Bản tin thời sự sáng 15/5

(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lập tổ công tác đặc biệt, mở đợt truy quét buôn lậu, hàng giả; tín dụng tại TP.HCM vượt 4 triệu tỷ đồng; VN-Index vượt 1.300 điểm; Vietnam Airlines dời toàn bộ chuyến bay nội địa sang ga T3 Tân Sơn Nhất; nhà đầu tư thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt 2 tỷ đồng…

Lập tổ công tác đặc biệt, mở đợt truy quét buôn lậu, hàng giả

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ, từ 15/5 - 15/6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ngày 14/5

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp ngày 14/5

Tại cuộc họp với các bộ ngành về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa vẫn phức tạp, trên phạm vi rộng, đối tượng nhiều. Việc này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe, uy tín, thương hiệu đất nước.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa.

Ông chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng. Các địa phương thành lập tổ công tác do chủ tịch UBND làm tổ trưởng, có tham gia của đại diện các ngành. Tổ công tác sẽ thực hiện đợt cao điểm truy quét trong 1 tháng, từ 15/5 - 15/6.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành. Theo đó, Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, không để khoảng trống pháp lý, vì sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính mà buông lỏng quản lý.

Bộ Công an xác lập các chuyên án, xử nghiêm các đối tượng vi phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, kịp thời công khai kết quả để răn đe, phòng ngừa.

Bộ Tài chính chỉ đạo hải quan, thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm phòng chống vi phạm. Bộ Công Thương hoàn thiện chính sách thương mại điện tử, rà soát để sửa các quy định sớm nhất, tránh khoảng trống pháp lý.

Lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm chính trong kiểm tra chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại. Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành cấp phép, quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, đặc biệt chú ý các mặt hàng như thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm...

Theo các báo cáo, từ đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Các cơ quan thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.

Tín dụng tại TP.HCM vượt 4 triệu tỷ đồng

4 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM lần đầu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2.

Tiền mặt tại một phòng giao dịch ngân hàng ở TP.HCM

Tiền mặt tại một phòng giao dịch ngân hàng ở TP.HCM

Quy mô tín dụng này tăng 12,78% so với cùng kỳ năm ngoái, cải thiện rõ rệt so với 2 năm trước (4 tháng đầu năm 2023 và 2024 chỉ tăng lần lượt 1,72% và 1,31%). So với cuối 2024, tín dụng đã tăng thêm 2,62%.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2 nhận định, đây là kết quả tích cực, phản ánh những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế - xã hội và cơ chế chính sách.

Theo ông, chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt, lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực.

Tín dụng tại TP.HCM tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các nhóm ngành là động lực tăng trưởng. Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu của địa phương - đóng góp trên 60% GRDP - chiếm 35,4% tổng dư nợ và tăng trên 3,6% so với cuối năm 2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh khu vực 2, tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của TP.HCM đóng vai trò then chốt đối với việc mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả. Nếu được duy trì, đây sẽ là động lực thúc đẩy cả tín dụng lẫn tăng trưởng thời gian tới.

Cùng với tăng trưởng chung, hoạt động tín dụng tiêu dùng tại TP.HCM cũng mở rộng 2,3% trong 3 tháng đầu năm (cùng kỳ 2023 và 2024 tăng 0,7% và giảm 0,9%). Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn mở rộng. Đồng thời, các sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng, linh hoạt và tiện ích gắn với khả năng ứng dụng công nghệ là yếu tố thúc đẩy.

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ 2024. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước tăng 20%.

VN-Index vượt 1.300 điểm

3 phiên tăng liên tiếp giúp VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau khi đánh mất trong nhịp điều chỉnh mạnh vì biến động thuế quan cách đây một tháng.

VN-Index vượt 1.300 điểm

VN-Index vượt 1.300 điểm

Trước phiên ngày 14/5, hầu hết công ty chứng khoán nghiêng về kịch bản VN-Index sẽ nhanh chóng vượt 1.300 điểm bởi tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn nhờ rủi ro về thuế quan lắng dịu. Thực tế cho thấy chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM liên tục nới rộng biên độ tăng, vượt ngưỡng cản quan trọng từ giữa phiên sáng. Càng về cuối phiên, chỉ số càng tăng mạnh trước khi đóng cửa sát 1.310 điểm, tăng 16 điểm so với tham chiếu.

Từ đầu tháng đến nay, VN-Index tăng 7 trong số 8 phiên giao dịch, tích lũy tổng cộng 83 điểm. Riêng nhịp tăng 3 phiên gần nhất giúp chỉ số có thêm 42 điểm.

Cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt nhóm ngân hàng, tiếp tục là động lực giúp thị trường hồi phục nhanh. Trong 10 mã đóng góp tích cực nhất vào phiên tăng ngày 14/5 có 6 đại diện của nhóm ngân hàng. VPB diễn biến hưng phấn nhất khi tăng hết biên độ lên 18.900 đồng, chốt phiên không có bên bán, trong khi khối lượng chờ mua giá trần còn hơn 1,7 triệu cổ phiếu. VCB, BID, LPB, TCB, HDB lần lượt xếp tiếp theo trong danh sách này khi 1,5 - 4,6%.

Hầu hết cổ phiếu ngành thép tăng đồng thuận với thị trường. HSG đảo chiều từ giảm thành tăng 3,3%, chốt phiên tại 15.500 đồng, dẫn đầu về biên độ dao động giá của nhóm này.

Nhóm chứng khoán có trạng thái tương tự khi phần lớn đảo chiều từ giá giảm thành tăng 1 - 3%, trong khi một số mã vốn hóa nhỏ giữ nguyên tham chiếu.

Sự phân hóa mạnh xuất hiện ở nhóm bất động sản. Hai cổ phiếu trụ là VHM và VRE lần lượt mất 2,6% và 2,8%, trong khi các mã vốn hóa vừa như PDR, NVL, DIG nối dài nhịp tăng. VPL của Vinpearl có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp, đóng cửa tại 91.400 đồng.

Dòng tiền lan tỏa trên diện rộng, giúp thanh khoản lên cao nhất 3 tuần. Sàn TP.HCM hôm nay có hơn 1 tỷ cổ phiếu được sang tay thành công, tương ứng giá trị giao dịch 27.300 tỷ đồng.

Chỉ số tăng mạnh bởi lực cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Ngày 14/5, khối ngoại giải ngân hàng gần 5.590 tỷ đồng, tương đương phiên "bắt đáy" sau chuỗi giảm sâu vì biến động thuế quan, trong khi bán ra khoảng 3.300 tỷ đồng. Giá trị mua ròng theo đó hơn 2.260 tỷ đồng, cao nhất từ cuối tháng 11/2022 đến nay.

Vietnam Airlines dời toàn bộ chuyến bay nội địa sang ga T3 Tân Sơn Nhất

Vietnam Airlines sẽ chuyển toàn bộ các chuyến bay nội địa còn lại đang khai thác ở ga T1 sang T3 từ 4h ngày 17/5, trừ một số chuyến chặng ngắn đi Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau.

Khách làm thủ tục bay ở ga T3 Tân Sơn Nhất

Khách làm thủ tục bay ở ga T3 Tân Sơn Nhất

Thông tin được đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết sáng 14/5, sau khi thống nhất phương án chuyển đổi với hãng hàng không quốc gia. Các hãng VietJet Air, Pacific Airlines, Vasco, Vietravel Airlines, Bamboo Airways vẫn khai thác tại ga T1 như hiện nay.

Riêng các chuyến khai thác bằng máy bay ATR72, số hiệu Vietnam Airlines (VN) đối với các đường bay Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá vẫn tiếp tục khai thác tại ga T1.

Trước đó, khi ga T3 đưa vào sử dụng, Vietnam Airlines mới chỉ chuyển các chuyến bay nội địa sang địa điểm này ở hai chặng, gồm TP.HCM đi Hà Nội, Vân Đồn và ngược lại. Sau gần 1 tháng triển khai, hãng đã vận hành hơn 1.400 chuyến bay và phục vụ gần 400.000 lượt khách tại nhà ga mới.

Tại nhà ga T3, Vietnam Airlines bố trí khu vực làm thủ tục từ quầy số 56 đến 109, cùng với 22 quầy check in tự động. Nhân viên hỗ trợ hành khách được tăng cường để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Hãng khuyến nghị hành khách chủ động sử dụng các dịch vụ tiện ích mới tại nhà ga T3 như quầy check in tự động, quầy tự gửi hành lý và định danh sinh trắc học thông qua ứng dụng VNeID do Bộ Công an phát triển. Các hình thức giúp hành khách tiết kiệm thời gian, không cần xuất trình giấy tờ.

Ga T3 Tân Sơn Nhất bắt đầu khai thác hôm 17/4 và khánh thành sau đó hai ngày, vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch. Đây là nhà ga nội địa lớn nhất nước với quy mô phục vụ 20 triệu lượt khách mỗi năm, nâng tổng công suất sân bay này lên 50 triệu khách.

Dự án có tổng đầu tư gần 11.000 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, khởi công cuối năm 2022. Nhà ga T3 gồm ba hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn.

Nhà đầu tư thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt 2 tỷ đồng

Bộ Tài chính đề xuất phạt 1,5 - 2 tỷ đồng với người tung tin đồn thất thiệt, thông đồng giao dịch hoặc sử dụng nhiều tài khoản nhằm tạo cung cầu giả trên thị trường tài sản mã hóa.

Một đồng xu biểu tượng Bitcoin

Một đồng xu biểu tượng Bitcoin

Bộ Tài chính mới công bố dự thảo sửa đổi các Nghị định liên quan đến xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có quy định mới về tài sản mã hóa.

Theo cơ quan này, hiện chưa có quy định xử phạt hành chính về thị trường tài sản mã hóa nên việc bổ sung là cần thiết. Chế tài xử phạt có nhiều điểm tương đồng với thị trường chứng khoán.

Đây cũng là lần đầu tiên Bộ giải thích chi tiết về hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa. Trong đó, dự thảo liệt kê 5 hành vi được xem như thao túng thị trường tài sản mã hóa. Đầu tiên là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản của mình, người khác để giao dịch liên tục nhằm tạo cung cầu giả. Thứ hai, thông đồng giao dịch mà không phát sinh chuyển nhượng quyền sở hữu thực sự hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong một nhóm.

Hành vi thao túng còn bao gồm cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh giao dịch, đưa ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng để tác động giá và cung cầu. Hành vi được liệt kê cuối cùng là tung tin đồn hoặc cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng nhằm tạo cung cầu giả.

Bộ Tài chính đề xuất mức phạt cho hành vi thao túng thị trường tài sản mã hóa dao động 1,5 - 2 tỷ đồng. Nếu tổ chức cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động này trong 3 - 5 tháng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa có thể bị phạt 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng cho những vi phạm như không xác minh danh tính nhà đầu tư, thông tin quảng cáo gây hiểu lầm, không tách biệt quản lý tài sản mã hóa của khách với tự doanh...

Với nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất phạt 100 - 200 triệu đồng nếu họ không mở tài khoản và chuyển tài sản mã hóa đang sở hữu về lưu giữ, giao dịch tại các tổ chức được cơ quan này cấp phép.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), tính đến cuối 2024, Việt Nam có khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, nằm trong top 7 toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với mức 120 tỷ USD của 2023. Khoảng 20 sàn giao dịch loại tiền này hoạt động tại Việt Nam.

Bình Thuận sẽ khai thác gần 2.000 ha đất dọc đường ven biển chưa sử dụng

UBND tỉnh Bình Thuận đang tính khai thác gần 2.000 ha đất hai bên tuyến đường mới khánh thành ven biển Phan Thiết và Hàm Thuận Nam để mở rộng không gian đô thị, phát triển kinh tế.

Quỹ đất hai đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà (ĐT 719B) chưa được kkhai thác

Quỹ đất hai đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà (ĐT 719B) chưa được kkhai thác

Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Thuận vừa trình UBND tỉnh này phương án khai thác quỹ đất hai bên trục đường mới ven biển phía nam vừa khánh thành cuối tháng trước.

Hiện quỹ đất tại đây còn nhiều, chưa được khai thác. Cơ quan này đề xuất sẽ đưa vào sử dụng hơn 1.300 ha nằm hai bên đường ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà và hơn 640 ha hai bên đường Hàm Kiệm – Tiến Thành thuộc địa bàn TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam.

Trong đó, quỹ đất hơn 1.300 ha hai bên đường ĐT 719B được phân chia thành 3 nhóm đất chính với sáu khu vực.

Nhóm đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất gồm bốn khu vực có tổng diện tích hơn 1.259 ha. Nhóm đất đấu giá quyền sử dụng đất gồm khu đất sạch do nhà nước quản lý, các khu mỏ đã dừng khai thác, thuộc xã Tân Thành với diện tích hơn 27,8 ha. Nhóm đất nhà nước đầu tư công gồm khu quy hoạch đất tái định cư tại xã Hàm Mỹ có diện tích 13,3 ha.

Còn quỹ đất hai bên đường Hàm Kiệm - Tiến Thành, hơn 643 ha được đề xuất phân chia thành 2 nhóm chính tại bốn khu vực.

Nhóm đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất: gồm khu vực 2 với diện tích hơn 244 ha, khu vực 3 với diện tích hơn 197 ha, khu vực 4 với diện tích hơn 196 ha. Nhóm đất Nhà nước đầu tư công: gồm khu quy hoạch là đất tái định cư tại vị trí khu vực 1 có diện tích 4,58 ha.

Việc đề xuất các phương án trên nhằm cụ thể hóa quy hoạch, tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật... để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân theo cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị.

Phương án này cũng vừa bảo đảm cân đối quỹ đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; vừa giải quyết vướng mắc nguồn vốn; sử dụng hiệu quả nguồn lực từ đất đai để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

CSGT TP.HCM lần đầu tổ chức thi sát hạch bằng lái

Sau hơn 2 tháng tiếp nhận quản lý cấp đổi giấy phép lái xe, CSGT TP.HCM tổ chức thi bằng lái trong bối cảnh 119.000 hồ sơ tồn đọng do chuyển giao nhiệm vụ, sáng 14/5.

CSGT kiểm tra thủ tục của thí sinh trước khi phần thi lý thuyết

CSGT kiểm tra thủ tục của thí sinh trước khi phần thi lý thuyết

Từ 7h, 200 thí sinh tập trung ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Hóc Môn để thi bằng lái ôtô. Đây là lần đầu Phòng CSGT TP.HCM tổ chức thi bằng lái kể từ khi nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe từ Cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải, nay là Bộ Xây dựng) chuyển sang Bộ Công an.

Trước đó, Công an TP.HCM lập thêm Đội CSGT sát hạch, cấp phép lái xe cùng hai hội đồng sát hạch ôtô và môtô A1. Quy trình thi giữ nguyên như trước, người dân sau khi kiểm tra thủ tục, nhận diện sẽ thi lý thuyết và mô phỏng trên máy tính, ra sân chạy sa hình.

Tại buổi sát hạch sáng nay, CSGT TP.HCM bố trí 12 sát hạch viên và hai giám sát, 24 xe thiết bị thi hình, 10 máy thi mô phỏng. Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng CSGT TP.HCM cho biết, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, đơn vị gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng tổ chức cho người dân thi lấy bằng với điều kiện tốt nhất, đảm bảo kết quả.

TP.HCM đang có hơn 10 triệu dân cùng mật độ giao thông xếp đầu cả nước. Đến cuối năm 2024, thành phố quản lý hơn 9,5 triệu xe các loại, trong đó hơn một triệu ôtô, gần 8,5 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ nơi khác

Theo thống kê của CSGT TP.HCM đến tháng 5, có khoảng 119.000 hồ sơ đăng ký thi bằng lái bị tồn đọng do quá trình chuyển giao công tác quản lý từ Sở Giao thông Vận tải qua Công an TP.HCM. Để giải quyết tình trạng này, sắp tới cảnh sát sẽ tổ chức thi liên tục tại nhiều trung tâm.

Ngoài sát hạch, từ 17/3, phòng CSGT TP.HCM lập 22 điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại công an 17 phường và 5 xã ở các quận, huyện để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, tiết kiệm thời gian.

Dùng máy phát điện thắp sáng cầu Cần Thơ

Khu Quản lý đường bộ 4 yêu cầu đơn vị quản lý khai thác dùng máy phát cung cấp điện thắp sáng cầu Cần Thơ và đường dẫn để đảm bảo an toàn giao thông.

Cầu Cần Thơ về đêm thiếu ánh sáng

Cầu Cần Thơ về đêm thiếu ánh sáng

Ngày 14/5, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 4 (Bộ Xây dựng) cho biết, đã yêu cầu Công ty CP Cầu Cần Thơ (đơn vị khai thác, vận hành cầu) dùng máy phát cung cấp điện thắp sáng cầu Cần Thơ và đường dẫn hai bên trong thời gian chờ giải pháp tổng thể.

"Ngày 23/5, chúng tôi mở thầu mua sắm biến áp, tụ điện, thay thế thiết bị hư hỏng trước đó. Sau đó, đơn vị triển khai và hoàn tất việc khắc phục sự cố mất điện trong tháng 6", ông Thành nói.

Lý giải chậm khắc phục sau khi nổ cáp và cầu chì trạm biến áp, một lãnh đạo Công ty cổ phần Cầu Cần Thơ cho biết hệ thống chiếu sáng ở đây sử dụng 10 trạm biến áp (Cần Thơ 6 trạm, Vĩnh Long 4 trạm). Những trạm biến áp này đã sử dụng 15 năm, không có thiết bị thay thế nên đơn vị phải lên phương án đấu thầu mua sắm mới.

Trước đó, từ đầu năm nay hàng loạt đèn chiếu sáng trên cầu Cần Thơ và đường dẫn hai bên không hoạt động, gây khó khăn cho giao thông trên tuyến, tiềm ẩn xảy ra tai nạn về đêm. Hiện mỗi ngày cầu đón 29.000 ôtô và gần 35.000 xe máy.

Cầu Cần Thơ tổng chiều dài 15,85 km, tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng, bắc qua sông Hậu, kết nối Vĩnh Long với Cần Thơ. Công trình khởi công năm 2004, hoàn thành sau hơn 5 năm. Đây là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550 m). Hiện dự án cầu Cần Thơ 2 được đề xuất xây dựng giúp giảm áp lực giao thông cho cầu hiện tại.

Bãi rác lớn nhất Thanh Hóa hoạt động trở lại

Sáng 14/5, bãi rác Đông Nam ở TP. Thanh Hóa đã tiếp nhận hàng trăm tấn rác sinh hoạt sau bốn ngày bị người dân dựng lều, ngăn xe ra vào.

7 hố chôn lấp rác thải ở bãi Đông Nam đầy ứ

7 hố chôn lấp rác thải ở bãi Đông Nam đầy ứ

Ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa cho biết, doanh nghiệp đang huy động tối đa nhân lực và phương tiện, phấn đấu trong ngày giải phóng toàn bộ lượng rác tồn đọng ở TP. Thanh Hóa.

Hiện hầu hết rác thải sinh hoạt ở các phường đã được gom về bãi tập kết tạm, không còn tràn lan trên đường phố. Tuy nhiên, do rác dồn nhiều ngày nên một số bãi tập kết tạm dọc bệnh viện lớn ở phường Đông Vệ, quanh chung cư hay ven công viên ở Đông Hương, Đông Vệ, Hồ Thành... đang tồn lưu rất nhiều rác.

Tại cổng bãi rác Đông Nam cách TP. Thanh Hóa hơn 12 km, đêm qua người dân đã tự nguyện dỡ bỏ lều bạt, trở về nhà. "Chúng tôi tạm thời ngừng tập trung chặn xe chở rác vì lãnh đạo thành phố cam kết xử lý tình trạng ô nhiễm", ông Nguyễn Văn Trường, 82 tuổi, giải thích.

Đông Nam là bãi thu gom, xử lý rác thải lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, rộng khoảng 30 ha, đặt tại khu vực Thung Chim - núi Vàng (huyện Đông Sơn cũ, nay là TP Thanh Hóa). Ban đầu nơi này được tính toán chứa 240 - 250 tấn rác mỗi ngày, nhưng đến nay lượng phế thải được thu gom tăng lên hơn 400 tấn mỗi ngày khiến tất cả 7 hố rác đầy ứ. Tại đây đã có nhà đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý rác, sử dụng công nghệ lò đốt, song chưa thể vận hành do vấn đề thương lượng giá cả và một số bất cập khác.

Do tình trạng quá tải, bãi rác gần đây phát tán mùi hôi thối, ảnh hưởng tới hơn 2.000 dân sinh sống ở hai thôn Sơn Lương và Hạnh Phúc Đoàn, xã Đông Nam (cách bãi rác Đông Nam khoảng 500 m). Cho rằng bãi rác gây ô nhiễm làm đảo lộn cuộc sống, từ ngày 10/5, hàng trăm người dân kéo đến cổng bãi rác Đông Nam dựng lều bạt ngăn xe chở rác vào.

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa - đơn vị thu gom rác thải cho TP. Thanh Hóa và một phần của huyện Quảng Xương, vì thế không thể thu gom như bình thường. Rác thải sinh hoạt ở các phường xã tại TP. Thanh Hóa 4 ngày qua bị bỏ lại trước cửa nhiều hộ gia đình khiến người dân bức xúc.

Bình Định xử phạt một công ty khai thác khoáng sản vượt phép

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội với số tiền 300 triệu đồng do hành vi khai thác khoáng sản vượt ranh giới cấp phép.

Bình Định xử phạt một công ty khai thác khoáng sản vượt phép. Ảnh minh họa

Bình Định xử phạt một công ty khai thác khoáng sản vượt phép. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc, có trụ sở tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, vì hành vi khai thác khoáng sản vượt quá ranh giới được cấp phép tại khu vực núi Một, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Theo quyết định này, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc bị xử phạt hành chính số tiền 300 triệu đồng do khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép với diện tích khai thác từ 1 ha đến dưới 1,5 ha.

Ngoài mức phạt hành chính 300 triệu đồng, UBND tỉnh Bình Định còn buộc Công ty phải cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt phạm vi được phép về trạng thái an toàn. Mọi chi phí khắc phục do doanh nghiệp tự chi trả và phải hoàn thành trong vòng 30 ngày.

UBND tỉnh Bình Định cũng buộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Bắc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp tương ứng với hơn 85.000 m³ đất san lấp đã khai thác ngoài phạm vi cho phép với số tiền hơn 740 triệu đồng. Tổng cộng, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành quyết định. Trường hợp không tự nguyện thực hiện trong thời hạn quy định sẽ bị cưỡng chế thi hành theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Tin cùng chuyên mục