TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 15/9
Sau 38 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP. HCM quyết định kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng (đến 15/9) để phòng, chống Covid-19 lây lan.
TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 15/9 |
Công văn khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố vừa được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ngày 15/8.
Theo đó, từ 6h đến 18h hàng ngày, Thành phố tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của các nhóm được phép hoạt động theo Công văn 2468, 2522 và 2523.
Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động: Cơ sở sản xuất thực phẩm; tổ chức hành nghề công chứng; công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư; bảo hiểm, phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.
Thành phố cho phép thêm một số nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu, gồm: Đội ngũ giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, TP. Thủ Đức; người đi giao - nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm. Tất cả đối tượng trên phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường.
Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội bố trí không quá 1/4 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị….
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, Thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách, thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động.
Từ 26/7, trong khoảng 18h đến 6h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Ngày 1/8, UBND TP.HCM ra công văn quyết định kéo dài Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt thêm 2 tuần từ 0h ngày 2/8.
Bắt đầu tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 thứ 3 của Việt Nam
Trường Đại học Y Hà Nội khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng Covid-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên tại Hà Nội vào sáng 15/8.
Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154, sáng 15/8 |
Trong hai ngày 15 - 16/8, toàn bộ 100 người tình nguyện khỏe mạnh sẽ được tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154. Đây là vaccine thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người, do Bộ Y tế phê duyệt ngày 2/8.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, vaccine này phát triển theo công nghệ tương tự như vaccine Pfizer và Moderna đã được phê duyệt.
Bộ Y tế mong muốn đến cuối năm 2021 hoàn thiện cả pha 3 quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154, gấp rút hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine ở khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Giáo sư Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội - nghiên cứu viên chính của quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine này - cho biết, hơn 800 người đăng ký tham gia, qua khám sàng lọc đã chọn được hơn 100 người đủ tiêu chuẩn.
Trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên được khám sàng lọc và làm các xét nghiệm. Người tình nguyện được tiêm 2 mũi vaccine ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi 1 (ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (ngày 36) sẽ được đánh giá. Nếu dữ liệu này được Hội đồng Đạo đức đánh giá vaccine thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Theo đề cương nghiên cứu lâm sàng vaccine ARCT-154, cả ba giai đoạn thử nghiệm đều thực hiện ở Việt Nam.
Cụ thể, giai đoạn một thực hiện trên 100 người tình nguyện; giai đoạn hai thực hiện trên 300 người tình nguyện và giai đoạn ba thực hiện trên số lượng 20.600 người.
Vaccine ARCT-154 do Công ty CP Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc (Mỹ). Đây là vaccine Covid-19 thứ ba tại Việt Nam được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người.
Theo VinGroup, các loại vaccine chống Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của Arcturus đã và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2 và 3 tại Mỹ, Singapore và nhiều nước khác.
Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào 13 giờ ngày 16/8
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, đợt 2 sẽ được công bố vào 13 giờ ngày 16/8.
Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 2 vào 13 giờ ngày 16/8 |
Theo đó, căn cứ thực tế triển khai của các đơn vị, Bộ GD&ĐT điều chỉnh Lịch công tác tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Cụ thể, thời gian công bố kết quả thi sẽ từ 13h00 ngày 16/8, thay vì ngày 24/8.
Thời gian cập nhật vào Hệ thống quản lý thi và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ về Bộ GD&ĐT; công bố kết quả tốt nghiệp THPT sơ bộ hoàn thành chậm nhất ngày 19/8, thay vì ngày 27/8.
Thời gian cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh hoàn thành chậm nhất ngày 23/8, thay vì ngày 30/8.
Thời gian in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh hoàn thành chậm nhất ngày 23/8, thay vì ngày 30/8.
Thời gian thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo từ ngày 16/8 đến hết ngày 23/8; thay vì từ ngày 24/8 đến hết ngày 31/8.
Thời gian tổ chức phúc khảo (nếu có) hoàn thành chậm nhất ngày 29/8.
Thời gian gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT chính thức về Văn phòng Bộ GD&ĐT chậm nhất ngày 5/9, thay vì ngày 15/9.
Bộ GD&ĐT lưu ý các đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết để công bố kết quả đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 từ 13 giờ ngày 16/8/2021.
Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội từ 0h ngày 17/8 đến hết ngày 31/8
Sau hơn 1 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tỉnh Đồng nai tiếp tục giãn cách xã hội từ 0h ngày 17/8 đến hết ngày 31/8.
Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội từ 0h ngày 17/8 đến hết ngày 31/8 |
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Tỉnh theo Chỉ thị 16 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Hiện tỉnh này đã có hơn 13.000 ca mắc Covid-19 và 93 trường hợp tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch trên phạm vi toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8 theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, ấp/khu phố cách ly với ấp/khu phố, xã/phường cách ly với xã/phường, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.
Đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh theo 1 trong 3 phương án: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ (3 tại chỗ); thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến (duy nhất 1 cung đường vận chuyển công nhân tập trung từ nơi lưu trú của từng doanh nghiệp riêng biệt đến nơi sản xuất) hoặc doanh nghiệp linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án trên. Thời gian từ 0 giờ ngày 17/8 đến hết ngày 31/8.
Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, trừ các lực lượng: cấp cứu, cứu hỏa, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Tỉnh…
Ngoài ra, các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch… cũng được phép ra đường từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để làm nhiệm vụ.
Hà Nội chi hơn 107 tỷ đồng mở đường từ Vành đai 2,5 đến khu vực phường Hoàng Văn Thụ
Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Dự án đường từ Vành đai 2,5 đến khu vực phường Hoàng Văn Thụ với kinh phí hơn 107 tỷ đồng.
Hà Nội chi hơn 107 tỷ đồng mở đường từ Vành đai 2,5 đến khu vực phường Hoàng Văn Thụ |
Cụ thể, theo đề nghị của UBND quận Hoàng Mai, UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Vành đai 2,5 đến khu vực đặt trụ sở UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.
UBND quận Hoàng Mai được giao là chủ đầu tư xây dựng tuyến đường với mục tiêu cải thiện giao thông đi lại, hạn chế ùn tắc giao thông, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, hạ tầng khung của quận Hoàng Mai theo quy hoạch và thúc đẩy kết nối với hạ tầng thành phố (Vành đai 2,5), phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyến đường được xây dựng mới với chiều dài khoảng 566 m theo tiêu chuẩn đường khu vực, vận tốc thiết kế 50km/h; mặt cắt ngang rộng 30m bao gồm cả đường và vỉa hè. Tổng mức đầu tư Dự án là 107,1 tỷ đồng, tiền ngân sách. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.
Tuyến đường có điểm đầu tuyến là UBND phường Hoàng Văn Thụ; điểm cuối tuyến là nút giao với đường Vành đai 2,5 đoạn tại hồ Đền Lừ.
Quảng Trị đón hơn 500 người về quê bằng tàu hoả
Chuyến tàu SE74 đưa 516 người dân Quảng Trị từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê, vào ga Đông Hà lúc 15h ngày 15/8.
Nhiều người Quảng Trị được đón về quê là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già |
Hành khách là người đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 nên có nguyện vọng về quê.
Tàu SE74 xuất phát từ ga Sài Gòn (TP.HCM) lúc lúc 13h20 ngày 14/8; đón thêm người dân Quảng Trị tại các ga Dĩ An (Bình Dương) và ga Long Khánh (Đồng Nai), sau đó chạy thẳng về Quảng Trị.
Những người về quê đợt này có 78 trẻ em dưới 6 tuổi, 136 phụ nữ mang thai, 55 người trên 60 tuổi. Tất cả phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong 72 giờ và khi tới nơi phải cách ly tập trung 14 ngày.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã đón 384 người dân về từ TP.HCM. Đợt này chủ yếu là người già, trẻ em, người đi kèm với trẻ em, học sinh, sinh viên, người đi thăm thân, du lịch bị kẹt lại TP.HCM.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Trị Dương Thị Hải Yến, nhiều người dân Quảng Trị tha thiết muốn về quê, nhất là thai phụ và người già yếu. Tuy nhiên, khả năng của Tỉnh hạn chế nên chỉ thực hiện 2 chuyến tàu.
Để hỗ trợ những người ở lại, Quảng Trị đã hoàn thành xét duyệt 15.000 người quê Quảng Trị ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam để hỗ trợ mỗi hộ một triệu đồng. Dự kiến, việc chi tiền thực hiện trong tuần tới.
Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/8
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu trong khung giờ từ 18h đến 5h sáng hôm sau, người dân không ra đường và thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/8 |
Ngày 15/8, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 30/8.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh yêu cầu Công an Tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố bổ sung, siết chặt hoạt động các chốt, trạm, đội tuần tra kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.
Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ việc ra đường của người dân trong thời gian giãn cách và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Từ ngày 12/6, tỉnh Tiền Giang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, sau khi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Từ ngày 12/7 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Địa phương này đang tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để tầm soát, tách F0 ra khỏi cộng đồng, đồng thời khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đã ký quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ ngày 16/8 đến hết ngày 30/8. Tại Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cũng cho biết sẽ kéo dài việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 2 tuần, từ ngày 16/8. Tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 25/8, tập trung thực hiện giải pháp cấp bách cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8.