Tháng 11 khởi công Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm hơn 17.000 tỷ đồng
Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, TP.HCM với kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng sẽ khởi công gói thầu đầu tiên vào tháng 11 tới.
Phối cảnh rạch Xuyên Tâm trong tương lai sau khi triển khai Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng |
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Ban Hạ tầng) vừa cập nhật tiến độ thực hiện Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.
Dự án có chiều dài hơn 8,8 km từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Quy mô xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ bằng cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực; nạo vét lòng rạch đến cao trình đáy sâu 3,5 m; bề rộng rạch từ 20 - 30 m.
Ngày 27/9, HĐND TP.HCM đã thống nhất thông qua điều chỉnh chủ trương, tăng vốn đầu tư Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm từ hơn 9.664 tỷ đồng lên gần 17.230 tỷ đồng. Hiện Ban Hạ tầng đang phối hợp với Sở Xây dựng để hoàn tất thủ tục điều chỉnh Dự án.
Theo Ban Hạ tầng, Dự án chia làm 3 gói thầu xây dựng gồm: XL-01, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy, bao gồm rạch Cầu Sơn; XL-02, đoạn từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến, bao gồm rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu; XL-03, đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật.
Đến nay, Gói thầu XL- 03 đã được phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán gói thầu gần 600 tỷ đồng. Dự kiến hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu để khởi công trong tháng 11/2024.
2 gói thầu còn lại đang được Ban Hạ tầng và đơn vị tư vấn rà soát giải trình, hoàn thiện hồ sơ để trình lại Sở Xây dựng thẩm định, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2024 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Cả hai gói thầu này dự kiến hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và khởi công vào tháng 4/2025.
Khuyến cáo công dân Việt Nam tại Trung Đông tìm nơi trú ẩn
Cập nhật mới nhất về công tác bảo hộ công dân trước xung đột giữa Iran và Israel trong cuộc họp báo chiều 17/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho hay, theo thông tin mới nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn an toàn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng |
"Các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực liên tục cập nhật thông tin tình hình mới cho người dân và cảnh báo bà con phải theo dõi sát tình hình, chú ý đi lại, chủ động di chuyển đến các ga tàu điện ngầm để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp", bà Phạm Thu Hằng nói.
Người phát ngôn Phạm Thu Hằng thông tin, có hơn 700 công dân Việt Nam tại Israel, 13 công dân Việt Nam tại Lebanon và 8 công dân Việt Nam tại Iran.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối trong cộng đồng để cập nhật tình hình, chủ động, thường xuyên thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt Nam tại khu vực đang xảy ra xung đột; lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ các vi phạm cấp phép khoáng sản ở Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xem xét xử lý nghiêm cán bộ, công chức cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Trụ Sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Chiều 17/10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ TN&MT.
Kết luận thanh tra nêu rõ, Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi kiểm tra thực địa cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho một số doanh nghiệp là không đúng quy định.
Cụ thể, đơn vị thuộc Bộ TN&MT thực hiện quy trình cấp phép khai thác khoáng sản không đúng quy định đối với Công ty TNHH Xây dựng thương mại Bất động sản Minh Nhật Phát khai thác đá granite làm ốp lát tại tỉnh Khánh Hòa; cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Khoáng sản và xây dựng HAT khai thác mỏ kaolin - felspat tại tỉnh Phú Thọ.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ việc Bộ TN&MT yêu cầu Công ty CP Nam Châu Sơn Ninh Thuận nộp tài liệu hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép thăm dò đá granite làm ốp lát khu vực núi Mavieck 5 (tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) ở tất cả 3 bước đầu tiên là không đúng Nghị định 158/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.
Hồ sơ cấp phép thăm dò khoáng sản của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Đông Bắc thăm dò Puzolan tại khu vực Núi Lé, xã Quảng Thành (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có báo cáo tài chính gửi kèm không hợp lệ (thiếu chữ ký của người lập và kế toán trưởng) nhưng vẫn được cấp giấy phép là thực hiện không đúng quy định về yêu cầu điều kiện cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.
Hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Đầu tư phát triển khoáng sản Yên Bái khai thác mỏ đá hoa khu vực Minh Tiến II (huyện Lục Yên, Yên Bái) cũng được Thanh tra Chính phủ làm rõ.
Cụ thể, khu vực mỏ đá hoa có giai đoạn quy hoạch từ năm 2008 - 2015, nhưng thời điểm doanh nghiệp xin cấp giấy phép đã quá thời kỳ quy hoạch khoáng sản nhưng hồ sơ vẫn được chấp thuận là không đúng quy định của Luật Khoáng sản…
Đồng Nai chuyển đổi 141 ha đất làm khu đô thị 72.000 tỷ đồng
Hơn 141 ha đất trồng lúa sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện Khu đô thị Hiệp Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.
Đồng Nai sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 163 ha đất trồng lúa để thực hiện 6 dự án |
HĐND tỉnh Đồng Nai vừa thông qua Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 (lần 4) tại kỳ họp thứ 20 khóa X.
Theo đó, Tỉnh sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 163 ha đất trồng lúa tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa để thực hiện 6 dự án. Trong đó, Khu đô thị Hiệp Hòa tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa là dự án có diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi mục đích sử dụng lớn nhất với hơn 141 ha.
Theo quy hoạch, Khu đô thị Hiệp Hòa có quy mô hơn 290 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 72.290 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động. Riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 16.700 tỷ đồng.
Tháng trước, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận liên danh 5 nhà đầu tư làm siêu dự án này.
5 dự án còn lại sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa gồm dự án hạ tầng Khu tái định cư tại thị trấn Long Thành (giai đoạn 1), dự án đường kết nối, dẫn vào cầu Hiếu Liêm cùng 3 dự án truyền tải điện Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3 và 4.
Mới đây, UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng ban hành quyết định thu hồi 13,6 ha đất tại phường Hiệp Hòa để triển khai Dự án Trung tâm thương mại phường Hiệp Hòa với quy mô gần 14 ha, vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Hơn 9.300 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động
Cả nước còn 9.322 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, ảnh hưởng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tàu cá neo đậu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau |
Nội dung được đề cập tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) ngày 17/10, với sự tham gia nhiều địa phương như Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Định.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước còn hơn 9.300 tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), trong tổng số hơn 84.700 tàu. Đến nay mới có đạt khoảng 74% tàu hoàn thành đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Hiện, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài diễn biến phức tạp. Chủ tàu vi phạm thường dùng phương tiện dưới 15 m không lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS); cố tình ngắt VMS khi hoạt động gần khu vực biển giáp ranh; gửi thiết bị giám sát trên tàu cá khác.
Từ đầu năm đến nay, có 61 tàu với 418 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tăng 12 tàu so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng chức năng trong nước phát hiện, xử lý 19 tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Liên quan vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các tỉnh phải hoàn thành việc đăng ký, quản lý 100% số tàu tại địa bàn trong tháng 11/2024, không để còn tàu cá "3 không".
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc gỡ "thẻ vàng" IUU giúp ngành thuỷ sản Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập chủ động, tránh được các hàng rào kỹ thuật, thương mại khi xuất khẩu vào những thị trường lớn. Các bộ, ngành và địa phương cần có giải pháp tổng thể không chỉ để gỡ "thẻ vàng", mà còn nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi hải sản tại các ngư trường.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để gỡ thẻ vàng EC nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ ngành, các địa phương và doanh nghiệp đặt mục tiêu gỡ "thẻ vàng" thủy sản trong năm nay.
Hải Phòng có thêm 636 căn nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán
Sở Xây dựng Hải Phòng vừa có thông báo về việc 636 căn nhà ở xã hội ở Khu đô thị PG An Đồng, huyện An Dương đã đủ điều kiện mở bán.
Mặt bằng thực hiện dự án chung cư cho người thu nhập thấp tại An Đồng, An Dương, Hải Phòng |
Theo đó, Sở Xây dựng TP. Hải Phòng vừa có công văn gửi Công ty CP Đầu tư và Xây dựng PG (đơn vị chủ đầu tư Dự án) thông báo về về việc nhà ở xã hội hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua tại Dự án Khu chung cư cho người có thu nhập thấp tại Khu dân cư An Đồng, huyện An Dương.
Dự án được triển khai tại Lô CC2 Khu đô thị PG, thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương, TP. Hải Phòng gồm 636 căn hộ nhà ở xã hội hình thành trong tương lai đã đủ điều kiện để bán, cho thuê mua.
Theo quyết định được phê duyệt, Dự án xây dựng khu chung cư cho người có thu nhập thấp tại Khu dân cư An Đồng, huyện An Dương được triển khai trên khu đất quy hoạch có diện tích 6.288,7 m2, trong đó có một tòa nhà chung cư cao 23 tầng, gồm 2 tầng khối đế và 21 tầng khối tháp bố trí căn hộ. Phần diện tích xây dựng tầng 1, 2 (khối đế) là 4.656 m2, diện tích xây dựng từ tầng 3 đến tầng 23 (khối tháp) là 2.960 m2. Tổng diện tích sàn công trình khoảng 72.037 m2, quy mô dân số cho khoảng 2.790 người ở. Dự án được phối xây dựng vỉa hè kết hợp đường giao thông và cảnh quan sân vườn, ánh sáng, cây xanh.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hồ sơ đề nghị thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai ở Dự án Khu chung cư cho người có thu nhập thấp tại Khu dân cư An Đồng, huyện An Dương và kết quả thực tế, chủ đầu tư triển khai thi công tại hiện trường, Sở Xây dựng Hải Phòng thông báo, 636 căn hộ chung cư nhà ở xã hội phù hợp với quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.
Kiên Giang sắp có đường dẫn cảng biển 1.177 tỷ đồng tại Hà Tiên
HĐND thành phố Hà Tiên vừa thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường dẫn ra cầu cảng cho Thành phố với số vốn 1.177 tỷ đồng.
Đường ven biển Núi Đèn sắp tới sẽ kết nối với cảng tổng hợp thành phố Hà Tiên |
Dự án thuộc nhóm B, vị trí điểm đầu ở đường Núi Đèn, điểm cuối tiếp giáp với khu dịch vụ cảng tổng hợp (theo quy hoạch thành phố Hà Tiên) thuộc phường Pháo Đài, thành phố Hà Tiên.
Quy mô đầu tư, giai đoạn 1, sẽ xây dựng đường lấn biển dài 1,8 km hướng ra phía biển. Mặt cắt ngang đủ bốn làn xe cơ giới, tổng bề rộng mặt đường là 15 m, vỉa hè mỗi bên 5 m. Cầu phía biển dài 240 m, bề rộng cầu cắt ngang là 26 m.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương 300 tỷ đồng, phần còn lại là vốn địa phương. Dự án thực hiện từ năm 2024 - 2027.
Giai đoạn 2 đường dẫn ra lấn biển dài 2,8 km. Tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 1.177 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án thành phố Hà Tiên đang xúc tiến làm các bước thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công vào quý II/2025.