Dừng hoạt động 22 chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội
Các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra/vào Thành phố sẽ dừng hoạt động sau hơn 3 tháng triển khai.
Dừng hoạt động 22 chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội |
Đây là một trong những nội dung Công điện 22 về triển khai các biện pháp tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành vào chiều 20/10.
Cùng với dừng các chốt kiểm soát, Chủ tịch Hà Nội giao công an Thành phố chủ trì việc giám sát, kiểm soát y tế tại sân bay, nhà ga, bến xe và các tuyến giao thông của ngõ, đặc biệt đối với người và phương tiện trở về từ vùng dịch.
Công an Thành phố sẽ chủ trì cập nhật thông tin quản lý việc cư trú, thông tin y tế và di biến động của người dân trên địa bàn. Đây cũng là đơn vị giám sát y tế với người về từ các khu vực, địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao...
22 chốt cửa ngõ Hà Nội lập từ 14/7 tại các tuyến đường: từ Hà Nam về Hà Nội tuyến Quốc lộ 1A, 1B; từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang về Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; từ Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội.
Đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng cải tạo bờ Nam kênh Đôi
Khu vực hành lang bảo vệ kênh Đôi (Quận 8, TP.HCM) rộng 13 m, dài 9,7 km sẽ được xây bờ kè và cải tạo mở rộng toàn khu vực rộng 39 ha với tổng vốn đầu tư 9.073 tỷ đồng.
Đề xuất hơn 9.000 tỷ đồng cải tạo bờ Nam kênh Đôi |
Nội dung được nêu trong tờ trình Sở Xây dựng vừa gửi UBND TP.HCM về kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025.
Do Dự án có quy mô và số lượng lớn nhà dân cần di dời, Sở Xây dựng kiến nghị chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 di dời 2.670 nhà dân, tổng ngân sách 9.073 tỷ đồng, trong đó phần bồi thường giải phóng mặt bằng 6.300 tỷ đồng. Giai đoạn này, Dự án giải tỏa các nhà lấn chiếm kênh rạch, kè bờ, nạo vét kênh và xây hạ tầng như mở rộng hẻm, kết nối giao thông đường thủy, tổ chức hoạt động kinh doanh, mua bán theo hình thức "trên bến dưới thuyền" phát huy cảnh quan sông nước của khu vực.
Giai đoạn 2 di dời 2.385 nhà dân và nhà đầu tư trúng thầu sẽ trả lại cho ngân sách phần đã thực hiện ở giai đoạn 1. Dự án giai đoạn này kéo dài đến đường Phạm Thế Hiển sau khi đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư.
Hiện sở ngành và cơ quan liên quan tổ chức lập quy hoạch điều chỉnh cục bộ 1/2000 dự án này trong phạm vi Phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 (Quận 8) trình UBND TP.HCM phê duyệt, sau đó thực hiện thủ tục, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư...
Bình Dương đóng cửa bệnh viện dã chiến lớn nhất nước vào cuối tháng 10
Bệnh viện dã chiến Thới Hòa tại thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương), quy mô điều trị lên tới 37.000 bệnh nhân sẽ đóng cửa vào cuối tháng 10 để trả lại nhà xưởng cho doanh nghiệp.
Bệnh viện dã chiến Thới Hòa có quy mô điều trị lên tới 37.000 bệnh nhân |
Theo Sở Y tế Bình Dương cho biết, khoảng 300 bệnh nhân Covid-19 còn lại tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa sẽ được chuyển sang cơ sở điều trị khác. Ngoài bệnh viện này, Tỉnh cũng giải thể, trả lại cơ sở vật chất trường học, trung tâm văn hóa... ở các huyện trước đó trưng dụng làm khu cách ly tập trung, khu điều trị. Hiện nay, số F0 nhập viện mỗi ngày nhỏ hơn rất nhiều so với số ca xuất viện. Dịch ở địa bàn đã được kiểm soát.
Bệnh viện dã chiến Thới Hòa được lập đầu tháng 8 khi số ca Covid-19 ở Bình Dương liên tục tăng mạnh, trung bình mỗi ngày ghi nhận 4.000 - 6.000 ca. Theo phác đồ điều trị, nơi đây chuyên tiếp nhận bệnh nhân nhẹ, triệu chứng trung bình và triệu chứng nặng. Đây được xem là cơ sở điều trị dã chiến lớn nhất nước với đầy đủ trang thiết bị, lúc cao điểm thu dung, điều trị hơn 20.000 F0.
Ngoài các cơ sở y tế cấp huyện còn hoạt động, Bình Dương đang áp dụng chiến lược "trạm y tế lưu động" với vai trò thay cho các khu cách ly, điều trị đã giải thể. Hiện, Bình Dương đưa vào hoạt động 184 trạm y tế lưu động, trong đó có 26 trạm đặt tại cụm, khu công nghiệp.
Đề xuất mở lại 8 tuyến xe buýt ở TP.HCM từ ngày 25/10
Sau 4 tuyến xe buýt hoạt động ở huyện Cần Giờ, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất mở lại 8 tuyến xe buýt khác từ ngày 25/10 để phục vụ người dân đi lại.
Đề xuất mở lại 8 tuyến xe buýt ở TP.HCM từ ngày 25/10 |
Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) Lê Hoàn cho biết, 8 tuyến xe này chạy trên các trục đường chính, lộ trình qua các bến xe, bệnh viện... tại Thành phố. Trung tâm đề xuất mở lại những tuyến này sau khi rà soát, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân và đảm bảo việc phòng chống Covid-19.
Trong 8 tuyến buýt, 5 tuyến sẽ chạy 60 chuyến một ngày cho mỗi tuyến. 3 tuyến còn lại, mỗi tuyến chạy 54 chuyến mỗi ngày. Ngoài 8 tuyến này, Trung tâm sẽ căn cứ tình hình phòng chống dịch, nhu cầu đi lại lên kế hoạch cho các tuyến khác.
Thành phố hiện có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Trước đó, từ ngày 20/6, xe buýt cùng nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng khác tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Chợ Long Biên hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 21/10
UBND phường Phúc Xá vừa có quyết định cho phép chợ Long Biên hoạt động trở lại từ 0h ngày 21/10. Chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn nhất Hà Nội với trên 1.200 hộ kinh doanh.
Chợ Long Biên hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 21/10 |
Phó Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên Nguyễn Văn Loan cho biết, UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) đã ban hành quyết định dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế đối với chợ Long Biên sau hơn 2 tháng áp dụng (từ ngày 3/8) do liên quan đến ca nhiễm SARS-CoV-2. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 21/10, chợ Long Biên bắt đầu hoạt động trở lại.
Ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng phương án hoạt động của chợ nhằm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn khi chợ hoạt động trở lại.
Cụ thể, chợ sẽ hoạt động trở lại theo 3 giai đoạn, trước mắt từ 0h ngày 21/10, khoảng 450 hộ kinh doanh các mặt hàng rau, củ quả, thủy hải sản sẽ được phép hoạt động trở lại.
Các chủ hộ kinh doanh, người lao động tại chợ Long Biên thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm PCR hàng tuần...
Để có thể hoạt động kinh doanh trong chợ, các tiểu thương buôn bán rau, củ quả, hải sản tại chợ phải đáp ứng yêu cầu tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Ban quản lý cấp thẻ có gắn mã QR cho những người hoạt động trong chợ để thuận lợi trong quá trình ra, vào chợ và kiểm tra, giám sát.
Sau khi thực hiện mở cửa giai đoạn 1, trên cơ sở đánh giá hoạt động, Ban quản lý chợ sẽ báo cáo UBND quận Ba Đình tiếp tục cho phép kinh doanh đối với các mặt hàng hoa quả, các mặt hàng không thiết yếu từng bước theo 2 giai đoạn còn lại.
Chuyển hồ sơ sang công an điều tra sai phạm việc phân lô bán nền đất ở Bảo Lộc
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa yêu cầu Thanh tra Tỉnh chuyển hồ sơ sang công an điều tra sai phạm trong việc nhiều khu đất nông nghiệp tại Bảo Lộc bị phân lô bán nền.
Chuyển hồ sơ sang công an điều tra sai phạm việc phân lô bán nền đất ở thành phố Bảo Lộc |
Động thái này được tỉnh Lâm Đồng đưa ra khi Thanh tra Tỉnh vừa có kết luận về trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn.
Kết quả thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, để người dân hiến đất, tự ý xây dựng đường giao thông, đầu tư hạ tầng, công trình công cộng không có thiết kế, nghiệm thu... nhằm mục đích phân lô, tách thửa. Nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp có dấu hiệu vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, huỷ hoại đất.
Một số trường hợp sử dụng đất đã hiến, sau đó tiếp tục xây dựng công trình, làm hàng rào, xây dựng nhà bảo vệ... lấn chiếm đất công.
Theo cơ quan Thanh tra, lãnh đạo TP. Bảo Lộc có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất, hoạt động xây dựng hạ tầng để một số cá nhân tách thửa… Hai năm qua, tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp xảy ra "bát nháo" ở Bảo Lộc làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Dừng kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại 12 chốt cửa ngõ TP.HCM
12 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào TP.HCM chỉ kiểm tra khai báo qua ứng dụng VNEID, chứng nhận tiêm vaccine, không yêu cầu giấy xét nghiệm Covid-19, từ 20/10.
Dừng kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 tại 12 chốt cửa ngõ TP.HCM |
Ngày 20/10, tại chốt kiểm soát gần trạm thu phí Long Phước trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP. Thủ Đức), cảnh sát chỉ yêu cầu người vào Thành phố khai thông tin di chuyển nội địa qua ứng dụng VNEID, kèm chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tương tự, tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 13, đoạn chân cầu Vĩnh Bình (giáp ranh TP Thủ Đức và Bình Dương), ngày 20/10, người dân qua chốt cũng không cần kiểm tra giấy xét nghiệm. Tại đây, lực lượng làm nhiệm vụ cũng tiến hành kiểm soát ngẫu nhiên theo xác suất, nhằm không gây ùn tắc.
Đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM cho biết, việc dừng kiểm tra giấy xét nghiệm ở các chốt nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sau khi Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cụ thể trong tổ chức hoạt động vận tải thuộc lĩnh vực đường bộ.
Theo hướng dẫn này, việc xét nghiệm chỉ thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Các trường hợp khác phải xét nghiệm khi có các triệu chứng: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở. Việc xét nghiệm cũng tiến hành trong trường hợp khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 (nguy cơ rất cao) hoặc vùng phong tỏa.
TP.HCM triển khai 12 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ từ ngày 9/7 - khi áp dụng Chỉ thị 16. Cùng với các chốt này, Thành phố lập hơn 300 chốt phụ trên các tuyến đường nội đô trong thời gian siết chặt giãn cách. Những chốt phụ này đã được tháo dỡ hồi cuối tháng 9, khi Thành phố nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10. Riêng 12 chốt chính vẫn duy trì đến nay.