Bản tin thời sự sáng 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện; TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa, thả khinh khí cầu mừng Lễ Quốc khánh 2/9; ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm; làm đường kết nối sân bay Phan Thiết…

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 trong tháng 8/2023.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm cung ứng điện

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm cung ứng điện

Về kế hoạch bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản yêu cầu các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải nhanh chóng hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Cụ thể, tại Văn bản số 745 ngày 15/8/2023, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân là một cân đối lớn của nền kinh tế và là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành điện…”.

Kế hoạch bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024 phải căn cứ vào tăng trưởng của nền kinh tế để có dự báo nhu cầu điện sát thực, tính toán cân đối cung - cầu điện và huy động nguồn lực của hệ thống điện quốc gia, gồm nguồn điện, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối và nhập khẩu điện phải tối ưu, hiệu quả để có giá thành sản xuất điện năng hợp lý nhất, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các tập đoàn EVN, PVN, TKV và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, hoàn thiện kế hoạch bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đáng lưu ý, Thủ tướng yêu cầu “khẩn trương báo cáo Thủ tướng trong tháng 8/2023 về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó có các quy định về cơ chế, chính sách mua bán điện (kể cả mua bán điện trực tiếp) đối với năng lượng tái tạo”.

Đồng thời, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vận hành… của ngành điện theo cơ chế thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả.

TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa, thả khinh khí cầu mừng Lễ Quốc khánh 2/9

Bắn pháo hoa, thả khinh khí, mở cửa cho khách tham quan trụ sở HĐND và UBND TP.HCM... là những hoạt động đáng chú ý để chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới.

TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa mừng Lễ Quốc khánh 2/9

TP.HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa mừng Lễ Quốc khánh 2/9

Chiều 17/8, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Lâm Ngô Hoàng Anh - Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao đã thông tin về kế hoạch tổ chức các sự kiện mừng dịp Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay.

Ông Lâm Ngô Hoàng Anh cho biết, Bộ Tư lệnh Thành phố đã có văn bản tham mưu UBND Thành phố kịch bản tổ chức bắn pháo hoa nghệ thuật.

Theo kịch bản, pháo hoa sẽ được bắn trong 15 phút, từ 21h - 21h15 ngày 2/9. Hiện Bộ Tư lệnh đang chờ văn bản chấp thuận của UBND TP.HCM.

Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tham mưu UBND Thành phố chấp thuận cho tổ chức thả khinh khí cầu. Sự kiện dự kiến tổ chức trong ngày 2/9 và ngày 3/9 tại đường Nguyễn Thiện Thành trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).

Chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ được tổ chức lúc 20h - 22h30 ngày 2/9 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1).

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm các kỳ hạn trên 6 tháng từ đầu tháng 8 đến nay. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng trên 7%/năm chỉ còn ít ngân hàng và lãi suất thấp nhất còn 5,95%/năm.

Lãi suất tiết kiệm giảm về mức nửa đầu năm 2022.

Lãi suất tiết kiệm giảm về mức nửa đầu năm 2022.

VietABank vừa điều chỉnh giảm từ 0,1 - 0,3% lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 - 7 tháng giảm 0,2% còn 6,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 8 - 11 tháng giảm 0,1% còn 6,9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 12 - 36 tháng về chung một mức 7%/năm.

BacABank cũng vừa công bố giảm 0,25% lãi suất các kỳ hạn tiền gửi từ 6 - 36 tháng. Đây là lần thứ hai trong tháng ngân hàng này giảm lãi suất. Cụ thể, kỳ hạn 6 - 8 tháng còn 6,75%/năm; kỳ hạn 9 - 11 tháng 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng về 6,85%/năm.

MSB là nhà băng điều chỉnh mạnh tay nhất từ đầu tháng 8. Các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 12 tháng được MSB hạ 1%, đưa mức lãi cao nhất về còn 6%/năm.

Techcombank cũng giảm đồng loạt 0,7% lãi suất với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Hiện ngân hàng này có mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thấp nhất thị trường còn 5,95%/năm.

Cũng kỳ hạn này, nhiều ngân hàng đang để mức lãi suất thấp hơn cả nhóm 4 ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, ACB (6,1%/năm); Eximbank (6,0%/năm).

Nhóm ngân hàng big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) vẫn giữ kỳ hạn 12 tháng 6,3%/năm.

Sau đợt giảm này, hiện chỉ còn ít ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất từ 7% trở lên gồm: VietABank, BaoVietBank, CBBank, NCB, PVComBank, NamABank, HDBank, BacABank, Kienlongbank, DongABank.

Như vậy, so với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm đã giảm tới 3 - 4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cộng với bối cảnh ngân hàng "thừa tiền" khi khó cho vay. Mặt bằng lãi suất hiện về ngang với giai đoạn nửa đầu 2022.

Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5 - 2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Việt Nam sẽ cử đại diện dự hội nghị BRICS

Việt Nam được mời tham gia hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi và sẽ cử đại diện tới sự kiện, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

"Việt Nam là một trong 71 nước được chủ nhà Nam Phi mời tham gia hội nghị thượng đỉnh của BRICS diễn ra tại Nam Phi ngày 24/8. Việt Nam dự kiến cử đại diện tham gia hội nghị", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/8.

Bà Hằng cho biết, sự kiện lần này gồm Hội nghị BRICS - châu Phi và Hội nghị đối thoại BRICS mở rộng, khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực.

"Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi với 5 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Khối chiếm hơn 40% dân số thế giới và 30% GDP của toàn cầu.

Nam Phi đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên, dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối tại thành phố Johannesburg ngày 22 - 24/8.

Giới chức Nam Phi hồi tháng 7 cho biết, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn hoặc quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Mở rộng khối đến mức nào là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Nam Phi muốn BRICS trở thành khối mạnh nhất của các nước đang phát triển.

Làm đường kết nối sân bay Phan Thiết

Bình Thuận làm đường nhựa dài hơn 3,6 km nối từ tuyến Võ Nguyên Giáp vào cổng khu hàng không dân dụng sân bay Phan Thiết.

Hướng dự án đường nhựa được đầu tư nối vào sân bay Phan Thiết

Hướng dự án đường nhựa được đầu tư nối vào sân bay Phan Thiết

Dự án xây dựng đường nối sân bay Phan Thiết được HĐND tỉnh Bình Thuận thông qua ngày 17/8.

Đường rộng 36 m, trong đó mặt đường 13,5 m và dải phân cách giữa 12,5 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m. Toàn dự án còn làm hệ thống thoát nước, cây xanh, đèn chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác. Công trình có tổng kinh phí gần 118 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2023 - 2027.

Sân bay Phan Thiết (kết hợp quân sự và dân dụng) được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn phần việc hàng không dân dụng thuộc thẩm quyền do UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận, đến nay nhiều hạng mục quân sự sắp hoàn tất. Riêng đường băng đã cơ bản, sẽ làm xong trong tháng 9. Đầu năm 2024, các tổ bay quân sự có thể bay huấn luyện tại đây.

UBND tỉnh Bình Thuận đang lựa chọn nhà đầu tư thay thế Công ty CP Rạng Đông thực hiện hạng mục dân dụng ở sân bay.

Công khai 12 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở Quảng Bình

Chiều 17/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai 12 dự án sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, trong đó có dự án Khách sạn 5 sao Pullman và Khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hà Nội,...

Dự án Khách sạn 5 sao Pullman do Công ty CP Du lịch Hà Nội - Quảng Bình làm chủ đầu tư

Dự án Khách sạn 5 sao Pullman do Công ty CP Du lịch Hà Nội - Quảng Bình làm chủ đầu tư

Việc công khai thông tin được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện dựa trên báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình và quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 43/2014 của Chính phủ về thông tin các dự án được cho thuê đất để thực hiện dự án nhưng sử dụng đất chậm tiến độ.

Cụ thể gồm: Dự án xây dựng khu resort của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình, đang dừng thi công và chậm so với tiến độ yêu cầu.

Dự án Khách sạn 5 sao Pullman do Công ty CP Du lịch Hà Nội - Quảng Bình làm chủ đầu tư, đang dừng thi công.

Dự án xây dựng Khu du lịch Indochina Quảng Bình Resort của Công ty CP Đông Dương Miền Trung, đang thi công nhưng chậm so với tiến độ yêu cầu.

Dự án xây dựng khu khách sạn sinh thái của Công ty CP Delta đang dừng thi công; Dự án khu resort Golden City của Công ty CP Golden City triển khai chậm.

Nhà máy Sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành của Công ty CP Khai thác và sản xuất bột đá chất lượng cao Linh Thành - Quảng Bình chưa thi công. Dự án Xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê của Công ty CP Tập đoàn Linh Thành dừng thi công.

Dự án khu khách sạn tại phường Hải Thành, TP. Đồng Hới của Công ty TNHH Thành An đang dừng thi công.

Dự án Cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hưng Phát đang dừng thi công và chưa hoàn thành.

Khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Cát Biển Quảng Bình; Dự án khu nghĩ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy của Công ty CP Việt Thiên Bình; Dự án Nhà máy Xử lý rác sinh hoạt của Công ty Môi trường xanh miền Trung.

TP.HCM đề xuất cho thử nghiệm xe điện, máy bay không người lái

Xe điện không người lái, drone, công nghệ Lora cùng 9 lĩnh vực khác được đề xuất thử nghiệm có kiểm soát trong các khu công nghệ, trung tâm sáng tạo.

Phòng lab nghiên cứu tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), một trong các khu vực được phép thử nghiệm công nghệ mới

Phòng lab nghiên cứu tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), một trong các khu vực được phép thử nghiệm công nghệ mới

Đề xuất được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tham mưu UBND Thành phố ban hành trình HĐND nhằm cụ thể hóa các nội dung về cơ chế thử nghiệm công nghệ theo Nghị quyết 98. Theo Nghị quyết, TP.HCM được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố, có hiệu lực từ 1/8.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Thành Trung - đại diện Công ty RT Robotics chuyên sản xuất máy bay không người lái cho rằng, trong lĩnh vực sản xuất drone, việc xin giấy phép thử nghiệm sản phẩm khá khó khăn. Do doanh nghiệp của ông hiện đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM nên được tạo điều kiện hơn về giấy phép. Tuy nhiên, khi thử nghiệm bên ngoài ở khu vực nào cần phải xin phép ở khu vực đó.

"Các thủ tục này có thể làm chậm quá trình nghiên cứu phát triển doanh nghiệp", ông Trung nói. Ông đề xuất, Thành phố cần xây dựng được chính sách khuyến khích nhiều nhóm nghiên cứu với các chương trình hỗ trợ khung pháp lý, bản quyền phần mềm, giấy phép... để họ mạnh dạn thử nghiệm, đầu tư vào công nghệ.

Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua hôm 24/6, trao cho TP.HCM một số cơ chế, chính sách đặc thù ở nhiều lĩnh vực như đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng - quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy...

Hơn 65 tỷ đồng trang trí cầu Cửa Hội

Hà Tĩnh và Nghệ An trích ngân sách hơn 65 tỷ đồng để làm hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, đoạn qua huyện Nghi Xuân và thị xã Cửa Lò.

Cầu Cửa Hội nối hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An

Cầu Cửa Hội nối hai tỉnh Hà Tĩnh - Nghệ An

Ngày 17/8, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhà chức trách đã bố trí đủ nguồn vốn hơn 45 tỷ đồng để thực hiện Dự án, dự kiến triển khai trong năm nay. Tỉnh Nghệ An hồi đầu tháng 8 cũng đồng ý cấp 20 tỷ đồng đầu tư. Hai tỉnh đang giao các đơn vị liên quan thiết kế bản vẽ thi công, phê duyệt lựa chọn nhà thầu.

Mục tiêu của Dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện; tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của hai tỉnh; kéo dài thời gian hoạt động tham quan, ngắm cảnh về đêm cho du khách.

Hệ thống chiếu sáng tách thành hai dự án độc lập. Hà Tĩnh và Nghệ An sẽ thực hiện công việc trên địa giới hành chính của đơn vị mình, điểm kết thúc là nhịp chính giữa cầu Cửa Hội.

Dự kiến, trụ tháp, trụ chính, búp sen đỉnh tháp, dây văng sẽ được lắp đèn pha, led đổi màu để tạo điểm nhấn.

Phần thi công của Hà Tĩnh dài hơn. Ngoài trang trí cầu, địa phương còn làm thêm hệ thống chiếu sáng đường dẫn dài hơn 3.000 m, phạm vi từ đầu cầu tại huyện Nghi Xuân đến hết nút giao thông Tỉnh lộ 546.

Cầu Cửa Hội dài 5,2 km bắc qua sông Lam, nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, phần cầu chính dài hơn 1,7 km, thông xe hôm 14/3/2021.