Bản tin thời sự sáng 14/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Sở Xây dựng Đồng Nai kiến nghị xử phạt chủ đầu tư Dự án Gem Sky World; hàng loạt doanh nghiệp vào diện bị kiểm tra thuế năm 2023; công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Sa Pa; lãnh đạo người Nhật sẽ rút khỏi HĐQT Bamboo Airways; cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ…

Sở Xây dựng Đồng Nai kiến nghị xử phạt chủ đầu tư Dự án Gem Sky World

Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An, chủ đầu tư Dự án Gem Sky World với số tiền 900 triệu đồng, đồng thời yêu cầu hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.

Một góc Dự án Gem Sky World tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Một góc Dự án Gem Sky World tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Ngày 13/9, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã có tờ trình kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh bất động sản đối với Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An, chủ đầu tư dự án khu dân cư theo quy hoạch 92,2 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành (Dự án Gem Sky World).

Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai kiến nghị xử phạt về hành vi vi phạm huy động vốn không đúng quy định. Hình thức xử phạt 900 triệu đồng. Về biện pháp khắc phục hậu quả, trong thời gian 360 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An phải hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định.

Trước đó, ngày 12/9, Thanh tra Sở Xây dựng đã làm việc với Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An liên quan đến việc xử lý hành vi huy động vốn không đúng quy định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh bất động sản tại Dự án Gem Sky World.

Tại buổi làm việc này, Công ty đã nhận thức được hành vi vi phạm và thống nhất với nội dung xử lý vi phạm hành chính đối với huy động vốn không đúng quy định; cam kết thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, buộc hoàn trả phần vốn đã huy động không đúng quy định trong thời gian 360 ngày.

Qua kiểm tra hồ sơ, rà soát, đối chiếu các quy định của pháp luật, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính.

Hàng loạt doanh nghiệp vào diện bị kiểm tra thuế năm 2023

Tổng cục Thuế vừa có Văn bản số 1326/QDD-TCT quyết định phê duyệt Kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023; trong đó kiểm tra nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.

Tổng cục Thuế vừa có quyết định kiểm tra chuyên ngành với nhiều doanh nghiệp

Tổng cục Thuế vừa có quyết định kiểm tra chuyên ngành với nhiều doanh nghiệp

Theo đó, trong danh sách 42 công ty thuộc diện kiểm tra chuyên ngành năm 2023 có sự xuất hiện của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như bất động sản, lĩnh vực xây dựng, dược, hóa mỹ phẩm, chứng khoán, hàng không, thủy sản...

Cụ thể, về lĩnh vực bất động sản có tên của loạt doanh nghiệp như: Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Đông Nam, Công ty CP Bitexco, Công ty TNHH BIM Kiên Giang, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim, Công ty TNHH Phát triển THT, Công ty CP Bất động sản toàn cầu (GP.INVEST)…

Ngoài ra là nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng như: Công ty CP Fecon, Công ty CP Xây dựng Đô thị Hồng Hà số 1 Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons, Công ty CP Tập đoàn Cienco4, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty CP Xây dựng Hợp Lực, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2,...

Về dược, hóa mỹ phẩm gồm: Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty TNHH Dược Hoa Linh, Công ty CP Dược phẩm OPC, Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy,…

Cùng với đó là các công ty lớn thuộc các lĩnh vực khác: Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty TNHH Long Hải, Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương...

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến hết tháng 8/2023, toàn ngành thuế đã thực hiện được 38.866 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 48,5% kế hoạch năm 2023 và bằng 92,6% so với cùng kỳ năm 2022; kiểm tra được 393.280 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 85,3% cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 39.748 tỷ đồng bằng 102,9% cùng kỳ năm 2022.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Sa Pa

UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn thị xã Sa Pa với tình huống mưa, lũ, sạt lở.

Thị xã Sa Pa là khu vực cảnh báo khẩn cấp bởi thiên tai nguy hiểm

Thị xã Sa Pa là khu vực cảnh báo khẩn cấp bởi thiên tai nguy hiểm

Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao, đêm 12/9 đến ngày 13/9, trên địa bàn Tỉnh có mưa đều khắp, nhiều nơi có mưa to, đặc biệt một số nơi có mưa rất to.

Lượng mưa tích lũy đo được ở một số trạm (từ 18 giờ ngày 12/9 đến 6 giờ ngày 13/9) như sau: Xã Trung Chải 142,4 mm, thủy điện Tà Thàng 118,2 mm, Ô Quý Hồ 82,6 mm, xã Mường Hoa 77,4 mm (thị xã Sa Pa); xã Gia Phú 1 (huyện Bảo Thắng) 109,2 mm; xã Sơn Thủy (huyện Văn Bàn) 106,6 mm; các điểm đo mưa còn lại trung bình khoảng 40 - 55 mm.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến 18h ngày 13/9, tại Lào Cai thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở, dông lốc đã khiến 9 người chết và mất tích (5 người chết, 4 người mất tích); và 5 người bị thương.

Một nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, hư hỏng 12 nhà. Sạt lở Quốc lộ 279, 4, 4D và một số tuyến đường tỉnh, huyện; hư hỏng một số công trình công cộng. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 255 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, tình trạng khẩn cấp được công bố trên phạm vi thị xã Sa Pa. Theo đó, địa phương này cần thực hiện, áp dụng các biện pháp khẩn cấp.

UBND thị xã Sa Pa cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và các biện pháp phù hợp ứng phó với các loại thiên tai nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có phương án di chuyển kịp thời. Chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Lãnh đạo người Nhật sẽ rút khỏi HĐQT Bamboo Airways

Bamboo Airways sẽ trình đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Hideki Oshima tại phiên họp bất thường ngày 15/9.

Lãnh đạo người Nhật sẽ rút khỏi HĐQT Bamboo Airways

Lãnh đạo người Nhật sẽ rút khỏi HĐQT Bamboo Airways

Thông tin này được cho biết trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc đại hội cổ đông bất thường ngày 15/9 tới của Bamboo Airways. Đây là phiên họp bất thường lần ba trong năm nay của hãng hàng không này để xử lý các vấn đề, trong đó có nhân sự cấp cao.

Ông Hideki Oshima được bầu làm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways hồi tháng 6. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, ông từng làm Phó tổng giám đốc Japan Airlines, cũng như lãnh đạo tại các sân bay Narita, Haneda (Nhật Bản).

Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa tháng sau đó, ông Oshima đã xin từ nhiệm vị trí này. Sau đó, cựu sếp Japan Airlines giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, còn ông Lê Thái Sâm được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT.

Đại diện Bamboo Airways cho biết, lãnh đạo người Nhật không tham gia HĐQT nhưng vẫn sẽ giữ vai trò cố vấn cho hãng.

Ngoài ông Oshima, Bamboo Airways cũng sẽ trình cổ đông miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT với ông Doãn Hữu Đoàn và ông Trần Hòa Bình. HĐQT hãng bay này chỉ đề nghị bầu bổ sung 1 thành viên và sẽ công bố danh sách ứng viên tại cuộc họp ngày 15/9.

Tại Ban kiểm soát, Bamboo Airways cũng sẽ trình miễn nhiệm 3 thành viên gồm bà Nguyễn Thị Hữu, Nguyễn Bích Ngọc và ông Nguyễn Đăng Khoa. Công ty đề xuất bổ sung 3 thành viên để thay thế.

Cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Văn phòng Đăng ký liên bang Mỹ (Federal Register) đã có kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 cá tra phi lê đông lạnh với kết quả tích cực. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành cá tra Việt khi tham gia thị trường này.

Cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ

Cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ

Hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam là bị đơn bắt buộc gồm Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn Corp) và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD một kg và 0,14 USD một kg.

Các doanh nghiệp khác cũng hưởng thuế 0,14 USD một kg là I.D.I CORP, Công ty CP Thủy sản Cafatex, Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương.

Theo VASEP, mức thuế sơ bộ lần này giảm so với kết quả cuối cùng trước đó.

Mức thuế chống bán phá giá hồi tháng 9 năm ngoái được áp cho phần lớn doanh nghiệp Việt là 2,39 USD một kg. Một số khác chịu mức thuế từ 0 - 3,87 USD một kg.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của cá tra Việt Nam. Số liệu của VASEP cho thấy, trong năm 2015, 2016 (2 năm sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện), đây là thị trường lớn nhất. Từ năm 2019, Mỹ duy trì là thị trường lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ cá tra phi lê đông lạnh; cá tra cắt miếng, cắt khúc đông lạnh; cá tra tẩm bột đông lạnh; khô cá tra phồng, da cá tra chiên.

Sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng 41%.

Cầu hơn 340 tỷ đồng nối vùng duyên hải với trung tâm TP.HCM sắp thông xe

Sau khi phải tạm dừng thi công gần 3 năm vì vướng mặt bằng, Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 được khởi động lại từ tháng 10/2022 và sẽ được thông xe vào ngày 15/9 tới đây.

Phối cảnh cầu Vàm Sát 2

Phối cảnh cầu Vàm Sát 2

Ngày 13/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM - Chủ đầu tư) cho biết, công trình cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ sẽ được thông xe vào sáng 15/9 tới đây.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vàm Sát 2 có tổng mức đầu tư 343 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp 247 tỷ đồng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là 25 tỷ đồng. Dự án có mục tiêu thay thế cầu Vàm Sát 1 hiện hữu đã quá tải, xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu phục vụ giao thông.

Sau khi thông xe, cầu Vàm Sát 2 sẽ giúp kết nối xã Lý Nhơn với trung tâm huyện Cần Giờ và trung tâm TP.HCM, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng tăng của khu vực, khai thác tiềm năng du lịch, thúc đẩy và phát triển kinh tế, xã hội của huyện duyên hải Cần Giờ.

Ban Giao thông TP.HCM cho biết, sau quá trình chuẩn bị và tiếp nhận mặt bằng đợt 1, Dự án được Chủ đầu tư khởi công vào ngày 27/3/2018. Do không được giao tiếp mặt bằng nên công trình đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2019.

Sau khi bị "treo" gần 3 năm, đến tháng 10/2022, UBND huyện Cần Giờ cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã cùng vào cuộc, tháo gỡ vướng mắc, vận động người dân để hoàn thành 100% khối lượng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Qua đó, thực hiện bàn giao 100% mặt bằng để Chủ đầu tư tiếp tục thi công.

Lễ thông xe cầu Vàm Sát 2 được diễn ra đúng 11 tháng kể từ khi Chủ đầu tư nhận được 100% mặt bằng từ UBND huyện Cần Giờ để tiếp tục thi công, sớm hơn 1 tháng so với thời gian dự kiến.

Nghiên cứu nộp phạt vi phạm giao thông trên VNeID

Bộ Giao thông vận tải tích hợp, đồng bộ dữ liệu giấy phép lái xe để phục vụ nộp phạt vi phạm giao thông trên ứng dụng VNeID, Chính phủ yêu cầu.

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn xe máy

Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn xe máy

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 11/9, Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nộp phạt vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông trên VNeID.

Bộ Công an hoàn thiện ứng dụng VNeID tích hợp các tiện ích quản lý xã hội, ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp làm thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Từ tháng 7/2020, người dân cả nước được nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và nhận giấy tờ tại nhà.

Thời gian hệ thống cập nhật quyết định xử phạt là 7 ngày. Sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân nhập số biên bản vi phạm hành chính; ngày, tháng, năm vi phạm; họ và tên sẽ tìm ra quyết định, số tiền bị xử phạt. Sau đó thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai.

Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện.

Tháng 3/2021, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thử nghiệm kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính. Người vi phạm giao thông cung cấp mã số định danh cá nhân (12 số) trên thẻ căn cước có mã QR để cảnh sát tra cứu dữ liệu ở Cổng dịch vụ công Quốc gia, phục vụ nộp phạt qua mạng.

Nếu được nộp phạt vi phạm giao thông qua ứng dụng VNeID, người dân sẽ có thêm kênh trực tuyến để thực hiện việc này.