Bản tin thời sự sáng 27/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá USD ngân hàng tăng mạnh; đề xuất ba phương án nâng mức đóng bảo hiểm y tế; hầm Tuy An trên cao tốc Bắc - Nam gặp địa chất yếu; Hải Hà Petro chưa nộp hơn 600 tỷ đồng nợ Quỹ bình ổn xăng dầu...

Giá USD ngân hàng tăng mạnh

Mỗi USD trong ngân hàng sáng 26/2 nối đà tăng thêm 60 đồng lên 24.850 đồng, mức cao nhất từ đầu năm.

Giá USD ngân hàng tăng cao

Giá USD ngân hàng tăng cao

Sáng 26/2, giá USD mua bán tại các ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh. Tỷ giá USD/VND sáng 26/2 được Vietcombank tiếp tục nâng thêm 60 đồng, lên 24.480 - 24.850 đồng. Tại Eximbank, giá USD tăng 40 đồng lên 24.470 - 24.860 đồng một USD.

Ước tính mỗi USD ngân hàng đã tăng gần 300 đồng trong chục ngày qua và lên mức cao nhất từ đầu năm. Hiện, mỗi USD tại ngân hàng đang cao hơn đầu năm khoảng 430 đồng, tương đương mức tăng 1,76%.

Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục neo cao và bỏ xa mốc 25.000 đồng. Các điểm thu đổi ngoại tệ sáng 26/2 niêm yết quanh 25.200 - 25.300 đồng.

Đề xuất ba phương án nâng mức đóng bảo hiểm y tế

Bộ Y tế đề xuất lộ trình nâng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo hướng tăng tỷ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035.

Người dân khám chữa tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM

Người dân khám chữa tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM

Mức đóng BHYT hiện được xác định theo tỷ lệ % tiền lương tháng tính đóng BHXH, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở tùy nhóm tham gia, hiện bằng 4,5% và tối đa 6%.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến Dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Bộ Y tế đề xuất 3 phương án nâng dần mức đóng phù hợp phạm vi quyền lợi BHYT và nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia.

Phương án một, giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện nay nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào luật sửa đổi. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng tính đóng BHXH của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động.

Theo Bộ Y tế, phương án này giúp tăng nguồn Quỹ BHYT, cơ sở y tế có thêm kinh phí, tăng quyền lợi khám chữa lẫn tiếp cận dịch vụ của người dân cũng như hiệu quả điều trị.

Song lộ trình này cũng làm tăng chi ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, hộ gia đình và người lao động. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2021, với mức đóng hiện bằng 4,5% lương cơ sở thì ngân sách đang chi gần 42.300 tỷ đồng. Tăng mức đóng lên 5,1%, ngân sách nhà nước chi thêm 5.700 tỷ đồng mỗi năm và gần 14.100 tỷ đồng nếu mức đóng BHYT tăng lên 6%.

Phương án hai, mức đóng tối đa được giữ nguyên 6% như luật hiện hành, song lộ trình nâng với tỷ lệ cao hơn. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025 mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng của người lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc lương cơ sở, tùy vào nhóm tham gia. Từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%.

Tương tự như phương án đầu, lộ trình này cũng làm tăng chi phí của ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động lẫn hộ gia đình.

Phương án ba giữ nguyên quy định hiện hành mức đóng tối đa 6%, chưa tính đến lộ trình tăng nhưng giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Phương án này không làm tăng chi phí của xã hội, song rất khó để Chính phủ quyết định thời điểm tăng do luật không quy định…

Sau khi đánh giá lợi và hại, Bộ Y tế lựa chọn phương án ba vì không gây tăng chi từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp lẫn hỗ trợ thân nhân người lao động. Luật BHYT sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Hầm Tuy An trên cao tốc Bắc - Nam gặp địa chất yếu

Địa chất trong hầm Tuy An trên cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong khác hoàn toàn thiết kế ban đầu khiến nhà thầu phải gia cố, kéo dài thời gian thi công.

Thi công trong hầm Tuy An

Thi công trong hầm Tuy An

Hầm đường bộ Tuy An qua tỉnh Phú Yên dài hơn 1 km, thuộc Gói thầu số 1 của dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đoạn hầm phía Nam dài 772 m do Tập đoàn Đèo Cả thi công, đoạn phía Bắc do nhà thầu Lũng Lô thực hiện.

Theo ông Phạm Khắc Huỳnh, Chỉ huy trưởng hầm Tuy An (Tập đoàn Đèo Cả), hầm bắt đầu được thi công vào tháng 7/2023. Khi đào được 35 m, đơn vị thi công phát hiện đá phong hóa nhiều chuyển thành đất, địa chất không đồng đều, thay đổi hoàn toàn so với hồ sơ thiết kế. Đơn vị đã gia cố hầm để tránh sạt lở và điều chỉnh tiến độ đào.

Thay vì đào hầm rồi phun bêtông gia cố, nhà thầu phải khoan, lắp các ống thép để bơm phụt vữa xi măng, phụ gia vào vòm hầm chống sạt lở. Thời gian đào và gia cố hầm phải kéo dài do mỗi ngày chỉ hoàn thành 1 m (trước đó 6 m).

Hiện nhà thầu Đèo Cả đã đào và gia cố được 332 m hầm bên phải, 316 m hầm trái trong tổng số 772 m chiều dài hầm. Dự kiến hầm Tuy An được thông kỹ thuật vào tháng 12, chậm 2 tháng so với kế hoạch.

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48 km, trong đó Gói thầu số 1 dài 24 km nằm trên tỉnh Phú Yên. Trong giai đoạn đầu phân kỳ, tuyến đường được đầu tư 4 làn xe, nền đường rộng 17 m. Tổng giá trị gói thầu 4.300 tỷ đồng.

Hải Hà Petro chưa nộp hơn 600 tỷ đồng nợ quỹ bình ổn xăng dầu

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà chưa nộp số tiền nợ quỹ bình ổn xăng dầu khoảng 612 tỷ đồng và tiền lãi phạt chậm nộp vào ngân sách.

Một cửa hàng của Hải Hà Petro tại quận Hà Đông (Hà Nội) treo biển hết xăng, sau khi doanh nghiệp này bị tước giấy phép

Một cửa hàng của Hải Hà Petro tại quận Hà Đông (Hà Nội) treo biển hết xăng, sau khi doanh nghiệp này bị tước giấy phép

Bộ Công Thương giục Công ty Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp ngân sách số tiền trên sau hơn 1 tháng doanh nghiệp không có hồi âm, nhưng cơ quan này không đưa ra thời hạn cuối cùng. Bộ Công Thương cho biết, việc hối thúc dựa trên cơ sở phối hợp và Bộ Tài chính đã giục nhưng doanh nghiệp chưa nộp lại.

Trước đó, giữa tháng 1, Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu của Hải Hà Petro và yêu cầu doanh nghiệp này nộp ngay tiền nợ quỹ bình ổn vào ngân sách.

Theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, quỹ bình ổn được lập tại doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ các doanh nghiệp chiếm dụng quỹ, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1.

Hải Hà Petro là 1 trong số 3 doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai quỹ bình ổn, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Số tiền nợ quỹ bình ổn xăng dầu của Công ty Hải Hà tính đến cuối tháng 11/2023 là 612 tỷ đồng. Đơn vị này cũng khai thiếu, nợ thuế bảo vệ môi trường hàng nghìn tỷ đồng.

Như vậy, đến nay 2 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là Xuyên Việt Oil và Hải Hà Petro đều chưa nộp lại số tiền nợ quỹ bình ổn, lãi chậm nộp vào ngân sách. Trước đó, 2 doanh nghiệp này bị hải quan dừng thông quan xăng dầu.

Trong văn bản gửi Hải Hà Petro, Bộ Công Thương dẫn quy định cho biết, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đầu mối xăng dầu trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu. Bộ này đồng thời là đơn vị kiểm tra, kiểm soát nguồn nộp, cũng như chấp hành quy định về thu nộp và xử lý theo thẩm quyền hành vi vi phạm về thuế, phí, các khoản thu khác.

Lào Cai lập Ban chỉ đạo thúc tiến độ xây dựng 20 dự án thủy điện

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng 20 dự án thủy điện đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn.

Lào Cai thành lập Ban chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn Tỉnh. Ảnh minh họa

Lào Cai thành lập Ban chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn Tỉnh. Ảnh minh họa

Việc thành lập Ban chỉ đạo nhằm giúp UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng 20 dự án thủy điện đã được chấp thuận đầu tư trên địa bàn Tỉnh đúng quy mô, thông số, tiến độ, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện. Đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp để UBND tỉnh Lào Cai xem xét, quyết định.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 73 dự án thủy điện hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy 1.148,85 MW. Hàng năm, các dự án này đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 950 tỷ đồng.

Xuất khẩu rau quả giảm mạnh

Tháng 2/2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 290 triệu USD, giảm 41,5% so với tháng trước và sụt 10,9% so với cùng kỳ 2023.

Sầu riêng nhập kho để đóng container xuất khẩu sang Trung Quốc

Sầu riêng nhập kho để đóng container xuất khẩu sang Trung Quốc

Đây là số liệu vừa được Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính sơ bộ dựa trên tính toán từ hải quan. Theo đó, xuất khẩu rau quả tháng 2 chững lại và quay đầu giảm mạnh nhất trong 2 năm qua.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 778 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ 2023 nhờ kim ngạch tháng đầu năm tăng mạnh.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch quay đầu giảm trong tháng 2 do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán nên hải quan và nhân viên bốc xếp Trung Quốc nghỉ khiến lượng hàng xuất khẩu giảm. Các thương nhân mua hàng cũng nghỉ Tết một tuần nên giao dịch chậm lại, nguồn hàng xuất khẩu giảm theo. Ngoài ra, sau Tết nguồn cung sầu riêng - mặt hàng đóp góp kim ngạch lớn nhất - sụt giảm khiến kim ngạch xuất khẩu đi xuống.

Mặc dù xuất khẩu tháng 2 giảm mạnh, theo ông Nguyên, từ tháng 3, thị trường sẽ sôi động trở lại. Năm nay, xuất khẩu rau quả kỳ vọng đạt 6 - 6,5 tỷ USD.

Hiện, nhu cầu rau quả tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao sẽ thúc đẩy ngành này có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024.

24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế ắc quy, bao bì

24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế săm lốp, ắc quy, dầu nhớt, bao bì... chủ yếu nằm tại các địa phương có khu công nghiệp, sản xuất lớn của miền Bắc và Nam.

Nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm tái chế một số sản phẩm như săm lốp, ắc quy, dầu nhớt...tại Việt Nam từ đầu 2024

Nhà sản xuất phải thực hiện trách nhiệm tái chế một số sản phẩm như săm lốp, ắc quy, dầu nhớt...tại Việt Nam từ đầu 2024

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ 1/1, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm, lốp, pin, ắc quy, dầu nhớt và bao bì giấy (hỗn hợp, carton) sẽ phải tái chế theo tỷ lệ, quy cách bắt buộc.

Sau hơn 2 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện có 24 doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế sản phẩm, bao bì. Danh sách này được bộ đưa ra nhằm hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu chọn và hợp tác để thực hiện trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) tại Việt Nam.

Theo đó, miền Bắc chiếm hơn một nửa, với 13 doanh nghiệp thuộc địa phương có khu công nghiệp lớn, như Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy là đơn vị duy nhất được ủy quyền tái chế ở phía Bắc.

Tại miền Nam, 11 doanh nghiệp được phép tái chế nằm ở Bình Dương, Long An và Bình Phước.

Bao bì giấy, carton, ắc quy chì, săm lốp, pin và bao bì hỗn hợp (HDPE, LDPE, PP, PS và PVC cứng)... là những sản phẩm các đơn vị trên đủ điều kiện tái chế.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trường hợp nhà sản xuất, xuất khẩu liên kết với đơn vị bên ngoài danh sách cơ quan này công bố, họ phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sản phẩm sau tái chế.

Tỷ lệ tái chế sản phẩm, bao bì trước khi đưa ra thị trường với ngành săm lốp là 5%, pin sạc 8%, ắc quy 8 - 12% tùy loại và bao bì 10 - 22%.

Doanh nghiệp cũng có thể chọn nhiều giải pháp khi tái chế. Chẳng hạn, săm lốp có thể tái chế làm làm lốp dán công nghệ cao, hoặc cắt, thu hồi bột cao su làm cốt liệu.

Theo lộ trình, ngành điện, điện tử sẽ phải tái chế sản phẩm bắt buộc từ đầu 2025. Quy định tái chế áp với lĩnh vực ôtô, xe máy từ 2027.

Tin cùng chuyên mục