Bản tin thời sự sáng 23/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Cục Hàng không kiểm tra khẩn việc phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất; vàng SJC lên mức cao nhất từ trước tới nay 124 triệu đồng/lượng; Đồng Nai sắp xếp chỗ ở cho khoảng 1.600 cán bộ Bình Phước về làm việc; Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế tiêu thụ với bia, rượu sang 2027…

Cục Hàng không kiểm tra khẩn việc phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 22/4, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra tình hình khai thác phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Người dân, du khách xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Người dân, du khách xếp hàng chờ làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất

Quyết định được ban hành trong bối cảnh hàng loạt chuyến bay bị delay, hành khách phải chờ cả ngày trên nhiều chuyến bay nội địa tại sân bay Tân Sơn Nhất trong 2 ngày trở lại đây.

Về đoàn kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam, theo quyết định sẽ thực hiện kiểm tra trong hạn 5 ngày làm việc tính từ ngày công bố. Đoàn kiểm tra gồm 9 người, do ông Đinh Văn Cung, Chánh thanh tra, Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam là trưởng đoàn.

Vàng SJC lên mức cao nhất từ trước tới nay 124 triệu đồng/lượng

Chiều 22/4, giá vàng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng 3 triệu đồng/lượng, nếu tính từ đầu phiên giao dịch giá vàng SJC đã tăng 6 triệu đồng/lượng trong ngày, hiện vàng SJC giao dịch là 122 - 124 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Vàng SJC lên mức cao nhất từ trước tới nay 124 triệu đồng/lượng

Vàng SJC lên mức cao nhất từ trước tới nay 124 triệu đồng/lượng

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng mua vào ở mức 122 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 124 triệu đồng/lượng, so với đầu phiên giao dịch, giá vàng SJC tăng 3 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC đang là 2 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 120,5 - 122,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với đầu phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua - bán vàng DOJI đang là 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn chiều ngày 22/4 được SJC niêm yết ở mức 116,5 - 119,5 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với đầu phiên.

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn được DOJI niêm yết ở mức 116,9 - 119,9 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên giao dịch cùng ngày.

Chiều 22/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 3.475,7USD/oz, tăng 21 USD/oz so với đầu giờ sáng.

Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank ngày 22/4: 1 USD = 26.090 VND, giá vàng thế giới tương đương 109,25 triệu đồng/lượng, thấp hơn 14,75 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC bán ra ngày 22/4/2025.

Đồng Nai sắp xếp chỗ ở cho khoảng 1.600 cán bộ Bình Phước về làm việc

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tỉnh Đồng Nai, khoảng 1.600 cán bộ, công chức từ Bình Phước về làm việc sau khi sáp nhập tỉnh.

Nhà ở xã hội A6-A7 tại trung tâm TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

Nhà ở xã hội A6-A7 tại trung tâm TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai

Qua rà soát đất trụ sở do các sở, ban, ngành, hội đoàn thể đang quản lý và sử dụng, Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai thống kê có 467 trụ sở là cơ quan cấp tỉnh và cơ sở sự nghiệp thuộc cơ quan cấp tỉnh đang quản lý, sử dụng và đề xuất giữ lại tiếp tục sử dụng trong thời gian tới. Có 13 trụ sở UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện thu hồi, đến nay xử lý được 4 trụ sở, còn lại 9 trụ sở chưa thu hồi.

Đối với trụ sở dôi dư và các khu đất UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh quản lý, hiện có 5 trụ sở có thể sửa chữa làm nhà công vụ cho cán bộ công chức; có 6 trụ sở có thể duy tu, sửa chữa để sử dụng làm trụ sở làm việc sau khi sáp nhập tỉnh; có 7 trụ sở các cơ quan, đơn vị đang sử dụng nhưng chưa hết công năng, sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy chính trị, các trụ sở này không còn phù hợp, phải bố trí, sắp xếp lại.

Về nhà ở, tỉnh Đồng Nai có 2 nguồn để đáp ứng số lượng 1.600 công chức, cán bộ của Bình Phước về làm việc. Nguồn thứ nhất là 3 dự án nhà ở đang triển khai trên địa bàn TP. Biên Hòa gồm 2 dự án nhà ở xã hội với quy mô lần lượt là 1.100 căn và 1.200 căn cùng 1 dự án chung cư cao tầng với 1.100 căn hộ.

Nguồn thứ 2 là Tỉnh sẽ thực hiện sửa chữa trụ sở làm việc thành nhà công vụ tạm thời phục vụ cho cán bộ công chức. Trước mắt là lựa chọn trụ sở làm việc không có nhu cầu sử dụng, kể cả các ký túc xá trường học, trụ sở do Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh quản lý để sửa chữa thành nhà ở.

Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, trước ngày 10/5, các đơn vị rà soát, lập hồ sơ sữa chữa để đưa 6 trụ sở tiếp tục sử dụng sau sáp nhập. Cùng với đó, làm việc với 7 đơn vị đang sử dụng trụ sở nhưng chưa hết công năng để thống nhất sắp xếp gọn lại; xác định số lượng còn dư, nghiên cứu chuyển sang làm nhà công vụ.

Đối với nhà ở, ông Đức yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương xử lý về vấn đề giấy phép di dời vật liệu san lấp, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giấy phép môi trường... để các chủ đầu tư dự án nhà ở đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, tạo nguồn nhà ở cho cán bộ công tác lâu dài tại Tỉnh.

Bộ Tài chính đề xuất lùi tăng thuế tiêu thụ với bia, rượu sang 2027

Bộ Tài chính đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sang năm 2027, thay vì 2026 như kế hoạch.

Bộ Tài chính đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sang năm 2027

Bộ Tài chính đề xuất lùi lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu sang năm 2027

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.

Tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt tổ chức ngày 22/4, ông Lưu Đức Huy, Phó Cục trưởng Quản lý Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan này đã đề xuất Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội - cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự luật - giãn lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng, trong đó có bia, rượu.

Cụ thể, cơ quan quản lý đề xuất giãn lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng này sang 2027, thay vì 2026 như dự kiến ban đầu.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất thực hiện theo phương án tăng thuế "đỡ sốc" cho doanh nghiệp. Theo phương án này, rượu từ 20 độ trở lên dự kiến tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% trong 5 năm. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60%, bia cũng tăng từ 65% hiện nay lên 90% trong cùng giai đoạn.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, đề xuất này đưa ra trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách mới về thuế quan và được hoãn trong 90 ngày, nhưng dự kiến tác động mạnh tới kinh doanh và tâm lý các doanh nghiệp.

Theo một báo cáo công bố năm nay của hãng nghiên cứu thị trường EMR Claight, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam năm 2024 đạt 15,5 tỷ USD.

Năm ngoái, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4,4 tỷ lít (xấp xỉ năm 2023). Mức tiêu thụ nước giải khát 4,7 tỷ lít, tăng 4,8% so năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA).

Ngành này đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt trên 40.000 tỷ đồng. Ba năm gần đây, lợi nhuận bình quân toàn ngành giảm, từ 12% trong 2021 xuống còn 10% vào 2023. Thu ngân sách giảm bình quân 10% mỗi năm.

Khánh Hòa đề xuất hỗ trợ chỗ ở cho 1.451 cán bộ sau sáp nhập

Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa đề xuất sau khi sáp nhập với Ninh Thuận sẽ bố trí chỗ ở cho lãnh đạo, cán bộ là căn hộ, khu nhà ở cải tạo, và hỗ trợ chi phí đi lại.

Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa (TP. Nha Trang) dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025

Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa (TP. Nha Trang) dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025

Theo phương án sắp xếp vừa được Sở Tài chính hoàn tất, dự kiến cán bộ, công chức, viên chức Ninh Thuận tiếp tục làm việc khi sáp nhập tỉnh là 1.451 người.

Các lãnh đạo tỉnh và cấp sở dự kiến được bố trí nhà công vụ khép kín bao gồm phòng ngủ, khách, bếp, vệ sinh. Vị trí chỗ ở dự kiến nằm ở nhà khách Tỉnh ủy được cải tạo, với kinh phí 20 tỷ đồng, đưa vào sử dụng cuối năm 2025.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người đủ điều kiện được bố trí chỗ ở sẽ đề xuất vị trí phù hợp ở thành phố Nha Trang. Họ sẽ ở tại các căn hộ, khu nhà ở, các khu ký túc xá cải tạo lại thành nhà công vụ. Trường hợp không đủ điều kiện thì đề xuất cho thuê nhà ở xã hội.

Sở Tài chính cũng đề xuất UBND Tỉnh bố trí xe để cán bộ công chức lựa chọn phù hợp với nguyện vọng cá nhân như: xe công vụ cơ quan tự sắp xếp hoặc tự thuê đưa đón; tự túc dùng xe cá nhân và được hỗ trợ chi phí di chuyển; sử dụng xe buýt đón trả hàng tuần theo lộ trình do UBND Tỉnh sắp xếp; sử dụng tàu hỏa và hỗ trợ chi phí đi lại.

Hiện, trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa tại TP. Nha Trang được thi công dần hoàn thiện, dự kiến đưa vào sử dụng vào tháng 10/2025. Địa phương cũng đang lập dự án cải tạo trụ sở làm việc Tỉnh ủy hiện hữu ở đường Trần Hưng Đạo (TP. Nha Trang) để bổ sung nơi làm việc cho các phòng, ban; dự kiến đưa vào sử dụng trong năm nay.

Nơi sở làm việc của sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Hội quần chúng cấp tỉnh, sẽ bố trí tại các trụ sở cơ quan dôi dư sau sắp xếp trong giai đoạn 2025 - 2027. Đến tháng 5/2027, các sở, ban, ngành sẽ làm việc tại Trung tâm Hành chính tỉnh tại xã Vĩnh Thái (dự kiến tên gọi mới là phường Nam Nha Trang).

Trụ sở hành chính các sở, ban, ngành ở Ninh Thuận, định hướng sẽ sắp xếp một bộ phận thường xuyên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ.

Theo Nghị quyết số 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, tỉnh Khánh Hòa hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận, lấy tên tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

Kinh Bắc đầu tư Khu công nghiệp Phú Bình gần 675 ha tại Thái Nguyên

Dự án Khu công nghiệp Phú Bình (Thái Nguyên) của Kinh Bắc rộng 675 ha với tổng vốn đầu tư hơn 11.492 tỷ đồng.

KCN của Công ty Kinh Bắc

KCN của Công ty Kinh Bắc

Ngày 22/4, Công ty CP Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố thông tin trên thị trường chứng khoán về việc đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Phú Bình. HĐQT công ty đã nhất trí thông nghị quyết để thực hiện đầu tư vào dự án này.

Theo đó, Dự án nằm tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng diện tích 675 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 11.492 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu là 1.723 tỷ đồng, còn lại hơn 9.680 tỷ đồng huy động từ các nhà đầu tư.

Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn sẽ theo tiến độ của Dự án. Chủ đầu tư cho biết, thời gian hoạt động của Dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến trong quý II/2025, Dự án sẽ được chấp thuận thực hiện chủ trương đầu tư.

Trước đó vài ngày, Kinh Bắc cũng công bố về việc công ty con là Công ty TNHH MTV Khu Đô thị Tràng Cát đã đóng tiền sử dụng đất cho Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát. Theo đó, Kinh Bắc đã nộp 6.854 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án này.

Nếu tính cả tiền sử dụng đất đã nộp năm 2020, sau điều chỉnh quy hoạch, số tiền sử dụng đất của Dự án là khoảng 17.794 tỷ đồng.

Dự án Khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát đã được Kinh Bắc triển khai từ năm 2006, hiện đã hoàn thành trước hạn 100% tiền sử dụng đất.

Hải quan phát hiện bắt giữ một số vụ buôn lậu, vận chuyển vàng trái phép

Lực lượng hải quan đã phát hiện 2 người nước ngoài vận chuyển 3 miếng kim loại nghi là vàng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Hải quan Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện 1 người nước ngoài mang miếng kim loại hình chữ nhật, màu vàng, khối lượng khoảng 1kg, không khai báo hải quan khi nhập cảnh vào Việt Nam

Hải quan Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài phát hiện 1 người nước ngoài mang miếng kim loại hình chữ nhật, màu vàng, khối lượng khoảng 1kg, không khai báo hải quan khi nhập cảnh vào Việt Nam

Ngày 22/4, Cục Hải quan cho biết, Hải quan Cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện bắt giữ một số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại.

Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã thu thập thông tin quản lý rủi ro đối với hành khách trọng điểm, chuyến bay trọng điểm, trao đổi với hãng hàng không cung cấp danh sách hành khách có điểm xuất phát từ các quốc gia rủi ro về hàng cấm như châu Phi, Nam Mỹ, Đức, Bỉ, Hà Lan..., tăng cường kiểm tra soi chiếu và rà soát người.

Cụ thể, vào khoảng 15 giờ 20 phút ngày 18/4/2025, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài chủ trì; Đội Kiểm soát Hải quan-Chi cục Hải quan Khu vực 1; Đội Kiểm soát chống buôn lậu số 1 - Chi cục Điều tra chống buôn lậu - Cục Hải quan; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Đội 6) - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp kiểm soát rủi ro, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cùng với việc phân tích hình ảnh soi chiếu hành lý, rà soát bằng máy quét kim loại trên người của nam hành khách Huang Chao Tsun, Đài Loan (Trung Quốc), nhập cảnh trên chuyến bay VJ941 từ Đài Loan về Nội Bài phát hiện có cất giấu theo người 1 miếng kim loại hình chữ nhật, màu vàng, khối lượng khoảng 1kg, không khai báo hải quan khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 10/4/2025, tại sân bay quốc tế Nội Bài, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nữ hành khách Lou Jiaqi (quốc tịch Trung Quốc) vận chuyển 2 miếng kim loại nghi là vàng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Đáng chú ý, đối tượng còn có hành vi phủ lớp bạc bên ngoài 2 miếng kim loại nghi là vàng nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Hiện cơ quan Hải quan đã bàn giao 2 hành khách cùng tang vật, tài liệu có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an thành phố Hà Nội) tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục