Bản tin thời sự sáng 25/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 500 người xuyên đêm cứu đê sông Mã; khuyến cáo công dân Việt Nam không đến miền bắc Israel; Hà Nội không bắn pháo hoa dịp 10/10; Đồng Nai trao quyết định đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn hơn 6 tỷ USD; giá vàng miếng lên 83,5 triệu đồng…

Hơn 500 người xuyên đêm cứu đê sông Mã

Bờ tả đê sông Mã đoạn qua huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) bị thấm nước, xuất hiện hố sụt, buộc chính quyền huy động 500 người xử lý suốt đêm 23/9, rạng sáng 24/9.

Máy xúc được huy động hộ đê ở Vĩnh An

Máy xúc được huy động hộ đê ở Vĩnh An

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão Soulik kết hợp không khí lạnh, những ngày qua Thanh Hóa mưa lớn. Lũ từ thượng nguồn sông Mã liên tục đổ về, vượt báo động hai khiến đê tả Mã qua xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc bị thấm nước. Cống Nổ Thôn xuất hiện hố sụt ở phía sông, đường kính khoảng 0,7 m, sâu 1,5 m, theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

Trước nguy cơ đê cấp hai bị sạt lở, đe dọa hơn 4.000 người dân sinh sống tại 8 thôn của xã Vĩnh An và vùng lân cận, đêm 23/9, rạng sáng 24/9, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 762, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa cùng khoảng 400 công an, dân quân tự vệ của 5 xã và người dân địa phương đã đắp đất vào hố sụt, che bạt, chặn bao tải đất phía trên và đang đắp đê quai phía đồng.

Đến sáng 24/9, điểm sạt lở cơ bản đã được khống chế. Hiện chính quyền cắt cử lực lượng canh gác, theo dõi 24/24h đề phòng sự cố phát sinh, theo ông Hà Minh Đoan - Chủ tịch xã Vĩnh An.

Ngoài ra, cống tiêu ba cửa trên đê tả sông Hoàng, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương khi vận hành mở cửa cống để tiêu nước ra sông thì xảy ra sự cố nứt, vỡ bêtông cửa cống số 2. Kích thước cửa cống 1,2x1,4 m. Hiện địa phương đã đóng kín cửa cống bằng cách đóng cọc tre kết hợp thả bao tải đất.

Đê tả sông Hoàng là đê cấp bốn. Theo quy định, đê cấp bốn có khả năng bảo vệ dưới 4.000 ha, 10.000 - 100.000 người dân.

Khuyến cáo công dân Việt Nam không đến miền Bắc Israel

Công dân Việt Nam tại Israel được khuyến cáo hạn chế đến các vùng không đảm bảo an ninh, nhất là miền Bắc nước này, do căng thẳng leo thang.

Lực lượng khẩn cấp Israel tại hiện trường sau đòn tấn công của Hezbollah vào quận Haifa

Lực lượng khẩn cấp Israel tại hiện trường sau đòn tấn công của Hezbollah vào quận Haifa

Trong bối cảnh xung đột leo thang nguy hiểm, đại sứ quán Việt Nam tại Israel khuyến cáo, cộng đồng người Việt ở nước này cần thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thời sự trên các phương tiện truyền thông uy tín của sở tại, hạn chế đến những vùng không đảm bảo an ninh và an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của Hezbollah, nhất là miền Bắc Israel.

Người Việt trên khắp Israel, đặc biệt những người sinh sống tại các thành phố miền Bắc, cần tuân thủ nghiêm quy định và hướng dẫn về biện pháp bảo vệ an ninh, an toàn của chính quyền sở tại, chủ động lên phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn cho bản thân và thân nhân.

Cộng đồng người Việt tại Israel cần thường xuyên giữ liên hệ với đại sứ quán. Trong trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ và cần biết thông tin về phương án bảo hộ công dân, người dân hãy liên hệ qua đường dây nóng bảo hộ công dân.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon trước đó ra thông báo khẩn, khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Trong trường hợp bất khả kháng không thể rời đi, công dân cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên truyền thông, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Lebanon - Israel, khu vực phía Nam thủ đô Beirut và khu vực phía Bắc gần biên giới với Syria.

Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah diễn ra gần như hàng ngày sau khi xung đột tại Gaza bùng phát tháng 10/2023 và đã khiến hàng trăm người thiệt mạng, chủ yếu là các tay súng ở Lebanon, cùng hàng chục binh sĩ Israel. Đụng độ cũng khiến hàng chục nghìn người dân ở hai bên biên giới phải rời bỏ nhà cửa.

Lực lượng Hezbollah đã phóng hàng trăm rocket và máy bay không người lái vào các thành phố miền Bắc Israel, có nơi cách biên giới 50 km, trong ngày 22 - 23/9.

Hà Nội không bắn pháo hoa dịp 10/10

Thành ủy Hà Nội quyết định dừng bắn pháo hoa ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để tập trung khắc phục hậu quả bão Yagi.

Hà Nội không bắn pháo hoa dịp 10/10

Hà Nội không bắn pháo hoa dịp 10/10

Phát biểu tại phiên làm việc của Thường vụ Thành ủy chiều 24/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, việc điều chỉnh này thể hiện trách nhiệm của Thủ đô và tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước".

Sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiếp tục tổ chức, song UBND Thành phố xem xét điều chỉnh tầm mức với từng sự kiện bảo đảm thiết thực, đề cao sự tham gia của người dân. Các sự kiện này sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, du lịch và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Một ngày trước, Bộ Tư lệnh Thủ đô đề xuất chỉ bắn pháo hoa kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm thay vì bắn ở 30 quận, huyện như kế hoạch trước đó. Việc này giúp các đơn vị tập trung khắc phục hậu quả bão Yagi và chung tay góp sức ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại.

Hôm 21/9, Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân để cùng nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ.

Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh ngày 7/9 với sức gió tại Bãi Cháy cấp 14, giật cấp 17, thuộc nhóm cao nhất từng ghi nhận trên lãnh thổ Việt Nam. Bão và các tác động sau bão đã làm 292 người chết, 37 người mất tích. Mưa lớn sau bão gây ra lũ diện rộng 20/25 tỉnh miền Bắc, khiến hơn 70.000 hộ bị ngập.

Tại Hà Nội, bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã làm 4 người chết, 23 người bị thương; trên 40.000 cây xanh gãy đổ; nhiều khu vực bị ngập do lũ, hàng nghìn người dân phải di dời.

Đồng Nai trao quyết định đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn hơn 6 tỷ USD

17 dự án đầu tư được UBND tỉnh Đồng Nai trao cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, đô thị, thương mại, du lịch... với tổng vốn hơn 6 tỷ USD.

Các nhà đầu tư nhận quyết định từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai

Các nhà đầu tư nhận quyết định từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai

Những dự án này được UBND tỉnh Đồng Nai trao quyết định đầu tư sáng 24/9. Trong đó, có 6 dự án FDI và 12 dự án nhà đầu tư trong nước. Sự kiện diễn ra sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong các dự án được trao đợt này có Dự án Khu công nghiệp Tân Hiệp - Bàu Cạn với quy mô giai đoạn 1 trên 1.000 ha gần sân bay Long Thành; khu đô thị 300 ha giữa sông Đồng Nai; trung tâm thương mại Hiệp Hòa; khu du lịch đô thị Nhơn Phước...

Theo đó, Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hiệp - Bàu Cạn (giai đoạn 1) do Công ty CP Khu công nghiệp Tân Hiệp làm chủ đầu tư với tổng vốn 9.252 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2020 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, tư vấn môi giới, đấu giá.

Dự án Khu đô thị du lịch Nhơn Phước (Angel Island) do Công ty Địa ốc Sông Tiên làm chủ đầu tư, Tập đoàn Hưng Thịnh là đối tác chiến lược, có quy mô 204 ha, tọa lạc tại đảo Nhơn Phước, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Dự án được định hướng phát triển thành một khu đô thị phức hợp cao cấp trên hòn đảo nguyên sinh gần nhất với TPHCM.

Lĩnh vực bất động sản, xây dựng nhà ở, một số dự án quy mô lớn được trao giấy chứng nhận đầu tư gồm: Dự án Nhà ở xã hội tại phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa tổng vốn đầu tư 1.387 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 1.000 căn nhà ở xã hội; Dự án Khu chung cư nhà ở xã hội tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch diện tích 5,61 ha, tổng vốn đầu tư 2.028 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án công nghệ cao như: Dự án sản xuất thiết bị và dụng cụ quang học (vốn đầu tư 29 triệu USD); Dự án Đầu tư sản xuất chất bán dẫn ứng dụng trong điện tử (54 triệu USD); Dự án Nhà máy sản xuất ti vi Regza Việt Nam (40 triệu USD)...

Giá vàng miếng lên 83,5 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng sáng 24/9 tăng 1,5 triệu đồng lên 83,5 triệu, cùng lúc giá nhẫn trơn tiếp tục lập đỉnh mới.

Mỗi lượng vàng miếng sáng 24/9 tăng 1,5 triệu đồng lên 83,5 triệu

Mỗi lượng vàng miếng sáng 24/9 tăng 1,5 triệu đồng lên 83,5 triệu

Sáng 24/9, Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán vàng miếng can thiệp sau 3 ngày giữ nguyên.

Theo đó, giá vàng miếng bán ra thị trường được 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng lên 1,5 triệu đồng so với hôm 23/9, lên 83,5 triệu đồng một lượng. Đồng thời, SJC cũng nâng chiều mua vào thêm 1,5 triệu đồng, lên 81,5 triệu đồng.

So với vàng miếng, nhẫn trơn có độ nhạy hơn trước các diễn biến trên thị trường quốc tế. Vài ngày gần đây, vàng nhẫn đã liên tiếp đi lên và tăng hơn 1,5 triệu đồng một lượng.

Sáng 24/9, nhẫn trơn vẫn chưa dứt đà tăng và lên cao hơn vài trăm nghìn một lượng so với hôm qua, đồng thời xác lập kỷ lục mới. SJC niêm yết giá nhẫn trơn tại 79,8 - 81,1 triệu đồng. Tại các thương hiệu khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, giá bán nhẫn trơn lên 81,2 - 81,4 triệu một lượng. Ước tính, nhẫn trơn ghi nhận mức sinh lời 29%, cao hơn nhiều so với vàng miếng (13%).

Trên thị trường quốc tế, giá vàng hiện neo quanh vùng đỉnh 2.627 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 78,6 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giữa vàng miếng trong nước và thế giới hiện lên gần 5 triệu đồng một lượng.

Giá vàng trong nước "nóng" lên theo xu hướng quốc tế, tuy nhiên giao dịch thực tế khá trầm lắng. Vàng miếng hiện được phân phối với số lượng giới hạn, chủ yếu được người dân mua qua website hoặc ứng dụng của 4 ngân hàng và SJC (các doanh nghiệp khác gần như không có nguồn để bán). Với vàng nhẫn trơn, hệ thống các thương hiệu lớn thường rơi vào tình trạng khan hàng.

Bà Rịa - Vũng Tàu chi hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp loạt tuyến đường

Tỉnh nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 994 và 329, xây mới cầu Cửa Lấp 2, mở rộng đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình - Bình Châu, dự án đường trục chính với tổng kinh phí 1.090 tỷ đồng.

Một đoạn đường nhựa dài 2,3 km, tổng chi phí 10,3 tỷ đồng, băng qua cánh đồng lúa ở xã An Nhứt, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu

Một đoạn đường nhựa dài 2,3 km, tổng chi phí 10,3 tỷ đồng, băng qua cánh đồng lúa ở xã An Nhứt, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phân bổ 500 tỷ đồng cho Dự án đường trục chính Vũng Tàu, đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) đến nút giao vòng xoay đường 51B, 51C của TP. Vũng Tàu.

Hơn 590 tỷ đồng còn lại, Tỉnh dành cho các dự án khác gồm: nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 đoạn từ vòng xoay Nhà Lớn đến Quốc lộ 51 và xây mới đoạn từ Quốc lộ 51 đến cầu Cửa Lấp (234 tỷ đồng); xây mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 đoạn từ ngã ba Lò Vôi đến cổng Khu du lịch Thùy Dương huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ (160 tỷ đồng).

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chi cho Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 đoạn từ Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Trung Thủy đến Quốc lộ 55 tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (90 tỷ đồng); đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình - Bình Châu (đường 991) hơn 43 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 329 giai đoạn hai với kinh phí 65 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương này chuyển từ danh mục bồi thường giải phóng mặt bằng lên khởi công mới với Dự án tuyến thoát nước chính dọc Quốc lộ 51 (đoạn từ đường 46 đến đường Phước Hòa - Cái Mép, thị xã Phú Mỹ). Đồng thời, chuyển từ danh mục chuẩn bị đầu tư lên bồi thường giải phóng mặt bằng với Dự án đường trục chính Vũng Tàu đoạn từ nút giao đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT994) đến nút giao vòng xoay đường Võ Nguyên Giáp - 2 Tháng 9 và 3 Tháng 2, TP. Vũng Tàu.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phụ trách tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm nay. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025 phải thực hiện bố trí số vốn 494 tỷ đồng để hoàn ứng ngân sách với Dự án thành phần 3 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Huế xây cầu đi bộ qua sông An Cựu

Để kết nối với đường đi bộ dọc sông Hương, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) quyết định xây cầu chữ Y bắc qua sông An Cựu với tổng kinh phí 29 tỷ đồng.

Mô hình cầu đi bộ lót sàn gỗ lim bắc qua sông An Cựu

Mô hình cầu đi bộ lót sàn gỗ lim bắc qua sông An Cựu

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, dự án cầu đi bộ kết hợp đường xe đạp chữ Y bắc qua sông An Cựu được HĐND TP. Huế thống nhất bổ sung vào danh mục điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo thiết kế, cầu chữ Y nằm ở ngã ba sông Hương và sông An Cựu, nối tuyến đường đi bộ sau lưng Nhà hát sông Hương với đường đi bộ công viên Bùi Thị Xuân. Cầu dành cho người đi bộ và người đi xe đạp, rộng 4,2 m, dài 47,4 m.

Sàn cầu bằng thép, trên lát gỗ lim, lan can sử dụng thanh đồng, phía dưới tàu thuyền có thể qua lại. Trên cầu có chiếu nghỉ để du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Độ dốc cầu được thiết kế phù hợp để người khuyết tật, người đạp xe lên xuống thuận lợi.

Sau khi hoàn thành, cầu chữ Y sẽ kết nối tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương từ vị trí nhà hát sông Hương tới công viên Bùi Thị Xuân.

Nhiều năm qua, TP. Huế đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường đi bộ và xe đạp dọc hai bên bờ sông Hương, thu hút người dân đến tập thể dục, ngắm cảnh.

TP.HCM nghiên cứu làm nút giao nối Cần Giờ với cao tốc Bến Lức

Thành phố tính toán đầu tư nút giao đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ với cao tốc Bến Lức - Long Thành, tổng vốn dự kiến 2.400 tỷ đồng nhằm tạo kết nối đồng bộ.

Đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ

Đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ

Trong nhiệm vụ đầu tư dự án vừa được phê duyệt, Sở Giao thông vận tải TP.HCM giao các đơn vị thực hiện khảo sát, thu thập số liệu từ các dự án liên quan như cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác và cao tốc; tình hình kinh tế, xã hội, lưu lượng giao thông ở khu vực... Những thông số này sẽ làm cơ sở báo cáo tiền khả thi trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nút giao sẽ tạo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư khi tuyến cao tốc hoàn thành vào năm 2025. Tổng mức đầu tư nút giao ước tính khoảng 2.400 tỷ đồng.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km về phía Đông Nam, Cần Giờ là địa phương duy nhất ở thành phố giáp biển, có rừng phòng hộ, và rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển. Huyện rộng hơn 70.445 ha, chiếm 1/3 tổng diện tích thành phố, gần 80.000 dân, giao các cửa sông lớn gồm sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh.

Người dân trung tâm thành phố xuống đây qua phà Bình Khánh trên sông Soài Rạp rồi đi đường Rừng Sác - tuyến huyết mạch ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục