Bản tin thời sự sáng 14/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sau hơn 3 tháng triển khai thi công đào ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội, máy TBM đã khoan được 625 m; tàu khách SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi đi qua Hà Tĩnh; giá USD ngân hàng lập đỉnh hơn 25.500 đồng; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đã bàn giao 97,7% mặt bằng…

Sau hơn 3 tháng triển khai thi công đào ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội, máy TBM đã khoan được 625m

Công tác đào 4 km đoạn đi ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội đang đảm bảo tiến độ, dự kiến hoàn thành tháng 11/2025.

Robot đào ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội

Robot đào ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội

Cách đây hơn 3 tháng, ngày 30/7, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng tư vấn và nhà thầu khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) cho đoạn đi ngầm của Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội tại ga S9 - Kim Mã.

Máy đào TBM1 (được đặt tên Thần tốc) khoan từ ga S9 - Kim Mã tại độ sâu 17,8 m. Đến giữa tháng 9, khi TBM1 khoan khoảng 200 m, máy TBM2 (tên Táo bạo) bắt đầu khoan.

Hai con robot cùng đào hai đường hầm chạy song song từ ga S9 - ga Kim Mã đến ga S12 - ga Trần Hưng Đạo với tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10 m/ngày.

Giữa tháng 11/2024, thông tin về tiến độ làm các ga ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai, máy TBM đã khoan được 625 m, tới khu vực của giếng thoát hiểm, một trong những hạng mục quan trọng của Dự án.

Việc đào ngầm 4 km dự kiến kéo dài 16 tháng, tổng số người tham gia là 150. Trong đó có những công tác chính như vận hành máy TBM, cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt...

"Chúng tôi hiện đang bám theo sát tiến độ và sẽ hoàn thành công tác khoan hầm vào tháng 11/2025", đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay.

Tàu khách SE7 bị trật bánh khỏi đường ray khi đi qua Hà Tĩnh

Sự cố không gây thương vong về người nhưng khiến đường sắt Bắc - Nam qua Hà Tĩnh bị ách tắc và hành khách trên tàu được hỗ trợ di chuyển bằng ôtô về khu vực ga Chu Lễ.

Tàu khách SE7 bị trật bánh khỏi đường ray
Tàu khách SE7 bị trật bánh khỏi đường ray

Lúc 14 giờ ngày 13/11, tàu khách SE7 đang trên hành trình từ ga Hà Nội đi ga Sài Gòn đã gặp sự cố trật bánh khỏi đường ray.

Địa điểm tàu gặp sự cố là Km378+400 tuyến đường sắt Bắc - Nam, cách ga Chu Lễ (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) chừng 2 km theo hướng di chuyển Bắc - Nam. Nguyên nhân là do 2 trục bánh của toa số 8 tàu SE7 bị trật khỏi đường ray.

Sự cố không gây thương vong về người nhưng khiến đường sắt Bắc - Nam qua Hà Tĩnh bị ách tắc. Hành khách trên tàu SE7 sau đó được hỗ trợ di chuyển bằng ôtô về khu vực ga Chu Lễ.

Sau khi xảy ra vụ việc, ngành đường sắt đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan thực hiện phong tỏa khu vực, huy động phương tiện, nhân lực đến hiện trường thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

Giá USD ngân hàng lập đỉnh hơn 25.500 đồng

Tiếp tục đà tăng thời gian gần đây, giá USD giao dịch trên kênh ngân hàng chiều 13/11 đã tăng mạnh vượt ngưỡng 25.500 đồng/USD, chính thức vượt mức đỉnh thiết lập hồi tháng 6.

Giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại đã vượt mốc 25.500 đồng/USD

Giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại đã vượt mốc 25.500 đồng/USD

Ngày 13/11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra ở mức 24.288 đồng/USD, tăng mạnh 21 đồng so với hôm 12/11. Với biên độ +/-5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại ngày 13/11 được phép mua - bán USD trong vùng giá thấp nhất 23.073 đồng/USD và cao nhất 25.502 đồng/USD.

Sở giao dịch NHNN ngày 13/11 vẫn giữ nguyên giá mua vào đồng bạc xanh ở mức 23.400 đồng/USD và giá bán ở 25.450 đồng/USD.

Trong khi đó, giá mua - bán USD trên kênh ngân hàng thương mại đã tăng mạnh hôm 13/11. Tính đến cuối ngày, hầu hết ngân hàng đều tăng giá mua USD thêm 20 - 60 đồng so với phiên liền trước, trong khi giá bán đều đã niêm yết ở mức kịch trần nhà điều hành cho phép. Mức giá này đồng thời vượt đỉnh thiết lập hồi giữa năm nay.

Tại Vietcombank - ngân hàng có doanh số giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống - tỷ giá đồng bạc xanh hiện được niêm yết ở mức 25.150 - 25.502 đồng/USD (mua - bán), tăng 22 đồng so với phiên giao dịch liền trước.

Tương tự, BIDV và VietinBank cũng niêm yết giá mua - bán ngoại tệ này lần lượt ở mức 25.170 - 25.502 đồng/USD và 25.180 - 25.502 đồng/USD.

Tại nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, giá mua vào đồng bạc xanh hiện phổ biến đều được niêm yết trên vùng 25.000 đồng trong khi giá bán phần lớn giao dịch ở 25.502 đồng/USD, mức tối đa nhà điều hành cho phép giao dịch trong ngày.

So với đầu năm, hiện giá bán USD trên kênh ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 1.100 đồng, tương ứng mức tăng ròng hơn 4%. Nếu chỉ tính riêng từ đầu tháng, tiền Đồng đã mất giá hơn 3% so với USD.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giá USD tăng vọt trên kênh giao dịch chính thức, trên thị trường tự do, giá USD đang được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội niêm yết quanh vùng 25.540 đồng/USD (mua) và 25.650 đồng/USD (bán), tương ứng giảm 70 đồng so với 12/11.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 đã bàn giao 97,7% mặt bằng

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hà Giang đến nay đã bàn giao mặt bằng được 26,844 km, quy mô đủ 4 làn xe, đạt 97,7%.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Giang đã bàn giao 97,7% mặt bằng

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Giang đã bàn giao 97,7% mặt bằng

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang có chiều dài gần 27,5 km, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Giang làm chủ đầu tư. Dự án gồm 3 gói thầu: Gói thầu số 03-XL (Km0+00 đến Km12+500); Gói thầu số 04-XL (Km12+500 - Km19+120); Gói thầu số 05-XL (Km19+120-Km27+480).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Giang, đến ngày 10/11/2024, về công tác giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành các thủ tục chuyển đổi đất trồng lúa, chuyển đổi đất rừng; đã bàn giao 26,844/27,48 km với quy mô đủ 4 làn xe, đạt 97,7%, hiện còn 9 hộ chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng.

Hiện các gói thầu xây lắp đang triển khai thi công trên toàn tuyến đáp ứng với phạm vi mặt bằng được bàn giao. Số nhân sự có mặt tại hiện trường là 797 người; 351 máy móc thiết bị thi công; giá trị sản lượng đạt 915,2/2.316 tỷ đồng, đạt 39,5% giá trị hợp đồng.

Khởi tố nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh

Ông Võ Văn Chánh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Khu dân cư Phước Thái liên quan đến sai phạm nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh

Khu dân cư Phước Thái liên quan đến sai phạm nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh

Ngày 13/11, các cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với ông Võ Văn Chánh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Ông Võ Văn Chánh bị cáo buộc có sai phạm liên quan vụ án Khu dân cư Phước Thái, phường Tam Phước, TP. Biên Hòa. Vụ việc đã được cơ quan chức năng đã khởi tố, xét xử nhiều cán bộ.

Trước đó Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai xác định, năm 1995, Thủ tướng ký quyết định cho Công ty CP May - Xây dựng Huy Hoàng liên doanh với một công ty đối tác nước ngoài thuê gần 9 ha đất tại xã Tam Phước (huyện Long Thành, nay là phường Tam Phước) để xây dựng nhà xưởng sản xuất gốm. Khu đất này là đất công trong quy hoạch cụm công nghiệp.

Do dự án liên doanh không thực hiện nên UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và giao cho Công ty CP May - Xây dựng Huy Hoàng sử dụng khu đất.

Năm 2015, ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Phước Thái có công văn xin UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất điều chỉnh quy hoạch khu đất quy hoạch cụm công nghiệp trên sang làm khu dân cư thương mại. Sau đó, ông Tuấn ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất với số tiền hơn 35 tỷ đồng và làm thủ tục để UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, chấp thuận để giao đất. Dự án này đã phân chia hơn 453 nền đất và xây dựng nhiều dãy nhà liên kế bán cho người dân.

Liên quan trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định, năm 2017, ông Võ Văn Chánh (thời điểm này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) đã ký 2 quyết định giao đất và cho thuê đất để Công ty Phước Thái thực hiện Dự án Khu dân cư thương mại Phước Thái với tổng diện tích gần 9 ha không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Chánh từng công tác nhiều năm ở Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai. Ông Võ Văn Chánh Chánh giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai từ 2013 đến 2020. Từ 2020 đến 2023, ông Chám làm Bí thư Thành ủy Biên Hòa và tháng 4/2023, ông Chánh đã xin nghỉ việc theo nguyện vọng.

Bến Tre dự kiến có 66 dự án hoàn thành trong năm 2024

Theo UBND tỉnh Bến Tre, địa phương đang tập trung các nguồn lực để đẩy tiến độ nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024 với nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực.

Bến Tre dự kiến có 66 dự án hoàn thành trong năm 2024. Ảnh minh họa

Bến Tre dự kiến có 66 dự án hoàn thành trong năm 2024. Ảnh minh họa

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Bến Tre phấn đấu giải ngân thêm hơn 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2024. Dự kiến, năm 2024, Tỉnh sẽ có 66 dự án hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực tăng thêm cho các ngành, lĩnh vực; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, tổng kế hoạch vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do Tỉnh quản lý năm 2024 là 5.035 tỷ đồng; trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển do địa phương quản lý thuộc ngân sách nhà nước năm 2024 được HĐND Tỉnh giao là 4.259 tỷ đồng. Đến nay, Tỉnh đã giải ngân các nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch (bao gồm cả vốn kéo dài) hơn 3.057 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64,16% kế hoạch vốn năm 2024.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre đã trình UBND Tỉnh thực hiện 6 lần điều chỉnh, điều chuyển vốn giữa các dự án có tiến độ khác nhau tập trung vào nhóm công trình, dự án trọng điểm với 17 lượt chủ đầu tư. Tổng số vốn điều chỉnh tăng giảm hơn 231 tỷ đồng gồm vốn đầu tư và vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện Sở đang tiếp tục rà soát, dự kiến trình điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn theo nhu cầu thực tế của các chủ đầu tư.

Cùng đó, Sở cũng đã phê duyệt và ủy quyền phê duyệt đầu tư 77 dự án, công trình với tổng mức đầu tư hơn 3.960 tỷ đồng; thực hiện thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán 114 dự án, công trình hoàn thành, giá trị sau khi thẩm tra chấp nhận phê duyệt quyết toán hơn 1.698 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn gặp nhiều khó khăn như khan hiếm vật liệu cát san lấp, bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông...

TP.HCM cần di dời hơn 46.000 nhà trên và ven kênh rạch

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng cần xây dựng được đề án lớn.

Một khu nhà ở ven kênh rạch ở TP.HCM

Một khu nhà ở ven kênh rạch ở TP.HCM

Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, Thành phố hiện có khoảng 48.143 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch và 9 dự án di dời, giải tỏa để chỉnh trang đô thị.

Theo quyết định năm 2021 của UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đặt ra chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tức là đã qua gần 2/3 chặng đường nhưng Thành phố mới chỉ bồi thường, giải phóng mặt bằng 1.149/6.500 căn, đang tiếp tục thực hiện 243 căn. Còn lại hơn 46.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch chưa được triển khai thực hiện, cũng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, nguyên nhân của kết quả khiêm tốn trên chủ yếu là do đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân có nhà trên và ven kênh rạch gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc dự báo chính xác nhu cầu nhà ở xã hội cho di dời nhà ven kênh, rạch tại TP.HCM còn nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu điều tra xã hội học. Các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hiện chỉ có thể đưa ra con số ước tính khoảng 8.150 căn tái định cư trên tổng số 46.452 căn cần di dời, chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 17,6%.

Mức độ nhu cầu này có thể dao động cao hoặc thấp hơn so với con số ước tính tùy theo các yếu tố địa hình, hiện trạng và đặc điểm xã hội của từng địa phương.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh, rạch, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, cần xây dựng được đề án lớn, trong đó xác định rõ những trường hợp đủ điều kiện tái định cư cùng phương án hỗ trợ nhà ở xã hội cho các hộ không đủ điều kiện bồi thường.

Đề xuất xây 3 hồ trữ ngọt ở Tiền Giang

Chính quyền kiến nghị xây 3 hồ trữ nước ngọt tại TP. Gò Công, Gò Công Tây và Tân Phú Đông với tổng sức chứa 4,3 triệu m3, vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.

Người dân Gò Công Đông xếp hàng nhận nước ngọt từ thiện mùa hạn mặn năm nay

Người dân Gò Công Đông xếp hàng nhận nước ngọt từ thiện mùa hạn mặn năm nay

Ngày 13/11, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết vừa đề xuất Trung ương xây 3 hồ trữ ngọt, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt mùa khô.

Ba công trình gồm: hồ Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) rộng 20 ha, dung tích 800.000 m3; hồ Gò Gừa (Gò Công Tây) rộng gần 57 ha được nạo vét mở rộng từ sông Gò Gừa, dung tích 1,5 triệu m3 và hồ Vàm Gié (TP. Gò Công và Gò Công Tây) rộng 70 ha, dung tích 2 triệu m3.

Các dự án sử dụng nguồn ngân sách từ Trung ương và địa phương, trong đó hồ Tân Thới kinh phí hơn 250 tỷ đồng, hồ Gò Gừa gần 440 tỷ đồng và hồ Vàm Gié gần 600 tỷ đồng, hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030. Công trình khi hoàn thành sẽ dự trữ, cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy xử lý, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân tại các huyện phía Đông.

Mùa hạn mặn năm nay, Tiền Giang có gần 9.000 hộ dân ở các huyện phía Đông thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tỉnh là địa phương đầu tiên ở miền Tây công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông. Địa phương sau đó mở hơn 100 vòi nước công cộng phục vụ nước ngọt miễn phí. Nhiều tổ chức, cá nhân cũng liên tục dùng xe bồn chở nước ngọt cung cấp cho người dân.