Bản tin thời sự sáng 21/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp hơn 600 ha; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Bí thư Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường làm Phó ban Đối ngoại Trung ương; TP.HCM rà soát công trình, dự án tồn đọng, chậm tiến độ…

Hà Nội sẽ có thêm 3 khu công nghiệp hơn 600 ha

Ba khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với quy mô hơn 600 ha vừa được Thành phố duyệt nhiệm vụ quy hoạch.

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng là cơ sở để lập đồ án quy hoạch, lập các dự án đầu tư, cấp giấy phép và quản lý đầu tư xây dựng, gắn liền với một dự án cụ thể.

Theo đó, Khu công nghiệp Bắc Thường Tín có quy mô khoảng 137 ha, nằm tại các xã Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, huyện Thường Tín. Dự án hướng tới các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao, cơ khí chế tạo, điện tử.

Khu vực lập quy hoạch gồm đất thương mại, dịch vụ, kho hàng, cây xanh, giao thông, đất an ninh, bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa. Khu này dự kiến thu hút 7.000 công nhân, người lao động. Quỹ đất 8 ha xây dựng nhà ở xã hội dự kiến bố trí tại ô đất ký hiệu C3-2, thuộc xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.

Dự án thứ hai là Khu công nghiệp Phụng Hiệp gần 175 ha, thuộc 4 xã huyện Thường Tín. Khu công nghiệp cũng hướng tới các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, dự kiến thu hút 8.000 người lao động. Khu nhà ở xã hội được bố trí trên quỹ đất rộng 8 ha tại các ô đất ký hiệu A3/NO1 và A3/NO2, huyện Thường Tín.

Khu công nghiệp Sóc Sơn với diện tích lập quy hoạch 324 ha, thuộc xã Tân Dân và Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Dự án hướng tới các ngành công nghiệp sạch, ưu tiên công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ôtô, mỹ phẩm, dệt may.

Khu vực lập quy hoạch gồm đất hành chính, trung tâm điều hành, thương mại, dịch vụ, cơ sở sản xuất. UBND huyện Sóc Sơn đề xuất địa điểm xây nhà ở xã hội cho công nhân nằm tại hai xã Minh Trí và Minh Phú, diện tích khoảng 45 ha.

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp hoạt động, tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy 100%; 1 dự án đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng làm Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Ông Võ Thành Hưng phát biểu khi nhận quyết định giữ chức Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Ông Võ Thành Hưng phát biểu khi nhận quyết định giữ chức Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng

Quyết định của Ban Bí thư được trao cho ông Hưng chiều 20/11.

Theo Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, ông Hưng được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở. Quá trình công tác, ông được đánh giá có kinh nghiệm, khiêm tốn, đảm bảo tốt yêu cầu, nhiệm vụ công việc.

Ông Võ Thành Hưng 51 tuổi, quê Nghệ An, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Bộ Tài chính như: Phó trưởng Văn phòng, Thư ký giúp việc Bộ trưởng; Trưởng phòng, Phó vụ trưởng Ngân sách Nhà nước; Vụ trưởng Tài chính hành chính sự nghiệp; Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước. Ông làm Thứ trưởng Tài chính từ tháng 7/2021 đến nay.

Hiện nay, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng là ông Nguyễn Duy Ngọc; 5 Phó chánh Văn phòng giúp việc gồm bà Lâm Thị Phương Thanh và các ông Lê Khánh Toàn, Bùi Văn Thạch, Phạm Gia Túc, Võ Thành Hưng.

Bí thư Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường làm Phó ban Đối ngoại Trung ương

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó ban Đối ngoại Trung ương.

Ông Nguyễn Mạnh Cường nhận quyết định giữ chức Phó ban Đối ngoại Trung ương, ngày 20/11

Ông Nguyễn Mạnh Cường nhận quyết định giữ chức Phó ban Đối ngoại Trung ương, ngày 20/11

Sáng 20/11, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Cường.

Ông Trung đánh giá, ông Cường có nhiều kinh nghiệm, có năng lực, trình độ chuyên môn với hơn 20 năm công tác lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, ông Cường đã cùng địa phương đạt nhiều kết quả quan trọng, được Tỉnh đánh giá là cán bộ gương mẫu, trách nhiệm cao với công việc, luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Mạnh Cường 51 tuổi, quê Nghệ An; trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông từng trải qua nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao và đối ngoại như: Vụ phó, Viện phó Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại, Học viện Ngoại giao; Vụ trưởng Nghiên cứu tổng hợp, Ban Đối ngoại Trung ương; Phó ban Đối ngoại Trung ương.

Từ tháng 7/2021, ông Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước đến nay.

Ban Đối ngoại Trung ương do ông Lê Hoài Trung làm Trưởng ban; 5 Phó ban là bà Nguyễn Thị Hoàng Vân và các ông Trương Quang Hoài Nam, Ngô Lê Văn, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Mạnh Cường.

TP.HCM rà soát công trình, dự án tồn đọng, chậm tiến độ

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai các biện pháp xử lý các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ; công trình trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được tái khởi công từ ngày 21/6/2024 sau nhiều năm ngưng trệ

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý được tái khởi công từ ngày 21/6/2024 sau nhiều năm ngưng trệ

Kế hoạch này nhằm quán triệt, triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng về sử dụng các nguồn lực, triển khai nhanh các công trình, dự án, không để thất thoát lãng phí, nhất là các dự án tồn đọng, dừng thi công, trụ sở các cơ quan, ngân hàng thương mại nhà nước, các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, các bệnh viện, khu ký túc xá sinh viên… thuộc phạm vi, địa bàn Thành phố quản lý (gọi tắt là công trình, dự án tồn đọng).

UBND TP.HCM yêu cầu, căn cứ theo Công điện 112 ngày 6/11 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát thực tế xử lý các công trình, dự án tồn đọng, tập trung vào 5 nhóm.

Nhóm thứ nhất là các dự án đầu tư, bao gồm các dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Nhóm thứ hai bao gồm các tài sản công như trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Nhóm thứ ba là các tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn góp của Nhà nước, bao gồm cả các dự án do doanh nghiệp FDI thực hiện nhưng sử dụng tài sản công.

Nhóm thứ tư là các dự án vướng mắc pháp lý do thanh tra, điều tra, xét xử. Nhóm cuối cùng là các khu đất lớn tại vị trí đắc địa nhưng chưa được khai thác.

Theo kế hoạch, UBND TP.HCM giao các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phân loại các nhóm dự án, công trình, xác định thẩm quyền, trình tự thủ tục và phân công cơ quan đầu mối thực hiện xử lý vướng mắc (thời gian thực hiện từ ngày 20 - 25/11); xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý vướng mắc cho các công trình, dự án tồn đọng hoặc nhóm công trình, dự án tồn đọng (thời gian thực hiện từ ngày 1 - 31/12).

Đối với các dự án ưu tiên xử lý trong năm 2024, cần tập trung triển khai ngay các thủ tục, biện pháp cần thiết để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Vàng miếng SJC tăng tiếp 700.000 đồng/lượng

So với giá mở phiên đầu tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 1,5 triệu đồng ở cả chiều mua và bán. Phiên ngày 20/11, giá vàng miếng SJC tăng 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC ghi nhận 2 phiên tăng liên tiếp

Giá vàng miếng SJC ghi nhận 2 phiên tăng liên tiếp

Mở phiên sáng 20/11, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 82,7 - 85,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 700.000 đồng ở cả 2 chiều mua và bán so với kết phiên trước đó. Chênh lệch giữa 2 chiều mua và bán duy trì ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Theo đà tăng của giá vàng miếng, vàng nhẫn tròn trơn tăng 700.000 đồng ở chiều mua và tăng 500.000 đồng ở chiều bán ra, hiện được niêm yết tại 82,7 - 84,9 triệu đồng/lượng (mua - bán).

Đà tăng của giá vàng trong nước đồng pha với giá thế giới. Giá kim loại quý rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam) giao dịch tại 2.631 USD/ounce, tăng 22 USD so với trước đó. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết chưa tính thuế, phí vào khoảng 80,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng ghi nhận 2 phiên tăng liên tiếp, đạt mức cao nhất trong một tuần khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Trong khi, các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu quan trọng về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Công viên hồ Phùng Khoang (Hà Nội) dự kiến hoàn thành dịp Tết 2025

Chậm nhất ngày 15/12, quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân bàn giao mặt bằng để hoàn thiện Dự án công viên hồ Phùng Khoang dịp Tết 2025, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu.

Công viên hồ Phùng Khoang nhìn từ trên cao

Công viên hồ Phùng Khoang nhìn từ trên cao

Sáng 20/11, UBND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Thành phố về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm Trưởng ban.

Ngay sau lễ công bố, Ban Chỉ đạo nghe báo cáo tình hình triển khai, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng công viên hồ Phùng Khoang, thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân. Dự án chậm tiến độ, nhiều hạng mục hoàn thành nhưng chưa đưa vào hoạt động và duy tu nên có dấu hiệu xuống cấp, nhếch nhác.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, công viên hồ Phùng Khoang rộng 11,8 ha, được khởi công năm 2016 và là công trình thuộc Dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang. Đến nay, 15 hạng mục đã hoàn thành, 8 hạng mục đang thi công và 6 hạng mục chưa làm (sân bóng rổ, sân chơi trẻ em, cổng vào, nhà phụ trợ đa năng, dịch vụ đồ lưu niệm).

Vướng mắc chủ yếu là còn khoảng 10.000 m2 chưa giải phóng mặt bằng do khó khăn trong xác định nguồn gốc đất, chủ đầu tư và chính quyền chưa quyết liệt. Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư (Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng đô thị) giải thích phải điều chỉnh quyết định đầu tư do liên quan đến thay đổi chính sách.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Tuấn giám sát tiến độ giải phóng mặt bằng của quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, chậm nhất 15/12 phải bàn giao mặt bằng. Các bên liên quan vừa giải phóng mặt bằng, vừa tổ chức thi công những phần còn lại.

"Công viên phải hoàn thành, mở cửa phục vụ nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Quận Nam Từ Liêm nghiên cứu tổ chức bắn pháo hoa đêm 30 Tết ở công viên để người dân được thụ hưởng", Chủ tịch UBND Hà Nội nói.

TP.HCM muốn xóa nợ quá hạn cho người nghèo

TP.HCM muốn dùng ngân sách để xử lý các khoản vay hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo hoặc bị thu hồi đất nhưng quá hạn, khó thu hồi.

Người gặp khó khăn ở TP.HCM nhận cơm từ thiện đợt Covid-19 bùng phát

Người gặp khó khăn ở TP.HCM nhận cơm từ thiện đợt Covid-19 bùng phát

Nội dung được nêu trong báo cáo của UBND TP.HCM vừa gửi Thủ tướng về vướng mắc trong xử lý các khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhóm thuộc diện chính sách ở TP.HCM như người nghèo, dân bị thu hồi đất được vay vốn tạo việc làm từ ngân sách địa phương và Quỹ quốc gia về tạo việc làm. Nguồn vốn được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo chính quyền TP.HCM, Chính phủ có quy định về các trường hợp vay vốn được xóa nợ (mất khả năng lao động vĩnh viễn; thiệt hại tài sản vì thiên tai, dịch bệnh...). Địa phương cũng có nhiều khoản vay khó thu hồi nhưng không đáp ứng được tiêu chí.

Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP.HCM thống kê có gần 4.000 hồ sơ vay 82 tỷ đồng qua nhiều năm xử lý nhưng không thể thu hồi, cũng không đáp ứng tiêu chí xóa nợ theo quy định hiện nay.

Từ thực tế trên, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương xử lý các khoản nợ bị rủi ro mà nguyên nhân phát sinh từ các yếu tố đặc thù từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tính đến tháng 6 năm nay, TP.HCM gần 21.500 hộ nghèo, cận nghèo với gần 87.000 nhân khẩu. So với cả nước, tiêu chí chuẩn nghèo và cận nghèo của TP.HCM cao hơn. Hộ gia đình được xác định nghèo khi thu nhập của mỗi cá nhân trong hộ dưới 46 triệu đồng mỗi năm (tiêu chuẩn quốc gia là 24 triệu đồng) và thiếu hụt 13 chỉ số như bảo hiểm, y tế, giáo dục... (tiêu chuẩn quốc gia là 12). Giai đoạn 2021 - 2025, Thành phố đặt mục tiêu giảm nghèo thông qua hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao thu nhập... với tổng kinh phí thực hiện hơn 13.200 tỷ đồng.