Bản tin thời sự sáng 17/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài sản các cựu lãnh đạo Bình Thuận; chuẩn bị tiếp nhận 30 cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng hỗ trợ công tác đăng kiểm; phê duyệt quy hoạch 2 bãi đậu xe ở cửa ngõ TP. Đà Lạt; Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới thay thế ông Trịnh Văn Quyết…

Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài sản các cựu lãnh đạo Bình Thuận

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng vừa ký công văn khẩn yêu cầu giám đốc một số sở, ngành cung cấp thông tin về tài sản của một số cán bộ và cựu lãnh đạo Tỉnh cho Bộ Công an phục vụ yêu cầu điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nhìn từ trên cao

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nhìn từ trên cao

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản phục vụ yêu cầu điều tra đối với vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết mà Bộ Công an vừa khởi tố vụ án ngày 1/3 vừa qua.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương, đơn vị có liên quan rà soát các thông tin, tài liệu về tài sản (gồm bất động sản, cổ phần, phần góp vốn…) của các pháp nhân, cá nhân mà C01 đã yêu cầu. Trong đó, có 2 công ty và 30 cá nhân là các nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, cán bộ tỉnh Bình Thuận và cả các cựu lãnh đạo Tỉnh đã bị khởi tố, bắt giam trong vụ án Tân Việt Phát 2.

Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để phục vụ công tác điều tra vụ án.

Chuẩn bị tiếp nhận 30 cán bộ, chiến sỹ Bộ Quốc phòng hỗ trợ công tác đăng kiểm

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, hiện nay Bộ Quốc phòng đồng ý hỗ trợ 30 - 40 cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm.

Các phương tiện xếp hàng vào đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-08D

Các phương tiện xếp hàng vào đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm 29-08D

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đơn vị vừa làm việc với đại diện Bộ Quốc phòng để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm đăng kiểm.

Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, hiện nay Bộ Quốc phòng đồng ý hỗ trợ 30 - 40 cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm. Trong đó, có 30 cán bộ, chiến sỹ là lực lượng chính và 10 cán bộ, chiến sỹ là lực lượng dự phòng khi thành viên của nhóm 30 cán bộ có việc đột xuất trở lại đơn vị sẽ có người thay thế.

Dự kiến chiều ngày 18/3, Cục Đăng kiểm sẽ tiếp nhận 30 cán bộ, chiến sỹ từ Bộ Quốc phòng. Cục đã tính toán phân công 19 cán bộ, chiến sỹ tham gia hỗ trợ tại các trung tâm đăng kiểm ở thành phố Hà Nội và 11 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ cho TP.HCM.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng ngay một số quy định liên quan đến đăng kiểm viên và số lượng xe được kiểm định của đơn vị đăng kiểm.

Bộ GTVT kiến nghị, Chính phủ cho phép sử dụng lực lượng cán bộ kiểm định (đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nghiệp vụ và được sử dụng như đăng kiểm viên xe cơ giới), cơ sở vật chất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm dân sự trong trường hợp cấp bách.

Ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, do thiếu hụt nhân lực trầm trọng nên lực lượng đăng kiểm viên Bộ Công an, Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ hỗ trợ trong 1 tháng nhằm giảm ùn tắc.

Phê duyệt quy hoạch 2 bãi đậu xe ở cửa ngõ TP. Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 2 bãi đậu xe ở cửa ngõ TP. Đà Lạt. Trong đó, một bãi giữ xe ở đầu đèo Prenn và một bãi giữ xe ở khu vực ngã ba Đarahoa, giáp Quốc lộ 27C.

Quy hoạch xây dựng 2 bãi đậu xe ở cửa ngõ Đà Lạt nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu trung tâm TP. Đà Lạt mùa cao điểm du lịch

Quy hoạch xây dựng 2 bãi đậu xe ở cửa ngõ Đà Lạt nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu trung tâm TP. Đà Lạt mùa cao điểm du lịch

Ngày 16/3, Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ký quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng bãi đậu xe đầu đèo Prenn và bãi đậu xe kết hợp bến xe khu vực ngã ba Đarahoa (huyện Lạc Dương). Cả 2 bãi đậu xe nằm ở cửa ngõ chính ra vào TP. Đà Lạt.

Theo đó, bãi đậu xe đầu đèo Prenn có quy mô 38,24 ha, nằm ở địa bàn Phường 3, TP. Đà Lạt và xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, được kết nối với Quốc lộ 20 đi Đồng Nai, TP.HCM... Theo quy hoạch, bãi xe này có thể phục vụ khoảng 790 xe buýt, 122 chỗ đậu xe buýt cỡ nhỏ, 200 chỗ đậu xe taxi, ô tô.

Còn bãi đậu xe kết hợp bến xe khu vực ngã ba Đarahoa nằm một phần tiểu khu 144A, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, giáp Phường 12 (TP. Đà Lạt), với quy mô 36,6 ha, sẽ kết nối với Quốc lộ 27C đi Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung. Bãi xe này phục vụ khoảng 817 chỗ đậu xe buýt, 83 chỗ đậu xe buýt cỡ nhỏ, 60 chỗ đậu xe taxi, ô tô. Ngoài chức năng là bãi đậu xe, tại đây sẽ hình thành bến xe loại 1 nhằm hình thành các tiện ích đô thị, góp phần cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, giảm thiểu xe cơ giới vào trung tâm TP. Đà Lạt.

Bamboo Airways đã tìm được nhà đầu tư mới thay thế ông Trịnh Văn Quyết

Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng hàng không này đã tìm được nhà đầu tư mới để thay thế cho các cổ đông cũ là cựu Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết và các cổ đông liên quan.

Bamboo Airways có 1 năm khó khăn sau khi cựu chủ tịch hãng bay này là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố do liên quan đến sai phạm cổ phiếu

Bamboo Airways có 1 năm khó khăn sau khi cựu chủ tịch hãng bay này là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố do liên quan đến sai phạm cổ phiếu

Với vai trò là tổ chức phát hành, Bamboo Airways cũng đã thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần từ các cổ đông cũ cho nhà đầu tư mới. Việc chuyển nhượng được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan nhà nước theo đúng quy định của pháp luật và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Thông tin từ hãng này cũng cho biết, số lượng cổ phần chuyển nhượng đã được các cổ đông cũ thế chấp tại các ngân hàng từ năm 2020. Nhà đầu tư mới, ngoài việc thanh toán giá mua cổ phần, cũng đã đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do các cổ đông cũ đã dùng chính cổ phần Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp cho các ngân hàng.

Trước đó, những biến cố lớn liên quan đến nhân sự cấp cao đã khiến hãng đối mặt với vô vàn khó khăn trong việc thanh toán nợ cho các tổ chức tín dụng.

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường sáng 4/3, ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho biết đã có kế hoạch chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Bamboo Airways.

Hiện, khoản đầu tư của Tập đoàn vào hãng bay này là 4.015 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của Bamboo Airways.

Giá cước taxi ở Tân Sơn Nhất có thể tăng cao từ tháng 4

Thay vì thuê bãi đậu tháng, taxi đón khách ở Tân Sơn Nhất dự kiến phải trả phí theo lượt 5.000 - 15.000 đồng, dẫn đến nguy cơ giá cước tăng cao.

Khách đón taxi ở làn D trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

Khách đón taxi ở làn D trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất

Trong thông báo vừa gửi 7 hãng taxi về giá dịch vụ vào nhà xe trước ga quốc nội sân bay, Công ty CP Đầu tư TCP (đơn vị quản lý) cho biết, từ 1/4 sẽ dừng hợp đồng thuê các vị trí đậu taxi ngoài trời do đơn vị này quản lý. Thay vào đó, taxi khi vào nhà xe ở làn C và D sân bay sẽ tính phí theo lượt, bằng cách lấy thẻ tại trạm đầu vào rồi trả thẻ ở trạm đầu ra. Mỗi lượt xe vào làn C là 5.000 đồng và làn D 15.000 đồng, ngoài khoản phí 10.000 đồng ra vào cổng sân bay.

Không đồng tình phương án trên, Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, nếu áp dụng sẽ khiến xe của các hãng mất nhiều thời gian khi vào sân bay đón khách, dễ gây ùn ứ vì phải làm thủ tục nhận, trả thẻ. Việc thu tiền theo lượt cũng khiến chi phí các hãng taxi phải bỏ ra tăng rất cao so với thuê bãi đậu theo tháng. Vấn đề này, theo Hiệp hội có thể dẫn đến tình trạng các hãng giảm số lượng xe vào sân bay, giá cước taxi bị đẩy lên cao để bù lại chi phí, ảnh hưởng quyền lợi của khách.

Đại diện hãng VinaSun cho biết, đơn vị hiện thuê cố định 7 vị trí của chủ nhà xe cho taxi đậu theo tháng để vào làn C và D đón khách, tổng chi phí mỗi tháng gần 12 triệu đồng. Hiện, xe của hãng bình quân 2.000 lượt vào sân bay mỗi ngày, nên nếu tính phí theo lượt, mỗi tháng phải chi 300 - 900 triệu đồng.

Liên quan vấn đề trên, đại diện nhà xe TCP cho biết, việc điều chỉnh phương án cho taxi vào đón khách ở hai làn đường tại sân bay được đơn vị đưa ra nhằm quản lý chặt hoạt động kinh doanh vận tải ở khu vực. Trước phản hồi của các hãng taxi, trong tuần sau các bên sẽ ngồi lại để bàn bàn, tìm sự thống nhất.

Tạm dừng hoạt động tuyến trực thăng Vũng Tàu - Côn Đảo từ 17/3

Ngày 16/3, Công ty Trực thăng Miền Nam đã có thông báo tạm dừng các chuyến bay trực thăng từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại vì xảy ra sự cố kỹ thuật.

Máy bay trực thăng hoạt động tại sân bay Vũng Tàu.

Máy bay trực thăng hoạt động tại sân bay Vũng Tàu.

Theo đó, các chuyến bay hằng tuần từ Vũng Tàu đi Côn Đảo và ngược lại phải tạm dừng từ 17/3 cho đến khi có thông báo mới. Được biết, nguyên nhân tạm dừng do sự cố kỹ thuật tại sân bay Vũng Tàu, cần phải sửa chữa thay thế thiết bị hỏng hóc để đảm bảo quy trình.

Cụ thể, các chuyến bay hằng tuần theo đường hàng không W19 phải đảm bảo đầy đủ đài dẫn đường hạ cánh VOR/DME tại cả 2 đầu sân bay Vũng Tàu và Côn Đảo. Tuy nhiên, đài dẫn đường VOR/DME tại sân bay Vũng Tàu bị phát sinh hỏng hóc đột xuất, phải dừng hoạt động để sửa chữa thay thế.

Do vậy, Công ty Trực thăng Miền Nam đã báo cáo cho Cục Hàng không Việt Nam và được yêu cầu tạm dừng các chuyến bay từ Vũng Tàu đi Côn Đảo thường kỳ, cho đến khi thực hiện xong, đảm bảo an toàn hoạt động tuyến bay chở khách Côn Đảo.

Lâm Đồng phạt chủ đầu tư Nhà máy điện gió 1,4 tỷ đồng

Nhà máy Điện gió Cầu Đất ở Lâm Đồng bị xử phạt vì đã chiếm đất làm nông nghiệp khi chưa hoàn thành thủ tục giao và cho thuê đất để làm điện gió.

Một góc Nhà máy điện gió Cầu Đất tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt

Một góc Nhà máy điện gió Cầu Đất tại thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành, TP Đà Lạt

Ngày 16/3, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương - chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Cầu Đất tại thôn Trường Thọ (xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) số tiền 225 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định của pháp luật liên quan tới đất đai.

Tỉnh Lâm Đồng còn buộc công ty trên phải nộp lại hơn 1,152 tỷ đồng thu lợi bất hợp pháp do sử dụng hơn 90.900 m2 đất công trình năng lượng khi chưa được cấp thẩm quyền giao hoặc cho thuê đất, sử dụng không đúng mục đích.

Theo quyết định trên, Công ty đã thực hiện các hành vi sử dụng đất trên thực địa khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật gọi là hành vi chiếm đất.

Hành vi chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, với tổng diện tích hơn 86.627 m2.

UBND tỉnh Lâm Đồng còn xác định, Chủ đầu tư đã chiếm 4.281,4 m2 đất rừng phòng hộ (môi trường cảnh quan) tại tiểu khu 165A do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.

Hai tổ chức Đảng bị kiểm tra vì liên quan đến mua sắm kit xét nghiệm Việt Á

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận vừa triển khai quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên thuộc Đảng ủy bộ phận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận.

Đảng ủy bộ phận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận bị kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

Đảng ủy bộ phận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận bị kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.

Theo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận, khi có dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức đảng, Đảng ủy bộ phận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và Đảng ủy bộ phận Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến Công ty CP Công nghệ Việt Á, đã phát hiện 2 đảng viên là người đứng đầu có dấu hiệu vi phạm cần được kiểm tra làm rõ. Do đó, Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận đã tiến hành triển khai quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên thuộc hai đơn vị trên.

TP.HCM đưa vụ F88 vào diện theo dõi

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM đã đưa 2 vụ án liên quan đến F88, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Công an khám xét một địa điểm giao dịch của F88 tại TP.HCM
Công an khám xét một địa điểm giao dịch của F88 tại TP.HCM

Ngày 16/3, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo, đã chủ trì cuộc họp định kỳ của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM. Cuộc họp thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất đưa vụ án liên quan Công ty CP Kinh doanh F88 vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan vụ việc này, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an mới đây đã phối hợp với Công an TP.HCM khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty CP Kinh doanh F88 và nhiều chi nhánh khác ở TP.HCM để điều tra về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

F88 được thành lập vào năm 2013, đối tượng chủ yếu là nhóm khách hàng dưới chuẩn, tức không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng. Nguồn tiền cho vay và sự mở rộng nhanh chóng của F88 gắn liền với khả năng gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư quốc tế và cả dòng tiền từ huy động trái phiếu. Với hơn 800 cửa hàng, doanh nghiệp này trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất cả nước.

Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tóm tắt gửi đến Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chuỗi cầm đồ có vốn chủ sở hữu 434 tỷ đồng và nợ phải trả là hơn 1.000 tỷ tại cuối năm 2020, riêng dư nợ trái phiếu chiếm phần lớn với 842 tỷ đồng. Cũng trong năm 2020, toàn hệ thống thu về 45 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 170% so với con số gần 17 tỷ đồng của năm 2019.