Bản tin thời sự sáng 23/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là dừng điều chỉnh siêu dự án nghìn tỷ của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội; cựu Đại úy và cựu Trung tá công an lập 47 công ty để buôn lậu; Vũng Tàu tháo dỡ 23 tháp hoa trên đường Lê Hồng Phong; TP.HCM thu được hơn 1.500 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển; Đà Nẵng chi hơn 14,5 tỷ đồng trang trí hoa, điện chiếu sáng dịp Tết 2023…

Dừng điều chỉnh siêu dự án nghìn tỷ của Công ty CP Tuần Châu Hà Nội

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.

Sau hơn thập kỷ triển khai, "Hạ Long trên cạn" giữa lòng Thủ đô vẫn dở dang “mắc cạn”

Sau hơn thập kỷ triển khai, "Hạ Long trên cạn" giữa lòng Thủ đô vẫn dở dang “mắc cạn”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có văn bản gửi Công ty CP Tuần Châu Hà Nội về việc dừng thẩm định hồ sơ điều chỉnh Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội.

Trước đó, vào tháng 6/2021, Chủ đầu tư Dự án đã có văn bản đề xuất cho điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm quy mô diện tích đất dự án xuống 198,64 ha, đồng thời mở rộng mục tiêu, quy mô xây dựng nhà ở.

Bộ KH-ĐT đã lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và TP. Hà Nội trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ KH-ĐT cho biết, đến nay đã nhận được ý kiến của các bộ trên. Tháng 1/2022, Bộ KH-ĐT đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố và Công ty CP Tuần Châu Hà Nội làm rõ một số nội dung về hồ sơ Dự án. Tuy nhiên, Bộ chưa nhận được ý kiến của UBND TP. Hà Nội và giải trình bổ sung hồ sơ Dự án của Chủ đầu tư.

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Công ty CP Tuần Châu Hà Nội lại có văn bản xin rút hồ sơ đề nghị điều chỉnh Dự án khu du lịch, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái Tuần Châu Hà Nội. Vì vậy, Bộ KH-ĐT đã chấp thuận dừng điều chỉnh Dự án theo đề nghị của Công ty.

Đây cũng là 1 trong 80 dự án trong danh sách Hà Nội sẽ rà soát những dự án chậm tiến độ để hàng năm cập nhật vào danh mục thực hiện giai đoạn 2021 - 2030.

Cựu Đại úy và cựu Trung tá công an lập 47 công ty để buôn lậu

Dù là cảnh sát chống buôn lậu nhưng cựu Đại úy Hoàng Duy Tiến và cựu Trung tá Võ Văn Đông đã lập 47 công ty để buôn lậu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật về Việt Nam.

Số hàng lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ

Số hàng lậu bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ

VKSND TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố đối với bị can Hoàng Duy Tiến (cựu Đại úy) và Võ Văn Đông (cựu Trung tá của Đội Phòng, chống buôn lậu thuộc Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM) cùng 24 đồng phạm về tội “Buôn lậu”.

Theo truy tố, Tiến là cán bộ đội phòng, chống buôn lậu của Phòng PC03 nên am hiểu chính sách của Nhà nước trong việc cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng từ nước ngoài về để phục sản xuất tại chính doanh nghiệp nhập. Từ đó, Tiến đã cấu kết cùng nhiều người khác thiết lập một đường dây buôn lậu quy mô.

Tiến và đồng phạm đã lập 47 công ty, do 15 cá nhân đứng tên đại diện pháp luật để dùng pháp nhân nhập hàng. Công an đã điều tra, làm rõ các công ty này thực tế không có hoạt động kinh doanh.

Tiến chỉ đạo dùng các pháp nhân công ty của nhóm mình để nhập hàng hoá làm máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, từ Nhật Bản, Trung Quốc về rồi bán lại kiếm lời.

Tiến và đồng phạm đã điều chỉnh thông tin trên hồ sơ để hàng đủ điều kiện nhập khẩu, cấu kết với công ty giám định để lập biên bản giám định, cấp giấy chứng nhận sai sự thật. Từ đó, hàng hoá lọt qua được cửa hải quan.

CQĐT xác định, các chủ hàng đã thoả thuận với Tiến để buôn lậu hàng hoá về Việt Nam, bán lại kiếm lời, chứ không phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Theo đó, từ tháng 9/2019 đến ngày 24/5/2021, Tiến và đồng phạm sử dụng pháp nhân của 47 công ty, mở 1.146 tờ khai hải quan, nhập lậu 1.280 container hàng hoá về Việt Nam, với tổng giá trị lên đến 211 tỷ đồng.

Ngày 24/5/2021, lực lượng Phòng PC03 - Công an TP.HCM phối hợp cùng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực I thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã kiểm tra, bắt giữ 7 container hàng hoá trong đường dây buôn lậu trên.

Vũng Tàu tháo dỡ 23 tháp hoa trên đường Lê Hồng Phong

23 tháp hoa bằng thép cao 7 m, trị giá hơn 4 tỷ đồng lắp ở dải phân cách đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị cho phá vỡ không gian kiến trúc được tháo, đưa đến công viên.

Tháp hoa được cẩu lên xe chở đi

Tháp hoa được cẩu lên xe chở đi

Ngày 22/11, ông Trần Quốc Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 TP. Vũng Tàu (chủ đầu tư) cho biết, việc tháo dỡ các tháp hoa màu xanh bắt đầu từ hai hôm trước. Sau khi tháo các ốc vít cố định với đế bằng bêtông, các tháp hoa được chuyển đến vị trí mới. Các trụ tháp được đưa về các khu vực có không gian rộng như công viên và sẽ có phương án trang trí phù hợp.

Các tháp hoa vừa tháo dỡ nằm trong Dự án cải tạo vỉa hè đường Lê Hồng Phong, với tổng cộng 43 cái, trị giá 8 tỷ đồng được lắp đặt trên dải phân dài 2,1 km. Công trình còn lát đá hoa cương vỉa hè toàn tuyến, sơn các trụ đèn chiếu sáng, làm các vịnh đậu xe rộng 1.300 m2, đáp ứng 55 ôtô, 70 xe máy, xe đạp đỗ cùng lúc. Toàn bộ Dự án có tổng kinh phí 76 tỷ đồng.

Hồi tháng 6, sau khi 23 tháp hoa được lắp đặt, bị nhiều người cho là không phù hợp vì "phá vỡ không gian kiến trúc". Sau đó, chính quyền TP. Vũng Tàu yêu cầu dừng thi công để rà soát và lấy ý kiến người dân.

TP.HCM thu được hơn 1.500 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển

Sau hơn 7 tháng triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, TP.HCM thu được hơn 1.500 tỷ đồng.

TP.HCM triển khai thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4/2022

TP.HCM triển khai thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1/4/2022

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có báo cáo UBND Thành phố kết quả thu phí hạ tầng cảng biển sau hơn 7 tháng triển khai.

Từ ngày 1/4/2022, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển với mức thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan...).

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từ đầu tháng 8, TP.HCM giảm mức phí cho hàng vận chuyển bằng đường thủy nội địa, doanh nghiệp làm tờ khai ở địa phương khác và miễn thu với một số loại hàng.

Tính đến ngày 10/11, sau hơn 7 tháng triển khai thu phí hạ tầng cảng biển, tổng nguồn thu đạt hơn 1.561 tỷ đồng. Số tiền TP.HCM đã miễn, giảm cho các doanh nghiệp là hơn 293 tỷ đồng.

Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Mới đây, Sở GTVT đã đề xuất UBND TP.HCM bổ sung hơn 30.500 tỷ đồng vào kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 để làm 11 dự án giải quyết ùn tắc, tăng kết nối cảng biển.

Nhiều sai phạm ở công trình 140 tỷ đồng trên vịnh Bái Tử Long

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ ra nhiều sai phạm tại Dự án vùng sản xuất giống nhuyễn thể như xây dựng công trình khi chưa được giao đất, quyết toán nhầm lẫn.

Năm 2020, các hạng mục cơ sở hạ tầng của dự án đã hoàn thiện, nhưng sau đó để hoang

Năm 2020, các hạng mục cơ sở hạ tầng của dự án đã hoàn thiện, nhưng sau đó để hoang

Theo kết luận mới ban hành của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã khởi công xây dựng công trình thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn vào tháng 6/2016 khi chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định giao đất, không lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo chỉ đạo.

Sở để cho đơn vị quản lý dự án định vị, xây dựng công trình không đúng quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/2.000 mà UBND Tỉnh phê duyệt. Gần 300 ha diện tích mặt nước để sử dụng trong Dự án cũng chưa được loại khỏi đất Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT mức hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bằng 100% là chưa đúng quy định.

Nhà thầu thi công và đại diện chủ đầu tư còn nghiệm thu, quyết toán chưa chính xác, nhầm lẫn các hạng mục giao thông, kho bãi, cấp nước sinh hoạt chung... hơn 290 triệu đồng; tính toán thừa, nhầm lẫn trong gói thầu xây dựng hệ thống nước mặt hơn 380 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh kiến nghị chủ đầu tư kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan đến Dự án.

Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn, nằm trên vịnh Bái Tử Long, do Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2011, tổng mức đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Dự án được giao cho Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

Năm 2020, Dự án hoàn thành phần hạ tầng do ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, các hạng mục trại sản xuất giống, kè chống sạt lở khu vực sản xuất, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, thiết bị kiểm định giống... chưa được thực hiện nên Dự án vẫn bỏ không.

Đà Nẵng chi hơn 14,5 tỷ đồng trang trí hoa, điện chiếu sáng dịp Tết 2023

Nhằm trang trí, tạo các điểm tham quan vui chơi cho nhân dân trên địa bàn thành phố cũng như du khách trong các ngày lễ Tết năm 2023, UBND TP. Đà Nẵng sẽ đầu tư Dự án Trang trí hoa - điện chiếu sáng phục vụ Tết năm 2023 với tổng mức đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng.

Đà Nẵng chi hơn 14,5 tỷ đồng trang trí hoa, điện chiếu sáng dịp Tết 2023

Đà Nẵng chi hơn 14,5 tỷ đồng trang trí hoa, điện chiếu sáng dịp Tết 2023

Dự án Trang trí hoa - điện chiếu sáng phục vụ Tết năm 2023 do UBND TP. Đà Nẵng quyết định chủ trương đầu tư, có 9 vị trí gồm: Trung tâm Hành chính, đường Thành Điện Hải; vỉa hè phía Đông 42 Bạch Đằng (trước cầu chữ T); vỉa hè trước 72 Bạch Đằng; trang trí hoa Quảng trường phía Bắc đuôi Cầu Rồng (phía quận Hải Châu); Quảng trường phía Nam đuôi Cầu Rồng (phía quận Hải Châu); vỉa hè trước số 12 Trần Phú; trước vỉa hè 32 Bạch Đằng; trước vỉa hè 23 Trần Phú; Quảng trường phía Bắc đầu Cầu Rồng (phía quận Sơn Trà).

Đà Nẵng cũng sẽ trang trí điện chiếu sáng Tết năm 2023 tại 4 vị trí. Trong đó, các đơn vị sẽ thay mới khung hoa văn đường, duy tu, sửa chữa khung hoa văn trụ đèn đường Thành Điện Hải; duy tu, sửa chữa khung hoa văn đường Võ Nguyên Giáp gần Hồ Xuân Hương; duy tu, sửa chữa khung hoa văn treo trụ điện đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Phú; khung hoa văn treo trụ điện đoạn Bảo tàng Chăm - cầu vượt Trần Thị Lý - Tượng đài 2/9.

Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch năm 2022

Tính đến tháng 10 năm 2022, thu ngân sách của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đạt 131,4% dự toán, tăng 31,72% so với chỉ tiêu Trung ương giao.

10 tháng của năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chuyển biến tích cực

10 tháng của năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chuyển biến tích cực

Trong đó, thu ngân sách nội địa đạt 38.023 tỷ đồng, vượt 17,62% so với kế hoạch. Lớn nhất trong thu ngân sách nội địa là từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 15.500 tỷ đồng. Tiếp đến là thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương với hơn 5.800 tỷ đồng. Khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh hơn 3.900 tỷ đồng...

Trong 10 tháng của năm 2022, các lĩnh vực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước và cao hơn bình quân cả năm gồm: sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú tăng với mức tăng trưởng từ 10 - 37%... Riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu cũng tăng 9,96 - 13,01% so với cùng kỳ.

Bộ Công an phá đường dây cá độ bóng đá trên mạng 30.000 tỷ đồng

Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) vừa phối hợp với các Cục nghiệp vụ, Công an TP.HCM, Công an Đồng Nai, triệt phá đường dây cá độ bóng đá trên mạng với số tiền giao dịch 30.000 tỷ đồng.

Bộ Công an bắt giữ 14 đối tượng có vai trò chủ chốt trong đường dây cá độ bóng đá quy mô cực lớn.

Bộ Công an bắt giữ 14 đối tượng có vai trò chủ chốt trong đường dây cá độ bóng đá quy mô cực lớn.

Qua điều tra, theo dõi, ngày 21 và 22/11, các lực lượng phối hợp do Cục Cảnh sát hình sự làm chủ công đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 14 địa điểm tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá. Công an đã bắt giữ 14 người và thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Qua điều tra, Cục Cảnh sát hình sự xác định, đường dây cá độ này thực hiện qua các trang mạng "bong88" và "Agbong88", do nhóm người trong nước tổ chức, điều hành.

Nhóm này chia nhiều cấp độ quản lý khác nhau, hoạt động rộng khắp các tỉnh thành, phân chia nhiều tài khoản để giao trang cho các đại lý cấp dưới, cho khách đánh bạc.

Việc chung chi thắng - thua được các đối tượng thực hiện trực tiếp hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng theo quy ước riêng.

Cục Cảnh sát hình sự bước đầu làm rõ, đường dây đánh bạc này hoạt động khoảng 3 năm nay, số tiền thắng - thua cực lớn. Tính đến thời điểm bị triệt phá, số tiền giao dịch qua đường dây này lên gần 30.000 tỷ đồng.