Bản tin thời sự sáng 20/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc Kỳ họp thứ chín sau 19 ngày làm việc và đã thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác.

1. Bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Cải tiến phương thức hoạt động

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV làm việc nghiêm túc, dân chủ, đổi mới với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng, hiệu quả và kết thúc thành công tốt đẹp.

Bản tin thời sự sáng 20/6 ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc. Ảnh: TTXVN

Chiều 19/6, tại Hội trường Diên Hồng-Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội khóa XIV đã bế mạc Kỳ họp thứ chín sau 19 ngày làm việc (hai đợt họp: trực tuyến và tập trung).

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng và thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác. Đây là những Luật, Nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều..., tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm cao, Quốc hội đã quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia sớm hơn so với nhiệm kỳ trước sẽ tạo điều kiện để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

2. Khai trương Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Nơi ghi dấu lịch sử báo chí dân tộc

Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm được trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm. Không gian trưng bày về lịch sử báo chí xuyên suốt từ thời kỳ kháng chiến cho đến nay hứa hẹn sẽ thu hút công chúng.

Bản tin thời sự sáng 20/6 ảnh 2

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thăm quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Bảo tàng được xây dựng theo đề án do Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện, bao gồm 03 dự án thành phần là: Dự án Trưng bày Bảo tàng, Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu, Dự án Tuyển dụng và đào tạo Nhân sự bảo tàng.

Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với ba dự án thành phần: dự án trưng bày bảo tàng; dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng.

Ngày 21/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng bảo tàng. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1118/QĐ-TTg thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Lễ công bố Quyết định và ra mắt bảo tàng đã được tổ chức trọng thể ngày 16/8/2017.

Trong lần khai trương này, bảo tàng đã sưu tầm được trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày.

3. Hà Nội chỉ tiếp nhận đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn

"Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói về đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vừa qua Thủ tướng giao cho Bộ GTVT xong trong năm 2020. Dự án này đã nhiều lần lỡ hẹn, Hà Nội đã thành lập ra một công ty đường sắt để tiếp nhận. "Tuy nhiên Hà Nội chỉ tiếp nhận sau khi công trình đã được nghiệm thu và bàn giao an toàn", ông Chung cho biết.

Về việc nhà thầu đòi 50 triệu USD, Chủ tịch Hà Nội cho biết, đây là số kinh phí nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong qua trình thi công, Kiếm toán Nhà nước vào kiểm toán và xuất toán, do vậy Bộ GTVT không thanh toán cho nhà thầu, do vậy nhà thầu yêu cầu, muốn nghiệm thu, hoàn thành họ cần lượng tiền để trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, hiện dự án còn 3 nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất là Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu liên quan toàn bộ công trình này về độ an toàn chạy thầu, chất lượng vận hành của cả hệ thống; thứ hai sau khi nghiệm thu sẽ chạy thử nghiệm và sau đó an toàn mới bàn giao cho Hà Nội chạy thương mại.

4. Chuyến bay đầu tiên chở hơn 300 người Việt từ châu Phi về nước

Chuyến bay VN08 chở 309 người Việt hồi hương từ Angola hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, chiều ngày 19/6. Đây là chuyến bay chở công dân Việt Nam về nước từ châu Phi đầu tiên.

Bản tin thời sự sáng 20/6 ảnh 4

Chuyến bay VN08 hạ cánh an toàn tại sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh

Hành khách trên chuyến bay chủ yếu là những người cần hỗ trợ đặc biệt như trẻ em dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động…

Trước đó, trên chuyến bay chiều đi từ Việt Nam ngày 18/6, Vietnam Airlines đã vận chuyển hơn nửa tấn hàng hóa y tế gồm khẩu trang vải kháng khuẩn, dung dịch rửa tay, quần áo bảo hộ y tế tới Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Toàn bộ số hàng này đều được Vietnam Airlines miễn cước, thuế, phí.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), châu Phi hiện đã ghi nhận hơn 194.000 ca nhiễm Covid-19. Tương tự các chuyến bay hồi hương khác, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách từ Angola đều trang bị quần áo bảo hộ toàn thân và đo thân nhiệt trước khi lên tàu.

Để hạn chế khả năng lây nhiễm qua vật tiếp xúc nhiều lần, chuyến bay chỉ phục vụ đồ ăn đóng gói sẵn và dụng cụ ăn uống dùng 1 lần. Sau khi hạ cánh tại Vân Đồn, tất cả hành khách đều được tổ chức kiểm tra sức khỏe, cách ly theo quy định. Tàu bay được khử trùng toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất tiêu chuẩn quốc tế.

5. Quốc hội đồng ý chưa tăng lương từ 1/7/2020

Chiều 19/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kỳ họp thứ 9 với 443/444 đại biểu tán thành. Trong đó, Quốc hội chính thức quyết định chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020.

Bản tin thời sự sáng 20/6 ảnh 5

Quốc hội đồng ý chưa thực hiện việc tăng lương

Báo cáo giải trình ý kiến đại biểu, liên quan đến đề xuất dừng tăng lương được Thủ tướng báo cáo ngay từ phiên khai mạc kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số ý kiến đề nghị việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, còn vẫn thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng kể từ 1/7/2020 theo lộ trình.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/1/2021. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở vào ngày 31/12/2020 hoặc trước ngày 1/1/2021.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến cân đối ngân sách nhà nước, việc chưa điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 là cần thiết, thể hiện sự đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn với Nhà nước.

Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Đồng thời giao Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế để chủ động báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở.