Bản tin thời sự sáng 23/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Phó Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá thịt lợn; hai cựu Chủ tịch thành phố Từ Sơn bị bắt; bốn tuyến cao tốc lớn sẽ thu phí không dừng từ 1/8; Louis Land bị phạt do vi phạm công bố thông tin…

Phó Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá thịt lợn

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có ngay biện pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá mặt hàng này.

Người dân mua thịt heo ở khu chợ

Người dân mua thịt heo ở khu chợ

Ông Khái nhấn mạnh, không để thiếu hụt thịt lợn, giá tăng ảnh hưởng tới người dân, gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chỉ đạo này được đưa ra ngày 22/7 trước bối cảnh giá mặt hàng này tăng vọt vừa qua.

Thịt lợn hơi trên thị trường đã tăng 15.000 - 20.000 đồng một kg từ cuối tháng 6 đến nay, lên hơn 70.000 đồng. Chẳng hạn, tại các địa phương miền Bắc, giá thịt lợn hơi ngày 21/7 phổ biến 70.000 đồng, trong khi miền Trung và miền Nam dao động 72.000 - 73.000 đồng mỗi kg.

Giá thịt hơi tăng mạnh đã khiến giá thịt thành phẩm bán tại các chợ đi lên. Hiện giá thịt ba chỉ quanh mức 120.000 - 130.000 đồng/kg; giá sườn thăn 130.000 -140.000 đồng/kg...

Với chỉ đạo này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn được giao cùng địa phương thúc đẩy sản xuất, tái đàn và đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn cả nước đáp ứng đủ yêu cầu tiêu dùng. Việc này sẽ giúp bình ổn giá thịt lợn trên thị trường.

Bộ này cùng với Bộ Công Thương được yêu cầu tăng kiểm soát chợ đầu mối và khâu giết mổ, không để đầu cơ trục lợi đẩy giá.

Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ với thịt lợn.

Hai cựu Chủ tịch thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) bị bắt

Ông Nguyễn Văn Quỹ và Nguyễn Xuân Thanh, cựu Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn, bị bắt với cáo buộc sai phạm liên quan đến đất đai.

Ông Nguyễn Văn Quỹ (phải) và Nguyễn Xuân Thanh

Ông Nguyễn Văn Quỹ (phải) và Nguyễn Xuân Thanh

Ngày 22/7, ông Quỹ, bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, khởi tố, bắt tạm giam để điều tra tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thanh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cựu Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn, bị bắt để điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Quỹ từng là Chủ tịch thị xã Từ Sơn, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy sau đó là Chánh văn phòng HĐND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Ông Thanh trưởng thành từ cán bộ phòng địa chính Từ Sơn, sau đó lần lượt trải qua các chức vụ trước khi là Chủ tịch UBND thị xã Từ Sơn (nay là thành phố). Tháng 3/2021, khi đang là Bí thư huyện ủy Tiên Du, ông Thanh được bầu là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh. Ngày 21/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh miễn trừ thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh với ông Thanh.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh cũng khởi tố ông Nguyễn Văn Hải, Mầu Quang Thắng và Nguyễn Ngọc Sơn, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ông Hải và ông Thắng bị bắt tạm giam, còn ông Sơn bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đây là diễn biến mới khi Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh mở rộng điều tra sai phạm về quản lý đất đai xảy ra tại TP. Từ Sơn, giai đoạn 2012 - 2015.

Bốn tuyến cao tốc lớn sẽ thu phí không dừng từ 1/8

Bốn cao tốc gồm Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ thu phí không dừng toàn tuyến từ ngày 1/8.

Trạm thu phí Cao Bồ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được lắp ETC toàn bộ

Trạm thu phí Cao Bồ trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được lắp ETC toàn bộ

Chiều 22/7, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thử nghiệm vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC), phương tiện qua trạm chỉ mất 6-12 giây.

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ hoàn thành hệ thống ETC vào ngày 26/7, sớm hơn 5 ngày theo yêu cầu của Chính phủ.

Với hai cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai, VEC sẽ hoàn thành lắp đặt vận hành thử nghiệm trước ngày 29/7, đưa vào khai thác từ 0h ngày 1/8.

Cả bốn tuyến cao tốc do VEC quản lý sẽ bắt đầu thu phí không dừng toàn bộ từ ngày 1/8, không bố trí làn hỗn hợp, một dừng như trước. Mỗi trạm thu phí duy trì một làn hỗn hợp để xử lý sự cố.

Đến ngày 20/7, các trạm BOT trên cả nước đã lắp đặt 588 làn ETC. Trong đó, bốn tuyến cao tốc của VEC có quy mô lắp đặt 132 làn tại 28 trạm thu phí, trải dài 490 km ở ba miền Bắc - Trung - Nam. Đây là dự án lắp đặt ETC lớn nhất, triển khai trong 45 ngày.

Đề xuất xây thêm bãi đỗ xe tại sân bay Nội Bài

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh quy hoạch cục bộ sân bay Nội Bài để bổ sung bãi đỗ xe gần nhà ga T1, giảm tình trạng quá tải.

Bãi đỗ xe trước nhà ga T1 đông đúc

Bãi đỗ xe trước nhà ga T1 đông đúc

Theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải, khu đất dự trữ 1,3 ha, gần nhà ga hành khách T1, sẽ được điều chỉnh quy hoạch để xây dựng bãi để xe. Khu này đã được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam giải phóng mặt bằng từ năm 2015, xây hàng rào bảo vệ.

Hiện theo hồ sơ bản vẽ điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét, vị trí khu đất 1,3 ha tiếp tục được sử dụng làm đất dự phòng phát triển.

Đề xuất trên xuất phát từ thực trạng bãi đỗ xe trước nhà ga nội địa T1 đang quá tải. Theo Cục Hàng không Việt Nam, bãi đỗ này rộng khoảng 17.800 m2, bố trí 555 vị trí đỗ ô tô. Vừa qua, số khách qua Nội Bài lập đỉnh, ngày 25/6 đạt hơn 104.000 lượt khách đi và đến. Những ngày đầu tháng 7, con số lên tới 110.000 lượt khách, tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019.

Lượng khách sử dụng phương tiện cá nhân ra vào đón khách tại sân bay cũng tăng đột biến. Tại một số khung thời gian, bãi đỗ ô tô trước nhà ga T1 thường xuyên ùn tắc. Vì thế, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng cần bổ sung bãi đỗ xe khu vực lân cận để giảm tải cho bãi đỗ trước nhà ga T1.

Louis Land bị phạt do vi phạm công bố thông tin

Công ty CP Louis Land vừa bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu của Louis Capital, Louis Land và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Ông Đỗ Thành Nhân, cựu Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings bị bắt vì thao túng giá cổ phiếu của Louis Capital, Louis Land và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 22/7, Ủy ban chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Louis Land vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, doanh nghiệp này bị phạt 100 triệu đồng do không công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 4/3/2021 về việc thoái toàn bộ vốn 57,2 tỷ đồng tại Công ty TNHH Địa ốc Tân Bửu cũng như công bố thông tin không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính năm 2019 đã kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét.

Bên cạnh đó, Louis Land bị phạt thêm 200 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch tại báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán và báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2021. Biện pháp khắc phục hậu quả là công ty phải cải chính thông tin.

Đồng thời doanh nghiệp này cũng bị phạt 70 triệu đồng vì công bố thông tin không đầy đủ nội dung về giao dịch với người có liên quan trong báo cáo tài chính năm 2019, 2020. Tổng mức phạt của Louis Land là 370 triệu đồng.

Trong thời gian qua, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Land đã nhận quyết định từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo. Ngày 6/6, ông Trần Sĩ Chương xin từ nhiệm chức danh Thành viên Hội đồng quản trị kể từ ngày 17/5. Đây là thành viên HĐQT cuối cùng của doanh nghiệp gửi đơn từ nhiệm chức danh ở khối thượng tầng này.

Đề nghị TP.HCM sớm giao mặt bằng xây cầu nối Đồng Nai

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị TP.HCM sớm bố trí 1.470 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, để khởi công cầu Nhơn Trạch qua Đồng Nai, thuộc tuyến Vành đai 3.

Cầu Nhơn Trạch cách vị trí dự tính xây cầu Cất Lái chừng 5 km

Cầu Nhơn Trạch cách vị trí dự tính xây cầu Cất Lái chừng 5 km

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, cùng đường dẫn hai bên dài gần 600 m, có tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Hợp đồng xây dựng công trình đã được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) và công ty của Hàn Quốc ký, dự kiến khởi công trong tháng 7 này. Tuy nhiên, TP.HCM mới giao hơn 1,7 km mặt bằng tuyến chính cho Dự án, còn lại gần 200 m tuyến chính, 790 m các nhánh nút giao chưa hoàn tất.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thành phố sớm hoàn tất thủ tục bố trí kinh khí bồi thường cho phần còn lại của Dự án, với khoảng 1.470 tỷ đồng và bàn giao toàn bộ mặt bằng trong năm nay. Việc này nhằm tránh phát sinh khiếu kiện từ nhà thầu quốc tế khi phải dừng chờ thi công. Ngoài ra, cầu Nhơn Trạch đi qua khu vực địa chất phức tạp, cần nhiều thời gian xử lý nền đất yếu.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, nằm trong Dự án 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc Vành đai 3 TP.HCM. Khi hoàn thành, cầu giúp rút ngắn đường từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua TP.HCM, Bình Dương; hạn chế xe vào nội đô các tỉnh, thành.

Dự án 1A dài hơn 8 km, kết nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng rộng 20,5 - 26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục