Bản tin thời sự sáng 13/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tăng chuyến bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài; Hà Nội, TP.HCM vào top 100 thành phố hàng đầu thế giới 2023; đầu tư hơn 982 tỷ đồng chống xói lở bờ biển Hội An; Đồng Nai dự kiến phát triển 17 đô thị đến năm 2030…

Tăng chuyến bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài

Cục Hàng không Việt Nam quyết định tăng số lượt cất hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết.

Máy bay các hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Máy bay các hãng tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trong dịp Tết Giáp Thìn, từ ngày 25/1 - 24/2/2024, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng 44 slot (số lượt cất hạ cánh) mỗi giờ vào ban ngày và 40 slot mỗi giờ vào ban đêm. Ngày thường, nơi này khai thác tối đa 40 slot lúc cao điểm. Nhờ vậy, các hãng bay sẽ cung ứng thêm 520.800 ghế, trung bình 16.800 chỗ mỗi ngày dịp Tết.

Tại Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam cho phép tăng tối đa 40 slot mỗi giờ vào ban ngày và 30 slot mỗi giờ vào ban đêm. Nhờ vậy, các hãng bay đến Nội Bài sẽ được tăng thêm 10.8000 ghế mỗi ngày.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện tại tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đi địa phương phía Bắc dịp Tết đạt 40 - 50%, trong khi ở chiều ngược lại mới khoảng 10%.

Trong dịp này, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco) công bố mở bán thêm hơn 100.000 vé, tương đương gần 550 chuyến bay, từ ngày 25/1 - 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Như vậy, trong thời gian cao điểm Tết, Vietnam Airlines Group sẽ cung cấp hơn 2,1 triệu vé trên toàn mạng bay nội địa, với khoảng 10.700 chuyến bay. Chuyến bay tăng cường tập trung vào đường bay giữa TP.HCM và Hà Nội với Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...

Bamboo Airways cũng đã thuê thêm 2 máy bay Airbus A320 và A321 để phục vụ dịp Tết Dương lịch và Âm lịch.

Hà Nội, TP.HCM vào top 100 thành phố hàng đầu thế giới 2023

TP.HCM đứng thứ 85, Hà Nội thứ 98 trong top 100 điểm đến hàng đầu thế giới năm 2023.

Bưu điện TP.HCM nằm trong hạng mục 10 điểm check in thú vị tại Thành phố

Bưu điện TP.HCM nằm trong hạng mục 10 điểm check in thú vị tại Thành phố

CNN vừa công bố danh sách 100 thành phố là điểm đến hàng đầu thế giới 2023 theo báo cáo thường niên của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International. Việt Nam có hai đại diện nằm trong top 100 là TP.HCM (thứ 85) và thủ đô Hà Nội (98).

Đứng thứ nhất là Paris và là lần thứ ba liên tiếp thủ đô Pháp nằm ở vị trí này. Á quân thuộc về Dubai, UAE. Tokyo, thủ đô Nhật Bản lần đầu nằm trong top 10 và xếp thứ 4 sau Madrid nhờ cơ sở hạ tầng du lịch được cải thiện. Đồng Yên giảm được đánh giá là mang lại lợi ích lớn cho du khách quốc tế khi vừa du lịch giá rẻ mà vẫn nhận được chất lượng dịch vụ tốt. Những cái tên còn lại trong top 10 gồm Amsterdam, Berlin, Rome, New York, Barcelona và London.

Các thành phố châu Âu xuất hiện nhiều nhất trong bảng xếp hạng với 7 thành phố nằm trong top 10 và 63 thành phố nằm trong top 100. Châu Á được đánh giá "có thành tích tốt" trong top 20 khi có 6 đại diện. Ngoài Việt Nam, 3 quốc gia Đông Nam Á khác được vinh danh trong top 100 là Thái Lan và Malaysia, Singapore (Thủ đô Bangkok xếp thứ 33, Phuket thứ 80 và Pattaya-Chonburi thứ 84, Johor Bahru xếp thứ 87, Singapore xếp thứ 11).

Các chuyên gia trên thế giới lựa chọn và chấm điểm 55 hạng mục thuộc 6 tiêu chí chính: hiệu quả kinh tế, hiệu quả du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, chính sách du lịch và sức hấp dẫn của điểm đến, sức khỏe và an toàn, tính bền vững.

Du lịch quốc tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, theo đánh giá của CNN, với số lượng chuyến đi dự kiến đạt 1,3 tỷ lượt vào cuối năm 2023 và tạo ra khoảng 1.700 tỷ USD chi tiêu du lịch toàn cầu.

Đầu tư hơn 982 tỷ đồng chống xói lở bờ biển Hội An

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định cho vay lại vốn vay 42 triệu Euro (tương đương 982 tỷ đồng) từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để thực hiện dự án "cứu" bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam mở ra cơ hội hồi sinh khu vực bờ biển đẹp

Dự án chống xói lở khẩn cấp bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam mở ra cơ hội hồi sinh khu vực bờ biển đẹp

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký quyết định phê duyệt cho tỉnh Quảng Nam vay lại vốn vay từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để thực hiện Dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An như kiến nghị của Bộ Tài chính. Chính phủ đồng ý chủ trương đàm phán với AFD về thỏa thuận vay, thỏa thuận viện trợ cho dự án này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành đàm phán với AFD về dự thảo thỏa thuận vay, thỏa thuận viện trợ cho Dự án; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả đàm phán thỏa thuận vay, thỏa thuận viện trợ cho Dự án theo quy định hiện hành và các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư xây dựng 42 triệu Euro (tương đương 982 tỷ đồng), do AFD tài trợ. Thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến năm 2026. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm Chủ đầu tư. Phạm vi xây dựng công trình từ cửa sông (cầu tàu đi Cù Lao Chàm) dọc về hướng Bắc đến bên phía Bắc của khách sạn Victoria, dài gần 3,4 km. Mục tiêu của Dự án là chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về ổn định chỗ ở, phát triển kinh tế của cộng đồng dân cư khu vực Dự án.

Dự án này còn nhằm mục đích bảo vệ đất đai, nhà cửa, tài sản và tính mạng của người dân và các cơ sở hạ tầng về du lịch, nghỉ dưỡng cho khoảng 3,2 km2 diện tích đất, hơn 1.300 hộ dân phường Cửa Đại và khu vực lân cận, nhất là khu vực ven biển. Những năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển bị xóa sổ.

Đồng Nai dự kiến phát triển 17 đô thị đến năm 2030

UBND tỉnh Đồng Nai vừa trình Hội đồng Thẩm định quốc gia báo cáo cuối kỳ Quy hoạch Tỉnh. Theo đó, đến năm 2030, Tỉnh dự kiến sẽ có 17 đô thị, Long Khánh và Nhơn Trạch lên thành phố.

Đồng Nai đang trình quy hoạch tỉnh chờ phê duyệt

Đồng Nai đang trình quy hoạch tỉnh chờ phê duyệt

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, công tác lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến nay đã tiếp thu nội dung góp ý Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoàn chỉnh trình Hội đồng Thẩm định quốc gia báo cáo cuối kỳ theo Kết luận của Ban Thường vụ. Dự kiến, đến quý I/2024 sẽ hoàn chỉnh Quy hoạch Tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo theo kế hoạch.

Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và là 1 trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á. Theo đó, đến năm 2030, Tỉnh dự kiến sẽ có 17 đô thị, Long Khánh và Nhơn Trạch lên thành phố.

Công tác lập quy hoạch xây dựng, đối với 4/11 đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đến nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đến năm 2045 và nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Trảng Bom năm 2045. UBND tỉnh Đồng Nai

Đối với đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, hiện nay đang chuẩn bị các phương án di dời các nhà máy, xí nghiệp theo đề án chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ đảm bảo đúng lộ trình đề ra theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 hoàn thành trước tháng 12/2024, giai đoạn 2 hoàn thành trước tháng 12/2025; đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện vận động di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

An Giang dừng nhiều mỏ cát để xử lý vi phạm

Năm mỏ cát và ba khu vực nạo vét có thu hồi cát bị tạm dừng hoạt động, để tổ công tác tỉnh xem xét, xử lý hàng loạt vi phạm.

Mỏ cát ở TP. Long Xuyên vừa có quyết định tạm dừng nạo vét

Mỏ cát ở TP. Long Xuyên vừa có quyết định tạm dừng nạo vét

Động thái vừa được UBND An Giang đưa ra sau khi tiến hành đo đạc hiện trạng các khu mỏ, phát hiện nhiều bất thường.

UBND Tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, lập tổ công tác và khoanh vùng các sai phạm như: khai thác, nạo vét vượt độ sâu, công suất, trữ lượng cho phép, cung cấp cát không đúng công trình được chỉ định, lợi dụng bán ra ngoài thị trường.

Tổ được yêu cầu tiến hành khẩn trương, công khai, khách quan, đúng quy định. Riêng các mỏ cát đã thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực cũng phải đo đạc địa hình đáy sông, báo cáo kết quả và đề xuất hướng xử lý.

An Giang là một trong những địa bàn ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra nhiều vi phạm đến khai thác cát. Liên quan các sai phạm tại các mỏ cát, ba tháng trước Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố nhiều cán bộ tỉnh An Giang, trong đó có Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí, cùng nhiều doanh nghiệp cát.

Sân bay Nội Bài sắp được mở rộng

Năm 2024, nhà ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài sẽ được mở rộng, nâng công suất từ 10 lên 15 triệu hành khách mỗi năm, theo Bộ Giao thông vận tải.

Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài năm 2019 đã đón 11 triệu hành khách, vượt công suất thiết kế là 10 triệu

Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài năm 2019 đã đón 11 triệu hành khách, vượt công suất thiết kế là 10 triệu

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải (Đoàn Đồng Nai) về tình trạng quá tải ở một số sân bay quốc tế cửa ngõ gây hình ảnh xấu cho quốc gia.

Bộ cho biết, năm 2024 sẽ triển khai một số dự án nhằm giải quyết tình trạng này. Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài sẽ được mở rộng để nâng công suất thêm 5 triệu hành khách mỗi năm. Dự án hoàn thành năm 2026 sẽ nâng tổng công suất của sân bay Nội Bài lên 30 triệu hành khách (hiện là 25 triệu). Đơn vị chủ quản đang mở rộng sân đỗ máy bay trước khi khởi công mở rộng nhà ga T2.

Hiện quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài đã được tư vấn quốc tế (ADPi) nghiên cứu thông qua nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Pháp, đến nay cơ bản hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Hà Nội rà soát, thống nhất phương án quy hoạch và thẩm định, phê duyệt trong năm 2024.

Mạng lưới cảng hàng không đã được quy hoạch tương đối phù hợp với tốc độ phát triển, song theo Bộ Giao thông vận tải, do khó khăn bố trí nguồn lực nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng tại một số cảng lớn còn chậm, dẫn tới khai thác vượt công suất thiết kế, đặc biệt là nhà ga hành khách.

Cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings bị đình chỉ ngay khi lên UPCoM

Bị hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu IBC của công ty do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch tiếp tục bị đình chỉ giao dịch ngay khi chuyển sang sàn UPCoM.

Cổ phiếu công ty 'Shark' Thủy bị đình chỉ ngay khi lên UPCoM. Ảnh minh họa

Cổ phiếu công ty 'Shark' Thủy bị đình chỉ ngay khi lên UPCoM. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đình chỉ giao dịch với cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings trên sàn UPCoM, từ ngày 15/12, tức ngày đầu tiên cổ phiếu này chuyển từ sàn HoSE sang.

Lý do theo HNX là IBC bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Cơ quan quản lý nêu rõ, trong 15 ngày làm việc kể từ ngày bị đình chỉ, công ty của ông Thủy phải gửi giải trình nguyên nhân bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE và đưa ra phương án khắc phục.

Đến nay, Apax Holdings vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, Báo cáo tài chính quý I và quý II, Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và Báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Việc chuyển sàn do Sở giao dịch phối hợp Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) thực hiện, không phụ thuộc vào công ty bị hủy niêm yết. Do đó, sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HoSE từ ngày 6/12, hơn 83 triệu cổ phiếu của Apax Holdings được chấp thuận đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM.

Apax Holdings là công ty con duy nhất thuộc Egroup - hệ sinh thái giáo dục của ông Nguyễn Ngọc Thủy - đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty này đứng sau hệ thống Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders. Sau nhiều đợt bị bán giải chấp, hiện Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings giảm về mức 17,66%. Tuy nhiên, ông Thủy vẫn đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị tại đây.

Đăng kiểm viên tại Đồng Nai nhận 1,8 tỷ đồng để bỏ qua lỗi nhiều xe tải

Giám đốc Công ty TNHH Quốc Tuấn cùng 8 nhân viên đăng kiểm bị cáo buộc đã nhận 1,8 tỷ đồng để bỏ qua lỗi cho nhiều xe tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D (tỉnh Đồng Nai).

Cảnh sát khám xét hệ thống đăng kiểm xe ở Trung tâm 6004D

Cảnh sát khám xét hệ thống đăng kiểm xe ở Trung tâm 6004D

Ngày 12/12, Công an tỉnh Đồng Nai ra kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-04D, TP. Biên Hòa sang Viện kiểm sát cùng cấp, đề nghị truy tố 11 bị can.

Theo đó, bị can Lương Minh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Tuấn và 8 đăng kiểm viên bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ. Võ Chí Giang, nhân viên Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn 3T và Lê Tín Trung (Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Vận tải Vỹ Khang) bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2020 do cạnh tranh của nhiều trung tâm đăng kiểm trên địa bàn, lượng xe giảm sút, một số bị can "dùng nhiều thủ thuật" nhằm thu hút khách hàng. Các đăng kiểm viên chủ yếu nhận tiền từ nhiều chủ xe tải để bỏ qua lỗi kỹ thuật và môi trường khi cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn và bảo vệ môi trường.

Các bị can bị cáo buộc trong năm 2022 đã nhận tổng cộng 1,8 tỷ đồng. Riêng Giang và Trung thừa nhận đưa hối lộ cho đăng kiểm viên Lê Văn Lộc khi đăng kiểm tại trung tâm này. Giám đốc Lương Minh Tú khai nhận 500 triệu đồng từ các chủ xe.