Bản tin thời sự sáng 17/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đóng cửa bệnh viện dã chiến đầu tiên; Tổng công ty Đường sắt xin nhập 37 toa xe cũ của Nhật Bản; Y tế TP.HCM chi viện các tỉnh Ninh Thuận, Cà Mau đang bùng phát dịch; khu xử lý chất thải lớn thứ hai Hà Nội dừng tiếp nhận rác; Thái Bình tạm dừng 8 chốt kiểm soát dịch từ 12h ngày 17/10; tìm bệnh nhân thiệt hại vụ án vi phạm quy định về đấu thầu ở Bệnh viện Mắt TP.HCM…

TP.HCM đóng cửa bệnh viện dã chiến đầu tiên

TP.HCM ưu tiên đóng cửa sớm các bệnh viện dã chiến bố trí tại các trường học và ký túc xá, trả lại mặt bằng cho học sinh, sinh viên chuẩn bị trở lại trường học.

Ngày 16/10, TP.HCM đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM
Ngày 16/10, TP.HCM đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM

Trước việc số ca mắc Covid-19 mới đang giảm dần, TP.HCM lên kế hoạch từ giữa tháng 10 đến tháng 12/2021 đóng cửa các bệnh viện dã chiến. Ngày 16/10, Thành phố đã đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn giảm dần trong 14 ngày qua, ở mức từ 1.000 - 1.500 ca mắc mới/ngày.

Số lượng bệnh nhân xuất viện cũng cao hơn số nhập viện, số ca bệnh nặng giảm dần, số ca tử vong giảm liên tục. Tuy nhiên, căn cứ vào tiêu chí tỷ lệ ca mắc/100.000 dân/tuần, TP.HCM vẫn đang ở mức cao.

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine của Thành phố đạt 98% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 và 75% đã tiêm mũi 2. Theo Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa ban hành, TP.HCM đang tạm ở mức 3 - vùng cam về cấp độ dịch.

Tổng công ty Đường sắt xin nhập 37 toa xe cũ của Nhật Bản

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) kiến nghị Chính phủ cho phép nhập 37 toa xe cũ được Nhật Bản chuyển giao miễn phí.

Việc nhập khẩu toa xe cũ gặp vướng mắc pháp lý

Việc nhập khẩu toa xe cũ gặp vướng mắc pháp lý

Lãnh đạo VNR cho biết, 37 toa xe loại Kiha 40 và Kiha 48 được Nhật Bản sản xuất giai đoạn 1979 - 1982 do Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) sử dụng, hiện đã ngừng khai thác.

Các toa xe có ghế mềm, điều hòa không khí với công suất 68 - 82 chỗ ngồi, 28 - 34 chỗ đứng, vận hành với tốc độ tối đa 95 km/h trên các tuyến đường sắt khổ 1.067 mm của Nhật Bản. Toa xe có thể vận hành độc lập hoặc dễ ghép nối thành đoàn tàu tùy theo nhu cầu sử dụng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, sau khoảng 40 năm vận hành, cả hai loại toa xe không gặp vấn đề nghiêm trọng về an toàn và chất lượng. JR East sẽ chuyển giao miễn phí cho VNR các toa xe nếu có nhu cầu. Phía Việt Nam sẽ chịu chi phí liên quan đến nhập khẩu, cải tạo.

Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết thêm, chi phí nhập các toa xe này và sửa chữa để phù hợp với khổ ray thấp hơn nhiều chi phí đóng mới hoặc mua toa xe cũ của nước khác...

Tuy nhiên, việc nhập khẩu toa xe cũ gặp vướng mắc pháp lý bởi Nghị định số 65/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt nêu rõ, chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị.

VNR kiến nghị Thủ tướng cho phép được nhập và đăng kiểm toàn bộ toa xe nhập khẩu sau khi cải tạo, sửa chữa để vận dụng, khai thác trên đường sắt Việt Nam.

Y tế TP.HCM chi viện các tỉnh Ninh Thuận, Cà Mau đang bùng phát dịch

Các y bác sĩ hai bệnh viện Thống Nhất và Chợ Rẫy lên đường chi viện các tỉnh đang bùng phát dịch là Ninh Thuận, Cà Mau.

Các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất trước khi lên đường đi Ninh Thuận

Các y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất trước khi lên đường đi Ninh Thuận

24 giờ sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu để điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch từ UBND tỉnh và Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, 9 bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất đã lên đường chi viện vào ngày 16/10. Họ mang theo 2 tấn thiết bị, gồm 20 máy thở không xâm lấn HFNC, 5 máy thở dòng cao, 50 máy tạo oxy cùng nhiều thuốc men, vật tư y tế.

Theo bác sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, đoàn chưa xác định ngày về mà tùy theo diễn biến dịch bệnh thực tế tại Ninh Thuận. Hai nhiệm vụ chính của các y bác sĩ là sắp xếp, lắp đặt máy móc, điều trị bệnh nhân nặng phải thở máy, ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể), lọc máu liên tục...; đồng thời giúp ngành y tế Ninh Thuận gia cố hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở phù hợp với điều kiện, địa lý, giao thông, khí hậu.

Trước đó, bác sĩ Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng 5 đồng nghiệp cũng đã đến Cà Mau hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Theo kế hoạch, trong 10 ngày tới, đoàn sẽ khảo sát thực địa tại các trung tâm điều trị Covid-19 của Tỉnh; làm việc với UBND Tỉnh, Sở Y tế và Bệnh viện tỉnh Cà Mau về việc điều phối, phân luồng và điều trị bệnh nhân.

Nhiệm vụ của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy là trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, khám sàng lọc; tổ chức các lớp tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, điều trị và chăm sóc F0...

Bác sĩ Linh suốt 4 tháng qua chịu trách nhiệm Giám đốc chuyên môn tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 1.000 giường của TP.HCM. Đây là tuyến cao nhất điều trị Covid-19 tại Thành phố, chuyên điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Ninh Thuận và Cà Mau là hai địa phương đang có nguy cơ bùng dịch khi nhiều ngày qua ghi nhận thêm các ca nhiễm mới…

Khu xử lý chất thải lớn thứ hai Hà Nội dừng tiếp nhận rác

Hơn 10 ngày qua, khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) dừng tiếp nhận rác do trạm xử lý nước thải gặp sự cố.

Khu xử lý rác thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tạm dừng tiếp nhận rác thải do sự cố chập điện
Khu xử lý rác thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tạm dừng tiếp nhận rác thải do sự cố chập điện

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, việc tạm dừng tiếp nhận rác vào bãi Xuân Sơn do sự cố chập cháy tủ điện trạm xử lý nước rác của đơn vị vận hành, dẫn đến cơ sở này không thể tiếp tục xử lý nước rác.

Ông Thăng cho biết thêm, đây là sự cố ngoài ý muốn và các cơ quan chuyên môn đang tập trung tìm biện pháp xử lý.

Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), từ trưa 6/10, bãi Xuân Sơn đã dừng tiếp nhận rác. Hiện bãi rác này còn tồn đọng trên 54.000 m3.

Để tránh rác ùn ứ trên đường phố, thị xã Sơn Tây đã đưa rác tập kết tại 6 bãi tạm thời, đồng thời có biện pháp che phủ, phun khử trùng đảm bảo vệ sinh. Các huyện còn lại như Thanh Oai, Mỹ Đức... cũng phải tìm mặt bằng để chứa rác tạm thời trong thời gian bãi rác Xuân Sơn dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã đồng ý phương án tạm lưu chứa nước rác trong tình huống khẩn cấp (sử dụng ô chứa bùn dự phòng chứa nước rỉ rác) và yêu cầu khắc phục ngay sự cố, vận hành trở lại trạm xử lý nước thải rác công suất 700 m3/ngày.

Bãi rác Xuân Sơn hiện tiếp nhận và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ 13 địa bàn gồm 12 huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.

Khối lượng bình quân bãi rác này tiếp nhận khoảng 1.500 tấn/ngày. Trong đó, xử lý chôn lấp 1.400 tấn/ngày và khoảng 100 tấn xử lý bằng phương pháp đốt.

Buýt sông ở Sài Gòn hoạt động trở lại từ sáng 16/10

Sau gần 4 tháng tạm dừng, buýt sông số 1 từ trung tâm Quận 1 đi TP. Thủ Đức hoạt động trở lại từ sáng 16/10, mỗi ngày 12 chuyến, chở không quá 50% số chỗ.

Buýt sông số 1 bắt đầu khai thác từ tháng 11/2017, là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên ở TP.HCM

Buýt sông số 1 bắt đầu khai thác từ tháng 11/2017, là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên ở TP.HCM

Chuyến tàu đầu tiên rời bến Bạch Đằng (Quận 1) sáng 16/10, chở gần 10 hành khách đến bến tàu Linh Đông, TP. Thủ Đức, cách đó hơn 10 km. Trước khi lên tàu, khách phải khai báo qua ứng dụng VNEID và mã QR, hoặc Sổ sức khỏe điện tử. Trường hợp không có mã QR, hành khách cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine, ít nhất một mũi với loại vaccine 2 mũi và sau 14 ngày tiêm.

Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật Nguyễn Kim Toản (chủ đầu tư) cho biết, đơn vị hiện cho hoạt động trở lại 12 chuyến mỗi ngày, tuỳ theo tình hình phòng chống dịch tại Thành phố sẽ có điều chỉnh tăng, giảm...

Buýt sông số 1 bắt đầu khai thác từ tháng 11/2017 - là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên ở TP.HCM. Theo Chủ đầu tư, trước khi dịch bùng phát năm 2020, tuyến vận tải này mỗi ngày chở gần 2.000 khách. Ngoài tuyến số 1, TP.HCM còn tuyến buýt sông số 2 từ Quận 1 đi Quận 8 (Bạch Đằng - Lò Gốm) đang chờ triển khai.

Thái Bình tạm dừng 8 chốt kiểm soát dịch từ 12h ngày 17/10

UBND tỉnh Thái Bình vừa phát đi Công điện hỏa tốc số 10 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận ký ban hành về việc điều chỉnh một số biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn.

Người đến, về tỉnh Thái Bình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với chính quyền địa phương

Người đến, về tỉnh Thái Bình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với chính quyền địa phương

Theo nội dung công điện, từ 12h ngày 17/10, tạm dừng hoạt động 8 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào Tỉnh (gồm cầu Tân Đệ, cầu Nghìn, cầu Triều Dương, cầu Thái Hà, cầu La Tiến, cầu Sông Hóa, phà Sa Cao, phà Cồn Nhất).

Người đến, về tỉnh Thái Bình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế với chính quyền địa phương nơi đến; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của chính quyền địa phương nơi đến ngay sau khi khai báo y tế và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

UBND tỉnh Thái Bình giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì ban hành hướng dẫn điều chỉnh việc kiểm soát quản lý, giám sát người đến, về Tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả chống dịch Covid-19 bảo đảm theo đúng quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan.

Khi phát hiện ca bệnh, phải lập tức khoanh vùng, giám sát chặt chẽ, điều tra kỹ lưỡng, truy vết thần tốc, triệt để, tiến hành phân loại F1, F2... để thực hiện cách ly y tế theo quy định. Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả nhanh nhất, cách ly chặt chẽ, đánh giá nguy cơ, xác định khu vực có dịch phong tỏa gọn, bảo đảm an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc phân bổ vaccine và tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19, bảo đảm phân bổ đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí...

Tìm bệnh nhân thiệt hại vụ án vi phạm quy định về đấu thầu ở Bệnh viện Mắt TP.HCM

Bộ Công an cáo buộc nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Nguyễn Minh Khải sai phạm khi chọn mua thuỷ tinh thể giá cao, gây thiệt hại cho hàng loạt bệnh nhân.

Ông Nguyễn Minh Khải (áo hồng) trong lần cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc

Ông Nguyễn Minh Khải (áo hồng) trong lần cơ quan điều tra khám xét nơi làm việc

Ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) thông báo tìm các cá nhân, bị hại trong vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Động thái này được nhà chức trách đưa ra sau 10 tháng điều tra sai phạm của ông Khải cùng 2 cấp phó Võ Thị Chinh Nga, Phí Duy Tiến và Nguyễn Quốc Toản (nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê hồi sức của Bệnh viện). 4 bị can này bị cáo buộc gây thiệt hại cho những bệnh nhân đến thay thuỷ tinh thể và Quỹ Bảo hiểm y tế tổng cộng hơn 14 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện Gói thầu Mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu để phục vụ điều trị, khám chữa bệnh. Một số lãnh đạo Bệnh viện đã làm trái quy định trong việc đấu thầu, gạt loại thủy tinh thể nhân tạo có giá dự thầu thấp nhất, để mua loại có giá dự thầu cao nhưng chất lượng tương đương.

Theo cơ quan điều tra, sai phạm của nhóm lãnh đạo Bệnh viện đã khiến Bảo hiểm y tế và người bệnh phải chi trả cao hơn khi điều trị. Trong đó, Quỹ Bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 5 tỷ đồng, bệnh nhân có bảo hiểm y tế thiệt hại hơn 7 tỷ đồng, còn người bệnh không có bảo hiểm thiệt hại gần 2 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục