Công ty PouYuen tại TP.HCM tiếp tục cắt giảm khoảng 1.200 lao động
Khó khăn đơn hàng, doanh nghiệp đông lao động nhất TP.HCM là Pouyuen lần thứ ba trong năm giảm công nhân với số lượng hơn 1.200 người.
Công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân sau giờ làm |
Thông tin được bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết sáng 23/8. Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) nêu lý do cắt giảm do đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng.
Dự kiến ở lần giảm lao động này, Công ty cho nghỉ việc 1.221 người có hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 26/8, doanh nghiệp sẽ thông báo với từng công nhân, thông tin các nội dung liên quan như chi trả trợ cấp thôi việc, ngày nhận lương, sổ bảo hiểm xã hội, thủ tục thuế. Chế độ cho người bị cắt giảm tương tự như hai lần trước.
Sau khi hai bên thống nhất thỏa thuận, lao động không phải đến nhà máy vẫn được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp... Trong tháng 9, Công ty sẽ trả sổ bảo hiểm xã hội, hoàn tất các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, chế độ sẽ được chi trả trong vòng 7 ngày tiếp theo.
Từ lúc hoạt động ở TP.HCM từ năm 1996 đến nay, đây là đợt giảm lao động thứ tư của Pouyuen với quy mô lớn lên đến hàng nghìn người. Hồi tháng 6/2020, Công ty cho hơn 2.800 lao động nghỉ việc. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã hai lần giảm lao động với tổng khoảng 8.000 người.
Pouyuen thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất giày, là công ty đông lao động nhất ở TP.HCM. Sau nhiều lần giảm lao động và không tái ký hợp đồng với những người hết hạn, đến nay nhân sự của Công ty còn khoảng 40.000 người, giảm gần một nửa so với lúc cao điểm.
Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết thêm, ngành lao động Thành phố đang theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình tại Công ty. Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp kết nối để giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc.
Nhiều ngân hàng đưa lãi suất tiết kiệm về dưới 6%
4 ngân hàng quốc doanh và một số nhà băng tư nhân vừa đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm về dưới 6% một năm.
Vietcombank vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi |
Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank vừa điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi với mức giảm lên tới 0,5%.
Từ đầu năm tới nay, đây là lần thứ năm nhóm "Big 4" ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất tiết kiệm. Lãi suất tại nhóm quốc doanh hiện giảm về dưới 6% một năm trong khi đầu năm nay niêm yết 7,5 - 8% một năm.
Lãi suất niêm yết tại quầy của 4 "ông lớn" này hiện tương đương nhau. Cụ thể, khách hàng gửi tiền tại quầy kỳ hạn 1 tháng được trả lãi suất 3% một năm, 3 tháng 3,8%, 6 - 9 tháng là 4,7%. Khoản tiền gửi 12 tháng hưởng lãi suất 5,8% một năm.
Còn khi gửi trực tuyến, lãi suất giữa 4 "ông lớn" có chút khác biệt nhưng mức cao nhất hiện cũng chỉ 5,8% một năm.
Bên cạnh đó, có hơn chục nhà băng tư nhân cũng vừa tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất trong vài ngày gần đây. Đây là đợt thứ hai nhóm này giảm lãi suất chỉ riêng trong tháng 8.
Lãi suất tiết kiệm tại một số nhà băng tư nhân như Techcombank, ACB, Techcombank, Eximbank đã về dưới 6% một năm.
Tại ACB, nhà băng này hai lần điều chỉnh biểu lãi suất từ đầu tháng tới nay, đưa lãi suất cao nhất từ 6,7% giảm về còn 5,5% một năm, với các khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng. Chỉ trong vòng một tháng qua, lãi suất niêm yết tại Eximbank cũng giảm từ 7,4% xuống chỉ còn 5,8% một năm.
Các ngân hàng dồn dập giảm lãi suất tiết kiệm trong bối cảnh thừa vốn. Tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 7, theo Ngân hàng Nhà nước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,56% so với đầu năm trong khi định hướng tăng trưởng cả năm là 14 - 15%.
Trong bối cảnh lãi suất đầu vào đã hạ nhiệt nhanh và mạnh, Ngân hàng Nhà nước gần đây yêu cầu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5 - 2%, theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đề xuất ga Sài Gòn thành đầu mối trung chuyển khách
Ga Sài Gòn được đề xuất quy hoạch lại với diện tích 6,85 ha, làm quảng trường, trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa đường sắt tốc độ cao, metro, buýt.
Ga Sài Gòn nhìn từ trên cao |
Nội dung nêu trong báo cáo đầu kỳ quy hoạch các tuyến ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM, được liên danh tư vấn gửi Cục Đường sắt lấy ý kiến thống nhất các bên liên quan. Việc này nhằm quy hoạch chi tiết mạng đường sắt giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, sau khi quy hoạch tổng thể được Chính phủ phê duyệt.
Ga Sài Gòn nằm trên địa bàn Quận 3, thuộc trung tâm TP.HCM. Nơi này rộng khoảng 6,14 ha, là ga cuối của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM. Hiện, nhà ga này có cả tàu chở khách.
Liên danh tư vấn đề xuất quy hoạch lại nhà ga với tổng diện tích khoảng 6,85 ha, gồm tổ hợp nhiều công trình như xây quảng trường bố trí cho ga metro, bến xe buýt, taxi, nơi đậu xe, nhằm phục vụ thu gom và chở khách, hàng hoá.
Theo định hướng này, ga Sài Gòn sẽ trở thành đầu mối trung chuyển khách giữa các đoàn tàu, bao gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tàu khách đường dài, tàu chạy nội vùng... Nơi này cũng là điểm kết nối và trung khách cho Metro số 2 của TP.HCM.
Cùng với ga trung tâm Sài Gòn, khu vực xung quanh được đề xuất quy hoạch lại ba ga đầu mối khác. Trong đó, ga Bình Triệu (TP. Thủ Đức), Tân Kiên (Bình Chánh) là nơi tập trung hành khách phía Bắc và Nam thành phố. Hai nhà ga này có các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng đầu máy, toa xe, liên kết các tuyến đường sắt tốc độ cao, đường sắt nội vùng và được tổ chức chạy tàu kiểu "con lắc" qua ga trung tâm Sài Gòn.
Ga còn lại là Thủ Thiêm (Thủ Đức) sẽ không tổ chức cho tàu khách Bắc - Nam mà là đầu mối của đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt đô thị, cùng các loại hình giao thông công cộng khác. Nơi này dự kiến được xây dựng với diện tích hơn 17 ha.
Ngoài các nhà ga trên, tư vấn đề xuất quy hoạch ba ga hàng hóa chính ở khu vực TP.HCM, gồm ga An Bình (Bình Dương), Trảng Bom (Đồng Nai) và Thạnh Đức (Long An). Ba nhà ga này sẽ là nơi lập các đoàn tàu hàng, trung chuyển hàng hoá cho cả vùng đi về các hướng.
Bộ Công Thương muốn chia tay VEAM, Habeco
VEAM, Habeco và 9 doanh nghiệp được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ bàn giao đồng thời và nguyên trạng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC đến 2025.
Bộ Công Thương muốn chia tay Habeco |
Các doanh nghiệp Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho chuyển Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), gồm các tổng công ty: Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Giấy Việt Nam; Máy và thiết bị công nghiệp; Xây dựng công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra còn có các công ty cổ phần, như: Xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp; Nông thổ sản Việt Nam; Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng; Công ty TNHH MTV Xây lắp thương mại và vật liệu xây dựng BMC; Viện nghiên cứu Dệt may; Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI.
Trong số các đơn vị Bộ Công Thương muốn chuyển về Ủy ban vốn và SCIC, có những doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, như Habeco, VEAM...
Bộ này cũng cho biết, với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu tại 11 doanh nghiệp trên, cơ quan này đã tổ chức, sắp xếp và cơ cấu lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giám sát việc thu cổ tức, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, cũng như nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định.
Cũng tại báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, ngoài đôn đốc các doanh nghiệp lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà đất, cơ quan này đang đẩy nhanh quyết toán cổ phần hóa tại các đơn vị đã cổ phần.
Hiện còn ba đơn vị chưa quyết toán khi chuyển sang công ty cổ phần, gồm Tổng công ty Thép (VnSteel), Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) và Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE).
Cấm xe tải nặng qua cầu Rạch Miễu giờ cao điểm
Cục Đường bộ đồng ý đề xuất của Tiền Giang về cấm ô tô tải từ 3 trục trở lên (trên 24 tấn) qua cầu Rạch Miễu giờ cao điểm thứ Bảy, Chủ nhật nhằm hạn chế ùn tắc.
Cảnh kẹt xe trên cầu Rạch Miễu dịp cao điểm |
Ông Nguyễn Văn Vũ, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Tiền Giang cho biết, theo phương án, ôtô tải hướng Tiền Giang đi Bến Tre không được qua cầu từ 9h đến 11h và từ 15h đến 19h. Xe từ hướng ngược lại không qua cầu từ 15h đến 19h. Thời gian áp dụng đang chờ Cục Đường bộ quyết định.
Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu thông tin 6 tháng đầu năm, lượng xe trung bình qua cầu khoảng 22.000 lượt một ngày đêm, cao điểm cuối tuần tăng lên 24.000 lượt. Do cầu chỉ có hai làn xe, lại độ dốc cao, ôtô tải nặng di chuyển chậm khiến dòng xe phía sau ùn ứ. Đơn vị quản lý cầu phải nhiều lần xả trạm thu phí để giảm ùn tắc.
Cầu Rạch Miễu dài hơn 8,3 km. Những năm gần đây, lượng xe trên Quốc lộ 60 tăng cao khiến cầu thường xuyên kẹt. Tháng 3/2022, Dự án cầu Rạch Miễu 2 dài 17,6 km, tổng vốn 5.200 tỷ đồng, được khởi công. Công trình dự kiến hoàn thành sau ba năm, giúp giảm kẹt xe cho cầu hiện tại.
Quảng Ngãi cho doanh nghiệp bán cát nhiễm mặn sau nạo vét
Thay vì đổ xuống biển Dung Quất, chính quyền Quảng Ngãi cho phép chủ đầu tư bán 900.000 m3 bùn cát nhiễm mặn sau nạo vét để tận dụng khoáng sản.
Luồng vào cảng Hào Hưng ở Khu Kinh tế Dung Quất |
Thông tin được nêu trong quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường Dự án nạo vét khu bến cảng và luồng hàng hải phục vụ Khu kinh tế Dung Quất do Chủ tịch UBND Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ký.
Theo đó, 900.000 m3 bùn, đất, cát nhiễm mặn sẽ được vận chuyển và đổ ở khu vực rộng 50 ha cách nơi nạo vét (gần bờ) khoảng 11 km ở vùng biển Dung Quất. Quá trình nạo vét và nhấn chìm, nếu có đơn vị cần cát để san lấp, chủ dự án được phép ưu tiên cung cấp để tận dụng khoáng sản.
Trước đây, bùn cát từ quá trình nạo vét thường được đổ xuống biển ở vị trí khác, song nhiều chuyên gia cho rằng số bùn, cát này có thể tận dụng thay vì đổ xuống biển.
Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi - Chủ đầu tư dự án nạo vét - cho biết số bùn, cát này có thể tận dụng cho xây dựng, tuy nhiên nhu cầu mua không nhiều. Bên cạnh đó, để bán được doanh nghiệp này phải lập các thủ tục, hồ sơ theo quy định.
Cảng Hào Hưng thuộc Khu kinh tế Dung Quất, hoạt động từ năm 2017, gồm 4 bến cập cho tàu tải trọng 30.000 - 50.000 tấn và các công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác để đáp ứng xuất - nhập khẩu hàng hóa. Do nhu cầu tăng cao, Chủ đầu tư đã đề xuất nâng cấp bến chuyên dùng cho tàu 70.000 tấn cập cảng.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện nạo vét và nhận chìm khi thời tiết tốt, hạn chế làm đục nước; có phương án thu gom chất thải phát sinh trong quá trình nạo vét để hạn chế ảnh hưởng hệ sinh thái; đồng thời bảo đảm an toàn cho các phương tiện.
Xử phạt Công ty Waterfront Đồng Nai 130 triệu đồng vì xây dựng không phép
UBND TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư Dự án khu đô thị tại xã Long Hưng vì xây dựng 2 công trình không có giấy phép.
Một góc Khu đô thị Waterfront Đồng Nai |
Theo đó, UBND TP. Biên Hoà xử phạt Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai số tiền 130 triệu đồng do có hành vi vi phạm là tổ chức xây dựng hai công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định. Cụ thể, công trình trưng bày sản phẩm quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 469 m2 (diện tích sàn xây dựng 603 m2) và công trình nhà bán hàng quy mô 2 tầng với diện tích xây dựng 391 m2 (diện tích sàn xây dựng 895 m2).
Ngoài việc phải nộp tiền phạt, Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai phải dừng thi công công trình vi phạm.
UBND TP. Biên Hòa yêu cầu, trong thời gian 90 ngày, Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai phải hoàn thành hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Nếu hết thời gian trên mà không hoàn thành thì cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định.