Giá xăng ngày 21/12 có thể giảm tiếp
Mỗi lít xăng trong kỳ điều hành ngày 21/12 có thể giảm 300 - 500 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ.
Giá xăng dầu dự báo giảm. Ảnh minh hoạ |
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng dầu bình quân trên thị trường Singapore đến ngày 15/12 giảm nhẹ, với RON 92 quanh mức 84 USD một thùng, RON 95 là 89 USD, còn dầu quanh 110 - 120 USD một thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho biết, thị trường thế giới vẫn đang đi xuống nên kỳ điều hành tới, giá xăng trong nước có thể tiếp tục giảm. Mỗi lít xăng khả năng giảm 300 - 500 đồng, còn dầu hạ 200 - 500 đồng nếu nhà điều hành không sử dụng Quỹ bình ổn. Ngược lại, nếu cơ quan quản lý trích Quỹ, giá xăng dầu có thể được giữ nguyên.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở phía Bắc cho rằng, xăng E5 RON 92 sẽ giảm về dưới 20.000 đồng một lít, còn dầu diesel về 21.000 đồng. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Tại kỳ điều hành 12/12, xăng, dầu đều giảm trên 1.000 đồng, đưa giá xăng về mức thấp nhất từ đầu năm. Theo đó, xăng RON 95-III về 21.200 đồng; E5 RON 92 còn 20.340 đồng. Dầu diesel giảm 1.540 đồng, về 21.670 đồng; dầu hỏa là 21.900 đồng một lít, tức giảm 1.660 đồng...
Chứng khoán giảm phiên thứ ba liên tiếp
VN-Index giảm hơn 15 điểm lùi về gần 1.020 điểm khi sắc đỏ chiếm ưu thế nhưng điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy đã tham gia mạnh hơn.
VN-Index giảm hơn 15 điểm lùi về gần 1.020 điểm |
Áp lực bán ra vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khi thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 20/12, với sắc đỏ chi phối trên bảng điện.
VN-Index mở cửa gần tham chiếu sau phiên ATO, nhưng nhanh chóng lùi sâu từ giữa phiên sáng. Áp lực bán lan rộng trên toàn thị trường, với những nhóm chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, khiến chỉ số của sàn HoSE giảm mạnh. Ở chiều ngược lại, lực cầu liên tục lùi xuống vùng giá thấp hơn. Trước giờ nghỉ trưa, VN-Index mất mốc 1.020 điểm, giảm hơn 20 điểm so với tham chiếu.
Sang phiên chiều, xu hướng chung vẫn không thay đổi, thậm chí bên bán còn quyết liệt hơn. Lực cung cổ phiếu dâng cao kéo VN-Index có lúc về 1.010 điểm. Dù vậy, khác với diễn biến giảm đột ngột cuối phiên 19/12, lực mua nắm thế chủ động trong nửa sau của phiên chiều 20/12. Khi nhiều cổ phiếu bị ép giảm sâu, bên mua bắt đầu hành động. Dòng tiền vào mạnh kéo thị giá nhiều cổ phiếu bật lên, thu hẹp đà giảm. VN-Index cũng đảo chiều dù chưa trở lại tham chiếu.
Đóng cửa, VN-Index thu hẹp đà giảm còn hơn 15 điểm (1,47%), dừng ở mức 1.023,13 điểm. VN30-Index giảm hơn 20 điểm (1,95%), xuống 1.029,79 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm hơn 2%, còn UPCOM-Index mất hơn 1%.
Sắc đỏ chiếm áp đảo trên bảng điện, với 362 mã giảm trên HoSE, so với 79 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 24/30 mã bluechip đóng cửa dưới tham chiếu.
Thanh khoản thị trường cao hơn trung bình gần đây khi dòng tiền bắt đáy tăng mạnh cuối phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 17.500 tỷ đồng, với nhóm VN30 giao dịch gần 7.000 tỷ. Khối ngoại ngày 20/12 mua ròng đột biến với quy mô hơn 1.700 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện gần 240 doanh nghiệp TP.HCM sai sót về thuế
Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối chiếu 281 doanh nghiệp ở TP.HCM thì có 239 doanh nghiệp sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế, qua đó kiến nghị tăng thu hơn 276 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước phát hiện 26 doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định ở TP.HCM |
Qua kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 tại TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thu ngân sách, chi đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố này.
Qua đó, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 3.294 tỷ đồng, gồm nộp ngân sách nhà nước (NSNN) hơn 361 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi NSNN 2.376 tỷ đồng; giảm lỗ của doanh nghiệp hơn 556 tỷ đồng; kiến nghị khác 1.737 tỷ đồng.
Trong đó, về tuân thủ Luật và chế độ thu tại các đối tượng nộp thuế, cơ quan kiểm toán cho biết, qua đối chiếu 281 doanh nghiệp thì phát hiện có 239 đơn vị sai sót, chưa kịp thời trong việc chấp hành kê khai, nộp thuế; 26 doanh nghiệp có dấu hiệu kê khai thuế chưa đúng quy định. Vì vậy, KTNN kiến nghị tăng thu ngân sách 276 tỷ đồng, giảm số lỗ doanh nghiệp kê khai 556 tỷ đồng.
Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cho biết có 9 doanh nghiệp không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác đối chiếu thuế vi phạm quy định tại Điều 68 Luật KTNN, 2 doanh nghiệp có hoạt động mua bán xăng dầu nhưng không có giấy phép kinh doanh.
Đối với rà soát hồ sơ kê khai giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo Nghị định số 92 của Chính phủ, KTNN cho biết có 352 doanh nghiệp kê khai không đúng đối tượng được giảm theo quy định, số thuế TNDN phải nộp bổ sung 7,7 tỷ đồng.
Sắp đấu giá 2 khu “đất vàng” nghìn tỷ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Hai khu đất này được xem là đẹp nhất TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nằm tại mũi Nghinh Phong thuộc địa bàn phường 2 và ở phường Thắng Tam với giá khởi điểm dự kiến gần 2.700 tỷ đồng.
Khu đất rộng hơn 13,8 ha tại phường 2 nằm trong mũi Nghinh Phong, sẽ được đấu giá với giá dự kiến ban đầu hơn 1.494 tỷ đồng. |
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi các sở, ban ngành về phương án đấu giá quyền sử dụng khu đất rộng hơn 13,8 ha tại phường 2 và khu đất 4,06 ha tại phường Thắng Tam (cùng thuộc TP. Vũng Tàu).
Theo đó, khu đất rộng hơn 13,8 ha tại phường 2 nằm trong diện tích 21,7 ha của mũi Nghinh Phong, có vị trí đắc địa khi nằm giữa 2 cung đường du lịch ven biển nổi tiếng của TP. Vũng Tàu là Thùy Vân - Hạ Long sẽ được đấu giá với giá khởi điểm dự kiến là hơn 1.494 tỷ đồng.
Khu đất còn lại có diện tích hơn 4 ha tại phường Thắng Tam (khu One Opera Complex) có mặt tiền đường ven biển Thùy Vân - Hoàng Hoa Thám, dự kiến giá khởi điểm là 1.191 tỷ đồng.
Liên quan đến khu đất này, trước đây, nhà đầu tư cũ có khiếu nại các vấn đề liên quan đến chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch chi tiết, nguồn gốc, quản lý sử dụng đất, tài sản trên đất, điều kiện của người tham gia đấu giá tại phương án đấu giá.
Bộ Công Thương đề nghị làm tiếp hơn 726 MW điện mặt trời
Sau khi rà soát, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho làm tiếp 726 MW của 11 dự án, phần dự án điện mặt trời trước năm 2030, để tránh lãng phí xã hội.
Công nhân vệ sinh các tấm pin tại một dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận. |
Bộ Công Thương vừa trình cấp có thẩm quyền dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Ở lần trình thứ 9 dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030 với 11 dự án, phần dự án điện mặt trời, với tổng công suất hơn 726 MW.
Trong đó, 6 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 452,6 MW là đã hoàn thành, đang chờ giá bán điện mới, gồm: Phù Mỹ 1 (64,75 MW), Phù Mỹ 3 (23,75 MW); Thiên Tân 1.2 (80 MW); Thiên Tân 1.3 (40 MW) và Thiên Tân 1.4 (80 MW) và hơn 172 MW của dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận).
Ngoài ra, 5 dự án, phần dự án với tổng công suất 273,4 MW đã có nhà đầu tư, đang thi công xây dựng; có quyết định thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thu đất, mua bán thiết bị, hợp đồng mua bán điện... Các dự án này gồm: Ngọc Lặc (45 MW), Krông Pa2 (39,2 MW), Phước Thái 2 (100 MW), Phước Thái 3 (50 MW), Đức Huệ 2 (39,2 MW).
Còn lại 12 dự án, phần dự án với tổng công suất hơn 1.634 MW đã có chủ trương và chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm thủ tục chuẩn bị đầu tư, chưa có các quyết định về thu hồi đất, giao đất, hợp đồng thuê đất... nên bộ này đề nghị không phát triển tiếp.
Cùng đó, Bộ Công Thương đề nghị loại khỏi quy hoạch 3 dự án, phần dự án tổng công suất 60 MW, do chủ đầu tư thông báo không tiếp tục thực hiện.
Theo số liệu của cơ quan quản lý năng lượng, đã có 175 dự án điện mặt trời, tổng công suất 15.400 MW được quy hoạch, bổ sung trong 5 năm qua. 96% số dự án tập trung tại miền Trung và miền Nam.
Một doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc thưởng Tết cao nhất 260 triệu đồng
Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân ở các doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó một doanh nghiệp FDI thưởng cao nhất tới 260 triệu đồng/người.
Mức thưởng Tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó một doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người. |
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến 12/12, toàn Tỉnh có 106 doanh nghiệp sử dụng hơn 51.000 lao động báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng Tết năm 2023.
Theo đó, mức thưởng bình quân Tết Dương lịch hơn 1,8 triệu đồng/người; cao nhất là 101 triệu đồng/người thuộc một doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong khu công nghiệp.
Về thưởng Tết Nguyên đán 2023, mức thưởng Tết bình quân ở các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh là hơn 4,6 triệu đồng/người, trong đó một doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, tiền lương doanh nghiệp thực trả năm 2022 trung bình đạt hơn 10,2 triệu đồng/người/tháng; thấp nhất là hơn 3,6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh những doanh nghiệp nỗ lực tạo việc làm, trả lương đầy đủ cho người lao động vẫn còn một doanh nghiệp đang nợ lương của 160 người lao động với số tiền 2,2 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có trên 7.900 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 8 doanh nghiệp nhà nước, gần 7.500 doanh nghiệp ngoài nhà nước và 413 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Có khoảng 76% doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động.
Phá đường dây sản xuất, tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả
Công an tiến hành bắt khẩn cấp Duyên và Phú, đồng thời khám xét nhà hai đối tượng, thu giữ toàn bộ công cụ, phương tiện cả hai sử dụng để sản xuất tiền giả, tài liệu... cùng hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả.
Tang vật tiền giả bị cơ quan điều tra thu giữ. |
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã di lý các đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất, tàng trữ, lưu hành hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả về thành phố Đà Nẵng để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định.
Theo điều tra ban đầu, chị Nguyễn Thị Ph (tạm trú quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) bán cho hai thanh niên 1 điện thoại iPhone 11 Promax với giá 10,2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, chị Ph phát hiện có 10 triệu đồng tiền giả (tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng) nên báo công an.
Cơ quan An ninh điều tra đã khẩn trương truy xét và xác định 2 đối tượng có hành vi lưu hành tiền giả nói trên là Đoàn Văn Dương và Hồ Văn Tiện (cùng trú huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Khám xét khẩn cấp chỗ ở hai đối tượng, công an thu giữ 62 triệu đồng tiền giả (124 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng). Cả hai khai đã lên mạng tìm kiếm thông tin và mua tiền giả từ một đối tượng khác tại thành phố Hồ Chí Minh.
Mở rộng điều tra, công an xác định người bán tiền giả cho Dương và Tiện là Nguyễn Thị Cẩm Duyên và Nguyễn Như Phú, cùng trú huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.
Công an tiến hành bắt khẩn cấp Duyên và Phú, đồng thời khám xét nhà hai đối tượng, thu giữ toàn bộ công cụ, phương tiện cả hai sử dụng để sản xuất tiền giả, tài liệu, giấy tờ giả gồm máy in màu, máy cắt, máy dập, máy tính sử dụng để tạo ra phôi tiền, giấy in tiền, giấy nylon... cùng hơn 1,3 tỷ đồng tiền giả (2.684 tờ tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng).
TP.HCM sẽ bố trí bãi xe giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất
Khu đất 3.500 m2 gần Tân Sơn Nhất sẽ được bố trí cho taxi, xe công nghệ đón trả khách ở sân bay dịp Tết, trước dự báo nơi này đón hơn 120.000 người mỗi ngày.
Khu đất đề xuất làm bãi đậu xe tạm ở gần sân bay Tân Sơn Nhất |
Thông tin được Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Trần Quang Lâm đưa ra khi làm việc với các bên liên quan về kế hoạch phục vụ đi lại dịp Tết Quý Mão 2023. Khu đất này nằm tiếp giáp lối vào ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và góc đường Bạch Đằng - Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình), tổng diện tích hơn 3.500 m2. Địa điểm này trước đó cũng được Tổng công ty Cảng không miền Nam đề xuất cho taxi, xe công nghệ dừng đậu, chờ điều phối vào sân bay đón trả khách nhưng đến nay chưa thực hiện.
Theo ông Lâm, chính quyền Thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu các thủ tục triển khai bãi đậu xe ở nơi này do liên quan tài sản công. Tuy nhiên, trước lượng khách dự báo hơn 120.000 đến sân bay mỗi ngày dịp Tết, Sở GTVT sẽ mời các bên liên quan khảo sát thực tế và sẽ đề xuất Thành phố cho tạm bố trí khu đất làm bãi đỗ cho taxi, xe công nghệ trong thời gian này, để giảm tải cho khu vực.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, khu vực Tân Sơn Nhất là "điểm nóng" nhất về giao thông ở Thành phố dịp Tết sắp tới. Do vậy, cùng với việc tăng các chuyến bay đêm, kết nối giao thông giữa sân bay và bên ngoài cần có kịch bản, phương án điều tiết cụ thể để hạn chế ùn tắc. Trong đó, Thành phố sẽ kéo dài gian hoạt động các tuyến xe buýt và đề nghị các hãng taxi, ôtô công nghệ tăng số lượng xe để giải toả khách ở sân bay.
Trước đó, ông Nguyễn Công Hoàn - Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, việc xây bãi đậu xe ở khu đất trên trên rất cấp thiết, giúp giảm tải cho khu vực.