Cơ quan CSĐT yêu cầu định giá thiết bị y tế do CDC Khánh Hòa mua sắm
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu định giá các thiết bị y tế mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa đã mua trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2021.
CDC Khánh Hòa |
Ngày 24/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa có công văn gửi Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (TTHS) liên quan đến việc yêu cầu định giá các thiết bị y tế mà CDC Khánh Hòa đã mua trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 từ năm 2020 - 2021.
Theo đó, CSĐT đề nghị cơ quan chức năng xác định giá trị một bộ hóa chất xét nghiệm IVD (2.000 test/bộ) dùng cho tách chiết Acid nucleic “MagMAXTMViral/Pathogen II (MVP II) Nucleic Acid/ Isolation Kit” bao gồm vật tư tiêu hao cung cấp kèm theo tại địa bàn tỉnh Khánh Hòa vào thời điểm các ngày: 23/7/2021, 4/8/2021, 1/9/2021, 11/9/2021 và 14/10/2021.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Tư pháp hỗ trợ thông báo trên hệ thống thông tin đến toàn bộ văn phòng công chứng trên địa bàn Tỉnh, yêu cầu không thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp tài sản liên quan đến 10 cá nhân, trong đó có ông Huỳnh Văn Dõng, Giám đốc CDC Khánh Hòa.
Trong đợt dịch Covid-19 năm 2020 - 2021, CDC Khánh Hòa đã mua 63.280 kit test do Công ty Việt Á sản xuất với số tiền hơn 26,2 tỷ đồng. Trong đó, năm 2020 mua 4.700 kit test với số tiền 2,392 tỷ đồng, năm 2021 mua 58.580 kit test với số tiền 23,823 tỷ đồng. Các đơn vị mua kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất thông qua Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh. Công tác mua sắm kit test tại Khánh Hòa chia làm nhiều đợt với các mức giá từ 367.500 - 509.250 đồng/kit test.
Chính phủ đề xuất gia hạn thí điểm xử lý nợ xấu đến hết năm 2023
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đến hết năm 2023.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài việc thí điểm xử lý nợ xấu đến hết năm 2023 |
Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng có một số chính sách để đẩy nhanh việc thu hồi nợ xấu hơn.
Nhưng sau 15/8, Nghị quyết 42 sẽ hết thời gian thí điểm, tức là việc xử lý nợ xấu sẽ theo Luật Các tổ chức tín dụng, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách.
Trong bối cảnh Covid-19 đã khiến khả năng trả nợ của người vay giảm, nợ xấu tăng mạnh, ngày 24/5, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã đề xuất Quốc hội gia hạn Nghị quyết 42.
Theo Thống đốc, việc không gia hạn Nghị quyết 42 sẽ khiến việc xử lý nợ xấu phát sinh các tranh chấp giữa ngân hàng và khách vay. Khi nợ xấu gia tăng mà không được xử lý nhanh chóng sẽ khó huy động được các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia vào xử lý nợ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 gồm các khoản phát sinh nợ xấu trước ngày 15/8/2017 hoặc vay trước thời điểm này nhưng thành nợ xấu sau đó.
Trong gần 5 năm thí điểm, 380.200 tỷ đồng nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42. Gần 40% trong số này là do khách hàng tự trả nợ. Việc bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đạt 77.200 tỷ đồng.
Bình quân mỗi tháng xử lý khoảng 5.670 tỷ đồng nợ xấu, gấp đôi mức trung bình trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo để nộp thuế ở Việt Nam
Từ 1/6, các khách hàng của Facebook sẽ phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi chạy quảng cáo tại Việt Nam.
Từ 1/6, Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo để nộp thuế ở Việt Nam |
Nội dung này vừa được thông báo chính thức trên trang "Trung tâm trợ giúp doanh nghiệp" của Meta - công ty mẹ Facebook. Chính sách trên được áp dụng với các khách hàng đặt Việt Nam là quốc gia mục tiêu để chạy quảng cáo.
Công ty này khuyến nghị khách hàng thêm mã số thuế Việt Nam trong phần cài đặt thanh toán, dù việc này không bắt buộc để có thể bắt đầu chạy quảng cáo trên Facebook. Khi đã đăng ký VAT và cung cấp mã số thuế thì thông tin sẽ hiển thị trên biên lai quảng cáo của khách hàng. Điều này có thể giúp họ được hoàn một phần thuế VAT đã nộp theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đại diện thuộc Bộ phận Chính sách công của Meta đã có buổi gặp và trao đổi với Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phía Meta cho biết sẽ đăng ký, kê khai và nộp thuế nhà thầu nước ngoài ở Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, ngành thuế các năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook đóng 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ đồng. Riêng năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020.
Thêm thuốc molnupiravir nội được cấp phép
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa cấp phép khẩn cấp thêm thuốc molnupiravir liều lượng 200 mg do Công ty Stellapharm Việt Nam sản xuất.
Bộ Y tế vừa cấp phép khẩn cấp thêm thuốc molnupiravir liều lượng 200 mg |
Cục Quản lý Dược tiếp tục đưa ra 3 điều kiện đi kèm với quyết định cấp phép khẩn cấp là doanh nghiệp phải có chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất; tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc mỗi tháng sau khi được cấp giấy đăng ký lưu hành; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc và nộp dữ liệu nghiên cứu, hồ sơ cập nhật hạn dùng để thẩm định theo yêu cầu của Bộ hồ sơ kỹ thuật chung ASEAN.
Theo đại diện Công ty Stellapharm, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát trong nước, nhu cầu sử dụng molnupiravir không cấp thiết như trước. Tuy nhiên, quyết định cấp phép thuốc lần này giúp Công ty có thêm sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Như vậy, đến nay, Việt Nam có 4 loại thuốc molnupiravir được cấp phép khẩn cấp. Trong đó, có 3 loại được cấp phép hôm 17/2 gồm Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty CP Hóa - dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm.
Molnupiravir là hoạt chất có tác dụng kháng virus. Trong quý I, khi Covid-19 bùng phát mạnh trong nước, thuốc được xem là "vũ khí" quan trọng trong điều trị F0 tại nhà, giúp giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.
TP.HCM thiếu trầm trọng bãi đậu xe container
Chiếm hơn 1/4 lượng hàng qua cảng của cả nước, có hàng chục nghìn ô tô container, song TP.HCM thiếu bãi đậu làm nhiều xe phải chạy lòng vòng, đậu dưới đường.
Các bãi xe container xây tạm bên đường Võ Chí Công |
Đoạn đường Võ Chí Công dài hơn 2 km gần vòng xoay Phú Hữu (TP. Thủ Đức), dòng xe container nối đuôi nhau. Đây là tuyến chính vào cảng Phú Hữu và Cát Lái, cấm xe trọng tải lớn lúc 6h - 8h, 11h - 13h và 16h - 20h. Thiếu bãi đậu nên trước thời gian được chạy, nhiều tài xế tấp xe bên đường, nháy xi-nhan, dễ gây ùn tắc. Tình trạng tương tự diễn ra ở đường Nguyễn Duy Trinh, D400 gần khu du lịch Suối Tiên, Quốc lộ 1 gần cầu Đồng Nai...
Ô tô container vào lấy hàng không có chỗ đậu, gây ùn ứ thường xuyên xảy ra ở TP.HCM - địa phương có lượng hàng hóa thông quan qua cảng biển trung bình hàng năm đạt 170 triệu tấn, chiếm hơn 1/4 cả nước. Là địa phương tập trung nhiều cảng nhất, TP. Thủ Đức là địa bàn gặp áp lực về bãi đậu xe container nhất. Ở khu vực xuất hiện hơn trăm bãi xe container tự phát, hầu hết trên đất nông nghiệp được doanh nghiệp thuê tạm.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cho biết, doanh nghiệp có hơn 40 xe container, mỗi tháng tốn gần 100 triệu đồng thuê bến bãi. Chi phí cao, lại dễ gặp rủi ro cháy nổ nếu bãi đậu thiếu an toàn nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận bởi không đủ khả năng tự đầu tư bãi đậu.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM Bùi Văn Quản cho biết, nhiều năm nay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa không có bãi đậu xe. Hệ thống bến bãi trên địa bàn chủ yếu bố trí ở khu vực chợ đầu mối, khu công nghiệp, cảng biển...
Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho hay, thiếu quỹ đất là vướng mắc lớn nhất trong thực hiện các bãi đậu dành cho xe container.
Đồng Nai chi 2.600 tỷ đồng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Số tiền 2.600 tỷ đồng sẽ được Đồng Nai đưa vào nhằm giải phóng mặt bằng cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Tỉnh.
Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Nội dung này được đại biểu thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh Đồng Nai, ngày 24/5. Số tiền tương ứng 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc qua địa bàn. Tỉnh Đồng Nai cũng cam kết bổ sung vốn nếu Dự án tăng vốn đầu tư.
Trước đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đồng ý chi 670 tỷ đồng trong tổng số 1.333 tỷ đồng giải phóng mặt bằng đoạn 19,5 km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa phận tỉnh này.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54 km, được Thủ tướng đồng ý đầu tư bằng ngân sách nhà nước, ở giai đoạn 1 làm 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng. Dự án tính khởi công đầu năm sau và hoàn thành năm 2025.
Tuyến đường được Bộ Giao thông vận tải chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án 1 và 2 dài 34,2 km xây dựng tại Đồng Nai, tổng kinh phí 12.647 tỷ đồng; đoạn còn lại thực hiện tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng đầu tư 5.190 tỷ đồng.