Bản tin thời sự sáng 27/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các khu công nghiệp Bình Dương tiếp tục hút vốn ngoại; công ty Fomeco - doanh nghiệp phân phối phụ tùng sắp trả cổ tức với tỷ lệ 200%; 3 huyện ở Hà Nội thu hơn 650 tỷ đồng tiền đấu giá đất; phà trọng tải lớn ra đảo Cát Bà gặp sự cố, phải di dời khỏi cảng…

Các khu công nghiệp Bình Dương tiếp tục hút vốn ngoại

5 tháng đầu năm, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút thêm hơn nửa tỷ USD vốn FDI, tăng 75% so với cùng kỳ 2023.

Một góc khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương nhìn từ trên cao

Một góc khu công nghiệp VSIP tại Bình Dương nhìn từ trên cao

Thông tin được Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương (BDIZA) cho biết tại cuộc họp với Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh hôm 24/5. Việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại Bình Dương đã đạt những kết quả tích cực dù kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào thủ phủ khu công nghiệp phía Nam này đạt 525 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ 2023 và đạt gần 44% kế hoạch cả năm. Trong đó, Tỉnh đã cấp mới 58 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 270 triệu USD, 210 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 250 triệu USD. Các khu công nghiệp Bình Dương cũng có thêm 1.058 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước - gần đạt kế hoạch cả năm.

Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp tại Bình Dương đã thu hút được trên 3.130 dự án, trong đó dự án FDI chiếm gần 80% với tổng vốn đã đăng ký 29,7 tỷ USD. 682 dự án đầu tư trong nước với vốn gần 95.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8 tỷ USD.

Cả năm nay, Ban Quản lý khu công nghiệp Bình Dương đặt mục tiêu đón thêm 130 - 140 dự án, với tổng mức đầu tư 1,2 - 1,3 tỷ USD. Các dự án này có thể tạo việc làm cho 15.000 lao động.

BDIZA cũng lên kế hoạch phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới đến năm 2030. Trong đó, hai khu công nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên và thành phố Tân Uyên sẽ được lập mới trong 2 năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha. 8 khu công nghiệp khác còn lại tại huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giao với quy mô trên 6.000 ha. Ngoài đầu tư mới, Tỉnh sẽ mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu để thu hút các ngành nghề giá trị cao, công nghệ mới.

Công ty Fomeco - doanh nghiệp phân phối phụ tùng sắp trả cổ tức với tỷ lệ 200%

Cổ đông Công ty CP Cơ khí Phổ Yên dự kiến nhận cổ tức với mức 200%, sau khi ghi nhận lợi nhuận cao nhất lịch sử trong năm 2023.

Chính sách cổ tức "khủng" cho cổ đông được đưa ra sau khi doanh nghiệp lập kỷ lục lợi nhuận năm vừa qua

Chính sách cổ tức "khủng" cho cổ đông được đưa ra sau khi doanh nghiệp lập kỷ lục lợi nhuận năm vừa qua

Công ty CP Cơ khí Phổ Yên - Fomeco (UPCoM: FBC) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 200%, tương đương 20.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức chia cổ tức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Với 3,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự tính phải chi ra số tiền 74 tỷ đồng, tương đương 67,5% lợi nhuận sau thuế lũy kế đến năm 2023 để thanh toán cổ tức trong đợt này.

Hiện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51% vốn của Fomeco. Theo đó, doanh nghiệp dự kiến nhận về số tiền gần 38 tỷ đồng từ đợt chia cổ tức này.

Từ khi giao dịch năm 2017 đến nay, Fomeco luôn chia cổ tức bằng tiền mặt cao và đều đặn cho cổ đông 30 - 65% mỗi năm. Năm 2022, công ty này đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 120% (mỗi cổ phiếu được nhận 12.000 đồng).

Chính sách cổ tức "khủng" cho cổ đông được đưa ra sau khi doanh nghiệp lập kỷ lục lợi nhuận năm vừa qua. Cụ thể, doanh thu năm 2023 đạt gần 1.050 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại tăng 10% lên gần 73 tỷ đồng.

Năm nay, Fomeco lên kế hoạch doanh thu đạt gần 1.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến hơn 60 tỷ đồng, giảm lần lượt 1% và 17% so với mức thực hiện trong năm 2023.

Công ty CP Cơ khí Phổ Yên (trụ sở tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) được thành lập từ năm 1974 và chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2003.

Đặc biệt, các sản phẩm của công ty này đã tham gia vào chuỗi cung ứng phụ trợ và cung cấp trên 60 loại chi tiết với sản lượng 80 triệu linh kiện/năm cho các hãng sản xuất và lắp ráp xe máy có uy tín lớn như Honda, Yamaha, Suzuki... và gần nhất là cung cấp bi phốt cho VinFast.

3 huyện ở Hà Nội thu hơn 650 tỷ đồng tiền đấu giá đất

Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Phú Xuyên, Phúc Thọ, Mê Linh (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá đất thành công, thu về hơn 653 tỷ đồng.

Nhiều huyện ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất

Nhiều huyện ở Hà Nội tổ chức đấu giá đất

Thông tin từ UBND huyện Phú Xuyên, đơn vị vừa tổ chức công khai đấu giá được 21 trong tổng 31 lô đất rộng 2.664,71 m2 tại thôn Bái Đô (xã Tri Thủy), thôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ), thôn Tư Sản (xã Phú Túc)…

Theo đó, 21 lô đất đấu giá thành công có tổng giá khởi điểm hơn 33 tỷ đồng. Qua đấu giá, UBND huyện Mê Linh đã thu về khoảng 47 tỷ đồng, tổng số tiền thu chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá đấu thực là hơn 13,5 tỷ đồng.

Giá khởi điểm cho 21 lô đất này gần 10 - 15,1 triệu đồng/m2. Các khu đất này đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Thông tin từ UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, Huyện cũng đã thu về gần 380 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất.

Thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ cho thấy, tổng diện tích đã thực hiện đấu giá thành công từ đầu năm 2024 trên địa bàn là 19.549,17 m2, tổng số tiền trúng đấu giá trong 9 phiên vừa qua gần 380 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ - cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, địa phương dự kiến đưa ra đấu giá 10 khu đất, diện tích khoảng 25.000 m2, Huyện kỳ vọng thu về tổng số tiền 472,6 tỷ đồng từ các phiên đấu giá quyền sử dụng các thửa đất.

Còn tại huyện Mê Linh, thống kê trong quý I/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh đã phối hợp tổ chức đấu giá thành công 77 thửa đất, thu về hơn 266 tỷ đồng.

Trên đà thành công của những phiên đấu giá trong quý I/2024, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá gần 500 thửa trong năm 2024. Đây là các khu đất nằm ở vị trí đẹp, đón đầu Dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.

Phà trọng tải lớn ra đảo Cát Bà gặp sự cố, phải di dời khỏi cảng

Trưa 26/5, phà HP-2735 bị nước tràn gây ngập khoang mũi phà nên lực lượng chức năng phải di chuyển ra khỏi khu vực bến phà Đồng Bài, huyện Cát Hải, để đưa về nơi khắc phục sự cố, phòng, chống cháy nổ.

Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng đang tiến hành xác định nguyên nhân phà HP-2735 bị nước tràn gây ngập khoang mũi.

Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng đang tiến hành xác định nguyên nhân phà HP-2735 bị nước tràn gây ngập khoang mũi.

Chiều 26/5, thông tin từ Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng, vào hồi 11 giờ 30 ngày 26/5, tại bến phà Đồng Bài, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, đã xảy ra sự cố phà HP-2735 bị nước tràn gây ngập khoang mũi phà.

Tại thời điểm xảy ra sự cố, trên phà không có người và phương tiện. Đến thời điểm này, phà đang được di chuyển ra khỏi khu vực bến để đưa về nơi khắc phục sự cố.

Khi xảy ra sự cố, Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng đã báo cáo UBND Thành phố, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Cát Hải và thông báo cho Cảng vụ hàng hải Hải Phòng; Bộ đội Biên phòng Cát Hải và các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn về môi trường và phòng, chống cháy nổ.

Công ty cũng khẩn trương rà soát, kiểm tra các phương tiện còn lại bảo đảm an toàn cho vận chuyển hành khách.

Hiện tại việc vận chuyển hành khách ra đảo Cát Bà và ngược lại vẫn được duy trì đảm bảo. Đối với phà HP-2735 bị sự cố, Công ty CP Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng đang tiến hành xác định nguyên nhân và xử lý sự cố để sớm đưa phương tiện vào hoạt động.

Đề xuất giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần

Hiện nay, luật quy định thời gian làm việc mỗi tuần của người lao động không quá 48 giờ, nhưng doanh nghiệp đề xuất giảm xuống 44 giờ và 40 giờ.

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ

Tại Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia ngày 26/5, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty Changshin Việt Nam kiến nghị giảm thời gian làm việc trong tuần của lao động trong doanh nghiệp (khu vực tư nhân) từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Theo ông, việc điều chỉnh này để phù hợp và theo kịp các nước cùng khu vực, tạo điều kiện cho lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe, chăm lo cho gia đình.

"Trong thời đại công nghệ 4.0, để thúc đẩy tăng năng suất lao động, các doanh nghiệp cần phải đầu tư máy móc công nghệ hiện đại thay thế cho những công việc thủ công lạc hậu, quan tâm đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động", ông nhìn nhận.

Ông đề xuất Chính phủ hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng máy móc, thiết bị hiện đại, quy trình nhập khẩu đơn giản và linh hoạt.

Với Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Tú đề nghị Chính phủ và Quốc hội tiếp tục ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo cho người lao động và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Theo Bộ luật Lao động 2019, giờ làm việc của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Trước đó, Tổng liên đoàn Lao động cũng đã kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sớm thực hiện quy định về giảm số giờ làm việc bình thường đối với người lao động xuống mức thấp hơn 48 giờ/tuần.

Hà Nội sắp chi hơn 21.000 tỷ đồng mở rộng 2 tuyến Quốc lộ 21A và Quốc lộ 21B

Quốc lộ 21A và Quốc lộ 21B với tổng chiều dài khoảng 35 km sắp chi hơn 21.000 tỷ đồng mở rộng giúp giảm ùn tắc, tăng tính kết nối liên vùng.

Quốc lộ 21A đoạn qua xã Thạch Hoà (Thạch Thất, Hà Nội)
Quốc lộ 21A đoạn qua xã Thạch Hoà (Thạch Thất, Hà Nội)

Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21A đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai có tổng mức đầu tư (dự kiến) là 18.722 tỷ đồng.

Toàn tuyến dài 25,75km, đi qua địa phận thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Điểm đầu tại cầu Quan (Sơn Tây); điểm cuối tại Km25+745 nối về quốc lộ 21A (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ). Tuyến chính theo cấp đường trục chính đô thị với vận tốc thiết kế 80 km/h; đường song hành (đường gom) theo cấp đường chính khu vực, vận tốc thiết kế 60 km/h…

Bên cạnh Quốc lộ 21A, tuyến Quốc lộ 21B đoạn từ Tỉnh lộ 424 đến hết địa phận huyện Ứng Hoà cũng đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu mở rộng, với mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Nam thành phố, tuy nhiên sau nhiều năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp và quá tải khi lưu lượng phương tiện ngày một đông.

Theo phương án đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường được mở rộng có chiều dài khoảng 10km, điểm đầu tại Km31+550 (nút giao đường tỉnh 424), điểm cuối tại Km41+550 (hết địa phận huyện Ứng Hòa). Hiện trạng đoạn tuyến cơ bản đạt cấp II đồng bằng, đoạn qua khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị; quy mô mặt cắt ngang 35m với 6 làn xe.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế 80 km/h. Các đoạn tuyến do phải bám sát đường hiện trạng, tránh giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn, tránh cắt công trình tôn giáo tín ngưỡng, đề xuất tốc độ thiết kế 50 - 60 km/h.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND huyện Ứng Hòa để chuẩn xác số liệu giải phóng mặt bằng làm cơ sở tính toán chi phí giải phóng mặt bằng Dự án.

2 tàu chở 30.000 lít dầu DO trôi nổi bị Cảnh sát biển 4 bắt quả tang

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 vừa phát hiện, bắt giữ 2 tàu vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.

2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Ngày 26/5, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, đơn vị đã dẫn giải 2 tàu cá chở dầu DO không rõ nguồn gốc về cảng Hải đội 422 tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào ngày 22/5, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển tại khu vực cách Nam Đông Nam đảo Hòn Khoai (tỉnh Cà Mau) khoảng 130 hải lý, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện, kiểm tra tàu KG 955xx TS và tàu KG 929xx TS.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu KG 955xx TS có 19 thuyền viên, do ông L.T.P làm thuyền trưởng; tàu KG 929xx TS có 4 thuyền viên, do ông N.P.K làm thuyền trưởng, cả hai thuyền trưởng đều có địa chỉ thường trú tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên 2 tàu đang vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO. Theo lời khai ban đầu của 2 thuyền trưởng, số dầu này là dầu mua trôi nổi trên biển, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản, niêm phong hàng hóa vi phạm.

Đề nghị truy tố vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai tại Đông Hoà (Phú Yên)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đã có kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố vụ án Vi phạm các quy định về quản lý đất đai; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra từ năm 2013 - 2019 tại huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa).

Trung tâm Hành chính Thị xã Đông Hoà

Trung tâm Hành chính Thị xã Đông Hoà

Theo kết quả điều tra, từ năm 2018 - 2019, các cơ quan giám sát của tỉnh Phú Yên nhận thấy, khi giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, ông Võ Ngọc Hòa - Chủ tịch, ông Lê Tấn Thảo - Phó Chủ tịch huyện Đông Hòa; ông Nguyễn Văn Tiên - Trưởng phòng, ông Huỳnh Tấn Phước và bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung - Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường Huyện, đã có hành vi không thực hiện đúng quy định trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, không thẩm định hồ sơ xin chuyển mục đích mà vẫn lập nhiều hồ sơ với nhiều sai phạm.

Theo kết luận điều tra, từ năm 2018 - 2019, bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung, ông Nguyễn Văn Tiên và ông Huỳnh Tấn Phước đã lập, tham mưu 1.156 hồ sơ với các sai phạm.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung cùng với ông Nguyễn Văn Tiên lập, tham mưu 1.121 hồ sơ; bà Nguyễn Thị Huỳnh Dung cùng với ông Huỳnh Tấn Phước lập, tham mưu 35 hồ sơ, trình cho các ông Võ Ngọc Hòa đồng ý ký 136 quyết định, ông Lê Tấn Thảo đồng ý ký 978 quyết định và ông Võ Đình Tiến đồng ý ký 42 quyết định cho phép các hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất trồng lúa sang đất ở trái quy định pháp luật.

Tổng diện tích chuyển đổi là 308.175 m2, giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền theo kết quả định giá là 432 tỷ đồng.

Căn cứ hồ sơ tài liệu, kết quả điều tra, cơ quan công an đánh giá đây là vụ án rất phức tạp do nhiều cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn huyện Đông Hòa vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân khác, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ được giao…, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước số tiền hơn 32,8 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục