Bản tin thời sự sáng 24/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình bị đề nghị kỷ luật; đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng làm hai dự án ở cửa ngõ Bình Dương; Đà Nẵng thu hồi nhiều khu 'đất vàng' để bán đấu giá; TP.HCM sung công quỹ hơn 12.800 xe tang vật; đề xuất đưa Zalo, Telegram vào diện quản lý…

Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình bị đề nghị kỷ luật

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hòa Bình Bùi Đức Hậu bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị kỷ luật do để xảy ra vi phạm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình vừa họp xem xét khi có dấu hiệu vi phạm với Đảng ủy Sở GTVT và cá nhân liên quan.

Theo cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Sở GTVT nhiệm kỳ 2020 - 2025 "đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật". Trong đó, ông Bùi Đức Hậu với trách nhiệm Bí thư Đảng ủy đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc, quyết định phân công nhiệm vụ đối với đảng ủy viên; chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý, để nhiều người vi phạm pháp luật.

Với vai trò là người đứng đầu, ông Hậu chịu trách nhiệm liên đới về những khuyết điểm, vi phạm của Chi bộ và cán bộ, đảng viên, nhân viên Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Do đó, ông bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh xem xét kỷ luật.

Cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy cũng khiển trách Đảng ủy Sở GTVT nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bà Bùi Thị Hòa Bình, Phó giám đốc Sở. Hai Phó giám đốc Lê Ngọc Quản và Vũ Ngọc Sơn phải "nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc".

Bà Bùi Thị Hòa Bình được phân công trực tiếp phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nhưng thiếu kiểm tra, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vi phạm; để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.

Ông Lê Ngọc Quản chưa tham mưu Đảng ủy Sở GTVT tập trung kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, nhất là giám sát trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ông chịu trách nhiệm cùng tập thể Đảng ủy Sở trong kiểm tra, giám sát, quản lý, giáo dục đảng viên.

Ông Vũ Ngọc Sơn phụ trách chi bộ Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, thực hiện chưa nghiêm quy chế làm việc; chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

Đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng làm hai dự án ở cửa ngõ Bình Dương

Dự án nút giao Sóng Thần và nâng cấp đường An Bình kết nối TP.HCM với tổng kinh phí hơn 5.300 tỷ đồng dự kiến được đầu tư nhằm giảm kẹt xe ở cửa ngõ Bình Dương.

Ùn tắc ở khu vực nút giao Sóng Thần

Ùn tắc ở khu vực nút giao Sóng Thần

Thông tin được Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết ngày 23/3. Trong đó, nút giao Sóng Thần dạng cầu vượt qua đường sắt và kết nối đại lộ Độc Lập qua đường An Bình. Tại đây sẽ có đường nhánh kết nối với Quốc lộ 1A hướng cầu vượt Sóng Thần và Linh Xuân.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 2.400 tỷ đồng (Bình Dương chi hơn 1.900 tỷ đồng, số còn lại do TP.HCM chi). Để thực hiện Dự án, khoảng 144 hộ dân bị ảnh hưởng.

Còn Dự án nâng cấp mở rộng đường An Bình dài gần 1,4 km, từ cầu vượt Sóng Thần (TP. Dĩ An, Bình Dương) và kết thúc ở đường Phạm Văn Đồng (TP. Thủ Đức, TP.HCM) với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, phần đường thuộc tỉnh Bình Dương dài gần 1,1 km, kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 170.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Bình Dương cho biết đang hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến phía TP.HCM và Cục Đường sắt để thống nhất triển khai hai dự án này. Sau khi có ý kiến từ các bên liên quan, Sở sẽ trình UBND Tỉnh xin chủ trương đầu tư.

Đề xuất đưa Zalo, Telegram vào diện quản lý

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, dịch vụ OTT như Zalo, Telegram có thể được coi là dịch vụ viễn thông và cần quản lý theo Luật Viễn thông.

Đề xuất đưa Zalo, Telegram vào diện quản lý

Đề xuất đưa Zalo, Telegram vào diện quản lý

Trong tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, dịch vụ cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện, nhắn tin cần được coi là dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet.

Dẫn ví dụ Zalo, Viber, Telegram, Bộ cho rằng, các OTT này đang được sử dụng thay thế dịch vụ viễn thông, được gọi là OTT viễn thông. "Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin", tờ trình có đoạn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất quản lý bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Theo đó, với dịch vụ OTT viễn thông có thu cước, nhà cung cấp trong nước phải có giấy phép, còn nhà cung cấp xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận thương mại với một nhà cung cấp được cấp phép trong nước.

Trường hợp dịch vụ OTT viễn thông không thu cước, nhà cung cấp cần thông báo, đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Riêng nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có quy mô lớn tại Việt Nam, ví dụ theo số người sử dụng, phải có thỏa thuận thương mại hoặc đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến quyền lợi người sử dụng và bảo đảm tuân thủ pháp luật.

Đà Nẵng thu hồi nhiều khu 'đất vàng' để bán đấu giá

Đà Nẵng thu hồi 44 cơ sở nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng để tổ chức đấu giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Nhà, đất tại 79 Lý Thái Tổ, nằm trong danh sách 44 nhà, đất thu hồi để đấu giá.

Nhà, đất tại 79 Lý Thái Tổ, nằm trong danh sách 44 nhà, đất thu hồi để đấu giá.

Ngày 23/3, UBND TP. Đà Nẵng cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị để giao Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý, thực hiện tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá.

Theo đó, UBND Thành phố quyết định thu hồi 44 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất hơn 30.800 m2, tổng diện tích nhà hơn 14.600 m2. Các cơ sở này hiện đang dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại.

Cụ thể, ở quận Hải Châu sẽ thu hồi nhà, đất tại K408/18 đường Hoàng Diệu diện tích đất rộng hơn 493 m2. Tại quận Thanh Khê sẽ thu hồi 2 cơ sở tại số 70 Điện Biên Phủ và số 79 đường Lý Thái Tổ, với tổng diện tích đất hơn 187 m2.

Quận Sơn Trà có 2 cơ sở là trường mầm non Rạng Đông (cơ sở 6) tại 122 Ngô Quyền và Trường mầm non Họa My tại số 7 Nại Nghĩa với tổng diện tích đất hơn 308 m2.

Tại quận Liên Chiểu thu hồi 2 cơ sở với tổng diện tích đất hơn 807 m2.

Ngoài ra, UBND Thành phố cũng thu hồi 37 cơ sở nhà, đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, với tổng diện tích đất hơn 29.000 m2.

UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý 44 cơ sở nhà, đất nêu trên tổ chức bàn giao, tiếp nhận các cơ sở nhà đất. Sau khi tiếp nhận, thực hiện bàn giao lại cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà quản lý.

Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà sau khi tiếp nhận, quản lý đối với 44 cơ sở nhà, đất sẽ tiến hành lập thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND Thành phố phê duyệt.

TP.HCM sung công quỹ hơn 12.800 xe tang vật

Hơn 12.800 phương tiện tang vật, vi phạm hành chính bị Công an TP.HCM sung vào ngân sách nhà nước để bán đấu giá hoặc chờ phương án xử lý.

Xe máy chất đống tại kho tang vật của Phòng CSGT TP.HCM ở huyện Bình Chánh

Xe máy chất đống tại kho tang vật của Phòng CSGT TP.HCM ở huyện Bình Chánh

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, công an đã ký quyết định tịch thu, sung ngân sách 12.845 xe vi phạm hành chính. Trong đó, 3.955 phương tiện đang tổ chức bán đấu giá, còn 8.890 xe được trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản. Ngoài ra, 18.233 xe đã hết thời hạn tạm giữ, đang chờ xác minh xử lý.

Theo quy định, tang vật quá thời hạn tạm giữ mà không xác định được chủ sở hữu, công an phải hai lần thông báo công khai. Hết một năm kể từ thông báo thứ hai (niêm yết công khai), sau 5 ngày không ai đến nhận, xe sẽ bị cấp thẩm quyền tịch thu. Sau đó, công an mới lập phương án xử lý để đấu giá tài sản.

Thượng tá Hà cho biết, thủ tục tịch thu, tiêu huỷ, bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính mất nhiều thời gian, do đó, số xe bị tạm giữ quá lâu, dẫn đến xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí. Thống kê đến 28/2, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) đang tạm giữ 31.511 phương tiện gồm ôtô, xe máy, xe đạp...

Hiện, kinh phí kho bãi để lưu giữ xe tang vật, tạm giữ khá lớn, công an không có quỹ đất chứa tang vật, mà tận dụng mọi cơ sở. Để giảm số phương tiện này, năm 2021 - 2022, Công an TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị lập tổ tham mưu xử lý, và kéo giảm số xe tồn đọng 30 - 40%. Thành phố cũng đề xuất Bộ Công an phân cấp, uỷ quyền trong phê duyệt phương án, rút ngắn thời gian xử lý tang vật.

Công an TP.HCM cũng huy động đơn vị nghiệp vụ phối hợp tăng lực lượng giám định phương tiện. Khi tịch thu, mỗi đơn vị phải xác định số khung, số máy và phải có người giám định…

FLC tiếp tục xin cổ phiếu sớm được giao dịch

FLC mong cơ quản quản lý xem xét để cổ phiếu được giao dịch trên UPCoM trong thời gian sớm nhất.

FLC tiếp tục xin cổ phiếu sớm được giao dịch

FLC tiếp tục xin cổ phiếu sớm được giao dịch

Thông này được Công ty CP Tập đoàn FLC đề xuất trong bản lộ trình khắc phục vấn đề vi phạm công bố thông tin gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Giữa tháng 2, cổ phiếu FLC bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) huỷ niêm yết. Đến cuối tháng, mã này được chuyển sang hệ thống UPCoM, nhưng tiếp tục bị HNX đình chỉ giao dịch ngay sau đó. Sở đã yêu cầu FLC phải giải trình nguyên nhân vi phạm quy định công bố thông tin và đưa ra phương án khắc phục.

FLC cho biết, sau nhiều nỗ lực, Công ty mới tổ chức được phiên họp cổ đông bất thường ngày 4/3 và thông qua nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến Báo cáo tài chính năm 2021. Ban giám đốc FLC đang tiếp tục cố gắng hết sức làm việc với Công ty kiểm toán UHY để phát hành báo cáo này, dự kiến sớm nhất trước 30/4. Trong vòng 20 ngày sau đó, Công ty sẽ công bố báo cáo thường niên 2021.

HĐQT FLC dự kiến triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông 2022 vào giữa tháng 6. Tại phiên họp này, HĐQT sẽ trình Đại hội thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2022. Đến cuối tháng 10, Công ty có thể công bố Báo cáo tài chính bán niên soát xét bán niên 2022.

Doanh nghiệp này mong được cơ quan quản lý xem xét, tạo điều kiện có thêm thời gian để khắc phục các vấn đề theo lộ trình dự kiến nêu trên. Đồng thời, FLC cũng tiếp tục xin cho cổ phiếu sớm được giao dịch bình thường trên hệ thống UPCoM trong thời gian sớm nhất, đảm bảo lợi ích của cổ đông.

Đập phá cây ATM, trộm tiền giữa trung tâm Đà Nẵng

Công an Đà Nẵng đang khám nghiệm hiện trường, truy tìm thủ phạm ngang nhiên đập phá cây ATM để trộm tiền ngay giữa trung tâm thành phố.

Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường

Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường

Ngày 23/3, lực lượng Công an Đà Nẵng khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết để điều tra, truy tìm thủ phạm đập phá cây ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu) để trộm tiền.

Khoảng 15h cùng ngày, trong lúc kiểm tra các cây ATM gặp sự cố, nhân viên Ngân hàng TMCP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn, khu vực đối diện Đại học Đà Nẵng (quận Hải Châu) bị kẻ gian đập phá nên trình báo công an.

Nhận tin báo, Công an Đà Nẵng nhanh chóng đến lấy lời khai nhân chứng, khám nghiệm hiện trường đồng thời trích xuất camera của trụ ATM lẫn hệ thống lân cận để truy tìm thủ phạm.

Đại diện ngân hàng cho hay, kẻ gian nhiều khả năng đã đột nhập, phá hoại trụ ATM từ tối 22/3. Tuy nhiên, vì trụ ATM này gặp sự cố, ngân hàng ưu tiên nạp tiền vào các trụ ATM khác nên đến chiều 23/3 nhân viên đến bảo trì mới phát hiện vụ việc.

Ghi nhận tại hiện trường, phần cabin của máy ATM bị cạy phá, hư hỏng hoàn toàn. Két sắt chứa tiền bị kẻ gian lấy mất, hệ thống điện cũng bị sự cố.

Số tiền bị mất hiện ngân hàng chưa kiểm đếm, xác định được.

Công ty xử lý chất thải tại Bà Rịa - Vũng Tàu bị xử phạt 1,2 tỷ đồng vì vi phạm xả thải

Ngày 23/3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp vì hành vi xả thải ra môi trường vượt gấp nhiều lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Nước suối Giao Kèo chảy ngang qua khu vực này đã rất nhiều lần bị chuyển đậm màu, cũng như bốc mùi hôi thối do bị ô nhiễm. Ảnh minh họa

Nước suối Giao Kèo chảy ngang qua khu vực này đã rất nhiều lần bị chuyển đậm màu, cũng như bốc mùi hôi thối do bị ô nhiễm. Ảnh minh họa

Theo đó, đơn vị bị xử phạt là Công ty TNHH KBec Vina hoạt động tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ.

Theo quyết định xử phạt, đơn vị này đã có hành vi vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên từ 100m3/ngày đến dưới 200 m3/ngày. Trong đó, nitơ vượt 51,42 lần; clorua vượt 10,71 lần; BOD5 (ở 20oC) vượt 7,26 lần; COD vượt 5,18 lần; Mangan vượt 4,54 lần.

Vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết định xử phạt doanh nghiệp này số tiền tổng cộng 1,276 tỷ đồng cho các vi phạm.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị đình chỉ hoạt động xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của công ty ra môi trường trong 4,5 tháng cũng như phải chi trả chi phí phân tích mẫu môi trường do vi phạm.

Trong thời gian tạm ngừng, Công ty TNHH KBec Vina còn phải chuyển giao toàn bộ nước thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải cho đơn vị có chức năng xử lý.