Bản tin thời sự sáng 27/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm; thẩm định đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư; Đồng Nai xem xét gỡ vướng cho 181 dự án bất động sản; hơn một triệu người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hải Phát muốn chi 434 tỷ đồng mua công ty sở hữu dự án nghỉ dưỡng ở Hòa Bình…

Liên Hợp Quốc công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm

Lần đầu tiên Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hàng năm, khuyến khích các cơ quan của tổ chức này không họp vào ngày đầu năm mới âm lịch.

Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ của Liên Hợp Quốc được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng

Nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ của Liên Hợp Quốc được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng

Chiều 26/12, Bộ Ngoại giao thông tin, vừa qua tại trụ sở ở New York (Mỹ), Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year - ngày đầu tiên năm mới âm lịch) là ngày nghỉ lễ hàng năm của tổ chức này.

Nghị quyết nhấn mạnh, Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên Hợp Quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Theo Bộ Ngoại giao, việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán, mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động, trong đó Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên Hợp Quốc vào tháng 8 vừa qua và tích cực thúc đẩy vấn đề này.

Theo quy định, cán bộ nhân viên của Liên Hợp Quốc mỗi năm có 10 ngày nghỉ lễ. Nghị quyết được Đại hội đồng thông qua ngày 22/12 đã đưa Tết Nguyên đán trở thành một trong 10 ngày nghỉ lễ của tổ chức này kể từ năm 2024.

Trước đó, ngày 10/8, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn 12 nước đã ký thư chung đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hội nghị đưa Tết Nguyên đán vào lịch hàng năm của Liên Hợp Quốc.

Việc này để thể hiện sự cam kết của tổ chức đối với các giá trị về tính đa dạng và bao trùm cũng như ý nghĩa văn hóa của ngày lễ quan trọng này.

12 nước tham gia thư chung bao gồm: Brunei Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mauritius, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Thẩm định đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư

Bộ Tư pháp đang thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sắp hoàn thành

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sắp hoàn thành

Trong dự thảo tờ trình, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mức thu phí đáp ứng ba nguyên tắc: phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng; sau khi bù đắp chi phí tổ chức phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; được tính toán theo từng đoạn, tuyến cụ thể để phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế xã hội từng khu vực.

Các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được phân chia theo tỷ lệ nguồn vốn đầu tư tham gia vào dự án. Số tiền thu được nộp ngân sách nhà nước và ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các dự án đầu tư đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT.

Bộ GTVT cho rằng, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ giúp tăng thu ngân sách qua việc huy động nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc; góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc. Số tiền này cũng sẽ được dùng để quản lý, bảo trì đường cao tốc, là nguồn lực để thực thi các chính sách phát triển hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, thu phí cũng giúp tăng hiệu quả khai thác đường cao tốc, cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, tạo điều kiện kiểm soát tải trọng xe. Trường hợp không thu phí, phương tiện sẽ có xu hướng tập trung lưu thông trên cao tốc, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông, giảm hiệu quả khai thác.

Bộ GTVT từng nhiều lần đề xuất thu phí một số tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Đầu tháng 5, Bộ dự tính sẽ thu phí 9 tuyến cao tốc, gồm: TP.HCM - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2.

Đồng Nai xem xét gỡ vướng cho 181 dự án bất động sản

Trước khó khăn của thị trường bất động sản, UBND tỉnh Đồng Nai đang phân loại để tháo gỡ vướng mắc các dự án địa ốc trên địa bàn.

Dự án Century City cũng kiến nghị UBND tỉnh ở huyện Long Thành gỡ vướng để tiếp tục ra sổ đỏ cho khách hàng

Dự án Century City cũng kiến nghị UBND tỉnh ở huyện Long Thành gỡ vướng để tiếp tục ra sổ đỏ cho khách hàng

Đây là những dự án được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn từ 1/7/2014 đến năm 2021. Phần lớn các dự án vướng mắc liên quan đến pháp lý giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, hạ tầng xã hội dự án...

Theo tỉnh này, do pháp luật về đất đai trước đây không quy định cụ thể, nhiều dự án khu dân cư, nhà đầu tư đã ứng tiền để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn thành công tác này, nhà đầu tư mới nộp hồ sơ đề nghị giao đất. Khi được giao đất, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức xác định giá đất cụ thể làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.

Tuy nhiên, các kết luận của Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng, sau khi nhà đầu tư hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì khu đó là đất sạch và việc giao đất phải thực hiện theo cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất. Từ các quan điểm áp dụng quy định pháp luật đất đai khác nhau nên nhiều dự án khu dân cư hiện tại không thể đầu tư và xây dựng.

UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, phân loại, chỉ ra các nguyên nhân và đề xuất hướng tháo gỡ. Trong đó nhiều dự án lớn, lãnh đạo Tỉnh đã gặp mặt trực tiếp để lắng nghe, tìm hướng tháo gỡ khó khăn.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có đơn kiến nghị xem xét tháo gỡ các vướng mắc để các công ty tiếp tục thực hiện dự án và có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai.

Hơn một triệu người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp

Hơn một triệu người làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 11 tháng của năm 2023, tăng gần 13% so với cùng kỳ, song tình trạng nghỉ giãn việc, mất việc đang giảm nhiệt.

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM

Lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TP.HCM

Thông tin trên được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành ngày 26/12. Trong số này, 955.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Khoản trợ cấp kịp thời bù đắp một phần chi phí sinh hoạt, giúp lao động tạm ổn định trong thời gian tìm việc làm mới.

Người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng song tình trạng lao động nghỉ giãn việc, mất việc nửa cuối năm đang giảm nhiệt. Quý III, cả nước ghi nhận 118.400 lao động mất việc, giảm trên 99.000 người so với quý II. Số này tập trung ở hai tỉnh vùng Đông Nam Bộ là Bình Dương 33.600 người và TP.HCM 34.600 người.

Lao động nghỉ giãn việc ghi nhận 54.000 người, giảm 187.000 người so với quý II. 66% lao động chịu ảnh hưởng làm việc trong doanh nghiệp FDI; 32% thuộc ngành da giày, 31% lao động dệt may. Số cuộc tranh chấp lao động, đình công giảm 75% so với cùng kỳ, còn 22 cuộc và không có biến động lớn về tính chất vụ việc.

Bình Dương, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng cắt giảm ghi nhận tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc tới cuối tháng 11 là 992.000 người, tăng hơn 8.000 lao động so với hồi tháng 9. Đây là tín hiệu cho thấy việc cắt giảm đã chững lại, thị trường lao động có xu hướng phục hồi.

TP.HCM năm nay cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp lớn phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Đơn cử như Pouyuen, công ty đông lao động nhất Thành phố đã cắt giảm ba đợt với hơn 9.500 công nhân. Song hồi đầu tháng 12, công đoàn doanh nghiệp cho biết công ty đang có đơn hàng kéo dài tới tháng 6/2024 và không có kế hoạch cắt giảm thêm lao động.

Chính quyền TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành chi trả trợ cấp thất nghiệp đầy đủ, hỗ trợ lao động sớm tìm việc làm mới, qua đó hạn chế ngừng việc tập thể. Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, dù gặp nhiều khó khăn song Thành phố vẫn tạo được trên 141.000 việc làm mới, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Hải Phát muốn chi 434 tỷ đồng mua công ty sở hữu dự án nghỉ dưỡng ở Hòa Bình

HĐQT Hải Phát vừa thông qua chủ trương nhận 99,8% vốn tại chủ đầu tư Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc ở Hòa Bình.

Hải Phát muốn chi 434 tỷ đồng mua công ty sở hữu dự án nghỉ dưỡng ở Hòa Bình. Ảnh minh họa

Hải Phát muốn chi 434 tỷ đồng mua công ty sở hữu dự án nghỉ dưỡng ở Hòa Bình. Ảnh minh họa

Công ty CP Đầu tư Hải Phát sẽ nhận chuyển nhượng 4,99 triệu cổ phần của Công ty CP Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn (Idgreen Ky Son), tương đương 99,8% vốn của đơn vị này. Hải Phát cho biết, tổng giá trị nhận chuyển nhượng cổ phần khoảng 434,4 tỷ đồng. Như vậy, mỗi cổ phần của Idgreen Ky Son có giá khoảng 87.000 đồng.

Sau khi hoàn thành thương vụ, Idgreen Ky Son sẽ trở thành công ty con của Hải Phát. Doanh nghiệp này thành lập cuối năm 2016 với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Liên danh Idgreen Ky Son cùng Công ty CP Kỹ nghệ và Hạ tầng TELIN là nhà đầu tư Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc, tại xã Dân Hạ, TP Hòa Bình.

Dự án này có diện tích hơn 35 ha với quy mô 350 - 400 căn nhà ở liền kề, biệt thự. Các công trình có chiều cao tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng tại dự án tối đa 40%.

Năm nay, để có dòng tiền sản xuất kinh doanh và trả nợ, Hải Phát lên kế hoạch tập trung bán buôn sản phẩm tại các dự án ở Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh. Tuy nhiên, Công ty vẫn duy trì nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới để có dự án gối đầu, đặc biệt các dự án có thể kinh doanh năm 2024, 2025. Như vậy, việc mua cổ phần tại công ty sở hữu dự án nghỉ dưỡng tại Hòa Bình cũng phù hợp với định hướng trên.

Hải Phát đặt mục tiêu lãi ít nhất 120 tỷ đồng với kế hoạch doanh thu đặt tối thiểu 2.500 tỷ đồng cả năm 2023. Tuy nhiên, đến hết quý III, Công ty mới đạt doanh thu gần 1.200 tỷ đồng và lãi trước thuế 89,7 tỷ.

Cổ phiếu HPX của Hải Phát vẫn bị đình chỉ giao dịch từ tháng 9 vì chậm công bố thông tin.

Sẽ khởi công dự án tái định cư 38 ha tại Quận 12 vào cuối tháng 12/2023

Cuối tháng này, UBND Quận 12 (TP.HCM) dự kiến khởi công xây dựng Khu tái định cư 38 ha ở phường Tân Thới Nhất sau hơn 20 năm vướng mắc đền bù giải tỏa.

Hiện trạng dự án tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM

Hiện trạng dự án tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM

Đây là dự án được UBND TP.HCM giao cho Công ty Công trình giao thông công chánh Thành phố năm 2002 để đầu tư xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng đường Trường Chinh và một số dự án khác.

Tuy nhiên, dự án 38 ha này bị bế tắc kéo dài vì không thể di dời, giải toả 778 hộ dân nằm trong quy hoạch. Đến tháng 3/2010, TP.HCM chuyển giao Dự án cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Quận 12 làm Chủ đầu tư. Nhưng Dự án cũng tiếp tục rơi vào tình cảnh tương tự khi việc đền bù dở dang.

Theo lý giải của cơ quan chức năng Quận 12, nguyên nhân do giá bồi thường giải tỏa thấp trong khi giá bán nền tái định cư đối với phần diện tích chênh lệch lại cao nên người dân bức xúc không chịu di dời, nhận tiền đền bù. Dự án kéo dài hơn 20 năm, khiến những chính sách bồi thường, tái định cư, tạm cư cũ bị lạc hậu. Vì vậy, Thành phố đã phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Thống kê của UBND phường Tân Thới Nhất đến thời điểm này, Phường đã thực hiện bồi thường và thu hồi mặt bằng 778 trường hợp với diện tích gần 371.000 m2; đã tổ chức bốc thăm được 254/335 nền tái định cư. Trong số 254 nền bốc thăm, đã ban hành 149 quyết định giao nền (trong đó có 38 nền tái định cư và 111 nền đất hoán đổi). Một số hộ dân được bố trí nền tái định cư đã nhận nền và tiến hành xây nhà.

Dự án có quy mô 761 nhà phố liên kế, hàng nghìn căn hộ nhà chung cư cùng với tiện ích phục vụ cư dân như: trường học, trung tâm thương mại, công viên cây xanh có diện tích hơn 9,2 ha.

FLC xin gia hạn lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng bất thành

FLC đề xuất 4 phương án để gia hạn thanh toán lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đáo hạn cuối tháng này nhưng không được trái chủ đồng ý.

FLC xin gia hạn lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng bất thành

FLC xin gia hạn lô trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng bất thành

Thông tin này vừa được Công ty CP Tập đoàn FLC cho biết trong biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến trái chủ của lô trái phiếu FLCH2123003.

Lô trái phiếu trên được FLC phát hành ngày 28/12/2021 với tổng giá trị 1.150 tỷ đồng và sẽ đáo hạn vào 28/12/2023. Tuy nhiên, công ty này đã mua lại trước hạn 152,9 tỷ đồng nên giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu còn gần 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là tổng dư nợ trái phiếu còn lại hiện nay của Tập đoàn FLC.

Công ty đưa ra 4 phương án, trong đó 3 phương án đầu đề xuất gia hạn lô trái phiếu này thêm 24 tháng với lãi suất cố định 13% một năm. Tuy nhiên, trái chủ của lô trái phiếu FLCH2123003 đã không thông qua bất kỳ phương án nào.

Tại phương án 1, FLC cho biết sẽ tiếp tục triển khai Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (tại Quảng Bình) và sử dụng nguồn thu từ việc khai thác, kinh doanh Dự án để trả nợ trái phiếu.

Công ty khẳng định toàn bộ số tiền thu được từ khai thác Dự án sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa của Công ty để ưu tiên thanh toán cho người sở hữu trái phiếu. FLC dự kiến hoàn thiện các thủ tục pháp lý đưa Dự án vào kinh doanh từ quý II/2025.

Theo phương án 2, FLC đề xuất tìm nhà đầu tư nhằm chuyển nhượng Dự án. Tương tự phương án 1, tiền thu được từ bán Dự án cũng sẽ chuyển vào tài khoản phong tỏa và ưu tiên trả nợ trái phiếu.

Với phương án 3, FLC muốn dùng bất động sản củaDự án khi đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán để đối trừ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Đây cũng là cách một số nhà phát triển bất động sản lớn đã làm trong thời gian qua để trả nợ cho trái chủ. Cuối cùng, FLC đề nghị trong trường hợp 3 phương án trên không được thông qua thì đề xuất phương án khác trong vòng 90 ngày kể từ khi tổng hợp ý kiến của trái chủ.

TP.HCM thu giữ gần 25 tấn bao tử, vú heo không nguồn gốc

Kiểm tra một kho lạnh tại TP HCM, nhà chức trách tạm giữ gần 25 tấn bao tử, vú heo, lá sách bò, trứng gà non... trị giá hơn 2 tỷ đồng, do không nguồn gốc xuất xứ.

Lô nội tạng heo tại kho lạnh ở thành phố Thủ Đức

Lô nội tạng heo tại kho lạnh ở thành phố Thủ Đức

Đây là lô hàng nội tạng động vật không hạn sử dụng lớn nhất từ đầu năm đến nay do lực lượng chức năng thành phố kiểm tra và thu giữ, hôm 25/12.

Cụ thể, qua kiểm tra tại Công ty TNHH DECQB Logistics trên đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu (Thủ Đức), nhà chức trách phát hiện toàn bộ số hàng trong kho không ghi xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hóa đơn chứng từ.

Lô hàng bao gồm hơn 3 tấn bao tử heo, 9,1 tấn vú heo, 5 tấn lá sách bò, 7 tấn dồi trường heo... Tổng trị giá lô hàng trên 2,4 tỷ đồng.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, với những thông tin ghi nhận, khả năng lô hàng này được nhập lậu. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Càng về gần Tết Nguyên đán, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông càng nhiều trên thị trường. Cơ quan quản lý gần đây cho biết đang lập các tổ công tác để kiểm tra liên tục, đồng thời xử lý nhiều vi phạm về hàng hóa.

Phạt gần 300 triệu đồng đối với công ty chế biến cà phê xả thải ra môi trường

Nhà máy Chế biến Càphê Khe Sanh của Công ty TNHH Trung Thắng Phát sản xuất gia công, chế biến càphê đã xả nước thải chế biến cà phê ra môi trường.

Kết quả thử nghiệm mẫu nước thải cho thấy vượt quy chuẩn cho phép. Ảnh minh họa

Kết quả thử nghiệm mẫu nước thải cho thấy vượt quy chuẩn cho phép. Ảnh minh họa

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Trung Thắng Phát (do ông Nguyễn Trọng Hải làm Giám đốc) với số tiền 288 triệu đồng do Nhà máy Chế biến cà phê của Công ty đã xả nước thải ra môi trường.

Công ty TNHH Trung Thắng Phát (địa chỉ ở khối 1, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa) đã hợp đồng với Công ty CP Đầu tư nông lâm nghiệp xuất khẩu Việt Nam về việc thuê lại thiết bị, nhà xưởng Nhà máy Chế biến cà phê Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.

Quá trình hoạt động, Nhà máy Chế biến cà phê Khe Sanh của Công ty TNHH Trung Thắng Phát sản xuất gia công, chế biến cà phê đã xả nước thải chế biến cà phê ra môi trường.

Kết quả thử nghiệm mẫu nước thải do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường thực hiện từ ngày 17 - 24/11 cho thấy, COD (Chemical Oxygen Demand hay còn gọi là nhu cầu oxy hóa học) vượt 8,9 lần, TSS (Total suspended solids hay còn gọi là tổng chất rắn lơ lửng) vượt 1,9 lần, với lưu lượng xả thải 70 m3/ngày.

Tin cùng chuyên mục