Bản tin thời sự sáng 27/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dự kiến làm đường sắt 1 ray chạy dọc sông Hồng; số máy bay thương mại của Việt Nam giảm mạnh; khởi tố giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil; thuê sà lan chở nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn…

Hà Nội dự kiến làm đường sắt 1 ray chạy dọc sông Hồng

TP. Hà Nội định hướng xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray dọc sông Hồng nhằm khai thác tiềm năng du lịch của khu vực.

TP. Hà Nội dự kiến làm đường sắt 1 ray chạy dọc sông Hồng

TP. Hà Nội dự kiến làm đường sắt 1 ray chạy dọc sông Hồng

UBND TP. Hà Nội vừa trình HĐND Thành phố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Đồ án định hướng TP. Hà Nội có 5 trục không gian chính, trong đó trục sông Hồng sẽ phát triển là không gian xanh, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế xã hội và là điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Trục không gian sông Hồng được phát triển đô thị, công viên sinh thái 2 bên bờ sông, khai thác giá trị cảnh quan, cảng sông, du lịch.

Trục sông Hồng được phân thành 3 khu vực gồm: đoạn 1 từ huyện Ba Vì đến cầu Hồng Hà dài 90 km; đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở dài 40 km qua đô thị trung tâm; đoạn 3 từ Mễ Sở đến hết huyện Phú Xuyên dài 30 km.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội, TP. Hà Nội định hướng xây dựng hệ thống tàu điện treo 1 ray (sky-monorail) dọc 2 bên sông Hồng. Hệ thống đường sắt này sẽ kết nối với tuyến xe buýt đường sông, triệt tiêu sự ngăn cách về không gian của hệ thống đê tả, hữu Hồng.

Tại các điểm kết nối nhà ga của tuyến đường sắt một ray sẽ kết hợp với dịch vụ du lịch văn hóa với các giá trị vật thể và phi vật thể như bãi tắm Chử Đồng Tử, khu di tích Bà Tấm Ỷ Lan, làng cổ Bát Tràng...

Trục không gian thứ 2 là hồ Tây - Ba Vì, được kết hợp đồng bộ không gian đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6. Khu vực này được xây dựng trục kết nối văn hóa Thăng Long - Xứ Đoài và vùng miền núi, trung du phía Bắc.

Trục không gian thứ 3 là hồ Tây - Cổ Loa. Đây là trục kết nối di sản đô thị lịch sử; kết hợp đồng bộ không gian kết nối hồ Tây - cầu Tứ Liên - Cổ Loa.

Trục không gian này được định hướng bố trí các công trình văn hóa, công trình biểu tượng, kết hợp với các làng truyền thống, cảnh quan mặt nước và khu di tích Thành Cổ Loa.

Trục không gian thứ 4 là Nhật Tân - Nội Bài, định hướng là trục phát triển kinh tế, đô thị thông minh, hiện đại, gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Thành phố phía Bắc.

Trục không gian thứ 5 là trục phía Nam của Hà Nội, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc. Gắn với cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô và đô thị Phú Xuyên, trục không gian này sẽ là động lực phát triển mới của Thủ đô.

Số máy bay thương mại của Việt Nam giảm mạnh

Số lượng máy bay của các hãng hàng không Việt giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm trước, khiến thị trường hàng không nội địa căng thẳng.

Máy bay các hãng tại sân bay Nội Bài

Máy bay các hãng tại sân bay Nội Bài

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 khoảng 170, giảm 40 - 45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân là một số hãng tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm quy mô đội tàu bay. Bamboo Airways trước đây có 28 máy bay, giờ chỉ còn 9 chiếc hoạt động sau khi trả công ty cho thuê toàn bộ máy bay Embraer E190. Pacific Airlines trả hết 6 tàu bay Airbus 320 để tái cấu trúc đội bay.

Ngoài ra, từ năm nay nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) phải triệu hồi động cơ để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất. Vietnam Airlines và Vietjet Air có khoảng 40 máy bay sử dụng động cơ này nên sẽ phải dừng khai thác năm 2024 - 2025 để bảo dưỡng, bắt đầu từ tháng 1/2024.

Số lượng máy bay thương mại giảm khiến nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất. Bamboo Airways đã dừng khai thác nhiều đường bay quốc tế và các đường bay nội địa sử dụng máy bay Embraer E190 như chặng Hà Nội đi Huế, Đồng Hới, Côn Đảo, Cà Mau và TP.HCM đi Đồng Hới, Côn Đảo.

Đội máy bay giảm khiến thị trường hàng không nội địa khá căng thẳng, nhất là dịp lễ 30/4 và mùa hè sắp tới, dự báo nhu cầu đi lại tăng khoảng 5 - 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đội máy bay của các hãng thiếu hụt, giá vé sẽ bị đẩy lên cao, số lượng vé rẻ có hạn.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, các hãng chủ động kế hoạch khai thác và bổ sung máy bay bị thiếu hụt giai đoạn cao điểm hè như tiếp nhận mới và thuê ướt (thuê cả máy bay và tổ bay), tối ưu kế hoạch khai thác động cơ đến hạn.

Mặc dù đã giảm quy mô đội bay, 6 hãng trong nước vẫn được Cục Hàng không Việt Nam cấp quyền khai thác tổng số 213 máy bay nên có thể thuê máy bay để bổ sung dịp cao điểm.

Khởi tố giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil

Ông Vũ Trung Thành, Giám đốc VietinBank chi nhánh Thanh Xuân, bị bắt vì tội đưa hối lộ trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Khởi tố giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh minh họa

Khởi tố giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Ảnh minh họa

Ngày 26/3, tại họp báo Bộ Công an, Đại tá Phan Thành Bá, Phó Cục trưởng An ninh điều tra, thông tin về tiến độ điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil), Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan.

Liên quan đến vụ Xuyên Việt Oil, đến nay Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 11 bị can, trong đó có 4 bị can khởi tố cuối tháng 3/2024 tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.

4 bị can này gồm: ông Vũ Trung Thành (Giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân), ông Nguyễn Văn Thắng (Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil chi nhánh Hà Nội), ông Đồng Xuân Dũng (lao động tự do) cùng bị khởi tố tội Đưa hối lộ. Ông Phan Tiến Anh (Giám đốc CN nhà máy lọc dầu Nghi Sơn) bị khởi tố tội Nhận hối lộ.

Kết quả điều tra đến nay xác định, các bị can đã lợi dụng việc Nhà nước giao thu hồi trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu nhưng không nộp tiền vào tài khoản của quỹ.

“Các bị can đã sử dụng các thủ đoạn gian dối lập báo cáo tài chính, lập và sử dụng quỹ không đúng với thực tế để chiếm đoạt vào mục đích cá nhân. Qua đó, hành vi của bị cáo gây thất thoát tài sản nhà nước”, ông Bá thông tin.

Theo ông Bá, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành phong toả tài khoản, tạm dừng giao dịch liên quan đến vụ án để tập trung thu hồi tài sản cho Nhà nước sau này.

Liên quan vụ án tại Công ty Xuyên Việt Oil, cuối tháng 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam ông Đặng Công Khôi, Cục phó quản lý giá (Bộ Tài chính) và Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 21/12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội Nhận hối lộ.

Hồi giữa tháng 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi…

Thuê sà lan chở nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn

Kênh rạch nhiễm mặn, đơn vị cấp nước phải thuê sà lan chở nước thô từ thượng nguồn về xử lý, cung cấp cho 8.000 hộ dân ảnh hưởng bởi khô hạn.

Sà lan chở nước từ thượng nguồn sông Tiền dừng tại nhà máy Chợ Lách để xử lý

Sà lan chở nước từ thượng nguồn sông Tiền dừng tại nhà máy Chợ Lách để xử lý

Theo ông Trần Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre cho biết, gần hai tháng trở lại đây, nước trên sông Tiền bị nhiễm mặn cao nhất trên 0,7 phần nghìn, không thể sử dụng. Vì vậy, Công ty phải thuê sà lan chở nước cách đó từ nhiều km cung cấp cho người dân.

Mỗi tháng Công ty tổ chức chở nước vào hai ngày, mỗi ngày hai chuyến sáng và tối. Sà lan sau khi bơm đầy khoảng 700 m3 ở khu vực thượng nguồn sông Tiền tại xã Sơn Định (Chợ Lách) sẽ chạy hơn 4 km đến nhà máy xử lý. Chi phí mua, chở và xử lý một m3 nước khoảng 22.000 đồng, song Công ty bán với giá 9.600 đồng một m3 nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Ông Trần Hùng cho biết, ngoài chi nhánh cấp nước Chợ Lách, đơn vị còn vận hành 4 nhà máy cung cấp nước cho người dân TP. Bến Tre, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, hai khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp với tổng công suất gần 70.000 m3 một ngày. Thời gian tới, nếu mặn tiếp diễn, đơn vị sẽ điều thêm sà lan chở nước cho người dân.

Mùa khô năm nay, độ mặn 4 phần nghìn xâm nhập cách các cửa sông chính 52 - 64 km ở Bến Tre, xấp xỉ mùa khô năm 2016. Do nguồn nước thô từ sông rạch nhiễm mặn, hơn 10.000 hộ dân phải dùng nước máy có độ mặn vượt ngưỡng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, hiện mặn ở mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm trước.

Hà Nội dừng giải quyết bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp tại 13 sàn vệ tinh

Từ ngày 1/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ dừng tiếp nhận, trả kết quả đối với hồ sơ trực tiếp về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp tại các sàn giao dịch việc làm vệ tinh.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đơn vị giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội, cho biết đã và đang tiếp tục vận động người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến về thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định.

Cùng với đó, từ ngày 1/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ dừng tiếp nhận, trả kết quả đối với hồ sơ trực tiếp về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tại 13 sàn giao dịch việc làm vệ tinh thuộc Trung tâm.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động có nhu cầu nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp chuyển sang thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc thụ hưởng quyền lợi của mình.

Người lao động có nhu cầu nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp trực tiếp sẽ được tiếp nhận, trả kết quả theo quy định tại Bộ phận Một cửa, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Sau thời gian thí điểm tại 4 sàn việc làm vệ tinh gồm: Đông Anh, Nam Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm, từ ngày 28/11/2023 - 14/3/2024, đã có 3.196 lượt người lao động được tư vấn, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.

Tổng số nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là 2.492 lượt người, trong đó hồ sơ trực tuyến 2.325 lượt, chiếm 93,29%; hồ sơ trực tiếp 167 lượt, chiếm 6,71%.

Đề nghị truy tố 254 bị can sai phạm liên quan đến đăng kiểm

Ngày 26/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt với Đặng Việt Hà - Cựu Cục Trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Cơ quan chức năng đọc lệnh bắt với Đặng Việt Hà - Cựu Cục Trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình, cựu Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; bị can Đặng Việt Hà, cựu Cục Trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

132 bị can bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ; 53 bị can bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ; 5 bị can bị đề nghị truy tố về tội môi giới hối lộ; 10 bị can bị đề nghị truy tố về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngoài ra, các bị can khác bị đề nghị truy tố về các tội giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật...

Theo kết luận điều tra, trong quyền hạn, nhiệm vụ được phân công, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu thông. Tuy nhiên, các bị can là lãnh đạo, đăng kiểm viên VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra theo quy định. Đồng thời, nhận hối lộ từ các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ để bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định.

Công ty CP Thuận Thảo bị cưỡng chế thuế vì nợ hơn 184,6 tỷ đồng

Dây dưa nộp thuế trong nhiều năm qua, Công ty CP Thuận Thảo bị cưỡng chế thuế vì nợ thuế lên đến trên 184,6 tỷ đồng.

Khu đất "vàng" sát biển của Công ty CP Thuận Thảo vẫn đang bỏ hoang

Khu đất "vàng" sát biển của Công ty CP Thuận Thảo vẫn đang bỏ hoang

Chiều 26/3, một lãnh đạo Cục Thuế Phú Yên xác nhận, cơ quan này đã ra quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo. Biện pháp cưỡng chế là ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Thuận Thảo.

Ngoài ra, Cục Thuế Phú Yên còn ra thông báo ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty CP Thuận Thảo.

Lý do của việc cưỡng chế thuế đối với Công ty CP Thuận Thảo được đưa ra là do công ty này còn nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế với số tiền nợ trên 184,6 tỷ đồng.

"Trong số này, trên 100 tỷ đồng là tiền phạt chậm nộp thuế vì Công ty đã dây dưa không nộp thuế từ mấy năm nay. Theo thông tin Cục Thuế Phú Yên nắm được, hiện Công ty CP Thuận Thảo còn 3 khu đất thuê trả tiền hằng năm tại Phú Yên. Việc cưỡng chế thuế là cần thiết", một lãnh đạo Cục Thuế Phú Yên cho biết.

Công ty CP Thuận Thảo có địa chỉ tại số 03 Hải Dương, xã Bình Ngọc, TP. Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thuận Thảo, từng được xem là "bông hồng vàng" Phú Yên.