Bản tin thời sự sáng 19/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 19/8, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19; kiến nghị cho hãng hàng không vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng; rút phương án điện một giá, xa lộ Hà Nội thu phí trở lại…

Sáng 19/8, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19

Sáng ngày 19/8, Bộ Y tế cho biết không có ca mắc mới nào được ghi nhận. Hiện Việt Nam vẫn có 989 bệnh nhân. Trong số các bệnh nhân đang điều trị đã có 100 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2.

Sáng ngày 19/8, không có thêm ca mắc Covid-19 mới

Sáng ngày 19/8, không có thêm ca mắc Covid-19 mới

Tính đến 6h ngày 19/8, Việt Nam có tổng cộng 649 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 509 ca. Tính từ 18h ngày 18/8 đến 6h ngày 19/8, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 81.585 người. Trong đó, 3.350 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 22.360 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 55.875 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Như vậy đến thời điểm này có 525 bệnh nhân/989 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Hiện nay, Việt Nam đã có 26 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 19/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 35 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 35ca, số ca âm tính lần 3 là 30 ca.

Kiến nghị cho hãng hàng không vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế cũng mới đưa ra dự báo đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi như năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm nay.

Các hãng hàng không đang chịu những thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19

Các hãng hàng không đang chịu những thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19

Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ và cứu các doanh nghiệp hàng không trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đánh giá các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50 - 70% so với cùng kỳ năm trước; đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay; bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản; giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên; giảm giá vé... nhưng tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Do vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 - 4 năm; cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV.

Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70%, ít nhất là 50%, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021; xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong sáu tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Rút phương án điện một giá

Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề xuất rút phương án tính điện một giá sau khi nhận góp ý từ các chuyên gia, bộ, ngành.

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh ghi chỉ số công tơ điện tại huyện Mê Linh (Hà Nội)

Công nhân Công ty Điện lực Mê Linh ghi chỉ số công tơ điện tại huyện Mê Linh (Hà Nội)

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến 2 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành. Phương án 2 gồm 5 bậc thang và một giá điện, nhưng chia theo 2 kịch bản 2A và 2B, trong đó, phương án một giá điện được tính bằng145 - 155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.703 - 2.890 đồng một kWh.

Sau hơn một tuần lấy ý kiến, tại cuộc họp chiều 18/8, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề xuất rút phương án 2A và 2B, trong đó có phương án một giá điện.

Lý do theo ông Tuấn, một giá điện có thêm lựa chọn cho khách hàng, đơn giản trong tính toán song không khuyến khích dùng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.

Trước đó phương án một giá điện không nhận được sự đồng thuận từ giới học giả, chuyên gia năng lượng. Nhiều chuyên gia cho rằng chưa rõ căn cứ để Bộ Công Thương đưa ra mức điện một giá theo tỷ lệ 145 - 155% giá bán lẻ bình quân. Ngoài ra, chỉ những hộ dùng có mức sử dụng điện cao (trên 700 kWh) mới được hưởng lợi khi chọn dùng phương án một giá điện.

Sau khi rút phương án một giá điện, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý phương án giá điện theo 5 bậc thang (phương án 1) để hoàn thiện, trình Thủ tướng xem xét vào quý III.

Phương án giá điện theo 5 bậc thang được cải tiến từ phương án biểu giá 6 bậc thang hiện hành, đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên giá điện bình quân hiện hành là 1.864,44 đồng một kWh.

TP.HCM: Xa lộ Hà Nội thu phí trở lại

Sau 3 năm ngưng, dự kiến từ ngày 1/11, BOT Xa lộ Hà Nội thu phí ôtô trên 8 làn tự động, với mức 30.000 - 170.000 đồng mỗi lượt.

Xa lộ Hà Nội tại nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM (thuộc quận 9 và Thủ Đức), tháng 11/2019

Xa lộ Hà Nội tại nút giao thông Đại học Quốc gia TP.HCM (thuộc quận 9 và Thủ Đức), tháng 11/2019

Nội dung này đề cập trong tờ trình Phương án giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn, vừa được Sở Giao thông vận tải (GTVT) gửi UBND TP.HCM.

Lý do thu phí nhằm hoàn vốn cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã đầu tư mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1; ở phần trục chính từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc Gia thuộc Dự án.

Khung giá vé được tính toán cho giai đoạn 2020 - 2024, sau khi khảo sát lưu lượng xe qua trạm. Cứ 5 năm sẽ điều chỉnh mức giá một lần cho phù hợp, với tổng thời gian thu phí của Dự án là 17 năm 9 tháng.

Trạm sẽ miễn, giảm cho 11 nhóm phương tiện, gồm xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát... theo Thông tư 35. Đồng thời Sở GTVT đề xuất giảm 100% cho xe buýt TP.HCM tuyến cố định chạy qua trạm; đề xuất giảm 50% cho ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng ở mặt tiền hai đường song hành Xa lộ Hà Nội…

Khi trạm BOT chính thức được hoạt động trở lại sẽ có 8 làn thu phí không dừng và 8 làn thu phí một dừng MTC (thu phí hỗn hợp).

Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 dài 15,7 km, 12 - 16 làn xe. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (rộng 113 m).

Bình Định: Đóng điện dự án cấp điện bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu

Dự án có tổng kinh phí thực hiện gần 351,5 tỷ đồng nhằm cấp điện cho hơn 600 hộ dân và các cơ quan tổ chức trên xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Công nhân kỹ thuật kiểm tra các thiết bị để đóng điện tại Trạm biến áp Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

Công nhân kỹ thuật kiểm tra các thiết bị để đóng điện tại Trạm biến áp Sông Cầu, tỉnh Phú Yên

Ngày 18/8, Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung (thuộc EVNCPC) phối hợp với Công ty Điện lực Phú Yên và Công ty Điện lực Bình Định tổ chức đóng điện; nghiệm thu Dự án Cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn châu, tỉnh Bình Định.

Dự án này được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) làm chủ đầu tư; Công ty Điện lực Phú Yên, Công ty Điện lực Bình Định và các đơn vị có liên quan tham gia thực hiện Dự án từ tháng 4/2020.

Dự án có tổng kinh phí thực hiện gần 351,5 tỷ đồng nhằm cấp điện cho hơn 600 hộ dân và các cơ quan tổ chức trên xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Dự án có quy mô gồm 4 hạng mục công trình là ngăn xuất tuyến 22kV tại Trạm biến áp 110kV Sông Cầu và đường dây 22kV trên đất liền (tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên); hệ thống cáp ngầm xuyên biển được đấu nối từ xã Xuân Hòa (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đến đảo Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); xây dựng lưới điện trên đảo Nhơn Châu; hệ thống viễn thông và cáp quang thông tin truyền từ đảo Nhơn Câu về Sông Cầu để giám sát hoạt động.

Tin cùng chuyên mục