Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục trên 780 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 dự kiến đạt 782 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, theo Tổng cục Hải quan.
Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục trên 780 tỷ USD |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đến ngày 14/12 đạt gần 745,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu là 384,4 tỷ USD, còn nhập khẩu gần 361 tỷ USD. Các mức này tăng 14,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Hải quan dự báo, xuất nhập khẩu năm nay có thể đạt trên 782 tỷ USD - cột mốc mới với Việt Nam. Mức này vượt kỷ lục cũ ghi nhận năm 2022 (732 tỷ USD). Với mốc kỷ lục dự kiến đạt năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 2 lần trong 10 năm.
Cũng theo nhà điều hành, xuất siêu năm nay ước đạt trên 23,5 tỷ USD. Thực tế, đến 14/12, Việt Nam thặng dư hơn 23,4 tỷ USD. Số này thấp hơn gần 2,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng UOB dự báo xuất khẩu của Việt Nam tăng 18%, cao nhất kể từ năm 2021. Dự báo của UOB đồng nghĩa kết quả năm nay xuất khẩu có thể xấp xỉ gần 420 tỷ USD. Theo ngân hàng này, tăng trưởng thương mại một phần nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục mở rộng. 10 tháng đầu năm, 27,3 tỷ USD FDI đăng ký vào Việt Nam. Vốn ngoại thực hiện dự kiến là năm thứ ba liên tiếp đạt mức kỷ lục.
Năm nay, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước từ xuất nhập khẩu là 375.000 tỷ đồng. Song, đến giữa tháng 12, thu ngân sách từ hoạt động này khoảng 402.680 tỷ đồng, vượt trên 7% dự toán. Nhà chức trách ước tính số thu cả năm có thể vượt 11,5 - 12%, tương đương 418.000 - 420.000 tỷ đồng.
Hà Nội thu gần 48.600 tỷ đồng từ nhà, đất
Năm nay, TP. Hà Nội dự thu gần 48.600 tỷ đồng từ nhà, đất trong đó tiền sử dụng đất khoảng 36.100 tỷ đồng, tăng hơn 40%.
Chung cư cao cấp phía Tây Hà Nội |
Số liệu này được nêu trong báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 của UBND TP. Hà Nội. Năm nay, Thủ đô lần đầu tiên thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm ngoái - cao nhất cả nước.
Trong đó, thu từ nhà, đất tăng trưởng hơn 29%, đạt trên 48.590 tỷ đồng. Mức này vượt dự toán 14%. Riêng khoản thu từ sử dụng đất đóng góp gần 75% với 36.100 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái.
Con số này phần nào cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường bất động sản Hà Nội. Năm ngoái, các khoản thu từ nhà, đất tại Thủ đô không đạt kế hoạch do thị trường địa ốc trầm lắng. Doanh thu của các chủ đầu tư đi xuống, dự án mới, sản phẩn hoàn thành hạn chế và lượng nhà ở tiêu thụ đều sụt giảm so với 2022.
So với TP.HCM, thu từ đất đai tại Hà Nội cao hơn nhiều. Trong 10 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận nguồn thu này đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
UBND Thành phố cho biết, thời gian qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên lập Tổ công tác biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án bất động sản. Đến nay, Thành phố đã rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai để thanh tra, đôn đốc thực hiện.
Cụ thể, 420 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai, với diện tích trên 9.000 ha, nhưng nhà chức trách tiếp tục giám sát số này. Khoảng 292 dự án được đẩy nhanh tiến độ. Có 8 dự án (quy mô gần 259 ha) bị thu hồi vì vi phạm phát luật, không đưa đất vào sử dụng để hoang hóa, lãng phí.
Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có 47.280 căn nhà ở, trong đó 87% là chung cư (41.135 căn), còn lại 23% nhà đất. Con số này tăng gấp 3 lần so với năm nay khi thị trường Thủ đô chỉ có hơn 15.600 căn nhà mới được hoàn thành.
Về nhà ở xã hội, Thành phố vẫn đặt mục tiêu khiêm tốn khi dự kiến có thêm 4.670 căn trong năm sau, thấp hơn khoảng 1.600 căn so với số liệu ước tính năm 2024.
Đồng Nai còn dư hơn 940 tỷ đồng giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Trong số hơn 940 tỷ đồng có khoảng 630 tỷ đồng dự phòng cho bồi thường thu hồi đất và xây dựng khu tái định cư phục vụ sân bay Long Thành, số còn lại là tiền đào tạo nghề cho người dân vùng dự án.
Hiện tại, gói thầu nhà ga hành khách với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng đang được xây dựng kết cấu mái thép, đồng thời lắp kính những khu vực đã thi công xong. |
Ngày 17/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, năm 2024, Đồng Nai được Trung ương bố trí hơn 2.500 tỷ đồng để thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (giải phóng mặt bằng) sân bay Long Thành.
Đến nay, Tỉnh đã cơ bản hoàn thành các phần việc thuộc Dự án và còn dư hơn 940 tỷ đồng, số tiền này hầu hết là chi phí dự phòng. Đồng Nai sẽ lập thủ tục hủy dự toán, nộp lại toàn bộ số tiền còn dư về ngân sách trung ương.
Trong số hơn 940 tỷ đồng nêu trên có khoảng 630 tỷ đồng dự phòng cho bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất và xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn phục vụ sân bay Long Thành.
Số còn lại là tiền thuộc đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân vùng Dự án.
Nguyên nhân Tỉnh không còn nhu cầu sử dụng hàng trăm tỷ đồng do sân bay Long Thành là dự án lớn, quá trình thu hồi đất, bồi thường, tái định cư phát sinh nhiều vấn đề nên khi làm dự toán các đơn vị phải lập chi phí dự phòng lớn.
Ngoài ra, Tỉnh không thể thực hiện được đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động do hầu hết người dân bị ảnh hưởng khi xây dựng sân bay Long Thành không có nhu cầu đạo tạo nghề.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư ban đầu gần 23.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2017 - 2021. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tiến độ Dự án không đảm bảo.
Tháng 11/2023, Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành đến hết năm 2024. Đồng thời, điều chỉnh giảm mức đầu tư của Dự án xuống còn hơn 19.000 tỷ đồng.
Lâm Đồng hủy bỏ danh mục 114 dự án đầu tư cần thu hồi đất
Trong 114 danh mục dự án bị hủy bỏ do chậm thực hiện, có 101 dự án sử dụng vốn ngân sách, 7 dự án vốn ngoài ngân sách và 6 dự án thu hút đầu tư.
Lâm Đồng hủy bỏ danh mục 114 dự án đầu tư cần thu hồi đất. Ảnh minh họa |
Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ra Nghị quyết, hủy bỏ danh mục 114 dự án đầu tư cần thu hồi đất, với hơn 688,3 ha.
Trong 114 danh mục dự án bị hủy bỏ trên, có 101 dự án sử dụng vốn ngân sách, 7 dự án vốn ngoài ngân sách và 6 dự án thu hút đầu tư.
Diện tích cần thu hồi đất của các dự án này có 27% là đất lâm nghiệp, 71% đất sản xuất nông nghiệp và 2% đất phi nông nghiệp.
Các địa phương có danh mục dự án bị hủy bỏ nhiều nhất là huyện Đam Rông với 48 dự án chủ yếu là đường giao thông thôn bản, giao thông nội đồng.
Dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất là đường đối ngoại khu vực Tây Sơn với 128,4 ha.
Huyện Đạ Huoai (huyện mới, sáp nhập từ 3 huyện phía Nam) có 37 danh mục dự án bị thu hồi, trong đó lớn nhất là dự án đường từ Tỉnh lộ 721 vào khu Mỏ Vẹt với diện tích đất phải thu hồi 4,6 ha...
Trong danh mục 7 dự án vốn ngoài ngân sách bị hủy bỏ, thành phố Đà Lạt có 4 dự án, trong đó có Dự án Nhà máy Điện gió Xuân Trường 1 của Công ty CP Năng lượng gió Xuân Trường với diện tích đất cần thu hồi 32,5 ha; Dự án Nhà máy Điện gió Xuân Trường 2 của Công ty CP Năng lượng gió Cao Nguyên với diện tích đất cần thu hồi 31,2 ha...
6 dự án nằm trong diện thu hút đầu tư, nay bị thu hồi gồm các dự án xây dựng Khu đô thị mới xã Phú Hội và Khu đô thị mới Liên Nghĩa đều thuộc huyện Đức Trọng.
Thành phố Bảo Lộc có 4 dự án thu hút đầu tư bị thu hồi là Dự án Khu dân cư tổ 14 phường Lộc Phát; Dự án Khu đô thị mới phường Lộc Tiến; Dự án Khu trung tâm xã Lộc Thanh và Dự án Khu tái định cư - Trung tâm thương mại - dịch vụ B’Lao Xanh ở phường Lộc Sơn.
Đề xuất kết nối buýt sông với nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên
Khu đất ven sông Sài Gòn gần ga Ba Son và Tân Cảng của metro Bến Thành - Suối Tiên được đề xuất cải tạo làm bến thuỷ để kết nối buýt sông với tuyến tàu điện.
Ga Tân Cảng của Metro Bến Thành - Suối Tiên |
Kiến nghị vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM sau khi phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án. Đơn vị đảm nhận đầu tư khu bến là Công ty TNHH Thường Nhật, cũng là doanh nghiệp đang vận hành tuyến buýt sông ở Thành phố.
Theo Công ty TNHH Thường Nhật, vị trí ga ngầm Ba Son, Quận 1 và ga trên cao Tân Cảng, quận Bình Thạnh nằm trên lộ trình buýt sông Bạch Đằng - Linh Đông nên phù hợp để mở bến tàu thủy.
Doanh nghiệp này đề xuất tự chi trả kinh phí đầu tư các bến, gồm cầu dẫn, phao nổi... Các hạng mục này sản xuất và thi công nhanh, khi hoàn thành sẽ tăng kết nối khách đi metro, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng. Các bến mang tính tạm thời, nên công ty sẽ tự tháo dỡ và di dời khi Thành phố yêu cầu.
Theo Sở Giao thông vận tải, việc xây dựng các bến tàu này sẽ góp phần phát triển đồng bộ, hiệu quả giữa nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng trong cùng một không gian, đặc biệt là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ đưa vào vận hành từ ngày 22/12 tới. Khi được UBND Thành phố chấp thuận chủ trương, các sở ngành và địa phương sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục liên quan.
Ga Ba Son nằm giáp sông Sài Gòn đoạn qua đường Tôn Đức Thắng. Đây là một trong ba ga ngầm của metro số 1, dài 240 m, rộng hơn 34 m, sâu 20 m với hai tầng ngầm. Cách đó hơn 3 km, Tân Cảng là trên cao lớn nhất của tuyến metro, nằm gần cầu Sài Gòn sát bờ sông.
Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức). Ngoài hai nhà ga nêu trên, dự án còn 12 ga khác, gồm hai ga ngầm và 10 ga trên cao.
Hà Nội có thêm dự án nhà ở xã hội với hơn 460 căn hộ
Dự án nhà ở xã hội với hơn 460 căn hộ tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh được khởi công ngày 17/12 và dự kiến hoàn thành tháng 10/2026.
Hà Nội có thêm dự án nhà ở xã hội với hơn 460 căn hộ tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Ảnh minh họa |
Dự án nhà ở xã hội tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh được xây dựng trên khu đất rộng hơn 15.280 m2, với 4 khối nhà cao 9 tầng. Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên của doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng công ty 319.
Sau khi hoàn thành, khu nhà sẽ cung cấp 466 căn hộ cho người thu nhập thấp và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Hà Nội. Chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào tháng 10/2026.
Đầu tháng này, một dự án nhà ở xã hội khác thuộc khu đô mới Hạ Đình của liên danh UDIC, Haweicco và Công ty Phát triển Nhà DAC Hà Nội cũng được triển khai thi công. Dự án này nằm tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Theo quy hoạch, khu nhà xã hội này sẽ có 440 căn hộ với tòa nhà cao 25 tầng. Công trình dự kiến thi công trong 30 tháng.
Năm 2025, Thành phố dự kiến hoàn thành 4.670 căn nhà ở xã hội. Hiện tại, Hà Nội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án tại xã Tiên Dương, Đông Anh với quy mô 80 ha và phấn đấu có thể khởi công ngay trong quý đầu năm sau.
Thành phố cũng rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới để đầu tư xây dựng các dự án khu nhà ở xã hội, khoảng 2.000 căn hộ mỗi khu. Trong đó, 2 - 3 khu sẽ được bố trí xây dựng nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nghỉ hưu trước tuổi
Ông Bùi Văn Khánh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có đơn xin nghỉ công tác trước tuổi và được Ban Bí thư đồng ý.
Ông Bùi Văn Khánh |
Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về công tác cán bộ sáng 17/12, cơ quan chức năng cho biết ông Khánh có đơn xin nghỉ công tác ngày 3/12 và 8 ngày sau được Ban Bí thư đồng ý.
Hội nghị thống nhất giới thiệu ông Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Tỉnh, để bầu giữ chức Chủ tịch UBND Tỉnh.
Ông Bùi Văn Khánh năm nay 60 tuổi, Tiến sĩ kinh tế, quê ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ông Bùi Văn Khánh làm Chủ tịch tỉnh Hòa Bình từ tháng 8/2019. Trước đó, ông từng làm cán bộ ngân hàng nhà nước tỉnh, kho bạc Tỉnh; Phó Chủ tịch UBND thị xã Hòa Bình; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.
Theo Bộ Luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức năm 2024 là 61 tuổi. Như vậy, ông Khánh còn một năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu.
Thưởng Tết cao nhất ở Đà Nẵng hơn 700 triệu đồng
Tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2025 tại Đà Nẵng cao nhất là 223,1 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất là 700 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh.
Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ ở Đà Nẵng cao nhất là 700 triệu đồng thuộc khối doanh nghiệp dân doanh |
Ngày 17/12, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, đã nhận được báo cáo từ 135 doanh nghiệp về kết quả tiền lương năm 2024 và dự kiến kế hoạch thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo đó, về tiền lương năm 2024, ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tiền lương cao nhất là hơn 369,4 triệu đồng/tháng, còn tiền lương thấp nhất hơn 4,3 triệu đồng/tháng.
Về tiền thưởng Tết 2025, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 35 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 46 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng.
Các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 17 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 220 triệu đồng, thấp nhất 1 triệu đồng.
Các doanh nghiệp dân doanh thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 1,5 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 700 triệu đồng, thấp nhất 200.000 đồng.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thưởng Tết Dương lịch 2025 cao nhất 223 triệu đồng, thấp nhất là 100.000 đồng; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 475,5 triệu đồng, thấp nhất 100.000 đồng.