông tin điện tử Bình Dương cho biết, UBND Tỉnh đã ban hành quyết định điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công năm 2024 đối với 16 dự án.

Trong đó, điều chỉnh giảm 562 tỷ đồng ở 11 dự án. Dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng đường vành đai 4 TP.HCM đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn giảm vốn nhiều nhất, 500 tỷ đồng.

Đồng thời, điều chỉnh tăng 562 tỷ đồng vốn đầu tư ở 5 dự án gồm: Dự án nâng cấp đường ĐT 746 đoạn từ cầu Gõ đến bến đò Hiếu Liêm, tăng 37 tỷ đồng; Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT 748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước, tăng 464 tỷ đồng; Dự án trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát được điều chỉnh tăng 51 tỷ đồng; dự án nạo vét gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai tăng 5,5 tỷ đồng; Dự án đường Nguyễn Tri Phương đoạn từ cầu Thổ Ngữ đến cầu Thầy Năng, điều chỉnh tăng 4,6 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công đối với 16 dự án là một trong những giải pháp nhằm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, để các dự án có khả năng thu hút vốn có thêm nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành.

Những ngày gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã có đợt đi kiểm tra, khảo sát đốc thúc tiến độ các dự án đầu tư công trên địa bàn.

Thí điểm cửa khẩu thông minh Lạng Sơn - Quảng Tây, Trung Quốc

Tổng cục Hải quan vừa quyết định triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Hải quan Việt Nam và Trung Quốc sẽ thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu để triển khai cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị

Hải quan Việt Nam và Trung Quốc sẽ thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu để triển khai cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị

Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan… làm việc với Hải quan Nam Ninh - Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh giữa hai tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Các đơn vị cần xây dựng và trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 85 về việc thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; quản lý để phù hợp với mô hình trao đổi dữ liệu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình thực hiện thí điểm, đơn vị sẽ thống nhất với phía Hải quan Nam Ninh nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW); đảm bảo việc tự động tiếp nhận thông tin các lô hàng xuất khẩu từ phía Hải quan Nam Ninh và chia sẻ dữ liệu lên cổng, sau đó chuyển đến các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để thực hiện các nhiệm vụ. Ngược lại, đối với việc trích xuất dữ liệu các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được gửi lên NSW để gửi đến Hải quan Nam Ninh và các cơ quan chức năng tại cửa khẩu Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cho biết, đã thành lập tổ công tác làm việc với Hải quan Nam Ninh. Hiện Hải quan hai nước đã thống nhất về chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu; nội dung, phương thức, tần suất tiếp nhận, xử lý dữ liệu thông tin tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận chuyển qua lại hai bên để triển khai thực hiện thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tin cùng chuyên mục