Bản tin thời sự sáng 26/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa; EVN đề xuất đẩy nhanh mua điện từ Lào; hoãn phiên xét xử 22 bị cáo vụ án xảy ra ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đầu tư gần 300 tỷ đồng làm hạ tầng vùng từng quy hoạch điện hạt nhân; cựu Phó Tổng giám đốc AIC lại sắp hầu tòa ở Quảng Ninh…

Việt Nam phản đối Trung Quốc lắp đặt trạm nhận dạng tàu thuyền ở Hoàng Sa

Ngày 25/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng lên tiếng về việc Trung Quốc lắp đặt 2 trạm nhận dạng tàu thuyền tự động ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, bà Hằng tuyên bố: “Việc Trung Quốc lắp đặt và đưa vào sử dụng 2 trạm nhận dạng tàu thuyền tự động tại Đá Bắc và Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Đại diện Bộ Ngoại giao tuyên bố, mọi hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa mà không được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và hoàn toàn không có giá trị.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn những vi phạm tương tự”, bà Hằng nói.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Bộ Ngoại giao nhiều lần ra tuyên bố rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật quốc tế.

EVN đề xuất đẩy nhanh mua điện từ Lào

EVN đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền chủ trương nhập khẩu thêm điện từ Lào để tăng nguồn cung cho miền Bắc vào 2025.

Công nhân ngành điện bảo dưỡng thiết bị, hệ thống máy tại trạm biến áp.

Công nhân ngành điện bảo dưỡng thiết bị, hệ thống máy tại trạm biến áp.

Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225 MW và phương án đấu nối với Dự án điện gió Savan 1 và 2.

Việc này đặt ra trong bối cảnh từ nay tới 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ miền Bắc thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.

Cập nhật tính toán, EVN cho biết, miền Bắc có thể thiếu trên 3.630 MW và sản lượng khoảng 6,8 tỷ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5 - 7) năm 2025 do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm.

Do đó, việc có thêm hơn 225 MW điện nhập khẩu từ Lào, theo EVN, sẽ bổ sung thêm đáng kể nguồn điện, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới. Các dự án điện được đề nghị mua sẽ đấu nối vào các đường dây 220 kV đang vận hành, không phải đầu tư thêm lưới điện phía Việt Nam để tiếp nhận.

Mặt khác, giá điện mua từ Lào với các nhà máy thủy điện là khoảng 6,95 cent một kWh, cạnh tranh hơn so với một số nguồn điện trong nước, như điện mặt trời 7,09 - 9,35 cent một kWh, điện gió 8,5 - 9,8 cent một kWh, hay điện khí từ các nhà máy trong nước 8,24 cent một kWh và điện than 7,23 - 8,45 cent một kWh.

Trước kiến nghị của EVN về phương án đấu nối với cụm nhà máy điện gió Savan 1 và 2, Bộ Công Thương cho hay sẽ được xem xét đồng thời với chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy này. Việc giao chủ đầu tư xây dựng đường dây đấu nối sẽ được thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương mua bán điện và bổ sung các công trình lưới điện liên quan vào quy hoạch phát triển điện.

Hoãn phiên xét xử 22 bị cáo vụ án xảy ra ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Do bị cáo Nguyễn Anh Sơn, cựu Giám đốc Quản lý chất lượng Gói thầu A5 vắng mặt vì lý do bệnh tật, TAND TP. Hà Nội quyết định hoãn phiên tòa xét xử 22 bị cáo trong vụ án gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74 km) Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25/9

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 25/9

Ngày 25/9, TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại giai đoạn 2 (dài 74 km) Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong số 22 bị cáo, gồm có Mai Tuấn Anh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC; Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC; Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào, cùng cựu Phó tổng giám đốc VEC bị đưa ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại tòa, do vắng mặt bị cáo Nguyễn Anh Sơn, cựu Giám đốc Quản lý chất lượng Gói thầu A5 (vì lý do bệnh tật bất khả kháng), nên Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên tòa, dự kiến mở lại vào ngày 16/10 tới.

Ngoài các bị cáo, Hội đồng xét xử cũng triệu tập đại diện nhiều nhà thầu liên quan gồm nhóm phụ trách thi công các gói thầu gồm: Tập đoàn Lotte E&C, Posco E&C (Hàn Quốc); Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô (Trung Quốc). Tuy nhiên, chỉ có Giám đốc điều hành của Lotte E&C và Giám đốc của Posco E&C tham dự phiên tòa; đại diện Shandong Luquao Group - Sơn Đông, Jiangsu Provincial - Giang Tô vắng mặt.

Đầu tư gần 300 tỷ đồng làm hạ tầng vùng từng quy hoạch điện hạt nhân

Tỉnh Ninh Thuận dự kiến chi gần 300 tỷ đồng làm 6 công trình hạ tầng nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân vùng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam là nơi từng nằm trong quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam là nơi từng nằm trong quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Nội dung nêu trong tờ trình về việc đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải vừa được UBND tỉnh Ninh Thuận trình HĐND Tỉnh.

Đây là hai khu vực từng được quy hoạch xây Nhà máy Điện hạt nhân 1 (440 ha) và 2 (380 ha), tổng công suất 4.000 MW vào năm 2009. Sau đó, tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo thu hồi đất, nhưng cuối năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư dự án. Đến tháng 5/2022, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị xem xét phát triển lại dự án.

Chính sự dùng dằng trong nhiều năm khiến hơn 1.000 hộ với khoảng 3.600 người trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến ngày 13/7, UBND tỉnh Ninh Thuận mới ra thông báo hủy thu hồi đất tại hai vùng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân, trả lại quyền sử dụng đất cho các hộ dân.

6 công trình này có tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, chủ yếu là ngân sách Trung ương từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành trong năm 2025. Cụ thể, tại xã Phước Dinh có hai công trình: mở rộng Tỉnh lộ 701 Phước Dinh dài hơn 4 km và xây mới ba tuyến kết nối Tỉnh lộ 701 với đường ven biển qua xã tổng chiều dài 2,7 km.

4 công trình còn lại được đầu tư tại xã Vĩnh Hải, gồm: nâng cấp Tỉnh lộ 702 cũ dài 2,2 km; làm mới 3 đường kết nối trong khu vực sản xuất của xã tổng chiều dài hơn 1,6 km; xây hơn 2,1 km kè chắn sóng và kè chắn lũ thôn Thái An; nâng cấp ao Bầu Tró và xây hệ thống dẫn nước từ suối Hồ Quạt về ao Bầu Tró.

Đưa luồng hàng hải Chân Mây vào khai thác

Cục Hàng hải Việt Nam vừa thống nhất đưa tuyến luồng hàng hải Chân Mây (sau khi điều chỉnh hướng tuyến) vào khai thác sử dụng.

Cảng Chân Mây. Ảnh minh họa

Cảng Chân Mây. Ảnh minh họa

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tuyến luồng hàng hải Chân Mây dài 3,1 km; chiều rộng đáy luồng 150 m; vũng quay trở tàu có đường kính 400 m, cao độ đáy luồng và vũng quay trở tàu thiết kế -12,2 m (Hải đồ).

Quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), Cục Hàng hải Việt Nam đã thống nhất điều chỉnh hướng tuyến, hệ thống báo hiệu luồng hàng hải Chân Mây và giữ nguyên chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng hiện hữu.

Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư thiết lập điều chỉnh tuyến luồng và hệ thống báo hiệu hàng hải theo quy định tại Nghị định số 58/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải.

Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất việc đưa tuyến luồng hàng hải Chân Mây (sau khi điều chỉnh hướng tuyến) vào khai thác sử dụng để khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển tại khu vực. Sau điều chỉnh, hướng tuyến của luồng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được yêu cầu phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị liên quan cập nhật thông tin về tuyến luồng hàng hải Chân Mây (sau khi điều chỉnh hướng tuyến) để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trong khu vực tuyến luồng mới điều chỉnh theo quy định.

Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ các thông số kỹ thuật cơ bản của tuyến luồng hàng hải Chân Mây đã được công bố và các thông số kỹ thuật luồng tàu thực tế hiện hữu theo thông báo hàng hải định kỳ, nội quy cảng biển cùng các quy định, hướng dẫn liên quan để tổ chức phổ biến thông tin.

Hải quan Đà Nẵng phát hiện hàng chục iphone 15 Pro Max nhập lậu

Lực lượng Hải quan đã phát hiện lô hàng iphone 15 nhập lậu vào Việt Nam qua đường sân bay.

20 chiếc điện thoại hiệu iphone 15 Pro Max nhập lậu có giá trị khoảng 700 triệu đồng do Hải quan Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phát hiện

20 chiếc điện thoại hiệu iphone 15 Pro Max nhập lậu có giá trị khoảng 700 triệu đồng do Hải quan Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phát hiện

Ngày 25/9, Cục Hải quan TP. Đà Nẵng cho biết vừa phát hiện và bắt giữ lô hàng 20 chiếc iphone 15 Pro Max nhập lậu do một hành khách vận chuyển.

Tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trong quá trình soi chiếu hành lý, lực lượng chức năng đã phát hiện kiện hành lý chứa 20 chiếc iphone 15 Pro Max cùng 20 vỏ hộp và phụ kiện.

Thời điểm bị phát hiện, hành khách này không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Nghi ngờ số hàng hóa nêu trên vượt trị giá miễn thuế được hưởng, cán bộ hải quan đã phối hợp với Đội Kiểm soát Hải quan (trực thuộc Cục Hải quan TP. Đà Nẵng), Đội Kiểm soát chống buôn lậu Khu vực miền Trung (thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03 thuộc Công an TP. Đà Nẵng) lập hồ sơ và tiếp tục xử lý theo quy định.

Được biết, lô hàng 20 chiếc điện thoại hiệu iphone 15 Pro Max có giá trị khoảng 700 triệu đồng. Đây là sản phẩm điện thoại mới được tung ra thị trường vào những ngày trước đó rất được người dân chờ đón.

Cựu Phó Tổng giám đốc AIC lại sắp hầu tòa ở Quảng Ninh

Cựu Phó Tổng giám đốc AIC Hoàng Thị Thúy Nga lại sắp bị đưa ra xét xử vì liên quan đến vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra tại Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga

Ngày 10/10, TAND tỉnh Quảng Ninh sẽ đưa vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra tại Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày, dưới sự điều hành của thẩm phán, chủ tọa Tạ Duy Ước. VKSND Tối cao phân công VKSND tỉnh Quảng Ninh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án.

Trong vụ án này, bà Vũ Liên Oanh (nguyên Giám đốc Sở GĐ&ĐT tỉnh Quảng Ninh) bị truy tố về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị đưa ra xét xử với cùng tội danh còn có các bị cáo: Ngô Vui (nguyên Trưởng phòng KH-TC Sở GĐ&ĐT tỉnh Quảng Ninh), Hà Huy Long (nguyên Phó Trưởng phòng KH-TC Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh), Phạm Thị Hạnh (nguyên Phó Trưởng phòng KH-TC Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh), Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch NSJ Group), Trần Ngọc Thắng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty MQF), Trần Thị Thanh Xuân (nguyên Tổng Giám đốc công ty MQF), Ngô Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty MQF), Lê Long Hải (nguyên Giám đốc quan hệ khách hàng Khu vực 3, Công ty NSJ), Lê Đại Tấn (nhân viên quan hệ khách hàng Khu vực 3), Phạm Việt Anh (nguyên Phó Phòng dự án, Công ty MQF), Hoàng Thị Minh Tâm (nhân viên Phòng dự án Công ty MQF), Vũ Ngọc Minh (nguyên Giám đốc Công ty Gia Lộc), Hà Thị Thu Huyền (thẩm định viên Công ty Gia Lộc), Phạm Đức Chính (nhân viên thẩm định công ty Gia Lộc).

Riêng bị cáo Hoàng Thúy Nga còn bị truy tố thêm tội Đưa hối lộ.

Ngoài 17 bị cáo, tòa còn triệu tập nhiều người liên quan của Sở Giáo dục Đào tạo Quảng Ninh; Công ty NSJ Group; Công ty định giá AIC…

Trong số các bị cáo, bà Hoàng Thị Thúy Nga từng là Phó tổng giám đốc Công ty AIC và đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội phạt 12 năm tù trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Đồng Nai. Bà Nga còn bị TAND TP. Cần Thơ phạt 8 năm tù vì vi phạm đấu thầu tại Sở Y tế tỉnh này.

Nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam qua tỉnh Quảng Bình

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về hướng tuyến, vị trí nhà ga, khu depot… thuộc Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đoạn qua địa phương.

Nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình

Nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được đề cập từ Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với tỉnh Quảng Bình, hướng tuyến Dự án đoạn từ Đèo Ngang đến TP. Đồng Hới được nghiên cứu đề xuất theo hướng: Sau khi vượt Đèo Ngang bằng công trình hầm, tuyến đi men theo hồ Vực Tròn về phía Đông, qua khu vực thưa dân cư, vượt Quốc lộ (QL) 12A, sau đó vượt sông Gianh tại vị trí cách cầu Gianh của QL 1 khoảng 6,3 km về phía thượng lưu, đi về phía Đông tránh hồ Vực Nồi, vượt Tỉnh lộ 2B và đường sắt hiện tại thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch.

Phạm vi TP. Đồng Hới tuyến đi phía Tây, ngoài tuyến tránh và tiếp cận ga Đồng Hới tại xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới.

Đoạn từ TP. Đồng Hới đến hết tỉnh Quảng Bình (qua địa phận các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy): Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua ga Đồng Hới, vượt đường sắt hiện tại, vượt sông Rào Luy, Tỉnh lộ 4B, qua Khu cng nghiệp Tây Bắc Quán Hàu, vượt sông Nhật Lệ tại vị trí cách cầu Nhật Lệ của khoảng 700 m về phía thượng lưu. Sau đó tuyến đi về phía Nam, vượt sông Kiến Giang tại vị trí cách cầu Trung Quán khoảng 1,1 km về phía Tây, vượt đường sắt hiện tại và Tỉnh lộ 16, qua khu vực thưa dân cư, đất nông nghiệp, vùng đồi thấp các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy sang địa phận tỉnh Quảng Trị.

Vị trí nhà ga trên tuyến đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Quảng Bình được lựa chọn đặt ở phía Tây Nam TP. Đồng Hới, thuộc phường Nghĩa Ninh.

Hải Phòng dừng hoạt động phà T90 để phục vụ thi công cầu Lại Xuân

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hải Phòng vừa có thông báo dừng hoạt động phà T90 tại Bến phà Lại Xuân từ ngày 25/9/2023 để đảm bảo an toàn giao thông phục vụ thi công cầu Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên.

Công trường thi công cầu Lại Xuân

Công trường thi công cầu Lại Xuân

Thông báo của Sở GTVT Hải Phòng nêu rõ, đề nghị Công ty CP Đường bộ Hải Phòng xây dựng phương án bổ sung lượt chạy phà tự hành 54CV để không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.

Đồng thời, thông báo cho hành khách và nhân dân được biết về việc dừng chạy phà 90T tại bến phà Lại Xuân.

Các phòng chức năng của Sở GTVT Hải Phòng phối hợp với các đơn vị thuộc Sở GTVT tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh khảo sát, tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, đảm bảo không gây ùn tắc giao thông khi dừng chạy phà 90T tại bến phà Lại Xuân.

Giao Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là tuyến đường thủy nội địa, khu vực bến phà Lại Xuân và khu vực thi công cầu Lại Xuân.

Đơn vị thi công đang gấp rút triển khai, dự kiến thời gian hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng cầu Lại Xuân sẽ cùng thời điểm với cầu Bến Rừng vào tháng 4/2023.

Tin cùng chuyên mục