Bản tin thời sự sáng 13/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ yêu cầu chuẩn bị diễu binh, duyệt binh dịp Quốc khánh; ngân sách tiết kiệm 190.500 tỷ đồng trong 5 năm sau sáp nhập tỉnh xã; đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng; TP.HCM phấn đấu giải ngân hết 84.400 tỷ đồng đầu tư công…

Chính phủ yêu cầu chuẩn bị diễu binh, duyệt binh dịp Quốc khánh

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được giao phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động chuẩn bị tổ chức lễ diễu binh, duyệt binh kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Khối nữ cảnh sát đặc nhiệm diễu hành qua lễ đài trên đường Lê Duẩn, TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Khối nữ cảnh sát đặc nhiệm diễu hành qua lễ đài trên đường Lê Duẩn, TP.HCM nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

Chính phủ nêu yêu cầu trên với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, ban hành ngày 8/5.

Chiều 12/5, làm việc với các đơn vị về kế hoạch diễu binh của quân đội dịp 2/9, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng tham mưu trưởng cho biết, dự kiến các lực lượng, khối từng tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ tiếp tục tham gia dịp này. Trong đó, lực lượng tham gia gồm 11 khối đứng, 27 khối đi.

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa yêu cầu, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật kiểm tra toàn diện nơi ăn, nghỉ cho bộ đội trong quá trình huấn luyện. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kịp thời đề xuất, sản xuất vật tư, trang bị kỹ thuật, phương tiện bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ diễu binh, diễu hành.

Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khảo sát các tuyến đường hành quân, địa điểm tập kết sau diễu binh, diễu hành bảo đảm hợp lý, thuận tiện. Thời gian luyện tập diễn ra vào tháng nắng nóng nhất của mùa hè nên các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng kế hoạch luyện tập linh hoạt, bảo đảm tốt về sức khỏe cho bộ đội.

Trong lịch sử, Việt Nam đã ba lần tổ chức duyệt binh. Lần đầu vào năm 1955 tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần hai vào ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn, mừng chiến thắng thống nhất đất nước. Lần ba được tổ chức vào năm 1985, dịp kỷ niệm 40 năm Quốc khánh.

Tại TP.HCM vừa qua, lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia được tổ chức để kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện có sự tham gia của hơn 13.000 người thuộc các lực lượng diễu binh, diễu hành và 6.000 khách mời. Hàng trăm nghìn người dân đứng theo dõi trên các tuyến đường.

Ngân sách tiết kiệm 190.500 tỷ đồng trong 5 năm sau sáp nhập tỉnh xã

Tổng kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và chi hành chính là 190.500 tỷ đồng giai đoạn 2026 - 2030 do giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã và cán bộ không chuyên trách.

Công chức làm việc tại Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng

Công chức làm việc tại Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng

Theo ước tính của Bộ Nội vụ, tổng số tiền chi ngân sách tiết kiệm giai đoạn 2026 - 2030 gồm 27.600 tỷ đồng do giảm cán bộ, công chức cấp tỉnh; 128.700 tỷ đồng do giảm cán bộ, công chức cấp xã; 34.000 tỷ đồng do giảm cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Sau khi sáp nhập từ 63 xuống còn 34 tỉnh thành, Bộ Nội vụ ước tính giảm 18.449 biên chế cấp tỉnh; giảm 110.786 biên chế cấp xã; giảm 120.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Ước tính ngân sách cần chi 22.139 tỷ đồng cho 18.449 cán bộ, công chức cấp tỉnh thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, tương đương 1,2 tỷ đồng/người; chi 99.700 tỷ đồng cho người thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi cấp xã.

Kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho những người nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu là 6.600 tỷ đồng.

Như vậy, tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 chi cho cán bộ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi do sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là 128.480 tỷ đồng.

Theo tờ trình Bộ Nội vụ gửi Chính phủ ngày 8/5, sau khi sáp nhập, cả nước có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 6 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ; 28 tỉnh gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đồng Nai, Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.

Tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập là 3.321, trong đó có 2.636 xã, 672 phường và 13 đặc khu. Có 3.193 xã phường mới hình thành do sáp nhập và 128 xã phường giữ nguyên, giảm 6.714 đơn vị so với hiện nay (66,91%).

TP.HCM phấn đấu giải ngân hết 84.400 tỷ đồng đầu tư công

UBND TP.HCM đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công được giao năm nay, tương đương hơn 84.400 tỷ đồng.

Mặt bằng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương

Mặt bằng tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương

UBND Thành phố vừa đôn đốc các sở, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân 100% vốn theo kế hoạch được Thủ tướng giao, khoảng 84.400 tỷ đồng.

Đầu năm nay, Thành phố từng đặt mục tiêu tiến độ giải ngân quý I là 15%, quý II từ 35%, quý III từ 70% và quý IV đạt 95%.

Tuy nhiên, đến ngày 25/4, địa phương này mới giải ngân được 5.828,4 tỷ đồng, đạt 6,9% so với kế hoạch, theo Chi cục Thống kê TP.HCM. Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi tháng tới, Thành phố phải giải ngân hơn 9.800 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai linh hoạt, kịp thời các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình liên vùng, cao tốc. Việc giải ngân vẫn phải gắn với bảo đảm chất lượng.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, quận, huyện và giám đốc các ban quản lý dự án nâng cao trách nhiệm. Riêng phần vốn chưa được phân bổ chi tiết trước ngày 15/3, Thành phố yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân gây chậm trễ.

Cập nhật tiến độ các dự án trọng điểm, Chi cục Thống kê TP.HCM cho biết, địa phương đã khánh thành hàng loạt công trình trong 4 tháng đầu năm như nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đoạn nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, thông xe cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công dự án khép kín Vành đai 2, nạo vét rạch Xuyên Tâm.

Với các hạ tầng đang triển khai, Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đạt 46,5% tiến độ, dự kiến hoàn thành năm 2026. Rạch Xuyên Tâm tăng vốn lên 17.230 tỷ đồng, một số gói thầu khởi công từ cuối tháng 4 và trước 2/9.

Tuyến Metro số 2 cơ bản hoàn tất bồi thường sẽ giao mặt bằng sạch quý III và khởi công cuối năm. Vành đai 3 đã nhận 99,8% mặt bằng, tiến độ đạt hơn 32%. Nút giao An Phú đạt 53% khối lượng. Dự án khép kín Vành đai 2 gần 5.240 tỷ đồng đang thiết kế và lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công tháng 9, hoàn thành vào 30/4/2027.

Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển trong năm qua.

Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng. Ảnh minh họa

Đề nghị Chính phủ làm rõ việc xử lý 945 container phế liệu tồn đọng. Ảnh minh họa

Thông tin này được nêu tại báo cáo cho ý kiến về công tác bảo vệ môi trường 2024 của Chính phủ. Liên quan đến hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Ủy ban cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ kết quả xử lý các container phế liệu tồn đọng tại cảng biển trong năm 2024, trong khi đây là vấn đề kéo dài nhiều năm.

Theo báo cáo về bảo vệ môi trường của Chính phủ năm ngoái, 945 container còn tồn đọng tại cảng biển tính đến ngày 31/12/2023.

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (nay là Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam) hồi tháng 8 năm ngoái, gần 8.000 container tồn trên 90 ngày tại các cảng biển TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong số này, 3.100 chiếc đã tồn hơn ba năm. Khoảng 1.000 container là hàng phế liệu. Do vướng mắc về kinh phí và thủ tục, thời điểm đó, các bên liên quan đã dừng việc xử lý lô hàng tồn đọng sau khi kiểm kê và phân loại hàng hóa.

Trước tình trạng tồn đọng này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ bổ sung kết quả xử lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần tăng các biện pháp ngăn chặn việc nhập khẩu chất thải trái phép dưới hình thức phế liệu.

Năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, gồm phế liệu sắt thép, giấy, nhựa, thủy tinh và kim loại màu. Doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu phi thuế quan không phải áp dụng quy chuẩn này. Điều này giúp việc quản lý tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao hơn về ô nhiễm môi trường.

Chính sách cấm nhập khẩu rác của một số quốc gia dẫn đến phế liệu, chất thải rắn có xu hướng chuyển sang ASEAN, trong đó có Việt Nam. Sắt, thép chiếm tỷ trọng lớn trong phế liệu nhập khẩu. Năm 2015, lượng phế liệu loại này nhập vào Việt Nam ở mức gần 3,2 triệu tấn, đạt đỉnh vào năm 2021 với 6,33 triệu tấn. Một số biện pháp kiểm soát như ký quỹ bảo vệ môi trường giúp giảm lượng nhập khẩu phế liệu này về 4,1 triệu tấn vào năm 2022. Năm ngoái, lượng nhập phế liệu sắt, thép tăng lên 4,9 triệu tấn.

Hà Nội, TP.HCM có thể áp dụng quy chuẩn khí thải xe máy từ năm 2027

Hai thành phố lớn nhất cả nước dự kiến áp dụng quy chuẩn khí thải đầu tiên vào năm 2027, bốn thành phố trực thuộc trung ương còn lại áp dụng sau một năm.

Xe máy lưu thông tại Hà Nội

Xe máy lưu thông tại Hà Nội

Dự thảo Quy định lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Việt Nam đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường lấy ý kiến bộ ngành.

Theo dự thảo, từ ngày 1/1/2028, quy chuẩn sẽ áp dụng cho Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế. Các tỉnh, thành còn lại áp dụng từ 1/1/2030. Tùy theo tình hình thực tế, các tỉnh, thành phố có thể quy định áp dụng thời hạn sớm hơn.

Về định mức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất, đối với xe môtô sản xuất trước năm 2008 áp dụng mức một (mức thấp nhất trong quy chuẩn). Xe sản xuất 2008-2016 áp dụng mức hai. Mức ba áp dụng với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2026. Mức bốn áp dụng cho các xe sản xuất sau 1/7/2026.

Với xe gắn máy, mức một áp dụng với xe sản xuất trước năm 2016; mức hai với xe sản xuất từ năm 2017 đến 30/6/2027. Xe sản xuất 1/7/2027 áp dụng mức bốn.

Riêng Hà Nội, xe môtô, xe gắn máy đi vào vùng phát thải thấp sẽ theo quy định của Luật Thủ đô, nghị quyết của HĐND thành phố. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất từ ngày 1/1/2032 xe môtô, xe gắn máy lưu hành ở Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng quy định về khí thải mức hai trở lên.

Bộ Xây dựng được đề xuất chủ trì kiểm tra, chứng nhận xe môtô, xe gắn máy đáp ứng mức khí thải quy định đồng thời giám sát các cơ sở kiểm định khí thải tuân thủ mức khí thải trong kiểm tra, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ba bộ Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công an tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động kiểm định khí thải xe môtô, xe gắn máy.

Bộ Khoa học và Công nghệ được đề nghị nghiên cứu, rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu để sửa đổi, bổ sung phù hợp với lộ trình áp dụng các mức khí thải; rà soát các quy định về việc công nhận, chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí thải theo quy định của pháp luật về đo lường.

Từ năm 2009 - 2023, số phương tiện cá nhân tăng trung bình mỗi năm 10 - 15%. Đến tháng 12/2023, cả nước có trên 74,3 triệu xe môtô. Những năm gần đây, lượng xe môtô đăng ký mới lớn, đơn cử năm 2022 hơn 3,5 triệu, 6 tháng đầu năm 2024 là 1,4 triệu. Việt Nam hiện chỉ có quy chuẩn khí thải và thực hiện kiểm định khí thải đối với ôtô; xe môtô, xe gắn máy chưa có.

Rác thải tràn lan trên đường phố Thanh Hóa

Ba ngày qua, cả nghìn tấn rác thải ở TP. Thanh Hóa không được thu gom, đưa vào bãi tập kết, hiện ùn ứ khắp nơi gây ô nhiễm nặng.

Rác thải tràn lan trên các con phố ở TP. Thanh Hóa

Rác thải tràn lan trên các con phố ở TP. Thanh Hóa

Từ ngày 10/5 đến nay, nhân viên Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Thanh Hóa - đơn vị thu gom rác thải cho TP Thanh Hóa và một phần của huyện Quảng Xương không đi thu gom như thường lệ. Rác thải sinh hoạt bị bỏ lại trước cửa nhiều hộ gia đình khiến người dân bức xúc.

Trên các tuyến phố Đội Cung, Quang Trung, Mai An Tiêm..., các xe thu gom rác chất đầy bao tải phía trên, cộng thêm lượng lớn rác do người dân mang đến ném vương vãi dưới nền đường, nước thải rò rỉ bốc mùi hôi thối.

Lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Đô thị Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân rác thải ùn ứ khắp nơi, chưa được thu gom do đường vào bãi rác Đông Nam đang bị người dân ngăn chặn.

Ngày 12/5, hàng chục người dân hai thôn Sơn Lương và Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Nam, tiếp tục bám trụ trong các khu lều lán dựng trước cổng bãi rác Đông Nam để phản đối, ngăn xe đổ phế thải đi vào.

Bãi rác Đông Nam là khu xử lý rác thải lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, rộng khoảng 30 ha, đặt tại khu vực Thung Chim - núi Vàng (huyện Đông Sơn cũ, nay là TP. Thanh Hóa). Bãi rác hiện có 7 hố chôn lấp.

Ban đầu nơi này được tính toán có sức chứa 240-250 tấn rác mỗi ngày, nhưng đến nay lượng phế thải được thu gom tăng lên hơn 450 tấn mỗi ngày khiến tất cả hố rác đầy ứ. Tại đây đã có nhà đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý rác, sử dụng công nghệ lò đốt, song chưa thể vận hành do vấn đề thương lượng giá cả.

Trước thực trạng rác thải tồn đọng, UBND TP. Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm tại Đông Nam. Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ môi trường Ecotech - đơn vị vận hành nhà máy xử lý rác Đông Nam, tăng tần suất phun chế phẩm sinh học, che phủ kín khu vực ủ rác, hạn chế đảo rác vào lúc nắng nóng để giảm phát tán mùi hôi thối…

Vệ tinh VNREDSat-1 gửi hình ảnh về sau hai năm lỗi hệ thống

VNREDSat-1 - vệ tinh quang học quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam bị lỗi không thu nhận hình ảnh sau 7 năm hoạt động, hiện được khắc phục, hoạt động trở lại.

Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội.

Trung tâm điều khiển và vận hành vệ tinh tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - Hà Nội.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cho biết sau khi hoạt động trở lại vào sáng 30/4, vệ tinh VNREDSat-1 liên tục gửi về các hình ảnh chụp bề mặt Trái Đất.

Từ ngày 30/4 đến 5/5, vệ tinh VNREDSat-1 đã chụp 8 dải ảnh với chiều dài hơn 1.500 km trên lãnh thổ Việt Nam, tương đương khoảng 90 cảnh ảnh. Đánh giá bước đầu cho thấy sản phẩm ảnh đảm bảo chất lượng sử dụng.

Đội ngũ vận hành cho biết hiện VNREDSat-1 vẫn ở tình trạng tốt, "vệ tinh vẫn có thể cung cấp hình ảnh cho Việt Nam trong một hai năm tới".

Trước đó, vào cuối năm 2023, vệ tinh gặp sự cố lỗi hệ thống điều khiển, dẫn đến việc không thu nhận được hình ảnh. Sau đó Trung tâm Điều khiển và Khai thác Vệ tinh nhỏ, đơn vị trực thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã tìm cách khắc phục.

Theo phân tích ban đầu, vệ tinh VNREDSat-1 có sai lệch nhỏ về vị trí so với thiết kế. "Nguyên nhân do vệ tinh chưa được hiệu chỉnh quỹ đạo một thời gian dài. Sai lệch nằm trong tầm kiểm soát, có thể khắc phục theo các quy trình kỹ thuật vận hành", đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nói.

VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam, được phóng lên quỹ đạo ngày 7/5/2013, từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. VNREDSat-1 có kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, trọng lượng 120 kg. Vệ tinh do công ty EADS Astrium của Pháp thiết kế, chế tạo.

VNREDSat-1 có tuổi thọ dự kiến 5 năm, nhưng đến nay đã vận hành quá 7 năm so với thiết kế. Vệ tinh đã bay hơn 53.000 vòng quanh Trái Đất, tương đương 2,4 tỷ km, cung cấp 160.000 ảnh chụp.

Vệ tinh được sử dụng như một công cụ giám sát, cung cấp nguồn dữ liệu có giá trị, giúp các cơ quan chức năng chủ động trong quản lý tài nguyên môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, phục vụ nghiên cứu khoa học, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên quỹ đạo.

Tin cùng chuyên mục